Dương Ngọc Thái: Từ Xóm Đẻ quận 4 đến Silicon Valley

21/02/2019 09:00
Dương Ngọc Thái: Từ Xóm Đẻ quận 4 đến Silicon Valley

Mang chút “bí ẩn” thường thấy của giới hacker, Dương Ngọc Thái là gương mặt tiêu biểu của một thế hệ trí thức trẻ thực tế, khiêm nhường nhưng dám nói, với những góp ý luôn đầy thiện chí.

Bỏ dở ngành công nghệ thông tin (Đại học Bách Khoa TP.HCM) nhưng không ngừng tự học, năm 23 tuổi Dương Ngọc Thái đảm nhận vị trí Trưởng phòng An toàn thông tin ở Ngân hàng Đông Á. Hai mươi bảy tuổi (năm 2010), một kỹ thuật tấn công mạng của Dương Ngọc Thái và cộng sự người Argentina đã được cộng đồng an ninh mạng bầu chọn là kỹ thuật số một thế giới. Sau đó không lâu, Thái bước vào Silicon Valley (Mỹ).

Đang làm việc tại Google với vai trò kỹ sư an toàn thông tin, là một chuyên gia nghiên cứu an ninh phần mềm, Dương Ngọc Thái đã có nhiều phát hiện ảnh hưởng sâu rộng đến sự an toàn của internet, được trích dẫn trong nhiều bài báo khoa học, được đưa vào giảng dạy ở các đại học danh tiếng và đăng tải trên các tờ báo lớn trên thế giới, trong đó được biết đến nhiều nhất là bộ ba kỹ thuật tấn công mang tên BEAST, CRIME và POODLE.

- Cách đây nhiều năm, Thái từng cảnh báo vấn đề an toàn thông tin (ATTT) lớn nhất ở Việt Nam là phụ thuộc vào thiết bị, giải pháp sẵn có, thay vì đầu tư đào tạo, tuyển dụng đội ngũ kỹ sư, chuyên gia, người quản lý ATTT có trình độ chuyên môn cao. Trong ngày ATTT Việt Nam 2018, vấn đề đào tạo nhân lực đã được bàn tới. Theo Thái, điểm mạnh và yếu của Việt Nam hiện nay trong vấn đề đào tạo nhân sự lĩnh vực này là gì?

Tôi không có số liệu để đánh giá chính xác, những nhận xét dưới đây chỉ là cảm tính, dựa vào quan sát và kinh nghiệm cá nhân. Về điểm mạnh, từ năm 2014 Việt Nam đã có Đề án 99 về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, ATTT đến năm 2020. Đề án đặt mục tiêu đưa nhân sự ra nước ngoài đào tạo, hiệu quả như thế nào, tôi không có dữ liệu để đánh giá, nhưng đây có thể xem là một điểm sáng vì Chính phủ đã chú ý và có đầu tư.

Một điểm sáng khác là nhiều bạn sinh viên và kỹ sư trẻ thường xuyên tham gia và có thành tích trong các cuộc thi Capture The Flag hoặc các chương trình săn lỗ hổng bảo mật (Bug Bounty). Trong ba năm vừa qua, team Meepwn bao gồm các bạn kỹ sư rất trẻ của Việt Nam luôn đứng trong top 100 team CTF trên thế giới. Một số kỹ sư Việt Nam cũng đã tìm được những lỗ hổng nghiêm trọng, được các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới ghi nhận thành tích.

Về điểm yếu, thị trường việc làm trong nước còn khá nghèo nàn. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có các ngân hàng lớn, vài công ty, tập đoàn như FPT, Viettel hay VNG là có khả năng và nhu cầu thuê mướn kỹ sư, chuyên gia ATTT. Các kỹ sư giỏi, nói được tiếng Anh mà tôi biết đều đã rời Việt Nam, vì chỉ cần đến Singapore, chưa kể Mỹ, Úc hay Châu Âu, họ đã có những cơ hội tốt hơn để phát triển nghề nghiệp và cải thiện thu nhập. Ngoài ra, Việt Nam không có nhiều kỹ sư ATTT biết làm phần mềm, hoặc những lập trình viên am hiểu ATTT. Thiếu những kỹ sư như vậy sẽ khiến Việt Nam không thể tự thiết kế và làm chủ các giải pháp bảo mật.

Những điểm yếu này là do thị trường Việt Nam thiếu sản phẩm công nghệ quy mô lớn. Hy vọng với sự xuất hiện của các sản phẩm thanh toán, thương mại điện tử, fintech, điện thoại thông minh, nhu cầu thị trường sẽ tăng lên và các kỹ sư sẽ có nhiều cơ hội hơn để tích lũy kinh nghiệm.

- Trong ''Có một Biển Đông trên không gian mạng'' mà Thái viết cách đây vài năm, mạng máy tính Chính phủ Việt Nam liên tục bị tấn công khi có căng thẳng trên Biển Đông, các báo cáo độc lập thời gian đó cũng chỉ ra có những tấn công có chủ đích (targeted attacks) vào hệ thống máy tính của các cơ quan Chính phủ Việt Nam. Vậy hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới hoàn thiện pháp luật (như sau Luật An toàn thông tin là Luật An ninh mạng), theo Thái vấn đề này liệu đã được giải quyết chưa? Vấn đề của Việt Nam trong đảm bảo ATTT hiện nay là gì?

Luật An ninh mạng không trực tiếp bảo vệ mạng máy tính của Chính phủ Việt Nam, vì đó là một vấn đề kỹ thuật. Muốn giải quyết cần phải có những giải pháp chi tiết, nằm ngoài phạm vi của một văn bản luật. Nhưng cần phải ghi nhận Luật An ninh mạng cũng đã đề ra được một khung pháp lý, quy định trách nhiệm và giới hạn quyền lực của các bộ liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin-Truyền thông và Ban Cơ yếu.

Vấn đề bây giờ là từ khung pháp lý này, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách, giải pháp, tiêu chuẩn cụ thể gì và làm sao để đảm bảo chúng được thi hành một cách hiệu quả. Chi tiết kỹ thuật công nghệ ở đây rất quan trọng, nếu chi tiết mà không chính xác thì khung pháp lý cũng không giải quyết được gì.

Quan sát các nước đi trước, từ lúc có luật bảo vệ hệ thống máy tính của chính phủ cho đến khi có những thay đổi mang lại lợi ích cụ thể, có khi mất vài năm. Việt Nam có thể rút ngắn thời gian bằng cách học từ các nước tiên tiến. Ví dụ thay vì tự xây dựng tiêu chuẩn an toàn thông tin, Việt Nam nên tham khảo tiêu chuẩn của Mỹ và Châu Âu. Viện Tiêu chuẩn Công nghệ Mỹ (NIST) đã công bố rất nhiều tiêu chuẩn và giải pháp cho các vấn đề mấu chốt trong việc đảm bảo an toàn mạng, tôi nghĩ Việt Nam nên sử dụng lại nguồn tài nguyên quý giá này.

Ngoài ra, trong bài viết ''Có một Biển Đông trên không gian mạng'' tôi có nói Việt Nam nên thành lập một đội đặc nhiệm bao gồm các chuyên gia giỏi nhất hiện có. Luật An ninh mạng nhắc nhiều đến lực lượng chuyên trách an ninh mạng, tôi hy vọng đội ngũ này sẽ hoạt động hiệu quả, có trách nhiệm và Chính phủ có phương thức kiểm soát để đảm bảo không lạm quyền.

Đối với Việt Nam, tôi muốn dấn thân tham gia giải quyết những vấn đề xã hội. Tôi muốn giữ một vị trí độc lập với quyền lực và các nhóm lợi ích, để tiếng nói của mình luôn khách quan và vì lợi ích chung. Tôi có thể nói sai, nhưng tôi không thể nói vì lợi ích cá nhân

- Người Việt làm việc ở nước ngoài thường được nhắc/hỏi về “yêu nước”, “làm gì cho đất nước”. Thái có một quan niệm yêu nước rất lạ: “Đừng yêu nước vì ta là người Việt Nam”. Tại sao vậy?

Ở đây tôi đang nói đến danh tính. Mỗi người đều có nhiều danh tính. Người Việt Nam, đàn ông, lập trình viên... là những danh tính của tôi. Người Việt Nam, phụ nữ, nhà báo... là danh tính của chị. Dẫu muốn hay không, danh tính ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ và hành động của chúng ta và nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ bị cầm tù bởi chính danh tính của mình.

Trong cuộc sống hàng ngày, trên thế giới có bao nhiêu người thành công, nhưng chúng ta thường chỉ quan tâm, ghen ghét và đố kỵ với thành công của những người xung quanh mình, vì họ là một phần danh tính của ta. Ở phạm vi lớn hơn, quốc gia, dân tộc, ý thức hệ, tôn giáo, xu hướng tình dục... là danh tính không thể thiếu của nhiều người. Nhưng lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam đã chứng kiến bao cuộc bể dâu chỉ vì danh tính của chị khác danh tính của tôi.

Một trong những lời khuyên hữu ích nhất mà tôi học được từ internet là phải giữ cho danh tính của mình nhỏ thôi (xem bài Keep your identity small của Paul Graham). Càng mang trong mình nhiều danh tính thì càng có nhiều định kiến, càng khó tiếp nhận cái mới. Tôi không phải là một Phật tử, nhưng tôi biết trong giáo lý Phật có nói đến “chấp”, tức là giữ lấy, không chịu từ bỏ. Càng chấp thì càng khổ và càng ngu muội. Tôi nghĩ để tự do tự tại, danh tính là thứ cần phải phá chấp trước tiên.

Việt Nam hay không, yêu nước hay không, do đó, không những không quan trọng mà còn có thể tạo ra rào cản trong tư duy. Tôi nghĩ quan trọng là mình biết mình có lợi thế để giải quyết vấn đề gì. Thế giới rộng lớn và có nhiều việc để làm. Tôi chọn Việt Nam vì tôi nghĩ tôi có lợi thế so với nhiều người khác, chỉ vậy thôi.

- Trải nghiệm từ quá trình đi tìm con đường để phát triển cá nhân, Thái cho rằng bản thân muốn phát triển phải thoát Việt, muốn trở nên xuất sắc thì phải đo mình bằng thước đo của thế giới. Thái có nghĩ “thước đo thế giới” cuối cùng cũng là để quay trở lại giải quyết vấn đề địa phương?

Tôi thấy chỉ khi nào thoát ra khỏi hệ quy chiếu Việt Nam, phải tạm quên cái danh tính này đi, lúc đó chúng ta mới có thể bứt phá, đi cùng với thế giới bên ngoài. Khi tôi chuẩn bị rời Việt Nam sang Mỹ, một người bạn đã nói sao tôi dại thế, có cây kiếm sắt thì đánh nhau với bọn cầm kiếm gỗ mới dễ ăn, chứ sao lại đi đánh với bọn cầm súng. Ý anh ấy là tôi nên ở Việt Nam, sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt hơn sang Mỹ. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy mình may mắn. Từ lúc ra nước ngoài, nhìn thấy thế giới, tôi mới hiểu xuất sắc là như thế nào và tôi biết muốn trở nên xuất sắc, mình phải tự đo bằng thước đo của thế giới.

Về chuyện giải quyết vấn đề gì, tôi nghĩ quan trọng là tìm được vấn đề mà mình quan tâm, có lợi thế và cơ hội giải quyết tốt hơn những người khác. Vấn đề địa phương, từ nơi mình đi ra, rơi vào nhóm những vấn đề như vậy, vì mình hiểu ngôn ngữ, văn hóa và có những mối quan hệ hỗ trợ.

- Tâm lý thích làm chủ, xem thường người làm thuê, thích bàn chuyện đại sự hơn là tập trung phát triển thành người làm chuyên môn dường như đang là xu hướng phổ biến của nhiều bạn trẻ? Vậy đâu mới là giá trị quan trọng nhất hình thành nên một trí thức thật?

Mỗi người có một khung giá trị khác nhau, tôi nghĩ không thể nói rằng giá trị của tôi là đúng, còn của chị là sai. Có người muốn hạnh phúc, có người muốn làm giàu, có người muốn nổi tiếng, có người muốn đóng góp. Tôi nghĩ không có gì mâu thuẫn với nhau. Đối với cá nhân tôi, tôi muốn tự do và muốn giải quyết những vấn đề giúp ích cho nhiều người.

- Trong xã hội Việt Nam hiện nay, để tự đào tạo mình thành con người tự do với tư duy độc lập thì có thể bắt đầu từ đâu?

Học cách suy nghĩ cũng giống như học bất kỳ thứ gì khác, có thể bắt đầu bằng cách bắt chước người khác. Tôi đã học được rất nhiều về cách suy nghĩ từ những người bạn mà tôi quen qua internet, như anh Ngô Quang Hưng (Giáo sư, tiến sĩ nghiên cứu về khoa học máy tính ở Đại học bang New York, Mỹ - PV)... Tôi học được từ họ cách nhìn vấn đề nhiều chiều, cách đặt câu hỏi, cách phát hiện và tránh những lối mòn hay định kiến trong suy nghĩ và cách tư duy dựa vào khoa học.

- Tâm thế tự do của một trí thức trong bối cảnh “đo mình bằng thước đo thế giới” được thế hiện ở chỗ nào?

Có những vị giáo sư, nhà nghiên cứu, anh chị kỹ sư không nổi tiếng, không giàu có nhưng họ có sức ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ internet. Nhờ họ mà internet nhanh hơn, tiện dụng hơn và an toàn hơn. Họ là những anh hùng của tôi, những người mà tôi muốn trở thành. Làm được như họ rất khó, nếu không được thì phương án B của tôi là làm giàu (cười).

- Trên trang cá nhân của mình, Thái có những ghi chép rất đời và cảm động về con người, cuộc sống quận 4 - nơi anh lớn lên - vốn nổi tiếng là “đất dữ”. Môi trường sống quận 4 đã ảnh hưởng thế nào đến con người Thái hiện nay? Trong con người Thái có chất... giang hồ không?

Tôi vẫn là thằng “Thái dúi” năm nào. Bây giờ, đã đi khắp nơi nhưng lúc nhắm mắt lại, nghĩ về nhà, tôi vẫn nghĩ về ngôi nhà nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, một nơi mà không phải ai cũng thấy bình an khi ghé ngang (cười).

Từ Xóm Đẻ quận 4 đến Silicon Valley là một chặng đường dài, có đi qua rồi tôi mới nhận ra rằng mình đã quá may mắn và có nhiều đặc ân như thế nào; rằng tài năng thì ở đâu cũng có, nhưng cơ hội thì không. Trời thương cho tôi sinh ra trong một gia đình ba mẹ chịu khó làm ăn, thương con và muốn con được đi học nên người. Nghe thì không có gì to tát, nhưng không phải ai cũng được diễm phúc này...

- Cám ơn Thái về cuộc trò chuyện thú vị này.

Theo Lê Quỳnh/Người đô thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Chủ nhật, 08/12/2024