Bất kể mọi chuyện có phức tạp tới đâu, luôn tồn tại một phương pháp đơn giản có thể giải quyết nó.
Bạn nhất định sẽ nói: ăn nói linh tinh, làm gì có chuyện gì là đơn giản trên đời này!
Lập trường khác nhau, góc độ nhìn nhận vấn đề khác nhau, quan điểm không giống nhau, tất nhiên sẽ có những cách hiểu và sự cảm ngộ không giống nhau khi đối mặt với cùng một câu nói.
Không có đúng sai, cao thấp hay tốt xấu ở đây, cách hiểu của bạn chính là sự đúng đắn.
Mỗi người đều là đạo diễn, biên kịch, kiêm luôn diễn viên chính trong bộ phim cuộc đời mình, chỉ cần không phạm pháp, sẽ chẳng tồn tại cái gọi là "đúng sai".
Chỉ có điều nhận thức của mỗi người là khác nhau, tư duy khác nhau, nên cho ra những kết quả khác nhau mà thôi.
Bạn dùng quan niệm cũ, tư duy cũ, sẽ chỉ thu lại được những kết quả cũ.
Khi còn nhỏ, người lớn thường hay bảo rằng: khi gãy răng, gãy ở hàm dưới thì phải vứt lên trên mái nhà, gãy ở hàm trên thì hãy vứt xuống gầm giường;
Nói dối thì mũi dài;
Ăn dưa phải bỏ hạt không thì hạt sẽ mọc thành cây ở trong bụng;
Mắt phải nháy là phát tài, mắt trái nháy là điềm xấu…
Lớn lên rồi, vẫn còn rất nhiều người trong chúng ta tin vào điều kì diệu của những câu nói ấy. Khi còn đi học, thầy cô và ba mẹ luôn nói với bạn rằng phải nghe lời, chăm chỉ học hành, nếu không sau này không tìm được việc, đến rác cũng không có mà đi hót.
Lớn lên rồi mới phát hiện ra, công việc tốt tìm được rồi, nhưng những người "sống tốt" ở đơn vị lại thường là mấy bạn suốt ngày nghịch ngợm ngày xưa, những người ăn nói khéo léo, biết nịnh sếp, xã giao giỏi, biết cách tạo mối quan hệ với lãnh đạo.
Ngay cả những người chỉ học hết cấp 2, cấp 3, sau này vẫn có thể làm ông nọ bà kia, thậm chí là ông chủ của bạn.
Khi mới bắt đầu học lấy bằng lái xe, giáo viên sẽ dạy bạn phải tuân thủ luật giao thông, biết quý trọng sinh mệnh, biết tuân thủ quy tắc;
Lấy được bằng lái xe rồi mới phát hiện ra, chỉ cần bạn giữ một khoảng cách an toàn, ngay lập tức sẽ có 1,2,3… chiếc xe cố gắng luồn lách chen vào cái khoảng cách an toàn đó của bạn.
Suy nghĩ ra sao, hành vi thế nào, dù không phân đúng sai, nhưng ắt sẽ cho ra những kết quả tương xứng.
Cái tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó là, bất cứ chuyện gì, cũng đều có vô cùng nhiều cách nhìn nhận, hành xử và giải quyết, nhưng phương pháp hiệu quả nhất trong đó lại luôn là "đơn giản hóa".
Trong cuộc sống thực tế, có rất nhiều người thích phức tạp hóa những chuyện đơn giản, cảm giác như việc càng phức tạp thì càng cho thấy được bản lĩnh của họ.
Ngược lại, chỉ có một số ít người mới có bản lĩnh đơn giản hóa những điều phức tạp.
Lão Tử ngàn năm trước trong cuốn "Đạo Đức Kinh" có nói: Vạn vật trên đời đều được cấu thành đơn giản từ "âm dương".
Lý Tiểu Long, huyền thoại Kungfu cũng từng nói: Mọi thứ công phu trên thế giới, chỉ gói gọn đơn giản trong hai từ "công thủ", làm đúng thì đứng, làm sai thì nằm xuống.
Mọi hoạt động thương mại, chẳng qua cũng chỉ gói gọn trong hai chữ "mua bán".
Khởi nghiệp, làm ăn kinh doanh, cũng chỉ hai chữ "lỗ lời" …
Từ nhỏ tới lớn, đã khi nào bạn bỗng chợt hiểu ra được một đạo lý nào đó thông qua một sự việc, đọc một cuốn sách hay nghe một câu nói nào đó chưa?
Có những chuyện nào, bỗng nhiên phá vỡ nhận thức trước đây của bạn?
Có những việc nào, vốn dĩ bạn cho rằng là không thể, nhưng rồi một ngày bỗng phát hiện ra, giải quyết chúng theo cách đơn giản là một chuyện quá bình thường?
Trong xã hội công nghệ thông tin như hiện nay, sự bùng nổ thông tin tấn công não bộ của bạn hàng ngày, bạn có phát hiện ra rằng:
Có những thứ bạn tưởng là đúng nhưng lại là sai, bạn tưởng là xấu những thực ra lại là tốt, những người trông có vẻ rất ngốc, nhưng thực ra lại vô cùng thông minh…
Giống như một bộ phim bom tấn của Mỹ "Forrest Gump", ai cũng nghĩ Forrest Gump là kẻ ngu ngốc nhất, nhưng thực tế vừa hay lại ngược lại.
Tăng Quốc Phiên được mệnh danh là "thánh nhân" của Trung Quốc, ít ai biết rằng khi xưa, những hành vi của ông không hề được xem là tốt đẹp, và thậm chí còn bị coi là ngu ngốc. Tăng Quốc Phiên không có một chút mánh khóe hoa mỹ nào, khi dẫn quân đi đánh quân nổi dậy, bất kể là tấn công hay phòng thủ, ông chỉ dùng một chiêu đơn giản nhất.
Ngay sau khi dựng trại, phải đào hào xung quanh trại để phòng thủ, không bao giờ tiến công một cách hấp tấp, không để chỉ trích của các quan khác trong triều làm ảnh hưởng, từng bước một, ổn định, không để cho địch thủ có cơ hội.
Hậu nhân đánh giá: dùng phương pháp ngốc nhất (đơn giản) để đánh trận thông minh nhất.
Một người làm ăn, kiếm lời bằng một chữ "thiệt", người khác lãi hai tôi chỉ kiếm một, người khác đợi khách tới hàng, tôi mang hàng tới tận nhà khách, thiệt ít ăn ít, thiệt nhiều kiếm nhiều, từng bước biến chữ "thiệt" thành chữ "lời".
Những người thực sự thông minh, đơn giản nhưng không đơn giản, ngoài ngốc nhưng trong lại rất tinh khôn.
Những người thực sự thông minh luôn tập trung thời gian, sức lực và trí tuệ cho những việc họ phải làm hàng ngày, và mặc nhiên bỏ qua những thứ linh tinh xung quanh.
"Đạo đức kinh": Phản giả đạo chi động!
Việc bạn cho là tốt chưa chắc đã là tốt, việc bạn cho là không tốt chưa chắc nó đã xấu.
Chuyện tốt có thể biến thành chuyện xấu, chuyện xấu cũng có thể biến thành chuyện tốt.
Bản chất của thế giới chính là đơn giản.
Không chịu tác động của thế giới bên ngoài, cứ là chính mình.
Đi làm thì tập trung vào một chữ "làm" dù lương lậu bao nhiêu, bạn làm tốt, tự nhiên sẽ được trả lương hậu hĩnh.
Làm ăn kinh doanh đừng chỉ nghĩ kiếm tiền cho mình, hãy nghĩ nhiều hơn tới việc làm sao để khách hàng cũng được "kiếm", khách tự nhiên sẽ nhiều.
Hai người cãi nhau, đừng luôn chỉ cho rằng mình đúng, ngược lại, nếu mình sai, đối phương đúng, ai nhường trước, thì người đó "thắng".
Thoát ra khỏi tư duy vốn có của mình thực ra rất đơn giản, cứ tư duy ngược lại rồi bạn sẽ hiểu ra.
Khởi nghiệp làm ăn kinh doanh đừng quên cái tâm ban đầu, càng đơn giản càng khó xảy ra sai xót, càng đơn giản càng dễ vận hành, càng đơn giản càng dễ kiên trì, càng đơn giản càng lâu dài.
Dừng nghe mấy lời của những người tự xưng mình là chuyên gia muốn mách bạn thành công nhanh chóng lại, trái đất hình tròn, dù tạm thời phương hướng có sai, thì cùng lắm là mất thêm nhiều thời gian hơn một chút, rồi bạn kiểu gì cũng vẫn sẽ đạt được mục tiêu.
Bạn bước lên 2 bước, lùi sau 3 bước, bạn bước sang bên trái một bước rồi lại bước sang bên phải một bước, làm vậy cũng sẽ chẳng ngã được!
Rất nhiều chuyện, không phải phương pháp không đúng, cũng không phải không đủ đơn giản, mà là tinh thần và sức lực đặt không đúng chỗ.
Sách xưa có bảo, "mưu định" rồi hãy "động".
Còn phần lớn những người bình thường như chúng ta, mưu còn chưa định thì cũng đã sớm không muốn động rồi!
Phá bỏ nhận thức cố hữu, phá bỏ thói quen và nhìn thế giới với tư duy ngược lại, có lẽ bạn sẽ có được những thành tựu và kết quả khác nhau.
Bất kể một chuyện phức tạp nào cũng đều được cấu thành nên từ vô số những chuyện đơn giản, đừng nghĩ tới việc chín ép, hay một miếng ăn hết miếng takoyaki, bỏng lưỡi đấy bạn ạ!
Không tranh, không biện, không chịu ảnh hưởng của những luồng thông tin bên ngoài, chuyên tâm làm tốt mỗi một việc đơn giản nhất trong tầm tay, đó chính là thành tựu.
Mở rộng chiều hướng suy nghĩ, thoát ra khỏi mô hình tư duy cũ, có thể những thứ bạn từng cho là không thể, thực ra cũng chẳng có gì to tát.
Chuyện phức tạp thì cứ đơn giản mà làm, chuyện đơn giản thì kiên trì làm, không có gì là không thể cả.
Khởi nghiệp kinh doanh, bất kể là offline hay online, kiếm được bao nhiêu có lẽ không quan trọng.
Quan trọng là bỗng nhiên một ngày nào đó bạn phát hiện ra rằng, thì ra, không cần phải làm công ăn lương, không cần phải bán sức lao động cho ai, mình vẫn có cơ hội để kiếm tiền.
Nếu vì dịch bệnh mà bạn mất đi công việc, vậy bạn cho rằng mình còn có những năng lực kiếm tiền nào?
Giữa người với người, bản chất khác biệt không lớn, nửa đời trước của chúng ta thực ra cũng không khác nhau là mấy, nhưng thứ quyết định nửa đời sau của chúng ta lại chính là năng lực "tư duy"!
Theo Trí Thức Trẻ