Đã đến lúc bạn biến những dự định của mình thành hành động. Với tất cả những kỹ năng cần thiết, đã đến lúc bạn xây một ngôi nhà có tên “hạnh phúc” cho chính mình. Tôi không rành lắm về việc xây nhà, tuy nhiên tôi vẫn hiểu bước đầu tiên và cơ bản nhất để xây một ngôi nhà chính là bồi đắp cho nó một nền móng kiên cố.
Xây dựng “ngôi nhà hạnh phúc” cũng với bước đầu tiên như thế: xác định mục tiêu bạn đang hướng đến là niềm hạnh phúc đích thực và xem đó là nền móng cho ngôi nhà của mình. Điều này nghĩa là bạn tin tưởng rằng mình có thể và xứng đáng được hạnh phúc, bạn rèn luyện những thói quen để giúp mình có được nó và dần dần, chúng sẽ được nâng lên thành những suy nghĩ, quan niệm và hành động mới dẫn bạn đến gần hơn với hạnh phúc đích thực.
Nắm giữ hạnh phúc
Tôi để ý thấy rằng ngày càng có nhiều người chủ động đánh thức mọi khả năng tiềm ẩn của bản thân để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn, và họ làm điều này thông qua những suy nghĩ, hành động và cảm nhận riêng. Họ nhận thức được lựa chọn của mình sẽ quyết định tất cả. Thật sự bản thân mỗi người đều có trách nhiệm với những xúc cảm hạnh phúc hay không hạnh phúc trong đời mình. Để hạnh phúc, bạn cần:
1. Chấp nhận: bạn phải thừa nhận hạnh phúc hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mỗi người và hãy tin bạn có đủ khả năng và sức mạnh để có được hạnh phúc đích thực chỉ bằng việc thay đổi những thói quen chưa tốt của mình.
2. Nhận lấy trách nhiệm: chính là khả năng bạn phản ứng trước mọi biến cố xảy đến với mình theo cách nó sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến hạnh phúc.
Xây dựng “ngôi nhà hạnh phúc” cũng với bước đầu tiên như thế: xác định mục tiêu bạn đang hướng đến là niềm hạnh phúc đích thực và xem đó là nền móng cho ngôi nhà của mình. |
Một số thói quen xấu mà bạn cần nhận diện để loại bỏ, đồng thời hình thành những thói quen mới để có một tương lai hạnh phúc tươi sáng hơn
Phàn nàn:Than phiền, cảm thấy thương hại bản thân, cố gắng tìm kiếm sự cảm thông từ người khác, mang niềm tin thái quá hoặc bất bình vì không được đối xử công bằng… những dấu hiệu này cho thấy bạn đang sa lầy trong tiếc nuối và thất vọng cùng cực. Bạn tập trung vào điều gì thì điều ấy sẽ hướng về bạn, bạn càng lo lắng than phiền thì lại càng lôi kéo những xúc cảm tiêu cực đó về mình và càng làm tăng tính trầm trọng của vấn đề. Câu cửa miệng của những người hay phàn nàn: Tội nghiệp thân tôi!
Đổ lỗi: Bạn quy những sự việc xảy ra là nguyên nhân gây nên tổn thương cho chính mình. Thay vì tập trung năng lượng và sức lực để tìm cách giải quyết những vấn đề đó, thì bạn lại tổn hao tâm sức cho những suy nghĩ không có căn cứ. Câu cửa miệng của những người hay đổ lỗi: Đó không phải là lỗi của tôi!
Tự ti: Khi tự buộc tội bản thân, cảm thấy xấu hổ, tự ti về những chuyện đã qua hoặc mang cảm giác tội lỗi vì những việc đã làm (hay không làm), chúng ta thường nén nỗi đau và chôn chặt những cảm xúc đó vào cõi sâu kín nhất trong tâm hồn. Điều này góp phần triệt tiêu hết nguồn năng lượng của chúng ta và khóa chặt con đường tiến tới niềm hạnh phúc đích thực.
Câu cửa miệng của những người tự ti: Tất cả đều là lỗi của tôi!
Cố gắng thoát khỏi những xúc cảm tiêu cực này là cách tốt nhất giúp bạn quay về con đường theo đuổi hạnh phúc đích thực.
Trích sách Khi mọi điểm tựa đều mất