Điều rất hay xảy ra và cũng dễ nhận thấy là trong khá nhiều bài viết báo chí hoặc văn chương hiện nay, những tác giả trẻ dùng từ Hán Việt thường bị sai, có sự nhầm lẫn rất đáng tiếc. Đành rằng ngôn ngữ luôn vận động, thay đổi, phát triển, từ ngữ được bổ sung những nghĩa mới, nhưng với không ít từ Hán Việt, nếu ta không nắm chắc nghĩa gốc của nó sẽ gây nên sự diễn đạt ngô nghê, vô nghĩa.
Trong bài này, chúng tôi xin trao đổi về hai từ “đơn” và “độc”.
Lật giở những trang báo, không khó để bắt gặp cụm từ được coi là thành ngữ chỉ sự một mình, “đơn thân độc mã”, hiểu nôm na là “một mình một ngựa”. Bảo rằng sai thì cũng không hẳn sai, nhưng đúng cũng chưa phải đúng.
“Đơn” là từ Hán Việt, nghĩa là một, một đơn vị, một mình. Bản thân “đơn” đã là một mình rồi, nên không cần phải “đơn thân” để chỉ sự một mình. Đơn cử có nghĩa là lấy một việc gì đó, một người nào đó, một chuyện chi đó để trình ra (cử) cho người khác thấy, nắm được, hiểu được. Đơn chiếc là người sống một mình, chả có ai bên cạnh. Người đàn bà đơn chiếc là người sống không chồng không con, không có người thân. Trong các cuộc thi đấu thể thao, khi mỗi bên chỉ có một người đấu thì gọi là giải đơn nam hoặc đơn nữ, nhằm phân biệt với các hình thức đấu nhiều người hơn, chẳng hạn đôi nam, đôi nữ, đồng đội. Một cô gái nào đó không lập gia đình, không cưới chồng mà tự nuôi con thì gọi là bà mẹ đơn thân. Để chỉ tình trạng ai đó một mình làm việc, không có người nào giúp sức, hỗ trợ, ta hay dùng thành ngữ “đơn thương độc mã” (chứ không phải đơn thân độc mã như nói ở trên). Nguyên nghĩa thành ngữ này chỉ về người ra trận một mình, tay cầm một cây thương (vũ khí), cưỡi trên một con ngựa (vật vận chuyển), cái gì cũng một, ngoài ra không còn gì khác. Dường như thành ngữ này có liên quan tới tích Triệu Tử Long một ngựa một giáo xông vào giữa đám vạn quân Tào ở Đương Dương để cứu ấu chúa.
“Độc” cũng từ Hán Việt, gần nghĩa với “đơn” nhưng ý nhấn mạnh hơn, tức là “chỉ có một” chứ không đơn giản là một như đơn. Độc thân là sống chỉ có một mình, không quan hệ với ai. Độc huyền cầm là cây đàn (cầm) chỉ có một (độc) dây (huyền). Chỉ ở Việt Nam mới có thứ nhạc cụ độc đáo này. Nó được dân Việt ta gọi nôm na là đàn bầu bởi cây đàn cổ xưa dùng quả bầu khô để làm một bộ phận quan trọng của đàn, tăng âm lượng cho cây đàn. Thơ cổ có cầu “Đàn bầu ai gảy mà nghe/Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. Các cụ khuyên chớ nghe bởi âm thanh của nó nỉ non, quyến rũ, buồn, rất… nguy hiểm với những cô gái. Khi giới thiệu đàn bầu ra nước ngoài hoặc với khách quốc tế, chủ nhà thích dùng chữ “độc huyền cầm” bởi nghe có vẻ nhã, nghệ thuật hơn. Hồi tháng 3 vừa qua, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sang Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 và kết hợp thăm chính thức nước ta, ông khách Triều cũng rất thích thú khi được chủ nhà chiêu đãi văn nghệ, giới thiệu tiết mục đàn bầu - độc huyền cầm. Ông còn trực tiếp thử gảy đàn khiến nhiều người thích thú.
So với “đơn”, tình trạng “độc” thể hiện tính chất “một mình” sâu hơn, nghiêm trọng hơn. Cổ nhân thường bảo “trà tam rượu tứ”, một cách nói hình tượng rằng uống trà hoặc uống rượu phải đông (tam, tứ - ba, bốn) thì mới vui. Tuy nhiên, cuộc sống có những hoàn cảnh riêng nên mới nảy chuyện độc ẩm (uống một mình). Uống rượu một mình buồn lắm, nhưng bởi buồn nên mới uống một mình. “Rót đau lòng ấy vào đau lòng này” (thơ Trần Huyền Trân). Càng uống càng thấy buồn. Nhà thơ đất cảng Hải Phòng, thi sĩ Thi Hoàng lúc uống rượu một mình đã vụt ra câu thơ gan ruột “Một đầu đường chẳng có ai trông ngóng/Một buổi chiều không biết cất vào đâu”, sự “độc” - cô đơn, một mình, chỉ một mình đã tới mức không thể nào trơ trọi lẻ loi hơn được nữa. Ngay cả buổi chiều cũng trở nên thừa đối với người cô độc.
Độc hành là đi (hành) một mình. Kẻ độc hành là những người cô độc, cô đơn, nay đây mai đó, không ở hẳn một nơi nào, cứ “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” (đi một mình, tới chỗ nào lúc trời đã tối thì chỗ đó là nhà mình, nơi nào mình ngả lưng xuống, dù bãi cỏ, gốc cây, sườn núi… thì chỗ đó là chiếc giường của mình).
“Độc nhất vô nhị” cũng là thành ngữ hay được dùng, để chỉ những trường hợp chỉ có một (độc, nhất) mà không có hai (nhị). Đã “độc” rồi mà còn “nhất” nữa – độc nhất, cũng như đã “đơn” rồi mà còn “độc” nữa – đơn độc, thì ta gọi là duy nhất, không còn cái thứ hai nào chen vào được. Chính vì thế, khi ai đó diễn đạt “duy nhất có một” là thừa hẳn một nửa.
Nguyễn Thông