Gặp người tử tù trong bức ảnh nổi tiếng ‘Mẹ con ngày gặp lại’

Nguyễn Văn Mỹ15/03/2021 21:00
Gặp người tử tù trong bức ảnh nổi tiếng ‘Mẹ con ngày gặp lại’

Đó là bức ảnh “Mẹ con ngày gặp lại” được nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long chụp khoảnh khắc "có một không hai" của mẹ con ông Lê Văn Thức .

Bức ảnh được nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long (1926 - 1997, quê Bình Thuận) chụp hai mẹ con tử tù Côn Đảo gặp nhau lúc 9 giờ 45 ngày 5.5.1975 tại bến Rạch Dừa, Vũng Tàu bằng chiếc máy ảnh Rolleiflex. Đoàn tù nhân trở về có 36 tử tù, nhiều người nổi tiếng như Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư, Lê Minh Châu… Nhân vật chính trong ảnh là anh Lê Văn Thức, sinh năm 1941, người duy nhất có mẹ là bà Trần Thị Bính ra đón.

mecongngaygaplai.png
Bức ảnh Mẹ con ngày gặp lại của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long

Bức ảnh được trao bằng Tuyên dương Danh dự (Mencin Honor) tại Đại hội lần 21 Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) Tây Ban Nha năm 1991. Lâm Hồng Long cũng là tác giả nhiều bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh như Bác Hồ với các cháu thiếu nhi, Bác Hồ với các anh hùng dũng sĩ miền Nam, Bác Hồ tặng hoa mẹ Suốt, Bác trồng cây đa, Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn…

Sĩ quan tình báo

Phải hai lần tìm đến vườn và nhà, tôi mới gặp được người tử tù trong tấm ảnh năm xưa. Đó là một lão nông hiền hòa như đất, tuổi 80 vẫn toát lên nét điềm đạm, lịch lãm. Bến Tre thuở khẩn hoang là vùng đất địa linh nhân kiệt. Xã Tân Thạnh, huyện Châu Thành, quê ông Thức là cửa ngõ vào tỉnh Bến Tre (tỉnh Kiến Hòa cũ). Trước năm 1975, đây là vùng cài răng lược “ban ngày quốc gia, tối ra Việt cộng”.

Nhà nghèo, có 5 chị em, ông Thức là con trai duy nhất nên được đi học và tham gia các hoạt động yêu nước của học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu (ở Mỹ Tho, Tiền Giang), là cơ sở của Ban An ninh khu 8. Sau khi đậu tú tài 1, ông được huấn luyện cấp tốc nghiệp vụ điệp báo và khuyến khích đăng ký vào Trường sĩ quan Thủ Đức (của chính quyền Việt Nam cộng hòa). Trước đó, ông đã được kết nạp vào đảng Nhân dân cách mạng miền Nam với các bí danh Thanh Tâm, TT.

Tốt nghiệp sĩ quan, mang quân hàm chuẩn úy, ông Thức là trung đội trưởng thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 11, sư đoàn 7 đóng ở Long Định, Tiền Giang. Sáu tháng ròng, ông phải tuân lệnh chỉ huy đưa trung đội vào vùng giải phóng càn quét. Tháng 9.1966, ông được chọn đi học khóa huấn luyện tình báo chống chiến tranh du kích ở Malaysia và điều về làm sĩ quan huấn luyện chiến thuật tại Trung tâm Huấn luyện Hùng Vương, căn cứ Bình Đức của sư đoàn 7 ở Mỹ Tho.

Chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công Mâu Thân 1968, ông được lệnh tìm cách cung cấp bản đồ tác chiến, bẻ gãy các cuộc hành quân tìm diệt. Sau hơn 1 tháng điều nghiên, mày mò, thu thập dữ liệu, ông hoàn tất bản đồ tác chiến của Trung tâm Huấn luyện Hùng Vương, các yếu huyệt hậu cần, tiếp viện, tiếp lực của sư 7 như kho xăng, căn cứ pháo binh Nỏ Thần, Bộ chỉ huy hành quân biệt động quân, Bộ chỉ huy Trung đoàn 11… rồi gửi ra cứ.

Mấy ngày sau, các cuộc hành quân càn quét của quân đội Việt Nam cộng hòa được lệnh dừng vì có sự phát hiện kế hoạch bị lộ thông qua bản đồ tác chiến thu được của Việt cộng. Người ta truy nét chữ từng quân nhân. Khi bị bắt, trong túi áo ông Thức còn cây viết để sao chép bản đồ, như một vật chứng.

Từ sĩ quan thành tử tù

Sau nhiều trận đòn thừa chết thiếu sống, ông Thức vẫn giữ vững khí tiết, một mình nhận tội. Không khai thác được gì thêm ở ông, tòa án quân sự lưu động Vùng 4 chiến thuật kết án tử hình Lê Văn Thức và đày ra biệt giam Côn Đảo vào tháng 11.1968. Sở dĩ họ không dám thi hành án các tử tù vì sợ Việt cộng trả thù với các tù binh Mỹ.

Trại 2 là khu biệt giam các tử tù Côn Đảo, lúc đó có 45 người, ông Thức là người trẻ nhất và lì đòn nhất, mang số tù 268. Các bạn tử tù luôn dành cho ông nhiều tình cảm sâu nặng, nghĩa tình. Tử tù Lê Minh Châu, sau này là Phó chủ tịch UBND TP.HCM kể “Thức luôn là người chịu những trận đò thù dã man nhất thay cho các tử tù lớn tuổi hơn, và thường tỉ tê các anh có vợ con nên phải ráng sống về với gia đình, em có bề gì cũng chỉ khổ mẹ".

Khó mà kể hết nhưng đòn thù ác hiểm mà các tử tù Côn Đảo phải gánh chịu. Khi bị bắt ông vừa tròn 27 tuổi, chưa có mảnh tình nào vắt vai. Gần 7 năm sau, từ cõi chết trở về, ông may mắn được mẹ ra đón. Ngày bị bắt, ông không được gặp mẹ. Giờ gặp mẹ, cứ như mơ. Hai mẹ con ôm nhau mà nước mắt ràn rụa. Ngày con đi, tóc mẹ hoa râm, tóc con đen nhánh. Ngày gặp lại, chỉ mấy năm mà tóc con lốm đốm bạc, tóc mẹ trắng xóa.

Sau này ông mới biết lý do mình bị bắt. Mật đồ từ tay chuẩn úy quân Việt Nam cộng hòa Lê Văn Thức, qua các cơ sở và đến tay Phó ban Địch vận khu 8 Tư Năng. Đáng lẽ phải sao chép lại nhưng chắc do cấp bách, ông Tư Năng cầm nguyên bản đồ gốc ra căn cứ. Dọc đường, bị phát hiện, máy bay địch bắn chết Tư Năng và người cận vệ. Một người khác chạy thoát. Chúng thu được túi tài liệu của Việt cộng gộc, trong đó có tấm mật đồ tác chiến.

onba.jpg
Ông Lê Văn Thức và bà Lâm Thị Ngọc Anh

“Thủ bạc tâm thanh lạc thái bình”

Bức ảnh lịch sử, biểu tượng niềm vui hòa bình, đoàn tụ cả nước, rất nổi tiếng, nhiều người biết, nhưng trừ các bạn tù, không mấy ai biết danh tính người trong ảnh. Năm 1992, ông Lê Quang Vịnh, cựu tử tù Côn Đảo tổ chức cho các bạn tử tù năm xưa ra thăm Hà Nội. Lúc này các nhà báo mới biết nhân vật chính trong ảnh là ông Lê Văn Thức.

Cả nhân vật chính của bức ảnh lẫn tác giả tới lúc ấy cũng chưa gặp nhau. Mãi đến tháng 3.1997, nghe tin ông Lâm Hồng Long bệnh nặng, ông Thức đã đến Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) thăm hỏi. Vài ngày sau, ông Long qua đời. Dù được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996, nhưng nghệ sĩ Lâm Hồng Long, phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam cũng gặp nhiều trắc trở, nghi ngờ từ năm 1979, cả chục năm sau mới được phục hồi.

Ông Lê Văn Thức so với ông Long càng lận đận bởi lý lịch “nguyên sĩ quan Việt Nam cộng hòa”, thành phần “tiểu tư sản học sinh”. Mãi đến năm 1977, ông được bố trí công tác ở Phòng Công thương nghiệp huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) với mức lương nhân viên khởi điểm. Không khiếu nại hay bất mãn, ông chấp nhận và hết lòng với công việc của mình cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1991 với chức danh Huyện ủy viên, Phó phòng Công nghiệp huyện Châu Thành.

Trong lớp học nghiệp vụ tại Cần Thơ, ông gặp rồi yêu Lâm Thị Hồng Anh, cô gái đồng khóa xinh đẹp đang công tác tại Ủy ban Kế hoạch tỉnh Kiên Giang. Mối tình vượt qua nhiều thử thách, đẹp như thơ. Kinh tế ngặt nghèo, bà Anh xin về hưu sớm, tần tảo để ông an tâm công tác.

Dù gặp nhiều truân chuyên, nhân vật trong ảnh kết thúc có hậu. Mối tình đẹp đơm hoa với hai con gái và trai ngoan giỏi. Cả hai ông bà đều còn khỏe mạnh, đẹp lão, hạnh phúc vui vầy bên cháu con, sống đạm bạc bằng lương hưu và tiền thu nhập từ mảnh vườn nhỏ.

Trò chuyện với ông bà, tôi cảm nhận được sự lạc quan, kiên trung, tự tại, bằng lòng với những gì bản thân đang có, tựa như câu kết bài thơ tứ tuyệt mà tác giả Tào Mạt tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1992: “Thủ bạc, tâm thanh, lạc thái bình”.

Hai mái đầu bạc, thanh thản, vui cảnh điền viên với cháu con.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025