Gặp lại cặp song sinh từ tinh trùng người cha đã mất

16/01/2021 14:00
Gặp lại cặp song sinh từ tinh trùng người cha đã mất

Hai bé trai kháu khỉnh sinh đôi được sinh thành sau khi người chồng, người cha đã mất vì tai nạn. Nhưng người cha không hề mất đi mà vẫn sống bằng chính các con mình.

Gặp lại cặp song sinh từ tinh trùng người cha đã mất - Ảnh 1.

Mẹ con quấn quýt bên nhau

Chị giờ đã là phó giáo sư trẻ và thật hạnh phúc bên các con. Hai bé trai kháu khỉnh sinh đôi được sinh thành sau khi người chồng, người cha đã mất vì tai nạn. Nhưng người cha không hề mất đi mà vẫn sống bằng chính các con mình. Một chuyện cổ tích của tình yêu và tình phụ tử thiêng liêng.

"Con cứ xem bố đã đi xa, nhưng bố luôn dõi theo mẹ con mình. Con làm sai điều gì, bố đều biết hết và bố sẽ nói với mẹ.

Chị HOÀNG KIM DUNG

10 năm trước, tai nạn tàu hỏa thương tâm đã chia rẽ cặp vợ chồng trẻ âm dương cách biệt. Chị Hoàng Thị Kim Dung ở phố Minh Khai, quận Hoàng Mai (Hà Nội) lúc đó mới 27 tuổi, đau đớn nhận tin báo người chồng tài năng và yêu thương của mình đã ra đi mãi mãi.

Muốn sinh con cho người chồng đã mất

Ai cũng thương cảm cho tình cảnh của chị, con gái đầu lòng mới 6 tháng tuổi, cuộc sống gia đình nhỏ chỉ vừa bắt đầu. Vợ chồng đoàn tụ chưa được bao lâu vì chị đi du học 5 năm bên Pháp vừa trở về. "Khó có thể tin là anh không còn nữa, cảm giác lúc đó chông chênh quá!" - chị Dung ngậm ngùi nhớ lại.

Người ta đưa chị Dung đến nhà xác Bệnh viện Thanh Trì gần nơi xảy ra tai nạn để được nhìn mặt chồng lần cuối. Chị ngồi sụp một chỗ, sự tỉnh táo của một người làm khoa học cũng bị khuất phục trước nỗi đau thương quá lớn.

Rồi chị được dìu vào bên thi thể chồng: "Anh nằm đó, khuôn mặt bình thản như đang ngủ chứ không phải đã mất, dù phần dưới quần áo rách lẫn máu đỏ thẫm. Tôi bỗng thấy toàn thân có một luồng hơi ấm như bao lấy mình.

Chính giây phút đó tôi nhìn gương mặt anh và hứa sẽ sinh thêm cho anh một người con nữa" - chị Dung hồi tưởng khoảnh khắc không thể nào quên trong đời mình.

Ý tưởng sinh con từ người chồng đã mất bất ngờ vụt đến trong chính giây phút tử biệt đau thương. Chị nhớ khi còn ở Pháp làm nghiên cứu, có lần đã đọc được tài liệu nói về người đàn ông bị vùi lấp trong tuyết nhưng tinh trùng vẫn còn sống.

Chị Dung hỏi ngay bệnh viện chỗ anh gặp nạn, nhưng tuyến cơ sở từ chối vì không đủ công nghệ thực hiện. Chị gọi cho những người bạn, rồi gọi thẳng sang bên Pháp cho thầy chủ nhiệm cũng là người Việt Nam để hỏi.

May mắn, chị nhận được phản hồi tích cực, người thầy nói có một người bạn có thể làm được ở khoa nội tiết của một bệnh viện tại Hà Nội.

Gặp lại cặp song sinh từ tinh trùng người cha đã mất - Ảnh 3.

Vợ chồng bác sĩ Vệ đến thăm và nhận hai con chị Dung làm con đỡ đầu

"Phép màu" thiêng liêng của y học

Trong y học Việt Nam, việc trữ đông tinh trùng lúc này chưa phổ biến, lấy tinh trùng của người vừa mất để trữ đông cũng chưa từng có.

Chị Dung kể khi tìm vị bác sĩ có khả năng thực hiện được mong ước của mình cũng là một chuyện ly kỳ, xúc động. Thời gian để tinh trùng sống bên ngoài môi trường không thể kéo dài quá 6 tiếng. Chị phải nhờ người bạn thân làm sao nhanh chóng tìm được bác sĩ mà thầy giáo bên Pháp mách bảo.

Trên đường chạy ngược xuôi, xe của người bạn đụng phải gò đất nhà ai đổ bên đường và bị chết máy. Trong lúc xe dừng, người bạn ngước lên đầu đọc được biển quảng cáo đề "Bệnh viện Nam học hiếm muộn" thì hết sức mừng rỡ.

Nhưng không có số điện thoại, họ phải gọi 1080 mới gặp được bác sĩ Lê Lương Văn Vệ, một chuyên gia về lĩnh vực hiếm muộn.

Trả lời cuộc điện thoại của người bạn chị, bác sĩ Vệ tự tin nói ông làm được. Trong đầu ông đã lập trình sẵn các bước để thực hiện. Vì ông đã tiếp cận vấn đề này hơn 10 năm, thêm 9 năm nữa đi sâu vào nghiên cứu nên không có trở ngại gì.

Bà Trương Thùy Ngoan, vợ bác sĩ Vệ, cho biết chồng bà đã mất vì bệnh hiểm nghèo, nhưng bà và đồng nghiệp của ông vẫn nhớ kỳ tích này: "Ông ấy đã rất hào hứng và chăm chút để làm.

Ông ấy hay lặng lẽ làm một mình, chỉ vài đồng nghiệp trợ giúp biết, ông không muốn thông báo rộng rãi. Nhưng mỗi lần kiểm tra hoạt động của tinh trùng, ông lại kể cho tôi nghe, nét mặt thay đổi tươi tắn lắm và tôi biết ông ấy đang làm tốt".

Và lần đầu gặp bác sĩ Vệ, chị Dung có một niềm tin là vị bác sĩ này sẽ làm được, sẽ giữ lại được máu mủ ruột thịt của người chồng đã mất cho mình. "Khi nhận được kết quả thông báo tinh trùng vẫn còn sống, tôi thở phào nhẹ nhõm" - chị hào hứng kể.

Sau đó, chị Dung làm các bước như bác sĩ Vệ hướng dẫn, đợi mãn tang chồng 3 năm vì tinh trùng có thể trữ đông 5 năm, 10 năm. Điều này giải tỏa lo lắng của chị, vì chị muốn con gái đầu bú sữa mẹ lớn thêm chút nữa và lo xong việc cho chồng để tránh điều tiếng của xã hội và để thông báo cho hai bên nội, ngoại biết.

Đến kỳ hẹn 3 năm, kiểm tra tinh trùng vẫn khỏe mạnh, con gái đã lớn. Chị thuyết phục hai bên gia đình đồng ý bằng quyết tâm khó lay chuyển. "Mình chỉ nhớ bố chồng nói một câu: "Như thế có vất vả cho con lắm không?". Riêng tôi thấy trong lòng thoải mái và sẵn sàng mang thai".

Bác sĩ Vệ và êkip cũng sẵn sàng cho đứa con đặc biệt này chào đời, công trình nghiên cứu đã đến kỳ gặt hái. Chỉ có một sự cố nhỏ: người mẹ bị kích trứng nên phải đông phôi để đợi tiếp. "Hai đứa trẻ phải làm đông một lần nữa, nhưng mọi chuyện sẽ diễn ra êm đẹp" - bác sĩ Vệ động viên chị.

Quá trình mang thai và sinh con của chị diễn ra bình thường như lần sinh đầu. Trực tiếp giám đốc bệnh viện phụ sản đã mổ trợ sinh cho chị, may mắn cả ba mẹ con đều mạnh khỏe.

"Về phương diện y học, đây là trường hợp hi hữu ở Việt Nam, các nước trong khu vực chưa có, trên thế giới cũng hiếm. Trữ đông tinh trùng thì có rồi, nhưng ở đây tôi chứng minh được người chết tinh trùng vẫn sống" - bác sĩ Vệ đã tự tin khẳng định trong những ngày ấy.

Ban đầu ông thấy sự thành công là điều bình thường, vì làm đúng quy trình đã nghiên cứu. Nhưng ông nhận ra mình đã rất may mắn vì có các cộng sự giỏi về chuyên môn, hai bên gia đình ủng hộ, rồi sự quyết tâm lớn của người mẹ. Ông cảm kích nói chị Dung không phải người phụ nữ bình thường mà là một người rất thông minh.

Hai con trai của chị Dung được xét nghiệm ADN để chứng minh cùng huyết thống với người chồng đã mất và gia đình bên nội.

"Bố luôn dõi theo mẹ con mình"

"Mọi người vẫn bảo tại sao tôi không đi bước nữa, trước đây tôi nói không, sau họ hỏi nữa tôi vẫn trả lời không. Bây giờ ai hỏi, tôi vẫn nói nhất định không. Biết là quyết định của mình cứng nhắc nhưng sau này con cái lớn thêm chút nữa, sự nghiệp phấn đấu chút nữa, lúc đó tôi mới thảnh thơi để nghĩ đến chuyện sẽ gắn bó với ai đó được" - chị Dung trải lòng.

Hai con trai Hoàng Đức và Hoàng Hải mang dung mạo, tính cách của người bố bây giờ 7 tuổi, học lớp 2. "May mắn cháu không ốm đau nhiều, chỉ một lần ốm nhẹ rồi thôi" - chị Dung nói.

Chị giờ đã là phó giáo sư, vừa giảng dạy chị vừa nghiên cứu khoa học lĩnh vực hàng không vũ trụ tại Trường đại học Bách khoa, Hà Nội. Chị và chồng đều là sinh viên bách khoa, đều là người con xứ Nghệ. Hai người quen nhau từ khi học cấp III, đều học trường chuyên, lớp chọn.

Vào đại học, anh học lớp tài năng, còn chị học lớp chất lượng cao. Anh thông minh, biết nhường nhịn phụ nữ, đặc biệt hay tếu hài làm cho chị cười. Chị yêu anh cũng vì tính cách đó.

Ra trường, anh chị cưới nhau, anh ở nhà còn chị đi du học ở Pháp tiếp 5 năm nữa. "Sau khi cưới, hai vợ chồng ít được gần nhau. Anh mất, mỗi lần nhớ quá tôi lại rủ bạn bè đến nơi trước đây chúng tôi chơi cùng nhau. Bạn bè hiểu nên để tôi làm phiền như vậy suốt" - chị bộc bạch.

Chị không giấu các con về bố chúng, thỉnh thoảng lại cho con xem ảnh kể chuyện.

"Có lúc con cũng hỏi bố đang ở đâu, nếu con chưa hiểu, tôi nói bố đi công tác xa. Còn con gái lớn hiểu biết hơn thì tôi nói thật rồi giải thích bố chẳng may bị tai nạn. Đó là điều không ai mong muốn. Con cứ xem bố đã đi xa, nhưng bố luôn dõi theo mẹ con mình. Con làm sai điều gì bố đều biết hết và bố sẽ nói với mẹ" - chị Dung nói sẽ định hướng tâm lý cho con khỏi bỡ ngỡ.

Chị Dung cho biết rất xúc động khi các con luôn thương yêu, tin tưởng bố là một thành viên trong gia đình. Mới đây, cậu con trai viết trong phần kết bài văn tả người thân: "Em rất mong mẹ mạnh khỏe để em và bố dành cho mẹ tình yêu thương".

Từ bố được nhắc đến khiến chị vô cùng xúc động, vì con trai chị sinh ra khi người bố ấy đã đi xa rồi.

Người mẹ trẻ giờ đây chỉ có hai thứ để bận rộn là dành tình yêu cho các con và nghiên cứu khoa học. Dù biết còn nhiều gian truân phía trước với người mẹ đơn thân và ba con thơ, nhưng gương mặt chị ánh lên niềm hạnh phúc thương yêu...

Anh là con trai cả, lại chịu nhiều thiệt thòi. Anh nhường cho chị đi học tiến sĩ bên Pháp và ở nhà chăm lo cho cả gia đình nội, ngoại. Chị mang ơn anh mà vẫn chưa được báo đáp, sinh con sẽ là niềm an ủi với chị và để cô con gái đầu có thêm em cho đỡ buồn.

"Hôm nay có gì vui không, các con?"

chi dung 3

Bốn mẹ con chị Dung trong ngày lễ ở trường - Ảnh: NVCC

5h chiều, chị Dung tất tả đi xe máy từ trường về để đón hai con trai, còn con gái đầu đã tự bắt xe buýt. Nhìn thấy con ùa ra quấn quýt mẹ, chị Dung lại hỏi câu quen thuộc "Hôm nay có gì vui không, các con?". Nghe giọng chào trong trẻo của hai đứa trẻ dễ thương làm tôi thấy vui lây với chị.

Đi đường trời lạnh, thi thoảng chị Dung lại vòng tay phía sau để kiểm tra áo tất của con có bị hở không. Còn hai cậu con trai cứ líu lo với mẹ ngàn câu hỏi vì sao, cứ "mẹ ơi, mẹ ơi".

 

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024