Luke Thomas, chủ một công ty khởi nghiệp về phần mềm tại Mỹ, đã xây dựng ứng dụng Friday để đánh giá tâm trạng các nhân viên của mình, không chỉ vì anh quan tâm đến cảm xúc của họ mà còn muốn theo dõi mục tiêu và năng suất lao động của họ.
Tất nhiên, thật khó để đánh giá cảm xúc của các mọi người qua một thiết bị ảo. Vì vậy, Thomas đã sử dụng hơn 3.000 biểu tượng đầy màu sắc, không phải chữ và số thông thường trong bộ gõ Unicode, mà là những biểu tượng cảm xúc.
Hiện tại, ứng dụng Friday này đang được sử dụng trong một số doanh nghiệp. Chỉ từ những biểu tượng đơn giản, các nhà quản lý biết ngay liệu nhân viên của họ có đang hào hứng với công việc hay đang mệt mỏi, quá tải. Thomas khẳng định những biểu tượng cảm xúc thực sự là một hình thức giao tiếp rất mạnh mẽ.
Gần đây, ý tưởng này trở nên phổ biến hơn vì hàng triệu người phải làm việc từ xa kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Marcel Danesi, giáo sư ký hiệu học và nhân chủng học ngôn ngữ tại Đại học Toronto (Canada) và là tác giả của cuốn sách "Nghiên cứu Biểu tượng cảm xúc trên phương diện ký hiệu học" khẳng định những biểu tượng này là một thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh trong giao tiếp.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các doanh nhân như Thomas đang áp dụng hình thức giao tiếp này và các biểu tượng cảm xúc xuất hiện trong mọi văn bản, từ quảng cáo đến thư từ.
Ngắn gọn và ngọt ngào
Một nghệ sĩ Nhật Bản sáng tạo ra biểu tượng cảm xúc đầu tiên (emoji) năm 1999. Nhưng cũng giống như các ký tự biểu thị cảm xúc (emoticon) được sáng tạo ra trước đó như ;-) và :D, các emoji ít được sử dụng trong các văn bản bởi mọi người cho rằng nó thiếu nghiêm túc và quá trẻ con.
Tuy nhiên, sau đó người ta sử dụng các emoji để truyền tải các thông điệp và cảm xúc một cách ngắn gọn, tăng tính thú vị cho câu chuyện. Cùng với sự phát triển của điện thoại thông minh, người ta đã sáng tạo thêm hàng nghìn biểu tượng cảm xúc mới trong suốt 10 năm qua.
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy các ký hiệu nhỏ kích hoạt khả năng nhận thức của não bộ, khiến khả năng giao tiếp của con người phong phú hơn theo cách mà bình thường chữ và số không làm được.
Jeff Wilson, giám đốc điều hành và đồng sáng lập của công ty Jupe có trụ sở đặt tại Mỹ, một công ty khởi nghiệp chuyên thiết kế và thi công những nếp nhà xinh giữa thiên nhiên, sử dụng năng lượng mặt trời, anh Jeff Wilson khẳng định lợi ích của biểu tượng cảm xúc: "Chúng truyền đạt một lượng thông tin và cảm xúc chân thực trong một hình ảnh rất đơn giản".
Đặc biệt là những biểu tượng này giúp tiết kiệm thời gian, ngắn gọn và biểu lộ cảm xúc một cách tinh tế. Ông cho biết biểu tượng cảm xúc vừa hiệu quả vừa thú vị, chính xác là những gì công ty của ông đang cố gắng thực hiện với những không gian sống nhỏ xinh và tiện ích.
Một số doanh nghiệp còn sử dụng biểu tượng cảm xúc như một tiện ích để phân loại thông tin. Tiện ích của các biểu tượng cảm xúc là không thể phủ nhận, tuy nhiên có rất nhiều trường hợp quá lạm dụng và sử dụng không đúng đối tượng.
Bà Kristin Marquet, giám đốc điều hành của một công ty truyền thông tại Mỹ, đã nghiêm khắc kỷ luật một nhân viên vì sử dụng các biểu tượng một cách bừa bãi trong email gửi cho khách hàng.
"Nhân viên này đã sử dụng rất nhiều biểu tượng cảm xúc cười ra nước mắt trong khi vị khách hàng này là CEO của một doanh nghiệp lớn và ngang tầm tuổi với bố tôi, vì vậy kiểu liên lạc này là không phù hợp và không chuyên nghiệp", bà Marquet cho biết, bà đã kỷ luật nhân viên và trực tiếp xin lỗi khách hàng.
Trong hoàn cảnh hiện nay của thế giới, mọi người đang phải chuyển đổi cách xử lý công việc, họp hành, giáo dục… sang hình thức trực tuyến, các biểu tượng cảm xúc có thể trở thành một phần nghiêm túc trong công việc hàng ngày. Nhưng khi sử dụng chúng, bạn cũng cần thận trọng như khi phát ngôn hay soạn thảo văn bản.
Ngô Minh
Theo Inc