18 tuổi trở thành "dị nhân không xương"
Cách đây một năm, khi đang là sinh viên năm hai trường Cao đẳng Việt Hàn, Vương Hữu Thịnh (20 tuổi, ở thị trấn Sóc Sơn, Hà Nội) bất ngờ trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết đến với biệt danh "dị nhân không xương" nhờ khả năng "lật" xương, khớp và vặn vai, tay 360 độ.
Thời gian đầu mới học, Thịnh được một người anh trong nghề hướng dẫn các động tác. Sau đó, 10X tự mày mò tập thử ở khớp vai và nhận thấy có thể tập luyện được nên quyết tâm theo đuổi bộ môn "kén" người tham gia này.
"Trước mỗi buổi tập, mình sẽ khởi động tay, chân và ép người, ép tay cho dẻo dai. Sau đó, sử dụng dụng cụ hỗ trợ bằng dây vải, khăn hoặc quần áo để tập luyện cho quen cảm giác rồi mới tự cầm tay bẻ. Mình cũng thường tập trước gương cho thuận tiện quan sát và điều chỉnh động tác", Thịnh kể.
Động tác đầu tiên chàng trai này tập là bẻ khớp vai 360 độ. Sau tháng tập luyện chăm chỉ đến khi thuần thục, 10X chuyển sang kỹ thuật tiếp theo là vặn tay 360 độ kết hợp với nhiều động tác như sườn, lưng, chân và cổ họng.
Với những động tác có độ khó cao, anh lại miệt mài tập luyện hai tiếng mỗi ngày. Có những đợt khổ luyện, cơ thể đau nhức, tay chẳng thể nhấc được lên, cậu phải nghỉ ngơi mất hai tháng rồi mới dám tập tiếp.
Những ngày đầu Thịnh theo đuổi bộ môn mạo hiểm, bố mẹ cậu lo lắng và cấm đoán quyết liệt vì sợ con gặp chấn thương. Thuyết phục gia đình không được, chàng trai "lén lút" tập, tranh thủ mọi lúc mọi nơi để cải thiện khả năng vặn khớp, bẻ xương.
Từ việc tự tập nhảy bẻ xương, khớp theo nguyên mẫu, Thịnh mạnh dạn sáng tạo thêm các động tác mới mang phong cách riêng. 10X cũng dành thời gian học thêm popping để kết hợp với cơ thể thành những màn trình diễn hấp dẫn.
Sau một năm, Thịnh đã thuần thục nhiều kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp như bẻ tay thành hình khối, chữ X, uốn lượn sóng hay xoay yết hầu, xoay cổ, bẻ chân, vặn người 180 độ,...
Quá trình khổ luyện theo đuổi bộ môn "kén" người chơi
Thịnh kể, những động tác biểu diễn thoạt nhìn đơn giản nhưng đòi hỏi nhiều công sức và sự cẩn trọng, tập trung cao độ. "Quá trình tập, mình mất rất nhiều sức vì phải dồn toàn bộ sức lực để biểu diễn nên cảm thấy mỏi nhừ người. Chưa kể, nếu tập không cẩn thận dễ bị chấn thương, nhẹ thì rách cơ, trật khớp, nặng thì gãy tay", 10X cho biết.
Theo nam sinh này, động tác nào cũng đều khó khăn cả nhưng xoay khớp cổ là động tác khó nhất vì khi xoay, yết hầu xoắn theo dẫn đến khó thở. Bên cạnh đó, kỹ thuật vặn người cũng được chú trọng bởi có tác động trực tiếp đến các bộ phận bên trong cơ thể, khiến hai bên xương sườn xoay theo, gây khó chịu và thậm chí ngạt thở.
10X thừa nhận, bộ môn này tuy mạo hiểm nhưng giúp bản thân trở nên nhanh nhẹn và uyển chuyển hơn, phát huy được khả năng đặc biệt của cơ thể. Thậm chí, chứng kiến chàng trai cao 1m65, nặng chừng 55kg "lật" xương, khớp, nhiều người xung quanh không khỏi rùng mình và sợ. Tuy nhiên, Thịnh cho rằng, những động tác này không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Không chỉ thỏa mãn sở thích, Thịnh còn tham gia các chuyến lưu diễn ở nhiều tỉnh thành, thể hiện kỹ thuật vặn khớp, bẻ xương "độc lạ" của mình, mang lại nguồn thu nhập nhỏ để trang trải cuộc sống.
Thịnh cho biết, bản thân dự định tìm hiểu và học thêm một số động tác chuyên sâu, đòi hỏi sự phức tạp hơn như xoay khớp cổ 360 độ kết hợp chân vắt qua đầu, còn tay biểu diễn các kỹ thuật độc đáo khác. "Đây là một bộ môn khó, cần thời gian dài kiên trì luyện tập đúng kỹ thuật, chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến chấn thương. Vì thế, tuyệt đối không tự ý thực hành khi chưa nắm vững kỹ thuật", Hữu Thịnh nói.