Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn - Ảnh: Tư liệu
Sáng sớm hôm nay, trên các trang cá nhân của một số văn nghệ sĩ Sài Gòn cùng nhau chia sẻ tin buồn nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã qua đời vào lúc 3 giờ sáng ngày 11.6 tại nhà riêng ở tại xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc.
“Vậy là khép lại một hành trình gian nan và nhọc nhằn “không biết từ đâu ta đến đây/ mang mang trời thẳm đất xanh dày/ lớn lên mang nghiệp làm thi sĩ/ sống điêu linh rồi chết đọa đày”.Thế nhưng, ông không chỉ là một nhà thơ. Người dân Bảo Lộc nói riêng và người dân Lâm Đồng nói chung, sẽ phải nhớ ơn ông đã trồng trọt, đã bảo vệ và đã để lại một đồi thông Phương Bối gần chục hecta xanh ngút ngàn”, nhà thơ, nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn (TP.HCM) viết lời tiễn biệt ông trên trang cá nhân.
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn trong rừng Phương Bối - Ảnh: Tư liệu
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn sinh năm 1937 tại Dư Khánh, Ninh Thuận. Ông còn có bút danh Sao Trên Rừng. Nguyễn Đức Sơn làm thơ, viết văn từ rất sớm, khoảng thời gian từ những năm 1960 đến năm 1970 ông đã cho xuất bản hàng loạt tác phẩm và gây tiếng vang lớn trên văn đàn miền Nam, Việt Nam.
Giới văn chương tại miền Nam thời đó đã xếp Nguyễn Đức Sơn là một trong ba kỳ nhân của làng văn nghệ (hai người còn lại là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền) và cũng là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam (ba người còn lại là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên).
Không chỉ nổi tiếng với thơ ca, Nguyễn Đức Sơn còn nổi tiếng bởi những cá tính đặc biệt, tên của ông thường được đi kèm với các biệt danh như “quái nhân", "kỳ nhân", "dị nhân", "lão quái", "con quỷ làm thơ” bởi cách sống, lối hành xử, những suy nghĩ nghịch đời khi nhìn nhận về thế giới vạn vật, cõi nhân sinh và cách phát ngôn diễn đạt không giống bất kỳ ai.
Nhận xét về nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, nhà văn Võ Phiếm viết: "Hầu hết những ai bắt đầu xun xoe vào làng văn đều muốn tỏ ra khác người, nghĩa là ngông nghênh. Để có thể tha thứ những bậy bạ hư hỏng ở một kẻ nào, ta tắc lưỡi kêu: hắn trót có tí "máu văn nghệ" trong người. Trong đám văn nghệ với nhau thì nhố nhăng nhất phải thú thật là những chàng thi sĩ. Một nhà nho như ông Tản Đà mà để xứng danh thi sĩ ông cũng làm trò con nít: gửi thư lên chị Hằng, gánh thơ đi bán chợ trời... Còn Chế Lan Viên thì thấy trăng sáng vội kêu: "Ta cởi truồng ra, ta cởi truồng ra" Nguyễn Đức Sơn không cần phải làm như thế. Hãy xem cốt cách của ông: điềm nhiên giản dị hơn biết bao:
đầu tiên tôi thở cái phào
bao nhiêu phiền não như trào ra theo
nín hơi tôi thở cái phèo
bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không...
(Một mình nằm thở đủ kiểu trên bờ biển).
Dù là "dị nhân trong đời thường" như người đời xưng tụng, nhưng đối với thơ ca, Nguyễn Đức Sơn không tự tách mình ra khỏi thế giới dịu dàng của "nàng thơ". Ngôn ngữ thơ ca của ông luôn đẹp đẽ, thanh cao, tinh tế trong ý tưởng, trau chuốt kỹ lưỡng trong vần điệu, đậm chất trữ tình, mang đầy tính triết học nhưng cũng rất bình dị gần gũi:
Tôi về lắng cả buổi chiều
Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh
Còn một mình hỏi một mình
Có chăng hồn với dáng hình là hai
Nguyễn Đức Sơn vùng vẫy la hét ngông nghênh, thậm chí văng tục chửi bới ngoài đời thực như những dị nhân lão quái trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, nhưng với thơ ca ông không làm như thế. Ngoài những suy niệm mang tính triết học, đôi khi Nguyễn Đức Sơn dịu dàng hòa mình vào với thiên nhiên vạn vật xung quanh - thế giới mà ông đã chọn sống và gắn bó gần 40 năm nay.
Tôi đi và hát một mình
Rừng cây xanh và rừng cây xanh
Trời trong xanh và mây trong xanh
Trên đồi cây xanh dưới đồi cây xanh
Tôi dừng lại để nghe chim hót
Và theo điệu riêng tôi lại hát
Cho rừng thêm xanh cho ngày thêm xanh
Cũng như nhiều thi sĩ khác, cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn là một chuỗi dài lang bạt khắp nơi, ông từng sống ở Sài Gòn, Phan Rang, Bình Dương-Thủ Dầu Một, Blao,Lâm Đồng bằng nghề dạy ngoại ngữ, làm thơ viết báo, viết văn. Ông có nhiều bài viết đăng trên các tạp chí chuyên đề rất nổi tiếng của miền Nam như Thế kỷ hai mươi, Khởi hành, Bách khoa, Sáng tạo, Thời nay, Văn, Văn nghệ…
"Tôi viết vì bị thúc đẩy bởi một lực ở đằng sau và được thu hút bởi một lực ở phía trước. Ðó là những ma lực làm tôi cảm khoái huyền diệu xa xăm. Thứ cảm khoái này kéo dài được chứ không ngắn như nhục cảm. Viết được một đoạn hay tôi đi lên đi xuống thưởng thức và khoái chí. Nên tôi nghĩ rằng sáng tác cho mình trước hết", nhà thơ Nguyễn Đức Sơn nói về quan niệm sáng tác của mình trên một tạp chí xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975.
Sau năm 1975, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn thất nghiệp một thời gian dài. Nghề dạy ngoại ngữ của ông cũng không còn ai học. Ông cùng gia đình sống vật vã ở Bình Dương. Năm 1979 Nguyễn Đức Sơn dẫn gia đình lên ngọn núi Phương Bối, ở Bảo Lộc, Lâm Đồng sinh sống. Nguyễn Đức Sơn bắt đầu khai hoang làm nương rẫy. Hàng ngày ông dùng xe đạp thồ củi xuống chợ bán để nuôi chín đứa con và vợ. Theo nhà văn Ban Mai thì “từ đó, gia đình ông ăn chay trường, con ông hầu như đều tu tại gia, trong các am thất trên núi, giai đoạn đói khát một người con trai của ông hái trúng nấm độc, ăn và chết, gây cho ông một cú sốc”.
Thời gian sống ở Bảo Lộc ông gần như đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài, ông sống riêng một mình trong một tịnh thất nhỏ làm bằng gỗ giữa một rừng thông bạt ngàn do chính tay ông trồng và canh giữ. Từ đó ông có thêm một biệt danh mới là Sơn Núi.
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn nhẹ bước rời xa cõi tạm ở tuổi 83, di sản của ông để lại cho hậu thế gồm 3 tập truyện ngắn Cát bụi mệt mỏi (An Tiêm 1968), Cái chuồng khỉ (An Tiêm 1969), Xóm chuồng ngựa (An Tiêm 1971). Về thơ ông các tuyển tập Hoa cô độc (1965) Bọt nước (1966), Lời ru (1966), Đêm nguyệt động (1967), Mộng du trên đỉnh mùa xuân (1972), hai tập thơ cuối cùng là Tịnh khẩu và Du sĩ ca (An Tiêm 1973), và một tập chưa in là Ngồi đợi ngoài hành lang.
Tiểu Vũ