Sách gồm ba phần: Phần đầu do chính hòa thượng kể lại cuộc đời mình để các đệ tử ghi chép, phần hai do các đệ tử ghi lại những sự việc xảy ra sau đó, phần ba là lời giảng của hòa thượng trong hai khóa thiền thất.
Hư Vân (1840 - 1959) là vị thiền sư có ảnh hưởng nhất từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20, có vai trò lớn đối với sự phục hưng của Thiền Tông và Phật giáo Trung Quốc thời hiện đại. Cuộc đời ông trải dài suốt thời kỳ đầy biến động của lịch sử Trung Hoa, từ khi nước này bị các đế quốc phương Tây xâu xé, đi qua năm đời vua nhà Thanh đến khi chế độ cộng hòa được thành lập, nội chiến, kháng chiến chống Nhật, rồi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1949).
Hòa thượng Hư Vân sinh ra trong một gia đình quan lại tại tỉnh Phúc Kiến, tục danh là Tiêu Trai. Được gia đình cưới cho hai vợ nhưng chán cuộc hôn nhân ép buộc, Tiêu Trai không bao giờ gần gũi họ. Năm 19 tuổi, ông để lại thư cho hai vợ và bỏ nhà ra đi học đạo.
"Đường mây trên đất hoa" (NXB Tổng hợp TP HCM và First News xuất bản) của tác giả Nguyên Phong và Thích Hằng Đạt là bức tranh tổng thể và sống động về tình trạng Phật giáo tại Trung Hoa cuối thế kỷ 19. Ảnh: First News.
Hòa thượng Hư Vân kể hành trình tu tập để đi đến giác ngộ của ông rất gian khổ. Năm 43 tuổi, thấy xuất gia đã hơn 20 năm mà đạo nghiệp chưa thành, ông khởi hành từ núi Phổ Đà, thực hiện hành trình ba bước một lạy (tam bộ nhất bái) đến núi Ngũ Đài để cầu cho cha mẹ được siêu thoát. Trên con đường phủ tuyết, nhiều lần bị đau ốm, đói khát, phải mất ba năm ông mới hoàn thành chuyến đi.
Đến năm 56 tuổi, khi đang chuyên tâm tọa thiền tại chùa Cao Mân ở Dương Châu, ông nghe tiếng chén trà rơi xuống sàn vỡ mà bỗng nhiên đốn ngộ, dứt mọi tình nghi, thân tâm thoát mê. Sư làm bài kệ nói về sự ngộ đạo của mình. Khác với đa phần thiền sư ra đi không để lại dấu vết, hòa thượng Hư Vân để lại những tài liệu tu tập đáng kể, làm chứng tích cho chúng sinh đời sau noi gương tu hành.
Sách còn ghi lại những hành trạng đặc biệt của hòa thượng Hư Vân, như khi ở Thái Lan, đang giảng kinh bỗng nhập định bảy ngày, khiến cả thủ đô Bangkok xôn xao, quốc vương và các đại quan cũng đến lễ bái. Hoặc khi hòa thượng thuê người vận chuyển tượng Phật bằng đá qua núi, những người phu khuân vác quá mệt nhọc muốn xin thôi, ngài đã nâng được một tảng đá nặng hơn cả tượng Phật lên cao, khiến họ ca tụng "lão hòa thượng chính là Phật sống" rồi bảo nhau hoàn thành việc vận chuyển chu đáo.
Đường mây trên đất hoa được dịch giả Nguyên Phong dịch từ ấn bản tiếng Anh Empty Clound của Charles Luk, xuất bản năm 1959, tham cứu thêm các quyển Biography of Venerable Master Hsu Yun, Chan & Zen Teaching Serie 1. Tác giả còn kết hợp cuốn Biên niên tự thuật của hòa thượng Hư Vân - bản dịch của Đại đức Thích Hằng Đạt từ nguyên tác chữ Hán do cư sĩ Sầm Học Lữ biên soạn và phóng tác. Với văn phong mạch lạc, sáng sủa của một nhà khoa học, sách khiến người đọc dễ cảm nhận và tiếp thu.
Nguyên Phong là bút danh của Giáo sư John Vu (Vũ Văn Du), một nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng thế giới, từng là kỹ sư cao cấp của Boeing, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học tại Đại học Carnegie Mellon, Mỹ.
Ông chính là người đã dịch cuốn Hành trình về phương Đông nổi tiếng của tác giả Blair T. Spalding được nhiều độc giả Việt Nam yêu thích, cùng nhiều tác phẩm khác đề tài tôn giáo phương Đông như Bên rặng Tuyết Sơn, Minh triết trong đời sống, Ngọc sáng trong hoa sen... Mới đây, cuốn Muôn kiếp nhân sinh của ông - viết về trải nghiệm tiền kiếp của một doanh nhân Mỹ - bán được 180.000 cuốn sau hơn hai tháng ra mắt.
Tiên Long