Ngày 4/6/1965 là một ngày mùa hè khá nóng ở Novosibirsk, Siberia khi hàng trăm người nằm tắm nắng và trẻ em chơi đùa bên sông Ob. Bất ngờ, một chiếc tiêm kích màu bạc có sơn sao đỏ ở đuôi lao xuống sát mặt sông với vận tốc 700 km/h. Nó bay thấp tới nỗi mặt sông Ob tạo thành những con sóng lớn như khi xuồng cao tốc băng qua.
Chiếc MiG-17 cao 4 mét, sải cánh rộng 9,6 mét, lao xuyên qua gầm cầu Kommunalniy, đi qua phần mái vòm cao 30 mét, rộng 120 mét. Phi công điều khiển sau đó đưa máy bay lao vọt lên để tránh cây cầu đường sắt nằm cách đó 950 mét và đang có một con tàu chở hàng chạy qua.
Những người chứng kiến tận mắt màn trình diễn đã hoàn toàn kinh ngạc và các chỉ huy địa phương được cho đã tỏ ra giận dữ với màn biểu diễn bất ngờ và táo bạo này. Câu chuyện về cú bay xuyên gầm cầu sau đó đã lan truyền khắp Liên Xô và trên thế giới dù truyền thông thời bấy giờ không đưa tin nhiều về sự việc.
Người điều khiển chiếc MiG-17 là phi công 30 tuổi Valentin Privalov. Lý do mà phi công trẻ tuổi thực hiện màn trình diễn này là do ông cảm thấy sự nghiệp quân sự của mình đang thăng tiến chậm chạp, không như ý muốn.
Vào thời điểm đó, ông Privalov muốn tới Đông Dương tham chiến nhưng bị cấp trên từ chối và ông quyết định làm như vậy để chứng tỏ bản thân.
Buổi sáng ngày xảy ra sự việc, ông Privalov đã thực hiện một nhiệm vụ thông thường là đóng giả một “mục tiêu đối thủ” cho hệ thống phòng không gần đó. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông quyết định thực hiện cú bay xuyên cầu huyền thoại để chứng minh cho cấp trên thấy là mình có tài năng dù biết rằng ông có thể sớm kết thúc binh nghiệp vì vụ việc.
Sau màn trình diễn, ông Privalov quay trở về căn cứ và hành động như chưa có gì xảy ra. Ngày hôm sau, ông bị bắt với cáo buộc thực hiện hành động gây nguy hiểm cho mạng người và tài sản. Ông phải đối mặt với việc ra hầu tòa án binh hoặc ít nhất là bị loại khỏi không quân Liên Xô.
Tuy nhiên, các cáo buộc chống lại ông đã được gỡ bỏ sau khi ông trò chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô thời bấy giờ Rodion Malinovsky. Nguyên soái Malinovsky thậm chí cho ông tiếp tục được trở lại bầu trời và Liên Xô được cho biến hành động của phi công này trở thành biểu tượng quảng bá cho sức mạnh của quân sự sau khi màn trình diễn của ông Privalov trở nên đươc biết đến rộng rãi trên thế giới.
Trong một bức điện gửi cho các quan chức không quân địa phương, ông Malinovsky viết: “Phi công Privalov sẽ không bị phạt. Nếu anh này chưa nghỉ phép, hãy cho nghỉ phép. Nếu đã nghỉ phép rồi, cho anh ta nghỉ 10 ngày ở đơn vị".
Ông Privalov sau đó đã tiếp tục cống hiến cho không quân Liên Xô thêm 12 năm nữa và được thăng chức. Ông kết thúc sự nghiệp với hàm trung tá và là phó chỉ huy một đơn vị tiêm kích đóng ở Kubina.
Màn trình diễn của ông Privalov hiện được minh họa bởi một bức ảnh ở bảo tàng Novosinirsk. Đây không phải là bức ảnh chụp lại khoảnh khắc chiếc MiG-17 xuyên qua cầu vì nó hoàn toàn không phải là màn trình diễn được chuẩn bị trước, theo Sputnik. Một số chi tiết của bức ảnh được xem là không khớp hoàn toàn với những gì đã xảy ra, nhưng câu chuyện hoàn toàn chính xác.
Đức Hoàng
Theo Sputnik