Khoảnh khắc người sáng tạo - kỳ 3: Ba bước lập kế hoạch cuộc đời

12/09/2019 08:00
Khoảnh khắc người sáng tạo - kỳ 3: Ba bước lập kế hoạch cuộc đời

Sau khi bạn đã có chuyến taxi của riêng mình giờ là lúc vạch ra kế hoạch chinh phục mục tiêu. Kế hoạch đó khá đơn giản: Làm thế nào để đi từ A đến B?

1 - Bắt đầu từ điểm kết thúc

Bạn đã biết cái đích mình muốn đến, đó là làm điều bạn thích và trở thành con người bạn muốn. Vậy là bạn có mục tiêu và phương hướng. Bạn không cần vạch sẵn hướng đi một cách cứng nhắc – nhớ thử nghiệm taxi chứ? Tuy nhiên, bạn phải biết mình sẽ rẽ trái, rẽ phải hay đi thẳng khi đứng trước những ngã rẽ nhất định.

Ba bước lập kế hoạch cuộc đời (kỳ 3) - 1

2 - Bạn đang ở đâu?

Trong các buổi học taekwondo, thầy dạy võ của tôi từng hỏi, “Trong buổi đấu tập, mục tiêu của các em rất rõ ràng. Các em muốn đánh bại đối phương. Các em đứng đối mặt nhau trên thảm tập. Nhưng làm thế nào các em biết mình phải dùng chiến lược gì để đạt được mục tiêu đó?”.

Các học viên đai đen lập tức trả lời, “Bằng cách hiểu rõ đối thủ”. Dĩ nhiên. Nhưng có một việc bạn cần làm trước cả việc đó. Một cô gái đai trắng đề xuất, “Bằng cách hiểu rõ chính mình”. Và đó chính là mấu chốt của vấn đề. Bạn phải biết mình đang đứng ở đâu thì mới có thể xác định chiến lược mình sẽ áp dụng.

3 - Lập kế hoạch

Lấy một tờ giấy, đặt nó nằm ngang trước mặt và chia trang giấy thành ba cột.

Viết “Mục tiêu” vào đầu cột bên phải và “Nơi tôi đang đứng” vào đầu cột bên trái. Tạm thời để trống cột giữa.

Viết ra ba việc bạn muốn làm nhất vào cột bên phải.

Ở cột bên trái, viết ra nơi bạn đang đứng – những việc bạn hiện đang làm.

Làm sao để nối cột bên trái và bên phải với nhau? Tất nhiên là thông qua cột ở giữa. Viết “Chiến lược” vào đầu cột này.

 Viết vào cột ở giữa cách bạn đi từ cột bên trái (“Nơi tôi đang đứng”) đến cột bên phải (“Mục tiêu”). Bạn cần thay đổi điều gì để đạt được mục tiêu? Các đặc điểm của bạn hỗ trợ (hoặc cản trở) bạn ra sao trong việc này? Bạn nên và không nên làm gì? Bạn cần tập trung vào đâu?

Đơn giản vậy thôi. Nếu bạn biết mình đang ở đâu và muốn đến được đâu, phần ở giữa chỉ là bài tập điền vào chỗ trống đơn giản. Đó sẽ là kế hoạch của bạn, nhưng đừng lập kế hoạch quá cứng nhắc. Suy cho cùng, không gì dễ thay đổi bằng con người. Vì vậy, hãy chừa chỗ để điều chỉnh lộ trình của mình.

Việc đặt mục tiêu trung gian có thể hữu ích trong trường hợp này. Bạn muốn đạt được những gì trong một năm tới? Bạn có thể đặt mục tiêu cho từng năm. Tóm gọn những mục tiêu của năm tiếp theo vào một phương châm hoặc khẩu hiệu; đó sẽ là chủ đề hành động của bạn. Cuối năm đó, bạn có thể đánh giá việc mình đã làm. Có lẽ bạn sẽ hoàn thành và đạt được những việc bạn không dự tính trước. Những thành tựu bất ngờ này vẫn có thể là một phần của con đường dẫn đến mục tiêu dài hạn.

Khi bạn biết mình muốn gì, nhiều cánh cửa sẽ bất ngờ mở ra cho bạn. Đó không phải là may mắn hay ngẫu nhiên. Suy cho cùng, với một phương hướng rõ ràng, bạn sẽ nhìn thấy nhiều cơ hội mà bạn sẽ không nhận ra nếu không biết mình muốn đi đâu. Bạn cũng sẽ giỏi hơn trong việc quyết định xem mình nên nắm bắt và bỏ qua cơ hội nào.

Cho mọi người biết “menu” của bạn có gì

Bạn đã biết hướng mình muốn đi. Vậy làm thế nào để kết hợp hướng đi đó với công việc hàng ngày? Khá đơn giản, bạn hãy thể hiện nó ra. Trước đây khi lập một trang web mới, tôi bàn luận về nó với người bạn làm thiết kế. Tôi chia sẻ rằng tôi muốn làm những dự án mang lại thu nhập, nhưng cũng muốn hướng sự chú ý của mọi người đến điều tôi thật sự muốn làm. “Dễ mà”, anh bạn tôi nói, “anh chỉ cần đưa việc mình muốn làm lên trang web và loại bỏ những việc khác”.

Mọi người tìm đến bạn vì những thứ bạn đưa lên menu trang web của mình. Làm dự án để kiếm thêm thu nhập không có gì sai, chỉ là bạn không cần quảng cáo nó.

Điều này áp dụng cho tất cả mọi người, dù bạn đang kinh doanh riêng hay đi làm thuê. Những việc bạn đưa vào “menu” phân biệt bạn với người khác. Menu càng ngắn gọn, phạm vi sản phẩm càng rõ ràng, và bạn càng dễ tập trung vào các sản phẩm hoặc kỹ năng đó.

#Hashtag của bạn là gì?

Có thể bạn cũng biết, hashtag cung cấp nội dung gắn với một chủ đề trên các mạng xã hội như Twitter, Instagram hoặc LinkedIn. Bạn có thể áp dụng nguyên tắc này để đưa ra lựa chọn. Hãy nghĩ một hashtag từ một đến ba từ đại diện cho bạn trong vai trò người sáng tạo. Hashtag này giúp bạn kiểm tra xem việc mình sắp làm có phù hợp với Kế hoạch Cuộc đời không.

Nếu một hoạt động hoặc dự án không phù hợp với hashtag, bạn có thể chuyển nó vào Danh Sách Việc-Đừng-Làm.

Cách tạo #hashtag

Làm thế nào để nghĩ được một hashtag vừa hay vừa bao hàm mọi việc bạn làm? Kế hoạch Cuộc đời, Vòng tròn Năng lực và bài tập chồng lấp có thể giúp bạn. Sau đây là một số chỉ dẫn thêm:

→ Giả sử có người đăng một nội dung về công việc của bạn trên mạng xã hội, bạn muốn họ gắn hashtag nào cho nội dung này?

→ Hashtag của bạn có độc đáo nhưng vẫn đủ thông dụng để mọi người hiểu được không? Ví dụ, hashtag #Thietke quá phổ biến. Có nhiều kiểu nhà thiết kế, và họ đều có thể sử dụng hashtag này. Tôi chọn hashtag #chudong (chữ động), vì trong vai trò typographer , công việc chính của tôi là thiết kế giao diện và danh đề phim.

→ Kiểm tra hashtag bằng cách thêm vào từ “Không”.

(Hashtag: một từ hoặc một chuỗi các ký tự viết liền nhau được đặt sau dấu #. Hashtag được sử dụng như một công cụ giúp nhóm nhiều thông tin lại với nhau, và bạn có thể nhấn vào một hashtag để xem được tất cả những nội dung chứa hashtag đó.)

Ba bước lập kế hoạch cuộc đời (kỳ 3) - 2

Kiểm tra hashtag

→ Lập danh sách những từ miêu tả bạn. Đừng suy nghĩ quá nhiều, cứ nghĩ gì viết nấy.

→ Thêm từ “không” vào trước các từ trong danh sách. Việc này có vẻ hơi kỳ quặc, nhưng đó chính là mục đích của phần này. Ví dụ, nếu lúc nãy bạn viết từ “sáng tạo” thì bây giờ bạn sẽ có từ “không sáng tạo”.

→ Bây giờ, nghĩ thử xem có cá nhân hoặc tổ chức sáng tạo nào giới thiệu bản thân là “Chúng tôi không sáng tạo” không. Khả năng đó rất thấp. Như vậy nghĩa là hashtag #sangtao quá phổ biến. Những ai nhìn nhận bản thân theo bất kỳ kiểu sáng tạo nào cũng có thể sử dụng hashtag này. Áp dụng phương pháp này để loại bỏ những từ miêu tả quá phổ biến trong danh sách.

#Daubepvietsach là một hashtag khá hay cho những ai vừa yêu thích nấu ăn vừa đam mê viết lách, đặc biệt là viết sách dạy nấu ăn. Suy cho cùng, không nhiều người sáng tạo tự nhận mình là nhà văn hoặc đầu bếp, số người nhận mình là tác giả viết sách dạy nấu ăn càng ít hơn. Vì vậy, đây là một hashtag độc đáo nhưng vẫn dễ hiểu với tất cả mọi người.

Bây giờ, hãy nhìn lại các vòng tròn chồng lấp của bạn và xem thử khi bạn đặt hashtag của mình vào phần chính giữa (thay cho tên bạn) thì kết quả sẽ thế nào. Nó có phù hợp với đặc điểm của phần chồng lấp không? Nếu có thì bạn đang đi đúng hướng! Bạn đã tìm ra hashtag thể hiện việc bạn sẽ và sẽ không làm.

Tạo menu

Mọi người nên tìm đến bạn vì kiểu dự án nào? Họ cần ghi nhớ điều gì về công việc của bạn? Menu của bạn càng ngắn gọn, người khác càng dễ nhớ.

→ Lập danh sách những kỹ năng và dự án của bạn.

→ Kiểm tra xem kỹ năng và dự án nào phù hợp với hashtag bạn vừa tạo.

→ Đặt những kỹ năng và dự án đó vào “menu”.

Bây giờ bạn đã nắm trong tay bản kế hoạch về nơi mình muốn đến (các mục tiêu) và cách đến được đó (sử dụng hashtag và tạo menu). Sự tập trung này giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, bạn có thể tiết kiệm nhiều thời gian hơn nữa bằng cách xây dựng thói quen làm việc.

Trích sách “Khoảnh khắc người sáng tạo”


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025