Tôi không đủ chuyên môn để nói về chiến thuật, về đội hình, về cách Park Hang Seo huấn luyện đội tuyển Việt Nam. Nhưng hãy nhìn vào cách đối nhân xử thế của thầy, tôi tin ai cũng sẽ hiểu vì sao đội tuyển Việt Nam lại lột xác mạnh mẽ đến vậy.
Năm 1995, sau khi hội nhập trở lại, đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên tạo dấu ấn khu vực khi lọt vào chung kết SEA Games. Nhưng sau trận thua Thái Lan 4-0 ngày hôm đó cho đến trước trận chung kết AFF Cup cuối năm 2018, hơn 2 thập kỷ đội tuyển chúng ta chỉ bước lên đỉnh cao được duy nhất một lần.
Sát với đỉnh cao, chúng ta đã từng thua Malaysia, thua Singapore và dĩ nhiên là quá nhiều lần thua Thái Lan ngay cả những lúc khí thế chiến thắng dâng trào. Thế hệ vàng qua đi chưa một lần lên đỉnh cao, nỗi xót xa bán độ khó ai nguôi, niềm vui AFF Cup 2008 kéo dài chẳng lâu trước một thời kỳ khủng hoảng tồi tệ. Nhắc đến bóng đá khu vực là nhắc đến một nỗi buồn – thậm chí là một nỗi ám ảnh, nỗi lo sợ mơ hồ.
Cầu thủ U23 Việt Nam suy sụp sau thất bại trước U23 Malaysia ở chung kết SEA Games 2009. Ảnh: Getty
Ngay cả sau kỳ tích Thường Châu, tôi vẫn thi thoảng thấy nỗi sợ mơ hồ ấy. Nửa sau của lượt đi chung kết AFF Cup 2018, Malaysia gỡ hòa 2 bàn và lấn lướt đội tuyển Việt Nam một cách gần như tuyệt đối. Trận cuối cùng trong vòng bảng SEA Games 30, chúng ta để Thái Lan dẫn tới 2 trái.
Điều gì đã diễn ra sau đó? Lượt về chung kết AFF Cup, dù chỉ thắng 1 bàn nhưng Việt Nam tuyệt đối không để cho Malaysia lặp lại thế cục của trận lượt đi, ai dõi theo đều hiểu Malaysia ngày hôm đó không có cơ hội. Trận đấu quyết định vé vào bán kết SEA Games, Việt Nam gỡ hòa 2 bàn và trực tiếp loại Thái Lan sau vòng bảng, trả mối hận 2 năm về trước. Trận chung kết, trước một Indonesia rất đáng gờm, hãy nhìn những gì chúng ta làm được. 3-0. Phút thứ 60, chúng ta biết chắc rằng mình sẽ vô địch.
Với HCB U23 châu Á, vị trí thứ 4 Asiad và dĩ nhiên là với cả chức vô địch tại AFF Cup lẫn SEA Games, chúng ta là đội bóng số 1 Đông Nam Á. Và, với vị trí đầu bảng tại vòng loại World Cup 2022, tôi tin rằng Park sẽ tiếp tục đưa đội tuyển đến với những đỉnh cao mới, thoát khỏi cái "ao làng".
Nhưng cứ gọi khu vực là "ao làng", ai đã yêu bóng đá từng ấy năm sẽ không khỏi vui mừng trước AFF Cup và huy chương vàng SEA Games. Tôi không thể quên được, ngày 24/8 năm 2017, bóng đá Việt Nam rơi xuống một cái đáy tồi tệ sau khi thua Thái Lan tới 3-0 và bị loại luôn từ vòng bảng SEA Games 29. Chỉ 4 tháng sau, chúng ta tạo ra kỳ tích Thường Châu. Tất cả những gì đội tuyển Việt Nam thể hiện từ đó đến nay cho thấy chúng ta bản lĩnh hơn rất nhiều. Điều gì tạo nên bản lĩnh mới của bóng đá Việt Nam, vũ khí giúp chúng ta trở thành một đội tuyển lì lợm và cứng cáp đến mức, trong vỏn vẹn 2 năm đã xóa hết được nỗi tự ti, nỗi lo sợ ám ảnh của hơn 2 thập niên "ao làng"?
"Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu". Ảnh: Tiến Tuấn/Sport5
Dĩ nhiên là thầy Park. Và chỉ gọi tên thầy Park, chỉ nói về chiến thuật, nói về cách dùng người hay chuyên môn của thầy thôi là không đủ. Hãy cùng nhìn lại cách HLV đội tuyển Việt Nam đã dạy dỗ và dìu dắt các chàng trai của chúng ta trong mùa SEA Games này. Vòng bảng, sau trận thắng ngược của Việt Nam trước Indonesia – cũng là trận đấu mà Bùi Tiến Dũng mắc sai lầm dẫn đến bàn thua trước, thầy Park nói: "Thật không phải khi nói về sai lầm cá nhân của cầu thủ sau trận đấu. HLV là người chịu trách nhiệm về mọi thứ diễn ra trên sân".
Lúc này, mạng xã hội bùng nổ cơn bão chỉ trích Dũng một cách cay nghiệt – thậm chí, một số kênh truyền thông cũng có những hành vi mỉa mai cực kỳ không đẹp. Nhưng cộng đồng mạng hay báo chí thì không đưa tuyển Việt Nam đến chung kết châu Á, đến chức vô địch SEA Games và AFF Cup nối tiếp nhau. Công lao ấy là của thầy Park, và những lời ông nói về sai lầm của Dũng khiến tôi cảm phục chữ "thầy" hơn bao giờ hết.
Nói như vậy không có nghĩa rằng Dũng không phải trả giá cho sai lầm của mình khi không còn được bắt chính tại các trận đấu sau đó. Nhưng chính điều này cũng thể hiện một cách đối nhân xử thế rất khác người của thầy Park. Trong buổi tập ngày hôm sau trận đấu cùng Indonesia, thầy xuống tập cùng Bùi Tiến Dũng.
Và khi thay thế vị trí của em, ông nhắc lại tới báo giới: "Xin mọi người đừng hiểu lầm. Tôi dùng Văn Toản bởi cậu ấy phù hợp hơn, khi đối đầu với Singapore có nhiều cầu thủ cao to và dùng nhiều bóng bổng. Tiến Dũng là thủ môn giỏi, tôi cất cậu ấy không phải vì lỗi ở trận đấu với Indonesia".
Tôi dám tin rằng, các HLV khác – bao gồm cả những người nổi tiếng tại các giải bóng lớn – sẽ luôn sẵn sàng đổ lỗi cho học trò trong những tình huống như vậy. Nhưng trước "người ngoài", trước miệng lưỡi ác độc, thầy Park vẫn bảo vệ Dũng tới cùng. Nếu không có người thầy như vậy, liệu có thể có tinh thần Việt Nam để đem lại 2 danh hiệu khép lại hơn 2 thập kỷ vật lộn ở "ao làng"?
Đúng vậy, trận chung kết có một chút không hoàn hảo khi thầy Park nhận thẻ đỏ trước vị trọng tài nổi tiếng là "hung thần" với Việt Nam và lúc đó đang xử thiên vị rõ rệt cho Indonesia. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, thầy đang bảo vệ học trò của mình, cái giá thẻ đỏ không phải quá đắt. Và cũng không thể trách thầy Park một phút mất bình tĩnh, khi suốt 2 năm qua trước đối thủ dù mạnh dù yếu ông đã luôn giữ một cái đầu lạnh. Trong vòng loại World Cup 2022, bạn vẫn còn nhớ nỗi uất ức khi Việt Nam bị từ chối bàn thắng hợp lệ trước Thái Lan trong vòng loại World Cup? Cộng đồng mạng vào phá tung trang Facebook của vị trọng tài người Oman khi tiếng còi hiệp 1 còn chưa vang lên.
Sau chung kết SEA Games, thầy Park dành tặng cho mỗi cầu thủ một cái ôm. Ảnh: Tiến Tuấn/Sport5
Còn thầy Park cuối trận đấu chỉ phân trần: "Tôi không có ý kiến về quyết định của trọng tài. Trường hợp của Bùi Tiến Dũng là một tình huống nhạy cảm và không dễ để trọng tài đưa ra một quyết định chính xác".
Cái đầu lạnh của thầy Park được giữ vững trước "hung thần". Và cái đầu lạnh của ông được giữ vững trước các đối thủ dù mạnh dù yếu. Từ thầy, đội tuyển học được 2 yếu tố của "bản lĩnh": chúng ta có sự khiêm tốn và quyết tâm. Nghiền nát Brunei với tỷ số 6-0, Park Hang Seo nói: "Chúng tôi may mắn thôi. Các học trò của tôi thi đấu nỗ lực, nhưng chúng tôi còn phải cố gắng hơn nữa trong từng trận đấu. Đội phải đặt mục tiêu chơi ngày một tốt hơn".
Trước trận đấu với Campuchia – trận đấu mà ai cũng biết rằng chúng ta sẽ thắng, thầy vẫn cứ khiêm tốn và cùng lúc động viên học trò: "Tuy nhiên, đó sẽ là trận đấu khó khăn. Campuchia thi đấu ở bảng A, đá ít hơn một trận và có nhiều hơn một ngày nghỉ. Chúng tôi cần có tinh thần mạnh mẽ để chiến thắng".
Mỗi chúng ta có lẽ đều đã quen với cái vẫy tay của thầy Park sau mỗi bàn thắng như muốn nói "Bình tĩnh thôi các trò, còn phải thắng trận này đã".
Có quá nhiều điều để nói về Park Hang Seo. Chúng ta sẽ không quên hình ảnh thầy Park tới chỗ Quang Hải ăn mừng bàn thắng 2-0 trước Indonesia. Và chúng ta sẽ ghi nhớ lời nói của Park Hang Seo trước trận đấu: "Chúng tôi sẽ biến giấc mơ vàng kéo dài hàng thập kỉ thành hiện thực".
Nếu không có người thầy biết đối nhân xử thế, biết quyết tâm và biết cả ước mơ, làm sao chúng ta có một Văn Hậu xả thân đỡ bóng cứu thua những phút khó khăn cuối cùng, làm sao có được một Quang Hải lăn xả tới 120 trận trong vòng 2 năm, làm sao có được một đội tuyển bản lĩnh như ngày hôm nay? Làm sao chúng ta nhận được sự nể phục của một đối thủ mà chúng ta chưa từng trực tiếp đánh bại - mới đây, bị loại khỏi SEA Games, vị HLV người Nhật ngậm ngùi: Chúng tôi phải học hỏi bóng đá Việt Nam.
Có lẽ chúng ta đã quá nhiều lần cảm ơn Park Hang-seo vì kỳ tích Thường Châu, vì chức vô địch AFF Cup và bây giờ là cả chức vô địch SEA Games nữa. Nhưng trên tất cả, xin được cảm ơn ông vì một đội tuyển Việt Nam đã rất khác.
Trí thức trẻ