Kích hoạt tiềm năng - Văn hóa công ty và cuộc trò chuyện khai mở

Trí Việt29/03/2021 08:30
Kích hoạt tiềm năng - Văn hóa công ty và cuộc trò chuyện khai mở

Giáo sư J. Bonner Ritchie - nhà nghiên cứu hành vi ứng xử trong công ty kể câu chuyện về các cuộc trò chuyện tác động đến văn hóa công ty. Mặc dù bản thân câu chuyện đã lỗi thời, nhưng nguyên tắc ẩn chứa trong đó vẫn có thể được ứng dụng trong thế giới ngày nay.

 

Mọi việc vẫn diễn ra tốt đẹp...

“Mọi việc dưới đó thế nào?”, Sếp Lớn, con hải tượng đầu đàn, la lên từ một mỏm đá lớn gần bờ biển. Nó chờ đợi những lời tốt đẹp. Bên dưới, các con hải tượng nhỏ hơn đang bàn tán với nhau. Mọi việc chẳng ổn chút nào, vài tuần nay mực nước trong vịnh liên tục giảm và bầy hải tượng phải đi xa hơn nữa mới bắt được nguồn cá trích đang ngày càng giảm đi. Nhưng không ai muốn báo một tin như vậy cho Sếp Lớn.

Hải tượng Basil - Sếp Phó vẫn còn nhớ rõ Sếp Lớn đã giận dữ với nó đến mức nào khi bầy hải tượng không bắt đủ lượng cá trích, và nó không muốn trải nghiệm này lặp lại.

Cuối cùng, Basil nói, “Mọi thứ đang diễn ra khá tốt, thưa sếp”. Ý nghĩ về mực nước ngày càng thấp khiến lòng nó nặng trĩu, nhưng nó nói tiếp, “Sự thật là bãi biển có vẻ ngày càng rộng hơn”.

Sếp Lớn lẩm bẩm, “Tốt, tốt. Việc đó sẽ cho chúng ta thêm không gian thoải mái”. Nó nhắm mắt và tiếp tục nằm sưởi nắng.

Ngày hôm sau có một đàn hải tượng khác chuyển đến khu vực này, và với lượng cá trích khan hiếm thì cuộc xâm lấn này có thể rất nguy hiểm. Không ai muốn nói với con hải tượng đầu đàn, mặc dù chỉ có nó mới có thể đối phó với cuộc cạnh tranh mới.

Basil đến gặp Sếp Lớn. Sau vài câu chuyện vặt, nó nói, “À, nhân tiện, thưa sếp, một đàn khác có vẻ đang di chuyển vào vùng lãnh thổ của chúng ta”. Sếp Lớn trừng mắt, và trước khi nó kịp tuôn ra một tràng giận dữ, Basil đã nhanh chóng nói thêm, “Tất nhiên chúng ta không mong muốn bất kỳ rắc rối nào. Trông chúng không có vẻ là những kẻ ăn cá trích. Chúng có vẻ thích cá tuế hơn. Và như sếp biết đó, chúng ta đâu có đụng đến bọn cá tuế”.

Con hải tượng già thở phào nhẹ nhõm: “Tốt, tốt. Thế thì chúng ta chẳng có gì phải lo lắng đúng không?”.

Rồi một hôm nọ, Sếp Lớn nhảy xuống khỏi mỏm đá và nhận thấy dường như đàn của nó đã mất một số thành viên. Nó gọi Sếp Phó đến và cáu kỉnh nói, “Chuyện gì đang diễn ra vậy Basil? Mọi người đâu cả rồi?”. Basil không đủ can đảm để nói với con đầu đàn rằng nhiều con hải tượng trẻ khác đã bỏ theo đàn mới mà trả lời, “À, thưa sếp, chúng ta đang tinh gọn đội ngũ lại một chút. Sếp biết đó, cuối cùng là đàn của chúng ta chỉ còn toàn những thành viên khỏe mạnh.”

Con hải tượng già lại gật gù, “Lèo lái một con thuyền tinh gọn, ta đã luôn bảo như thế. Ta rất vui khi nghe mọi việc vẫn diễn ra tốt đẹp”.

Không lâu sau thì tất cả những con hải tượng còn lại, ngoại trừ Basil, đều bỏ theo đàn mới, và Basil nhận ra đã đến lúc phải nói sự thật với con hải tượng đầu đàn. Sợ sệt nhưng quyết tâm, nó lạch bạch đến chỗ mõm đá lớn. Nó nói: “Thưa sếp, tôi có tin xấu. Các thành viên còn lại của đàn đã rời bỏ ngài”. Con hải tượng già quá kinh ngạc đến nỗi không thể phát ra được một tiếng gầm. Nó kêu toáng lên, “Bỏ ta à? Tất cả hả? Nhưng tại sao? Làm sao mà việc này có thể xảy ra?”.

Basil chẳng còn tâm trạng để nói sự thật, nên nó chỉ nhún vai bất lực. Con hải tượng già than thở, “Ta không thể hiểu nổi. Mới đây mọi việc vẫn rất tốt đẹp mà”.

Theo Ritchie, bài học ở đây là “Những điều người lãnh đạo muốn nghe thường không phải là những điều anh ta cần biết”. Chúng ta có thể nói thêm, “Làm sao anh ta có thể biết được khi anh ta không tạo ra văn hóa trò chuyện cởi mở khuyến khích sự giao tiếp hiệu quả, gắn kết tài năng và hiệu quả cao nhất của mỗi người nhằm hướng đến những mục tiêu chung và khai thông con đường để đạt được các mục tiêu đó?”.

kichhoattiemnang-quote-02.png

Điều gì tạo ra văn hóa của tổ chức?

Ngày nay, “văn hóa” là một trong những từ phổ biến nhất được dùng khi chúng ta nói về các tổ chức. Khi một công ty thành công, chúng ta thường nhắc đến “văn hóa vững mạnh” của nó. Khi các tổ chức gặp khó khăn, đôi khi chúng ta nói, “Họ có văn hóa yếu kém, họ không thể giữ chân người tài”.

Văn hóa là môi trường được tạo ra bởi những hành vi ứng xử theo thói quen có chọn lọc của những người trong tổ chức. Nói một cách đơn giản, đó chính là các thói quen của họ. Những thói quen này là thứ mà bạn có thể quan sát.

Người ta có bắt đầu và kết thúc cuộc họp đúng giờ hay không, hay là họ thường trễ giờ? Họ chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cuộc họp, hay họ lao đến vào phút chót mà chẳng chuẩn bị gì? Họ cởi mở đón nhận phản hồi hay có thái độ hằn học khi người khác cố gắng đưa ra các gợi ý? Họ thoải mái chia sẻ thông tin, hay họ giữ kín cho riêng mình? Tất cả những điều này đều là hành vi theo thói quen mà bạn có thể quan sát, và chúng tạo ra văn hóa của tổ chức.

Hãy nhớ rằng cốt lõi của một tổ chức hiệu quả là sự tương tác hợp lực của những con người tạo nên tổ chức đó. Cuộc trò chuyện khai mở tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác hợp lực đó. Chúng rất đơn giản, thiết thực và có thể thực hiện được; nhưng nhìn chung, chúng vừa là mục tiêu của một tổ chức có thành tích cao, vừa là cách để mục tiêu ấy được thực hiện.

Giống như một người nông dân khôn ngoan, một nhà lãnh đạo khôn ngoan học được rằng nếu chuẩn bị đất đai, trồng cây, vun xới và chăm sóc, sau một thời gian bạn sẽ nhận được hoa trái của những hạt giống mình gieo. Mặc dù không phải lúc nào ta cũng có thể dự đoán những cơn bão hay một trận hạn hán, nhưng ta có thể dự đoán được quy trình chung. Nếu nỗ lực áp dụng các nguyên tắc giá trị, thì theo thời gian, bạn sẽ tạo ra nền văn hóa giúp giải phóng năng lực làm việc và vun đắp thành công.

Theo Kích hoạt tiềm năng

Tặng độc giả thân thiết mã ưu đãi giảm thêm 5% khi nhập FHSTD tại Fahasa qua link http://bit.ly/kichhoattiemnang-fhs. Thời gian áp dụng đến 31/03/2021


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024