Học sinh Hà Nội có thể đi học vào giữa tháng 5
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, Thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg đến ngày 22.4. Theo Phó chủ tịch UBND TP, sáng 20.4, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã kiến nghị đến Chính phủ, và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố cũng kiến nghị với Ban chỉ đạo quốc gia và Thủ tướng với nội dung: Nếu không có ca bệnh phát sinh, không còn ổ dịch thì triển khai theo hướng nới lỏng. Bên cạnh việc triển khai các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, thành phố cũng tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển kinh tế-xã hội theo điều kiện cho phép; tiếp tục xử lý các ổ dịch trên địa bàn, chủ động chuẩn bị phương án chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nếu dịch tiếp tục xảy ra.
Phó chủ tịch UBND Thành phố cũng cho biết: "Nếu tình hình tốt lên, nửa đầu tháng 5, Thành phố có thể sẽ cho học sinh đi học. Chúng ta đã có điều chỉnh kế hoạch năm học, khi điều kiện cần và đủ chúng ta cần triển khai cho học sinh đi học. Nội dung này Thành phố sẽ có chỉ đạo cụ thể sau”.
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền báo cáo, tại Hà Nội có 112 ca mắc, 75 trường hợp đã khỏi ra viện, 37 trường hợp đang điều trị. Trong tuần, Hà Nội có 4 ca mắc mới giảm 10 ca so với tuần trước đó (tuần trước 14 ca). Từ ngày 15.4.2020 đến nay không có thêm ca mắc mới.
Số ca mắc giảm so với tuần trước là tín hiệu đáng mừng, song cũng là thách thức trong kiểm soát dịch lây lan, bởi số mắc giảm nên người dân biểu hiện chủ quan, lơ là trong việc tuân thủ quy định cách ly xã hội.
Nhiệm vụ đặt ra, Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 31 của Thành ủy Hà Nội và Chỉ thị số 05 của Chủ tịch UBND Thành phố. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực.
Cũng trong ngày 20.4, trả lời phóng viên về vấn đề đón học sinh trở lại sau đại dịch COVID-19, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết hiện nay chỉ có học sinh ở tỉnh Cà Mau, Thái Bình đã cho học sinh trở lại trường học.
Còn ngày mai tỉnh Thanh Hóa sẽ cho học sinh đi học trở lại. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GD-DDT đó chính là trường học phải an toàn thì mới đón học sinh quay trở lại trường học và các em học sinh phải an toàn thì mới đến trường.
Việc các địa phương tổ chức đón học sinh đi học trở lại, nhất là trong điều kiện mà Thủ tướng Chính phủ đã phân loại các địa phương theo mức độ dịch (mức độ Nguy cơ cao, Có nguy cơ và Nguy cơ thấp), với những tỉnh Nguy cơ cao và Có nguy cơ, Bộ GD-ĐT khuyến nghị chưa nên cho học sinh đi học trở lại. Với những địa phương mà mức độ Nguy cơ thấp, có thể cho học sinh đi học trở lại nếu các điều kiện an toàn.
Trước khi đến trường, học sinh phải được đo nhiệt độ, đủ nước rửa tay, khử khuẩn. Học sinh phải đeo khẩu trang, không nhất thiết là khẩu trang y tế mà có thể là khẩu trang vải kháng khuẩn. Thứ tư là không tổ chức cho học sinh các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, các hoạt động chào cờ thì diễn ra trong lớp học.
Để đảm bảo giãn cách xã hội, yêu cầu học sinh phải đảm bảo khoảng cách ngồi là 1,5m và phải tách lớp học, có những trường, lớp học quá đông phải tách ra làm đôi hoặc hơn nữa để giúp cho học sinh đảm bảo trong phòng học không quá 20 em học sinh và khoảng cách giữa các em học sinh là 1,5m.
Việc này Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể với các địa phương để cụ thể hóa Văn bản số 550, trong điều kiện cụ thể có dịch thì sẽ thêm một số các yêu cầu đảm bảo môi trường an toàn.
Dạ Thảo