Giáo sư Nguyễn Lân Dũng bàn về 'sức bật tinh thần'

25/09/2021 16:00
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng bàn về 'sức bật tinh thần'

Suy nghĩ của chúng ta mới là điều kìm hãm chúng ta, và lúc này sức bật tinh thần sẽ giúp chúng ta tự phác họa nên thực tại của mình.

LTS: Tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ với độc giả nội dung thú vị trong cuốn sách "Sức bật tinh thần" của Tiến sĩ Susan Kahn. Tiến sĩ Susan Kahn là Giám đốc Chương trình Chứng chỉ khai vấn sau đại học tại Đại học London (Anh). Bà là diễn giả nổi tiếng tại nhiều Hội nghị quốc tế.

Cuốn "Cái chết và Thành phố" của bà đã nhận được giải thưởng của Viện nghiên cứu Birkbeck. Bà hiện sống tại London cùng gia đình.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

- Bất cứ công việc của bạn là gì, bạn cũng sẽ đối mặt với khó khăn, bạn sẽ cảm thấy lưỡng lự, nhưng đồng thời bạn cũng sẽ có cơ hội tìm thấy sự can đảm và sức mạnh để đối phó với những điều không lường trước. Kiên cường là một phẩm chất thiết yếu trong công việc.

- Điều mang lại sự đột phá chính là cách chúng ta lý giải và vận dụng tinh thần lạc quan cũng như khả năng vươn lên – thứ được giải phóng bởi sự tự tin mà sức mạnh tinh thần mang lại.

- Suy nghĩ của chúng ta mới là điều kìm hãm chúng ta, và lúc này sức bật tinh thần sẽ giúp chúng ta tự phác họa nên thực tại của mình. Đó là một thực tại mà bạn đối mặt với tương lai bằng sự hứng khởi và nguồn năng lượng dồi dào, có thể vượt qua bất kỳ giới hạn nào mà bạn tự áp đặt cho mình, đồng thời thúc đẩy những cơ hội được tạo ra bởi sức mạnh của suy nghĩ thông suốt.

- Khả năng tự vực dậy là yếu tố thiết yếu trong công việc, và chúng ta cần hiểu được bản chất của thất bại, nhanh chóng phản ứng với nó và xây dựng cho bản thân tính kiên cường.

- Một cái cây oằn mình trong cơn bão có thể ngả nghiêng trước sức mạnh của trận cuồng phong, nhưng sau đó nó sẽ trở lại tư thế thẳng đứng khi bão tan. Đó chính là hình ảnh kiên cường.

- Theo Darwin, loài sống sót không nhất thiết là loài mạnh nhất hay thông minh nhất, mà là loài có khả năng thích nghi cao và sẵn sàng thay đổi.

- Không ai có thể tránh được những thử thách, nỗi đau hay khó khăn trong cuộc sống lẫn trong công việc. Chúng ta đều có thể phát triển sức bật tinh thần và năng lực đương đầu với khó khăn, sự mất mát và thay đổi.

- Chúng ta có thể duy trì sự lạc quan mạnh mẽ và nhanh chóng phục hồi sau những lần vấp ngã trong đời. Tuy nhiên, thường thì sẽ có những lúc chúng ta thấy lòng tự tin của mình vỡ vụn khi đối mặt với phong ba bão táp, còn bản thân chúng ta thì nhạy cảm và yếu ớt hơn bình thường.

- Tất cả chúng ta đều có lúc tuyệt vọng, suy sụp và đánh mất sức bật tinh thần.

- Mấu chốt của sức bật tinh thần là giúp chúng ta có thể suy nghĩ trong những lúc khó khăn, cân nhắc các phản ứng về mặt hành vi và cảm xúc của bản thân cho dù đang đối mặt với thử thách nào đi nữa.

- Bạn có thể xây dựng tiềm lực phục hồi tâm lý, đối mặt với tương lai bằng nhiệt huyết và năng lượng tràn đầy. Dĩ nhiên thất bại, khó khăn và sự thất bại sẽ ảnh hưởng đến bạn, nhưng bạn có thể đứng dậy, bạn có thể mài giũa khả năng phục hồi.

- Chúng ta sắp sửa bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), robot, trợ lý kỹ thuật số… sẽ sớm trở nên phổ biến. Chúng ta có thể liên lạc 24 giờ mỗi ngày, kết nối xuyên quốc gia, xuyên văn hóa, đồng thời cần phải theo kịp tốc độ công việc.

- Việc trù tính cho thất bại cũng quan trọng như việc lên kế hoạch để thành công. Thất bại là bài học chứ không phải sự kết thúc, là sự trì hoãn chứ không phải là kết cục, là một đường vòng tạm thời chứ không phải là ngõ cụt.

- Những người có sức bật tinh thần nhận thức được sự cần thiết của việc vừa chủ động chuẩn bị (với niềm hy vọng và sự lạc quan), vừa thực hiện các biện pháp nhất định để ứng phó với khó khăn và trở ngại.

- Một môi trường không chấp nhận sai sót dưới bất kỳ hình thức nào cũng là một môi trường tự quay lưng với những tiềm năng thay đổi tích cực.

- Chúng ta đang sống trong một thế giới công việc phức tạp và đầy tính cạnh tranh, vì vậy nếu ta bao dung với chính mình, biết chấp nhận và rút kinh nghiệm từ những sai lầm và thất bại của bản thân, ta sẽ sống mà không hối tiếc.

- Bạn đã học được điều cần học, và đó mới chính là điều bạn nên lưu giữ, chứ không phải cảm giác căng thẳng vì mắc sai lầm.

- Làm việc dưới áp lực giúp bộ não tăng cường sản xuất kích tố adrenalin. Chất này giúp chúng ta tập trung, hun đúc khát vọng thành công và ý thức tối ưu hóa sức lực cũng như năng suất.

- Nếu tin rằng bản thân có thể thành công, rằng chúng ta có thể nghĩ khác đi, rằng bộ não của chúng ta có khả năng hỗ trợ sự thay đổi đó, và rằng ta có thể đương đầu với khó khăn và trở ngại, thì nhiều khả năng chúng ta sẽ làm được như vậy.

- Môi trường làm việc ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe tâm thần của chúng ta. Sự ảnh hưởng này là rất tích cực nếu chúng ta được làm việc trong một môi trường linh hoạt và thân thiện, mọi người sẵn sàng hỗ trợ và khích lệ nhau.

- Nếu chúng ta làm việc một nơi khiến mình thường xuyên cảm thấy căng thẳng, áp lực, không nhận được sự hỗ trợ phù hợp thì sức khỏe tâm thần của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

- Tập thể dục thường xuyên, dù nhẹ nhàng, có thể kích thích sản sinh endorphin, đem lại cho chúng ta sức bật tinh thần và trạng thái lạc quan cần thiết để đối mặt với khó khăn. Bên cạnh các lợi ích về thể chất, các hoạt động thể chất vừa phải, chẳng hạn như đi bộ năm ngày một tuần, còn kích thích sản xuất hormone hạnh phúc.

- Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và giấc ngủ ngon sẽ là nền tảng cho khả năng phục hồi tinh thần của chúng ta. Kiểm soát lượng caffeine nạp vào cơ thể, cố gắng bỏ hút thuốc lá, hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn và uống nhiều nước đều là những hành động có lợi cho quá trình này.

- Hệ thống thần kinh phó giao cảm giúp chúng ta ổn định và bình tĩnh, nghỉ ngơi và suy nghĩ kỹ càng. Hệ thống thần kinh giao cảm chịu trách nhiệm cho phản ứng sinh tồn và chịu trách nhiệm cho sự hưng phấn.

- Khi hít sâu, chúng ta kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm. Khi thở ra, chúng ta kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm. Để kích hoạt cơ chế bình tĩnh và thư giãn chúng ta nên thở ra lâu hơn hít vào.

- Khi gặp những kích thích gây ra cảm xúc tiêu cực thông thường trong cuộc sống, hãy lưu ý phản ứng của mình và tìm hiểu căn nguyên của cảm xúc này. Đừng cứ mãi tức giận hay hung hăng phản ứng lại.

- Ví dụ, trước cuộc họp với khách hàng ta có thể tự nhủ Mình đã chuẩn bị tốt. Hành động lót đường này sẽ giúp giải phóng oxytocin trong bộ não và mang đến cho ta cảm giác yên tâm trước bất kỳ sự kiện nào mà mình sắp đối mặt.

- Bộ não chúng ta có một hệ thống hoạt động nhanh, tuân theo cảm xúc và bản năng, cho phép chúng ta phản ứng tức thì với những tình huống nguy hiểm cận kề, giúp chúng ta sinh tồn, và một hệ thống hoạt động chậm, biết tính toán và cân nhắc, giúp chúng ta suy nghĩ cẩn thận trước khi hành động.

- Mô hình tảng băng trôi hình nón có phần đỉnh là phần Ý thức (những gì chúng ta nhận thức được và bộc lộ một cách có ý thức trong cuộc sống hàng ngày). Phần thứ nhì là Tiềm thức, giúp ta hiểu điều gì có thể thúc đẩy hoặc khiến ta đặc biệt xúc động. Phần tảng băng lớn hơn phần nổi là phần Vô thức. Hầu hết những điều giữ trong vô thức là các đoạn ký ức bị chôn giấu từ thuở sơ sinh và thời thơ ấu. Có lúc, gắn với trải nghiệm hiện thời sẽ tái hiện những trải nghiệm từ thời thơ ấu.

- Theo Freud, có ba yếu tố hình thành nên tính cách của chúng ta: Bản năng là nguồn gốc thôi thúc hành vi (có thể xã hội không chấp nhận nếu cứ hành động theo ý muốn); Bản ngã có tác động điều tiết bản năng (điều chỉnh mong muốn một cách thực tế hơn và phù hợp với chuẩn mực xã hội); và Siêu ngã, là những yêu cầu và giá trị được tiếp thu từ cha mẹ và nền văn hóa (thôi thúc ta cư xử theo cách được xã hội chấp nhận)

- Kìm nén là cách thông dụng để đối phó với những khó khăn không thể chịu được. Những cảm xúc bị chôn vùi không biến mất, đôi lúc có thể tích lũy và gây ra hành vi rối loạn chức năng.

- Phủ nhận là không thừa nhận cảm xúc. Nó bảo vệ chúng ta khỏi nỗi sợ hãi và lo lắng, để chúng ta tìm cách ứng phó.

- Hợp lý hóa/Lý trí hóa là tìm lối thoát bằng logic. Ví dụ cho rằng đây không phải là cơ hội phù hợp với mình hay tìm cách biện giải cho mình.

- Thăng hoa là biến nỗi đau thành sự sáng tạo, tận dụng xu hướng hành vi có thể gây rắc rối của mình vào những việc hữu ích, ví dụ trút sự giận dữ của mình vào văn thơ, âm nhạc, hội họa.

- Tự trách là tự thấy mình không đáng được yêu thương, đây có thể là một mối nguy hiểm tiềm tàng.

- Phân cực là hình thành nên nhóm người đúng và nhóm người sai, gia tăng khoảng cách giữa các nhóm và sức bật tinh thần bị thử thách.

- Cư xử như trẻ con là một phương pháp khác để đối phó với khó khăn và thử thách, bằng cách cúi đầu, truyền tải thông điệp: Giúp tôi với, tôi không thể ứng phó được!

- Đối với nhà lãnh đạo, sức bật tinh thần là một vấn đề kép trong vai trò người lãnh đạo, bạn vừa muốn có sức bật tinh thần, vừa muốn hỗ trợ để người khác cũng có được điều này.

- Có những lúc chúng ta thể hiện sức bật tinh thần trong công việc, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng công nhận nỗ lực đó của bản thân. Chúng ta hình dung rằng nếu mọi chuyện không suôn sẻ, chúng ta sẽ hoảng loạn và gục ngã… Hãy nhớ lại xem bạn đã đương đầu với khó khăn đó như thế nào.

- Xung đột và căng thẳng có mối quan hệ chặt chẽ. Căng thẳng có thể dẫn đến xung đột, và xung đột gây ra căng thẳng- chúng tạo thành một vòng luẩn quẩn.

- Cần xây dựng khả năng không day dứt về các tình huống căng thẳng. Cần tạo khoảng cách với tình huống căng thẳng bằng cách tìm một thứ gì đó gây phân tâm. Có thể là một công việc khó, giải một câu đố hay một trò chơi máy tính.

- Có rất nhiều cách để xây dựng, nâng cao và giữ vững sức bật tinh thần sau xung đột. Trong tình huống xung đột, sức bật tinh thần sẽ được thúc đẩy hoặc duy trì nếu bạn giữ được bình tâm và khả năng kiểm soát.

- Khi bạn gặp xung đột nan giải tại nơi làm việc, sự hòa giải có thể sẽ hữu ích. Người hòa giải có thể giúp giải quyết bất đồng bằng cách làm việc với tất cả các bên trong cuộc xung đột và hàn gắn mối quan hệ rạn nứt.- Chủ động giải quyết vấn đề cũng có thể thúc đẩy sức bật tinh thần khi đương đầu với xung đột, đồng thời giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và tự tin vào năng lực bản thân.

- Sự tha thứ giúp chúng ta nâng cao sức bật tinh thần. Bao dung không có nghĩa là bỏ qua hay ủng hộ một hành động nào đó. Sự bao dung giúp bạn kiểm soát được xung đột, gác lại xung đột và tiếp tục tiến về phía trước với sức bật tinh thần lớn hơn.

- Cảm giác sống có mục đích là điều quan trọng để cảm thấy thỏa mãn và hạnh phúc. Một công việc ý nghĩa có thể giúp con người tránh kiệt sức. Do đó cảm giác làm việc có mục đích là rất quan trọng.

- Khi công việc phù hợp với các giá trị cá nhân, cảm giác làm việc có mục đích sẽ trở thành một động lực chủ chốt, giúp cải thiện sức khỏe và tăng giá trị công việc, thúc đẩy trạng thái hạnh phúc và sức bật tinh thần.

- Con người thường hạnh phúc nhất khi họ tận tâm cho những hoạt động mà họ cho là thú vị, lôi cuốn và có ý nghĩa.

- Hãy nhớ duy trì sự tập trung vào mọi khía cạnh của cuộc sống - chứ không chỉ riêng công việc. Sự cân bằng này chính là bí quyết xây dựng sức bật tinh thần trên đường đến với thành công.

- Thành công là một điều gì đó vừa giúp ích cho người khác, vừa có thể khiến bản thân người theo đuổi nó cảm thấy hạnh phúc.

- Công việc có ý nghĩa và những thử thách khiến bạn đắm mình trong đó sẽ tạo ra trạng thái dòng chảy. Và khi ở trong dòng chảy, chúng ta có sức bật tinh thần, chúng ta say sưa và cảm thấy được tưởng thượng.

- Ikigai là một khái niệm của Nhật Bản mang ý nghĩa lẽ sống. Ikigai gợi ý chúng ta đặt cho mình bốn câu hỏi sau: Bạn yêu điều gì? Bạn giỏi việc gì? Thế giới cần điều gì? Bạn có thể được trả lương để làm việc gì?. Việc trả lời những câu hỏi quan trọng này và lồng ghép chúng vào công việc có thể giúp đem lại một cuộc sống trọn vẹn.

- Kiên cường không chỉ là tha thứ cho những điều không hoàn hảo của bản thân, mà còn là có đủ sức mạnh để ghi nhận những lúc chúng ta thật sự làm rất tốt.

- Cần có can đảm để theo đuổi một công việc có mục đích. Điều này có thể đồng nghĩa với việc đưa ra những lựa chọn khiến những người gần gũi với bạn bất ngờ. Tuy nhiên, chỉ có bạn mới có thể quyết định điều gì thật sự quan trọng với mình. Đời sống công việc là hữu hạn, việc tìm kiếm và đi theo con đường đã chọn là một cơ hội không thể bỏ qua.

- Dòng chảy được định nghĩa là một phương thức làm việc phản ánh năng suất tối đa của bạn. Đó là khi bạn làm những công việc có ý nghĩa và đem lại phần thưởng ý nghĩa cho bản thân.

- Một khám phá về cách thức hoạt động của sức bật tinh thần đã làm nổi lên một số đặc điểm mà theo đó, những người có sức bật tinh thần: Chấp nhận thực tế. Tin rằng cuộc sống có ý nghĩa. Có khả năng thay đổi và ứng biến.

- Sức bật tinh thần của chúng ta rất mạnh mẽ ở độ tuổi đôi mươi, mỏng manh ở độ tuổi ba mươi, mạnh mẽ trở lại ở tuổi bốn mươi, nhưng yếu dần khi bước vào tuổi xế chiều.

- Bạn chú tâm vào điều gì nhất thì điều đó sẽ trở thành một phần của bạn, vì vậy, hãy chú tâm vào điều này: Tôi kiên cường. Tôi có thể bật dậy sau thất bại.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng


Gửi bình luận
(0) Bình luận