Dù mắc kẹt giữa không trung, viên thiếu úy tưởng bỏ mạng thì bỗng gặp phép màu

27/03/2020 10:10
Dù mắc kẹt giữa không trung, viên thiếu úy tưởng bỏ mạng thì bỗng gặp phép màu

Câu chuyện này đã xảy ra cách đây gần một thế kỷ, nhưng cho tới nay nó vẫn là một trong những chiến công ấn tượng nhất trong lịch sử hàng không Mỹ.

Một buổi diễn tập bình thường… 

Đó là một buổi sáng tháng 5 ở California, Mỹ. Bầu trời xanh trong, nắng vàng rực rỡ, những cơn gió mơn man ở Vịnh San Diego. Tại căn cứ Không quân Hải quân ở Đảo Bắc, mọi thứ đều yên bình.

Vào khoảng 9 giờ 45 phút sáng. Walter Osipoff, Thiếu úy Hải quân 23 tuổi từ Akron, Ohio đã lên chiếc máy bay DC-2 để nhảy dù như thường lệ. Trung úy Bill Lowrey, 34 tuổi, phi công lái máy bay thử nghiệm từ New Orleans thì đang kiểm tra chiếc máy bay quan sát. Trong khi đó John McCants, 41 tuổi, thợ máy cũng đang thực hiện công việc hàng ngày của mình.

Osipoff là một chuyên gia nhảy dù. Anh đã gia nhập Lực lượng Vệ binh Quốc gia và sau đó là Lực lượng Hải quân vào năm 1938. Đến ngày 15/5/1941, anh đã thực hiện hơn 20 cú nhảy.

 Dù mắc kẹt giữa không trung, người đàn ông tưởng bỏ mạng thì bỗng gặp được 1 phép màu - Ảnh 1.

Walter Osipoff, Thiếu úy Hải quân (Nguồn ảnh: Rick Lawrence)

Sáng hôm đó, chiếc DC-2 đã cất cánh hướng đến Kearney Mesa, nơi Osipoff sẽ giám sát quá trình đào tạo nhảy dù cho 12 binh sỹ của mình. Hầu hết các binh sĩ đã nhảy ra khỏi máy bay, và Walter Osipoff đã sẵn sàng cho một cú nhảy dù bình thường.

Đã biến thành một trong những sự kiện đáng nhớ bậc nhất của Không quân Hoa Kỳ

Tuy nhiên, với một chiếc đai buộc ở chân và ngực bị hỏng, dù của Osipoff đã cuốn quanh bánh xe ở đuôi chiếc máy bay. Với kinh nghiệm của mình, anh biết là không nên bung dù khẩn cấp, vì khi máy bay vẫn đang bay với tốc độ ấy, nếu anh bung dù ra thì nó sẽ xé anh làm đôi.

Điều duy nhất anh ta nghĩ được là nhắm chặt mắt và co chân tay lại để chống chọi với những cơn gió mạnh ở độ cao 90m. Người đầu tiên phát hiện ra chuyện không ổn là phi công của máy bay, Cơ trưởng Harold Johnson. Thật không may, máy bay không có đài phát và Johnson không thể gọi trợ giúp từ mặt đất.

Bên trong máy bay, các thành viên còn lại đang vật lộn để tìm cách kéo Osipoff về an toàn, nhưng mọi nỗ lực của họ đều thất bại vì họ không thể tiếp cận được anh ta.

Để thu hút sự chú ý, Johnson đã bay vòng quanh Đảo Bắc. Một vài người ở căn cứ đã nhận ra sự bất thường này, trong đó có Bill Lowrey và John McCants, người đang làm việc gần đó. Lowrey hét lên với McCants, "Có người đang bị treo lơ lửng trên kia lìa, cậu nghĩ ta có thể cứu được anh ta không?". McCants đáp: "Ta hãy thử xem sao". Lowrey hét lên với các thợ máy, yêu cầu máy bay sẵn sàng để cất cánh. Đó là 1 chiếc SOC-1, với 2 chỗ ngồi.

"Chỉ có một quyết định mà thôi, đó là đi cứu anh ấy. Bằng cách nào thì chúng tôi còn chưa biết, vì cũng chẳng có thời gian nghĩ", Lowrey đã nói sau cuộc giải cứu như vậy.

Osipoff đã ở trong tình trạng khá tệ, anh đã bị xuất huyết, máu chảy ra từ mũ bảo hiểm của anh. Điều này nghĩa là Lowrey và McCants phải hành động nhanh chóng và chính xác để cứu mạng đồng đội. Mặc dù Lowrey đang cố hết sức để giữ máy bay cân bằng, nhưng thời gian dường như đang chống lại họ.

Xương sườn anh đau nhức, song khi ấy, anh không hề biết rằng 2 chiếc xương sườn và 3 đốt sống cổ của anh đã bị gãy tự lúc nào. Việc hạ cánh khẩn cấp khi Osipoff đang bị kéo lê đằng sau sẽ nghiền nát người đàn ông này.

Khi chiếc SOC-1 bay lên bầu trời, dường như mọi hoạt động ở San Diego đều dừng lại. Dân chúng leo hết lên mái nhà để quan sát, trẻ con cũng ngừng chơi, còn đàn ông ở đảo Bắc thì hướng hết mắt lên bầu trời.

Chỉ trong vài phút, Lowrey và McCants đã ở dưới chiếc DC-2, bay ở độ cao 90m. Họ đã thử tới 5 lần nhưng gió quá mạnh khiến họ không làm gì được. Liên lạc radio giữa 2 máy bay thì không có, Lowrey đành phải ra hiệu bằng tay cho Johnson, phi công của chiếc DC-2 hãy bay qua Đại Tây Dương, nơi ít có gió hơn, và họ sẽ bay lên độ cao 900m.

 Dù mắc kẹt giữa không trung, người đàn ông tưởng bỏ mạng thì bỗng gặp được 1 phép màu - Ảnh 2.

Trung tá John J. Capolino, một họa sĩ đã mô tả cuộc giải cứu Osipoff bằng bức tranh này. Hiện bức tranh thuộc quyền sở hữu của Bảo tàng Thủy quân Lục Chiến Quốc gia ở Virginia, Mỹ.

Johnson bay theo đường thẳng, giảm tốc độ xuống giống như chiếc máy bay SOC-1, tức là còn khoảng 160 km/h và bay song song với nó. Lowrey nhích máy bay tới gần hơn với độ chính xác tuyệt đối để Osipoff không va vào cánh quạt của chiếc SOC-1 và bị nghiền nát giữa không trung.

McCants tóm lấy eo của Osipoff, còn Osipoff thì choàng tay ôm vai của McCants như thể họ đang là 2 diễn viên xiếc, chỉ có điều, họ làm điều này ở giữa không trung, và chỉ cần một chút sơ sẩy là sẽ gây ra nguy hiểm cho không chỉ một người.

Vẫn còn một khó khăn nữa. Họ đã đưa được Osipoff vào bên trong chiếc máy bay SOC-1, song anh ta vẫn bị buộc vào chiếc DC-2 bởi 1 sợi dây. Lấy gì để cắt được sợi dây này đây?

Và một lần nữa, lại bằng một sự chính xác không tưởng, Lowrey đã nhích gần thêm chút nữa, dùng chính chiếc cánh quạt máy bay để cắt đứt sợi dây này. Cuối cùng, sau 33 phút sinh tử dài nhất cuộc đời, Osipoff cũng được giải thoát hoàn toàn.

Khi xuống dưới mặt đất, Osipoff chỉ kịp nghe tiếng vỗ tay tán thưởng cho cú hạ cánh thành công là bất tỉnh, không còn nhận biết được điều gì xung quanh nữa.

Osipoff đã được đưa đến bệnh viện sau khi trải qua chuyến bay dài 33 phút đầy ác mộng, và anh đã hồi phục hoàn toàn. Sau khi được ra viện, 6 tháng sau, anh đã quay lại với việc nhảy dù và được thăng cấp Trung úy.

Còn Lowrey và McCants, sau bữa trưa hôm đó, lại tiếp tục nhiệm vụ hàng ngày của họ. Nhưng 3 tuần sau, cả 2 người đã bay đến thủ đô Washington DC, nơi Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ lúc bấy giờ, ông Frank Knox trao cho họ Huy chương Nhân dũng bội cứu tinh cho hành động cứu người phi thường.

Và những bài học giản đơn nhưng đầy ý nghĩa

Câu chuyện cho thấy, dù cho ta có kỹ năng thuần thục như thế nào đi chăng nữa, thì rủi ro vẫn luôn có thể xảy ra, và trong những tình huống đó, chỉ có sự bình tĩnh, tinh thần lạc quan, kiên cùng cùng những kiến thức được tích lũy từ ngày này qua ngày khác mới có thể cứu nguy cho bản thân.

 Dù mắc kẹt giữa không trung, người đàn ông tưởng bỏ mạng thì bỗng gặp được 1 phép màu - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, nó chứng minh rằng, trong những góc khuất tối tăm nhất thì ở đâu đó, vẫn luôn có một tia sáng hy vọng chờ đợi bạn. Cuộc sống này luôn có phép màu, và phần lớn những phép màu đó tới từ lòng tốt và sự dũng cảm của con người.

Do đó, dù có không may rơi vào hoàn cảnh nào thì cũng đừng tuyệt vọng, và hãy luôn biết ơn những người anh hùng thật sự mà bạn có cơ hội được gặp trong đời.

Theo Reader’s Digest - Tổ quốc


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024