Quyết định mạo hiểm được đền đáp: tính đến ngày 29.9 chương trình du lịch “Hộp cát Phuket” thu hút hơn 38.000 lượt khách quốc tế trong đó chỉ có 0,3% xét nghiệm dương tính. Và chỉ tính hai tháng 7 và 8 Thái Lan thu về 1,63 tỉ baht.
Dù chưa thể đạt đến 470 tỉ baht như năm 2019 nhưng “Hộp cát Phuket” đã trở thành hình mẫu cho các nền kinh tế đang tìm cách khởi động lại ngành du lịch một cách an toàn.
Việt Nam dự tính triển khai chương trình tương tự tại đảo Phú Quốc – nơi toàn bộ người dân địa phương sắp được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 10.
Chương trình chia theo từng giai đoạn bắt đầu từ ngày 20.11, đón khách nước ngoài đã tiêm vắc xin đến từ quốc gia/vùng lãnh thổ nguy cơ thấp như Úc, châu Âu, Mỹ. Họ sẽ ở trong khu nghỉ dưỡng được cấp phép, tham gia hoạt động lựa chọn trước thông qua công ty du lịch như lặn biển, đánh gôn, đi cáp treo, xem cách nuôi cấy ngọc trai.
Tuy nhiên, không giống Thái Lan - cho phép du khách rời Phuket đến địa điểm khác sau khi tận hưởng kỳ nghỉ 14 ngày trên đảo - du khách đến Phú Quốc sẽ phải dành toàn bộ kỳ nghỉ của mình ở đây.
Sau vài bước khởi động sai lầm, Indonesia cũng cân nhắc tái mở cửa Bali thận trọng hơn. Họ dự tính giới hạn khu vực đón khách nước ngoài trong 3 vùng an toàn Nusa Dua, Ubud, Sanur trên đảo.
Tại Malaysia, đảo Langkawi mở cửa đón khách nội địa từ ngày 16.9.
Đại dịch đã kéo dài suốt 19 tháng, chính quyền các nước vẫn đang cố gắng tìm cách hồi sinh du lịch cùng loạt ngành nghề liên quan. Họ phải tìm câu trả lời cho hàng loạt câu hỏi khó: "Hạn chế nào du khách sẵn sàng chấp nhận?", "Loại tiêu chuẩn vệ sinh nào khiến khách cảm thấy thoải mái?", "Người dân địa phương chấp nhận rủi ro mức độ đến đâu để đánh đổi sinh kế?".
Động lực khởi động lại du lịch quốc tế ngày càng lớn, mặc dù chỉ mới có 3 trên 10 quốc gia ASEAN tiêm chủng đầy đủ cho phần lớn dân số. Điểm chung phổ biến của loạt chương trình ở Thái Lan, Việt Nam hay Indonesia là điểm đến khép kín nên dễ dàng kiểm soát đi lại, nếu xảy ra bùng phát dịch cũng chỉ giới hạn trong một nơi.
Chuyên gia marketing Sarah Mathews làm việc cho nền tảng du lịch Tripadvisor thích ý tưởng “hộp cát”. Bà đánh giá đây là cách tuyệt vời giúp chính quyền lẫn doanh nghiệp học hỏi, tìm hiểu xem cách làm nào tốt.
Dữ liệu Tripadvisor công bố ngày 22.9 cho thấy nhu cầu du lịch cực kỳ lớn. Chẳng hạn người dân Singapore rất quyết tâm bù đắp thời gian bị mất vì đại dịch, New York, Luân Đôn, Hồng Kông, Dubai, Bangkok và Munich là điểm đến họ tìm kiếm nhiều nhất.
Theo Tiến sĩ Nuno Ribeiro đang giảng dạy tại đại học RMIT (Việt Nam): “Lịch sử của ngành du lịch kể từ Thế chiến thứ 2 cho chúng ta biết rằng, du lịch luôn bùng nổ sau các cuộc khủng hoảng. Điều tương tự sẽ xảy ra khi đại dịch được kiểm soát hoặc thế giới học cách sống chung với đại dịch, giống như chúng ta từng làm với bệnh cúm”.
Trước mắt, trong ngắn hạn, du lịch nội địa vẫn đóng vai trò lực đẩy cho ngành du lịch Đông Nam Á. Ví dụ như tại Bali, khách nội địa (khoảng 6.000 lượt khách/ngày) đang giúp hàng loạt khách sạn duy trì hoạt động. Bãi biển trên đảo dần có sức sống trở lại.
Tiến sĩ Ribeiro dự báo thời gian tới sẽ nổ ra cuộc cạnh tranh về giá vì ngành du lịch - với chi phí cố định luôn cao - hiện thu về ít tiền hơn. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết: “Sau nhiều nỗ lực ngăn chặn dịch bùng phát và khởi động lại du lịch, cả khu vực tư nhân và nhà nước đã rút ra bài học kinh nghiệm. Đây là thời điểm để du lịch và các ngành khác tính đến chuyện sống chung với đại dịch, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế ”.