Cuộc hội ngộ sau 50 năm: Gặp nhau rồi cố nhân ơi

HỒNG VÂN14/09/2019 14:21
Cuộc hội ngộ sau 50 năm: Gặp nhau rồi cố nhân ơi

Lòng họ đã "cuồng điên vì nhớ". Người con gái tuổi 16 và chàng lính Mỹ tuổi 22. 50 năm và 50 lá thư... Cho một cuộc hội ngộ ở Tân Sơn Nhất ngập tràn trong nước mắt...

Cuộc hội ngộ sau 50 năm: Gặp nhau rồi cố nhân ơi - Ảnh 1.

Giây phút hội ngộ xúc động giữa ông Ken Reesing và bà Thúy Lan tại sân bay Tân Sơn Nhất tối 12-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Từ 22h ngày 12-9, người phụ nữ mặc áo dài xanh dõi mắt nhìn tấm bảng thông tin các chuyến bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Một người nhà hướng về phía bà nói lớn “ông ấy tới rồi” từ khoảng cách rất xa.

Đợi nhưng vẫn bất ngờ với giây phút này, bà đưa hai tay ôm mặt, tiếng khóc và nước mắt cứ thế tuôn ra. Người đàn ông tóc trắng như cước 73 tuổi tiến về phía bà Thúy Lan (tên thật là Vũ Thị Vinh), 67 tuổi.

Lần cuối họ ôm nhau đã cách đây 50 năm...

50 lá thư và duyên hội ngộ

Họ gặp nhau năm 1968, khi ông Ken Reesing 22 tuổi và bà Thúy Lan 16 tuổi. Ông làm việc ở trung tâm dịch vụ dữ liệu của quân đội Mỹ đóng tại căn cứ Long Bình, Biên Hòa (Đồng Nai), còn bà phục vụ trong quầy bar của câu lạc bộ EM Club (Enlisted Men’s Club) trong khuôn viên doanh trại.

Họ hẹn hò và yêu nhau cho tới khi ông Ken phải trở về Mỹ vào tháng 9-1969.

Từng hỏi Lan có muốn rời Việt Nam không nhưng bà lắc đầu, ông Ken không dám hỏi thêm lần nào nữa.

Nhiều năm sau, ông luôn nghĩ cuộc đời hai người sẽ khác nếu bà nói đồng ý hoặc ông ngỏ lời cầu hôn thời điểm đó. Nhưng 50 năm trước, họ đều quá trẻ và không nghĩ sẽ phải chờ quá lâu để gặp lại nhau.

Trước cuộc hẹn cuối cùng ở Biên Hòa, Ken đến bưu điện mua một xấp 50 bao thư, đánh số từ 1-50 đưa cho Lan với lời hẹn: khi gửi lá thư cuối cùng, anh sẽ trở về tìm em.

Ken không thể ngờ Lan viết thư cho mình mỗi ngày. 50 lá thư được gửi hết khi mùa xuân năm 1970 chưa đến và Lan vẫn tiếp tục viết, để hỏi thăm công việc của Ken và trả lời câu hỏi "Em có nhớ anh không?".

Cả hai mất liên lạc không lâu sau khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Khi hòa bình lập lại, gia đình Lan đốt bỏ mọi đồ vật liên quan đến chế độ cũ, cả những kỷ vật cá nhân.

Ken luôn day dứt vì đã không thực hiện được lời hứa của mình. Ông liên tục tìm kiếm thông tin về Lan nhưng không có kết quả vì không biết tên thật cũng như năm sinh của bà.

Trong một nhóm liên lạc online có các cựu binh ở Mỹ, một người từng chiến đấu ở Việt Nam năm 1968 chia sẻ chuyện mình từng yêu một cô gái Việt Nam nhưng khi quay trở lại sau cuộc chiến, ông phát hiện cô đã chết còn mình thì đến quá trễ.

Câu chuyện khiến Ken vô cùng xúc động vì nó rất giống với hoàn cảnh của ông. Ông trả lời người cựu binh: "Tôi chưa bao giờ quay lại Việt Nam, tôi thậm chí còn không biết cô ấy có còn sống không".

Từ đây, ông Ken nhận được liên lạc từ một người tên Robert, là con lai đang sinh sống ở TP.HCM. Robert đề nghị Ken cung cấp thêm thông tin để hỗ trợ tìm Lan. Sau một thời gian trao đổi và tin tưởng Robert, ông Ken kể cho Robert câu chuyện của mình.

Cuộc hội ngộ sau 50 năm: Gặp nhau rồi cố nhân ơi - Ảnh 2.

Giây phút hội ngộ xúc động giữa ông Ken Reesing và bà Thúy Lan tại sân bay Tân Sơn Nhất tối 12-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thấy nhau nhờ... Facebook

Robert sau đó rao thông tin tìm bà Lan trên trang Facebook người Đồng Nai vào năm 2019. Thông tin từ cộng đồng nhanh chóng chỉ ra bà Lan gắn với các địa điểm trên trong giai đoạn lịch sử này.

Ngày 9-6, ông Ken và bà Lan có cuộc trò chuyện đầu tiên qua Facebook messenger nhờ sự kết nối của Robert.

Để thận trọng, ông Ken và Robert chuẩn bị một số hình ảnh và câu hỏi chung chung với hi vọng nếu trả lời đúng, bà chính là người phụ nữ nhiều năm qua ông tìm kiếm.

Ken gửi cho Robert tấm ảnh về khu vực doanh trại, dặn Robert hỏi bà Lan chỉ giúp đâu là EM Club, đâu là căn cứ quân nhân. Ông cũng dặn Robert hỏi về những bao thư. Tuy nhiên, bà Lan không trả lời đúng câu hỏi nào.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Ken kể: "Lúc đó tôi nghĩ, ôi Chúa ơi, đó có thể không phải là cô ấy. Chuyện này mới kinh khủng làm sao".

Về phía bà Lan, cuộc nói chuyện này cũng khiến bà hồi hộp không kém. Nhiều năm trôi qua, mọi kỷ vật đều đã mất, cuộc sống một mình nuôi con khiến bà không nghĩ đến chuyện xưa.

Bà đề nghị Ken gửi một tấm ảnh hiện nay nhưng nhìn tấm ảnh, bà trả lời: "Tui không có biết ông này. Coi chừng nhận lộn mất công ổng thất z(v)ọng".

Nhiều năm đã trôi qua, bà đề nghị nếu có thể, hãy cho bà xem hình ảnh thời hồi trẻ. Để thận trọng, thay vì gửi duy nhất một tấm hình của mình, ông Ken gửi 4, 5 tấm ảnh, trong đó có hai tấm ảnh của ông, một trong quân phục màu xanh và một trong trang phục bình thường.

Nói đến đây, ông Ken nghẹn ngào bật khóc. Ông quay sang bà Lan giấu khuôn mặt đầy nước mắt.

"Bà ấy chỉ đúng. Bà ấy đã chỉ vào tấm hình của tôi" - kể lại những gì đã xảy ra, ông vẫn rất hồi hộp như sống lại giây phút ấy của ngày 9-6. "Đó chính là bà ấy", Ken khẳng định.

Nhưng Robert không khỏi ngạc nhiên: "Tại sao bà ấy không nhận ra bộ quân phục". Điều này càng khẳng định chắc chắn với Ken bởi ông chưa bao giờ mặc bộ quân phục trong ảnh khi gặp bà.

"Thế là đủ", ông Ken khẳng định.

Giữ lại cho riêng mình

Họ đã nhìn nhau, khóc, cười và nói chuyện rất lâu ngay ở sân bay Tân Sơn Nhất đêm 12-9. Chúng tôi tò mò muốn biết Ken đã nói điều gì đầu tiên với bà sau nhiều năm xa cách nhưng ông muốn giữ lại điều đó cho riêng mình.

Còn trong cuộc nói chuyện đầu tiên qua messenger với bà Lan vào tháng 6-2019, câu đầu tiên và là nỗi niềm sau 50 năm của ông là: "xin lỗi vì đã không giữ lời hứa".

Ông cho biết đã cố gắng học tiếng Việt để nói với bà điều đó.

Gia đình bà Lan mời ông làm khách của gia đình trong hai tuần ở lại Việt Nam. Bà Lan và con gái bán cháo trắng, cháo đậu ở Biên Hòa.

12h hằng ngày. họ bắc bếp nấu cháo, bà phụ giữ cháu ngoại, bán đến 21h30 thì đóng cửa. Trong những ngày sắp tới, cửa hàng sẽ có người phụ giúp mới là vị khách đặc biệt của gia đình.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ trước giây phút hội ngộ sau 50 năm, bà Lan cho biết: "Cả gia đình tui đều vui. Vui cho tui vì ở tuổi này tìm lại được một người bạn đặc biệt. Người ta nhớ tới mình, người ta mới kiếm mình. Tui có nhớ ông ấy cũng không có điều kiện đi tìm.

Chuyện này rất bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai. Không ngờ 50 năm mà còn được gặp lại người xưa. Cũng không ngờ ổng còn giữ được mấy tấm ảnh của tui mà ngày xưa tui tặng ổng".

Ông Ken xúc động quay về phía bà Lan, vừa rớm nước mắt vừa cười với bà: "Trước khi gặp Lan, tôi đã nghĩ có thể nhân dịp này về thăm nơi từng là căn cứ cũ, chụp vài bức ảnh ngày này - nơi ấy, không phải cho bản thân mà cho các đồng đội... Nhưng chuyện đó giờ không quan trọng nữa".

Ông cũng muốn thử đi xe máy và có thể cùng bà đi biển, sao cũng được, quan trọng là trong hai tuần ở Việt Nam, ông sẽ là khách trong gia đình bà, phụ bà bán cháo trắng ở Biên Hòa.

Năm 1967, không lâu trước khi Lan và Ken gặp nhau, bài hát có tên What a wonderful world (Một thế giới tuyệt vời) do Bob Thiele và George David Weiss viết đi vào lòng người.

Bài hát ca ngợi cuộc sống, từ cái cây xanh, đóa hoa hồng, bầu trời xanh, làn mây trắng... Dù nhỏ nhưng chúng cũng đủ làm ta phải thốt lên "Ôi cuộc đời thật đẹp!".

Cuộc hội ngộ của ông Ken và bà Lan là điều gì đó thật đặc biệt, xảy ra với những người bình thường và ngay giữa mọi người.

Quán cháo của bà Lan những ngày tới có thể sẽ có nhiều người dưng ghé qua chỉ để chia sẻ một nụ cười với bà vì cuộc đời dẫu có đắng cay nhưng có lúc đẹp hơn một giấc mơ.

Thu hút ngay từ ánh nhìn đầu tiên

co nhan 1

Cái ôm sau 50 năm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tháng 12-1968, hai năm sau khi nhập ngũ, ông Ken Reesing được điều tới Việt Nam. Tối tối, ông thường đi bộ tới quán bar EM Club và gặp Lan. Ken cho biết mình bị Lan thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi mái tóc đen, làn da ngăm và nụ cười quyến rũ nhất "mà bạn có thể tưởng tượng được".

Ken thường tìm cách ngồi gần khu vực cô phục vụ đồ uống. Ông thường trộm nhìn cô nhưng luôn cố gắng để không bị bắt gặp. Hai người dần bắt chuyện và trở thành một đôi. Trong số nhiều quân nhân Mỹ cũng để ý đến Lan, Ken cảm thấy may mắn vì cô đáp lại tình cảm của ông.

Họ hẹn hò khi có thể nhưng không có nhiều cơ hội. Nhiều cuộc gặp trôi qua rất bình yên, cả hai đều nghĩ mình sẽ có nhiều thời gian nên đã không hỏi nhiều về nhau, họ không biết ngày sinh của nhau, gia cảnh người kia thế nào...

Khi trở về Mỹ, ông Ken từng kết hôn nhưng không có con cái và sống độc thân với một chú mèo ở tiểu bang Ohio. Bà Lan cũng từng trải qua một cuộc hôn nhân. Nhiều năm nay, bà sống một mình, mở quán bán cháo trắng, cháo đậu cùng con gái ở Biên Hòa (Đồng Nai).

Thông báo trên Facebook Người Đồng Nai

co nhan 3

Ken Reesing khi còn trẻ (ảnh trái) và bà Thúy Lan khi còn làm việc cho câu lạc bộ EM Club - Ảnh: FB nhân vật, NVCC

Xin chào, tôi là Ken Reesing (cựu binh Mỹ) từng đóng quân tại căn cứ Long Bình (Biên Hòa) năm 1969. Tại đây, tôi đã quen và yêu một cô gái tên là Thúy Lan. Khi đó, cô ấy làm việc tại EM Club trong căn cứ Long Bình (cô ấy giờ có lẽ khoảng 70 tuổi).

Tôi chưa bao giờ ngừng nghĩ về cô ấy. Tôi đã hứa với cô ấy sẽ quay trở lại nhưng vì nhiều lý do tôi đã không; tôi muốn tìm lại cô gái ấy, người luôn hiện hữu trong trái tim tôi, chỉ để mong muốn biết rằng cô ấy có còn sống và hạnh phúc không thôi, và tôi sẽ không xen vào cuộc sống của cô ấy.

Tôi đã rất vui vì biết có Fanpage cộng đồng ở Đồng Nai, tôi chợt lóe lên cơ hội gặp lại. Cảm ơn rất nhiều.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025