Elon Musk hiện không chỉ là người giàu nhất hành tinh mà tỷ phú này còn là người sở hữu khối tài sản lớn nhất từng được ghi nhận: 208 tỷ USD vào ngày 8/1. Vị thế mới dường như sẽ khiến mọi động thái của ông chủ Tesla được công chúng quan tâm nhiều hơn.
Mới đây, sau khi trở thành người giàu nhất thế giới, Musk đã xin lời khuyên về cách làm từ thiện trên Twitter. Ông viết: "Phản hồi quan trọng luôn được đánh giá cao, cũng như cách ủng hộ tiền để thực sự tạo ra sự khác biệt".
Tỷ phú 49 tuổi vẫn được coi là một người mới làm từ thiện so với những người mà ông đã đạt được trong bảng xếp hạng 500 người giàu nhất của Bloomberg. Nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates và huyền thoại đầu tư Warren Buffett – hai người sáng lập nên Giving Pledge – kêu gọi giới siêu giàu quyên góp ít nhất một nửa tài sản, đã làm từ thiện hàng chục tỷ USD bằng tiền mặt và cổ phiếu trong nhiều năm qua.
Hai tỷ phú Warren Buffett và Bill Gates.
Ngay cả Jeff Bezos, người từng bị chỉ trích là làm từ thiện ít so với các tỷ phú khác, cũng đã đẩy mạnh hoạt động của mình. Ông đã cam kết tài trợ 10 tỷ USD cho các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu vào năm ngoái và trao 791 triệu USD cho 16 tổ chức môi trường vào tháng 11/2020.
Mặc dù xác nhận tham gia Giving Pledge nhưng Musk được cho là đã thực hiện khá ít các hoạt động từ thiện. Theo một phân tích của Quartz, ông mới quyên góp hơn 257 triệu USD cho Musk Foundation - tương đương 0,001% giá trị tài sản ròng hiện tại. Quỹ này đã phân phối 65 triệu USD từ năm 2016 đến năm 2018 cho khoảng 200 tổ chức phi lợi nhuận.
Nhiều người cho rằng nếu Bill Gates không quyên góp hàng chục tỷ USD hoặc Jeff Bezso không ly hôn và chia tài sản cho vợ cũ thì tài sản của họ có lẽ đã lớn hơn so với Musk.
Về phần mình, Musk nói rằng lý do ông tích lũy tài sản là để cho đi hoặc chuyển hướng đến các dự án mà ông đam mê, cụ thể là khám phá không gian. Ông chủ Tesla và SpaceX chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước: "Sẽ cần rất nhiều tài nguyên để xây dựng một thành phố trên sao Hỏa. Tôi muốn có thể đóng góp nhiều nhất có thể".
Tỷ phú giàu nhất thế giới - Elon Musk.
Benjamin Soskis, cán bộ cấp cao tại một tổ chức phi lợi nhuận chia sẻ: "Sự tăng vọt tài sản của Musk đồng nghĩa với việc ông ấy cần tăng đáng kể tốc độ quyên góp của mình để thực hiện cam kết cho đi hơn nửa của cải. Ông ấy cần năng nổ hơn trước rất nhiều".
Những "cựu" tỷ phú giàu nhất thế giới đã thực hiện nhiều cách tiếp cận khác nhau trong việc làm từ thiện: Gates vừa là nhà từ thiện toàn thời gian, vừa là nhân vật của công chúng trong các lĩnh vực như sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó, Jack Dorsey, người đồng sáng lập Twitter, đã minh bạch việc quyên góp của mình bằng cách đăng từng khoản quyên góp lên một bảng tính công khai.
Việc xin lời khuyên làm từ thiện trên Twitter của Musk cũng giống việc Bezos từng làm năm 2017. Brian Mittendorf, một giáo sư Đại học bang Ohio, người nghiên cứu về các tổ chức phi lợi nhuận, đã gợi ý Musk nên tham khảo MacKenzie Scott – vợ cũ của Bezos. Nữ tỷ phú này đã trao gần 6 tỷ USD trong năm ngoái cho hàng trăm tổ chức phi lợi nhuận và cơ sở giáo dục trên toàn thế giới.
Nguồn: Bloomberg
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị