Đấu tranh trước nạn xâm hại tình dục: ‘cuộc chiến’ vì nhân quyền của Carrie Goldberg

03/03/2020 13:11
Đấu tranh trước nạn xâm hại tình dục: ‘cuộc chiến’ vì nhân quyền của Carrie Goldberg

Luật sư cá tính người Mỹ Carrie Goldberg đã và đang hỗ trợ vô số nạn nhân chống lại hành vi tấn công tình dục và kỳ thị giới tính, đặc biệt nơi môi trường internet. Giờ đây, thông qua tác phẩm tự truyện vừa ra mắt, Goldberg lần đầu tiên chia sẻ cùng công chúng câu chuyện truyền cảm của cô.

Nữ luật sư đến từ New York bắt đầu xây dựng văn phòng luật theo tiêu chí giúp đỡ những nạn nhân bị tấn công tình dục sau trải nghiệm khủng khiếp của chính cô với bạn trai cũ vào năm 2012. Người này công kích Goldberg dồn dập bằng hàng trăm tin nhắn hăm dọa, phát tán đồn đại sai lệch rằng cô nghiện ngập, cố tình nộp đơn trình báo giả về tội cưỡng bức khiến Goldberg phải ngồi tù, và đe dọa đăng tải hàng loạt tấm ảnh thân mật của cô lên internet.

Goldberg đã phải tranh đấu suốt hơn 1 năm. Cô liên tục chuyển chổ ở, trả 30,000 USD để phía cảnh sát bác bỏ đơn cáo buộc giả mạo, và van nài một thẩm phát kí quyết định ngăn cấm bạn trai cũ phát tán phim ảnh 18+ riêng tư với mục đích lăng mạ cô. Thế nhưng, mọi nỗ lực vẫn là không đủ. Đến tận năm 2019, luật cấm truyền tải phim ảnh thân mật khi không có sự đồng thuận của bên liên quan - mới được thông qua ở New York.

Khe hở trớ trêu nơi ‘hàng rào’ công lý, sau cùng, lại là động lực khiến Goldberg quyết tâm trở thành một luật sư đủ khả năng giúp đỡ những phụ nữ từng lâm vào cảnh ngộ đen tối như cô.

Khi một khách hàng bị nhân tình cũ mạo danh trên mạng xã hội nhằm gửi nhiều đoạn tin nhắn đồi trụy đến cho 1000 nam giới qua internet, Goldberg đã khởi kiện Grindr (ứng dụng hẹn hò trực tuyến nổi tiếng - phổ biến với cộng đồng LGBT), thách thức hàng loạt đạo luật vô lý trước nay vốn cho phép giới phát triển công nghệ phớt lờ trách nhiệm kiểm soát nội dung nơi diễn đàn họ quản lý.

Goldberg từng giúp vạch trần và tống giam một người cố tình bôi nhọ danh dự, giả mạo bạn gái cũ tạo nên một vụ ‘đặt bom’ giả chấn động để buộc cô ngồi tù. Khi một video được lan truyền ‘chóng mặt’ trên internet, cho thấy hình ảnh một nữ sinh bị cưỡng hiếp ngay gần trường của cô, thứ sau đó khiến nạn nhân trong đoạn băng bị đuổi học, Goldberg đã đâm đơn kiện toàn bộ Sở giáo dục New York.

Ứng dụng deepfakes và ‘revenge porn’ đang làm dấy lên những quan ngại mới về bảo vệ nhân quyền giữa kỉ nguyên internet (Ảnh: iStockphoto)

Với tinh thần tranh đấu quyết liệt vì lẽ phải, Goldberg đã góp công xóa bỏ hơn 30,000 bức ảnh nóng đăng tải trái phép khỏi internet, thu về hàng triệu đô phí bồi thường cho những nạn nhân bị xâm hại, giúp bắt giữ hàng chục nghi phạm. Bên cạnh đó, nữ luật sư đang tác động tích cực đến việc hợp pháp hóa bộ luật cụ thể chống lại làn sóng ‘revenge porn’ (hành vi phát tán nội dung phim, ảnh 18+ mang tính thù hằn khi không được đồng thuận). Trên hết, cô đã và đang trợ giúp vô số phụ nữ trong cuộc đấu tranh miệt mài trước nạn kỳ thị và tấn công tình dục.

Nhân sự kiện phát hành tác phẩm tự truyện đầu tay ‘Nobody’s Victim: Fighting Psychos, Stalkers, Pervs and Trolls’, Goldberg đã có nhiều chia sẻ thú vị về quá trình đấu tranh bằng luật pháp của riêng cô.

Trong cuốn sách mới, cô mô tả tranh đấu pháp lý là một hình thái phản kháng trước bất công – cô có thể lý giải cụ thể hơn?

Nếu ai đó làm hại bạn, họ cần phải trả giá. Chúng ta càng thường xuyên sử dụng luật pháp nhằm ngăn chặn, trừng phạt thích đáng những kẻ tấn công, càng tốt.

Vụ kiện với Grindr là một ví dụ. Nếu chúng ta đã quen chứng kiến không ít trường hợp khi kĩ thuật định vị tọa độ (*geo-locating: hình thái công nghệ phổ biến ngày nay ở môi trường mạng điện tử, có chức năng xác định vị trí người dùng internet) bị lợi dụng bởi những nghi phạm cưỡng bức, sát nhân hay kẻ chuyên rình rập, và nếu nhà phát triển công nghệ dù hiểu nhưng không sẵn lòng xem xét nghiêm túc sai lầm của họ trong quản lý nội dung – chẳng khác nào một nhà sản xuất chủ động làm nên những chiếc nôi ‘hỏng’ cho trẻ nhỏ.

Vụ việc phản ánh nỗ lực cảnh báo của chúng tôi, và thực tế hiện nay, nguy cơ an toàn công nghệ bắt đầu được thảo luận ở mức độ nghiêm túc hơn. Với luật sư chúng tôi, đấy là một thành công lớn. Với tôi, điều này chính là sự phản kháng đúng đắn.

Cô thường dùng từ ‘nạn nhân’ thay cho ‘người sống sót’ để mô tả những ai chịu đựng hành vi quấy rối, đe dọa. Vì sao vậy?

Tôi nghĩ nguyên nhân là do, tôi đã có hơn 5 năm làm việc cùng những người đã sống sót qua rất nhiều sự cố kinh khủng. Tôi không dùng từ ‘người sống sót’ với nạn nhân của quấy rối tình dục. Với tôi danh từ ấy nhằm ám chỉ họ đã không còn trong ‘cuộc chiến’ tìm công lý. Một cách gọi khiến người ngoài cuộc dễ suy diễn rằng trải nghiệm địa ngục đã qua đi – họ ‘sống sót’ nên không còn gì đáng bàn. Tôi không nghĩ có điều gì đáng xấu hổ khi tự nhận thức bạn là nạn nhân.. Khi trải qua khoảng thời gian đầy khó khăn với bạn trai cũ, tôi có cảm giác gần như là tự do khi hiểu ra sự thật, mình đang bị công kích, bị tấn công và tôi là nạn nhân của một gã đồi bại. Tôi nhìn nhận điều đó để cảm thông hơn cho chính tôi, để không phải tự huyễn hoặc rằng mọi thứ đều ổn, và để biết mình nên đi tìm sự giúp đỡ.

Carrie Goldberg bên trong văn phòng luật tại Brooklyn, New York. (Ảnh: Natan Dvir)

Một số khách hàng cô tiếp xúc là nạn nhân của làn sóng ‘troll storms’ trực tuyến (hành vi bắt nạn bằng cách thóa mạ danh dự một người công khai và bởi một nhóm đông người). Gần đây đã có sự việc một nạn nhân của hội nhóm dạng này được tòa án bồi hoàn 14 triệu USD. Về phương diện pháp lý, cô nghĩ sao?

Trường hợp trên cho thấy cách chúng ta vẫn đang chịu đựng nguy cơ của chiêu trò xúi giục, bắt nạt theo ‘phong trào’. Nạn nhân trong vụ kiện không ngừng bị tấn công bởi tin nhắn đe dọa mạng sống, tất cả chỉ vì khác biệt tôn giáo. Ngày nay, nhìn chung vẫn rất khó dùng luật để kiểm soát, chặn đứng những kẻ với ý đồ xấu bởi hành động lăng mạ có thể bắt gặp ở bất kì đâu, và trên internet, tội phạm càng dễ dàng ẩn danh. Nhưng một khi công chúng tạo thói quen vạch trần, chỉ trích kiểu hành vi ấy, mọi người có thể khuyến khích nhau xây dựng một môi trường mạng nhân văn hơn.

Hãng luật của cô xử lý thế nào trước mối đe dọa từ deepfake (ứng dụng kĩ thuật AI giúp hoán đổi gương mặt, từng gây quan ngại về đạo đức khi xuất hiện trào lưu phim đen ghép mặt người nổi tiếng)?

Quan trọng hơn cả là cần xóa bỏ toàn bộ nội dung đồi trụy giả danh khỏi thế giới mạng, bởi bạn không bao giờ chắc được ai thật sự đứng sau mọi thứ, và hiện tại chúng ta chưa có một hệ thống pháp lý đủ tốt để xử lý tình trạng này. Đối với vấn nạn quấy rối trực tuyến bằng những nội dung 18+, mục tiêu lớn nhất của khách hàng luôn là tháo gỡ chúng khỏi internet vĩnh viễn.

Cô từng giúp đỡ một số khách hàng khởi kiện nhà sản xuất phim Harvey Weinstein, cái tên đã ‘khơi mào’ cho #MeToo. Làn sóng đặc biệt này đang tác động thế nào đến công việc của cô?

Lợi ích lớn ở đây là khi nhiều nạn nhân được tin tưởng để lên tiếng đấu tranh, nhưng vẫn còn một số hệ quả không mong muốn. Khi một phụ nữ đủ dũng khí đứng lên làm rõ hành vi xâm hại, đôi khi họ đứng trước nguy cơ bị kiện ngược lại với cáo buộc phỉ báng – tôi đã từng đại diện bào chữa cho 14 khách hàng vướng phải hoàn cảnh tương tự. Vẫn có một ngộ nhận nguy hiểm, khi không ít bị can tin rằng nếu họ đâm đơn kiện nạn nhân tội phỉ báng, họ sẽ trông vô tội hơn trước mặt quan tòa. Một suy nghĩ điên rồ. Dẫu có thể gây sức ép mới cho phía nạn nhân, chúng tôi vẫn tin vấn đề này chỉ giúp người bị hại có thêm cơ hội nói rõ câu chuyện của họ, và thực tế, chúng tôi chứng kiến khá nhiều trường hợp tố cáo không thành của bị can.

Và sau đấy, công việc bào chữa của tôi đơn giản là giúp một người thuật lại một câu chuyện cần được kể. Tôi nghĩ đây chính là lý do tôi yêu công việc này: khi tôi nhận được đặc quyền kể lại câu chuyện của một người khác.

Như Ý (nguồn: HuckMag)


Gửi bình luận
(0) Bình luận