Dành tặng căn nhà 12 tỷ cho người nghèo...
Đã hơn 45 năm, cưu mang người nghèo được ông Hồ Đề (82 tuổi) xem như một sự nghiệp của mình. Căn nhà trọ rộng 120m2 nằm trên đường Trần Kế Xương (phường 7, quận Phú Nhuận) từ nhiều năm nay đã trở thành chỗ che mưa nắng cho hàng trăm người nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Căn nhà cấp 4 được ông Đề chia thành các phòng trọ nhỏ để giúp đỡ hàng chục người có nơi nương náu.
82 tuổi, tóc đã bạc trắng, bước chân của ông cũng trở nên khó nhọc hơn nhưng ông Đề vẫn lựa chọn sống cùng với những người thuê trọ, thay vì an nhàn, sum vầy bên con cháu. Chẳng biết từ khi nào, ông coi người nghèo là một phần không thể thiếu của cuộc đời mình, mà có lẽ trong quãng thời gian ít ỏi còn lại, nếu không được kề cận cùng nhau, ông chẳng sống nổi.
Bảng danh sách chi tiêu hàng tháng để giúp đỡ người nghèo được ông Đề ghi chép lại cẩn thận.
Chuyện kể mấy chục năm về trước, ông có đến thăm người nhà tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, tình cờ gặp một người phụ nữ nằm ngoài hành lang, vì nghèo khó mà không có tiền thuê nhà trọ đành tá túc ở bệnh viện chờ xạ trị hàng tháng. Thương phận người long đong, ông mới đưa về cho ở miễn phí, rồi dần dần thành hàng chục người như hiện tại, trong đó chủ yếu là sinh viên hiếu học, khó khăn.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông đã có tất cả mọi thứ, một cuộc sống sung túc, một tổ ấm trọn vẹn đến sự thành đạt, hiếu thảo của con cháu. Nhưng điều ông trăn trở nhất là cái "sự nghiệp từ thiện" của ông sẽ ra sao nếu một mai ông đi về bên kia thế giới. Và một tờ di chúc đặc biệt đã ra đời.
Tờ di chúc đặc biệt đã được ra đời, căn nhà với giá ngỏ mua 12 tỷ đồng đã được ông Đề dành tặng lại cho những người khó khăn.
Ngôi nhà đã từng được hỏi mua với giá 12 tỷ đồng nhưng ông vẫn không bán. Thay vào đó, ông chia ngôi nhà thành các phòng trọ nhỏ, giá thuê chỉ bằng 1/3 nơi khác, thậm chí miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn để mọi người có chỗ dừng chân sau một ngày bộn bề, lo toan ngoài cuộc sống.
Ngồi trong căn nhà nhỏ, ông Đề cặm cụi lật từng trang trong bảng di chúc đặc biệt của mình, ngân nga vài ba câu thơ do ông tự nghĩ: "Còn đẹp lắm những chặng đường tiếp nối - Của phong trào khuyến học tỏa lan xa - Se làn hương lộng sắc nở ngàn hoa - Cho phường 7, Phú Nhuận mình thơm mãi...", rồi hướng ánh mắt về phía dãy phòng trọ, nơi mà ông đã dành nửa cuộc đời để gắn bó với những người nghèo, sinh viên khó khăn.
Ông Đề chia sẻ về những kỷ niệm vui buồn của mình suốt mấy chục năm làm từ thiện, để rồi nó trở thành cái "nghiệp" theo ông đến cuối cuộc đời.
"Lúc trước có người hỏi mua căn nhà này của ông giá 12 tỷ nhưng ông không bán, ông để lại cho người nghèo, làm quỹ khuyến học để khen thưởng các cháu có thành tích cao. Cưu mang những người nghèo là ước mơ của ông từ rất lâu rồi, bao nhiêu người nghèo đến với mình, mình không thể bỏ đi được...", ông Đề tâm sự.
Theo ông Đề, để tờ di chúc được ra đời, ông phải suy nghĩ rất nhiều, làm sao để trọn vẹn trách nhiệm với gia đình, vừa có thể san sẻ cho những người khó khăn. "Ban đầu gia đình ông có một số người không đồng ý đâu, người mẹ nào (vợ ông Đề) cũng đều muốn dành tất cả cho con cháu mình, nhưng dần dần thấy được việc làm, tâm nguyện của ông, giờ không những đồng ý còn ủng hộ thêm nữa (ông Đề cười thích thú). Tờ di chúc này ra đời, giờ thì ông có thể an lòng nhắm mắt được rồi" - ông Hồ Đề xúc động.
Xuất phát từ trái tim biết yêu thương, san sẻ, dù cho giá trị căn nhà có đáng giá chục tỷ đồng, ông cũng không ngần ngại bỏ ra để giúp đỡ mọi người.
Ở cái tuổi 82, những bước chân của ông đã không còn vững vàng như trước nhưng ông vẫn miệt mài gắn bó với người thuê trọ.
Cụ thể, trong tờ di chúc đặc biệt của mình, khi ông mất đi, các phòng trọ trong nhà sẽ dành toàn bộ cho người nghèo, sinh viên nghèo và người già neo đơn ở miễn phí. Riêng nhà hương hỏa sẽ do con gái, con trai ông Đề cho thuê mướn để lấy tiền lo hiếu sự và khuyến học, lợi nhuận của nhà hương hỏa được ông chia làm 5 phần rành mạch. 10% lo cúng giỗ tổ tiên, ông bà xứ Huế, 10% lo cúng giỗ cha mẹ ông và vợ chồng ông, 20% làm quỹ tu sửa nhà hương hỏa, 20% cho người ký hợp đồng cho thuê nhà hưởng lợi, còn lại 20% được ông dùng làm quỹ khuyến học để tặng cho các học sinh, sinh viên có thành tích cao.
"Quỹ cứu kẹt" có 1 không 2 trong xóm trọ nghèo
Ngoài tờ di chúc đặc biệt, điều ít ai biết là trong suốt những năm vừa qua, dãy phòng trọ của ông Đề có một "quỹ cứu kẹt" dành cho những người khách trọ. Xuất phát từ việc những người khách đến thuê trọ toàn người nghèo, sinh viên khó khăn, lỡ gặp sự cố bất ngờ thì vô phương xoay xở, thế là ông Đề lại nghĩ ra một cái quỹ mang tên "cứu kẹt".
Chú Phúc, em Nhi, Phương Anh..., và nhiều người ở cùng ông Đề đều cảm nhận rất rõ tấm chân tình mà ông dành cho mọi người.
"Ai kẹt thì có thể đến lấy, có tiền rồi hoàn trả cho ông, thậm chí nhiều người kẹt mãi không hết, ông cũng cho luôn. Chứ người ta khó khăn mới cần giúp, chẳng hạn như mấy đứa sinh viên nó cần tiền để đóng học phí, hay ốm đau bất ngờ thì phải nhờ cứu kẹt", ông Đề hồ hởi nói.
Chẳng hạn như đợt dịch Covid-19 vừa qua, ông đã miễn phí 2 tháng tiền nhà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nào về quê không có tiền, ông lại "cứu kẹt", cứ thế cái tên ông Đề cứ được nhắc mãi trong suy nghĩ của những người thuê trọ.
"Ở đây, ông hỗ trợ tụi em rất nhiều, tuy phòng có hơi chật chội một xíu nhưng được ông quan tâm, giúp đỡ, tiền thuê lại rẻ hơn những chỗ khác nữa, ông còn dạy cho em ngữ pháp tiếng Anh" - Nhi (sinh viên) chia sẻ.
Mỗi căn phòng trọ, ông Đề chỉ lấy giá bằng 1/3 nơi khác, thậm chí ông còn miễn phí 1 số phòng cho các em sinh viên nghèo, hiếu học.
Ông Đề cho biết cả cuộc đời ông, điều mà vui nhất là được làm chủ hôn cho cả 10 cặp đám cưới mà tiền lấy từ "quỹ cứu kẹt". Có cặp không có tiền làm đám, ông liền chi 50 triệu cứu kẹt, thế là đám xong lãi tận 25 triệu, mọi người lại có tiền để vun vén cho tương lai.
"Có nhiều người thường bảo ông sao già rồi không nghỉ ngơi đi, lại đi lo chuyện bao đồng. Ông chỉ biết cười cho qua, bởi họ không hiểu, giúp được người khác là bản thân ông vui và hạnh phúc lắm, ở cái tuổi này, ông còn trông mong gì hơn", ông Đề nói.
Cuốn sổ nhỏ được ông Đề ghi chép tất cả mọi chuyện liên quan đến "nhà hiếu học".
Ngoài việc miễn, giảm tiền trọ, sẵn sàng "cứu kẹt" cho mọi người, ông Đề còn được các sinh viên trong nhà trọ xem như một cuốn "từ điển sống" về ngữ pháp tiếng Anh và vi tính. Ông kể vui rằng khi dạy ông thường đứng ở cửa, các bạn sinh viên nếu nói được tiếng Anh ông mới cho ra vào, nhiều bạn vì thế mà nhanh tiến bộ.
"Em nào học khá, ông ngoài cho ở miễn phí còn tặng thêm quà, có nhiều em sau này ra trường, quay lại tìm ông cảm ơn vì những ngữ pháp mà ông dạy, ra đời vận dụng nhiều lắm. Có đứa lâu lâu còn về dúi vào túi ông 5, 7 triệu bảo phụ ông lo cho các em sinh viên nghèo, chứ nó bảo con biết ông giàu rồi nhưng con gửi để cho các em" - ông Đề cười sảng khoái.
Thời gian rảnh, ông Đề dành để đọc sách, dịch thơ và giao tiếp tiếng Anh cùng những em sinh viên trong nhà trọ.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông Đề vẫn miệt mài làm cái việc mà theo ông đã được mọi người trả lương hậu hĩnh nhất bằng những nụ cười. Chiếc tủ đựng bằng khen, cúp vinh danh của ông Đề cũng nhiều lên cùng năm tháng nhưng có lẽ món quà quý giá nhất mà ông nhận được là sự yêu thương, kính trọng của mọi người dành cho mình.
Dẫu cho những căn phòng có phần tối tăm, chật chội nhưng bên trong, ánh đèn vẫn đủ sáng để các em sinh viên nghèo, người khó khăn an tâm nương náu nhờ sự ấm áp, đồng hành của ông chủ trọ tốt bụng Hồ Đề!
Hi vọng ông có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục gắn bó, đồng hành với những phận đời kém may mắn...
Và có thể một năm, hai năm hay thậm chí vài ba tháng nữa, ông Đề phải gác lại công việc ở nhà trọ để quay về bên sự phụng dưỡng của con cháu khi sức khỏe không còn cho phép. Nhưng với mọi người, cái ông cụ già già, mắt nheo nheo, đầu tóc bạc phơ hay đi giúp đỡ sinh viên nghèo, trích "quỹ cứu kẹt" để hỗ trợ mọi người sẽ còn đọng mãi trong tâm trí những người thuê trọ.
Trí thức trẻ