Hoạt động này nhằm giảm thiểu việc người cao tuổi sống một mình bị cô lập về mặt xã hội.
Một chuyên gia nhận định việc giao tiếp với người khác không chỉ trực tiếp mặt đối mặt, mà có thể qua những cuộc điện thoại hoặc thư từ cũng rất hiệu quả để giảm nguy cơ người già bị suy giảm sức khỏe hoặc bị chứng mất trí nhớ.
Những bạn trẻ viết thư cho người già là thành viên của nhóm có tên là Suisui Suita, gồm những sinh viên tốt nghiệp và chưa tốt nghiệp ở trường Đại học Osaka, được thành lập sau khi một trận động đất mạnh tàn phá phía bắc tỉnh Osaka (Nhật Bản) năm 2018.
Nhóm nhằm giúp mọi người liên hệ với những người khác trong cộng đồng để ngăn ngừa thảm họa và những hoạt động khác.
Hikaru Okishio, 22 tuổi, sinh viên khoa Khoa học Xã hội, trưởng nhóm Suisui Suita cho biết nhóm nghĩ ra ý tưởng viết thư cho người già sau khi nhận thấy cơ hội giao tiếp của họ với người khác ở những trung tâm cộng đồng và những nơi khác bị giảm mạnh sau khi chính phủ thông báo tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19 vào tháng 4 vừa rồi.
Kể từ tháng 4, những lá thư do 7 thành viên của nhóm viết đã gửi tới 120 người cao tuổi thông qua một hội đồng phúc lợi xã hội.
Trong một lá thư gửi người già, nữ sinh Okishio kể về cách cô sử dụng thời gian như thế nào khi dịch bệnh bùng phát. Cô kể rằng phải tham gia các lớp học trực tuyến và cố gắng rèn luyện ở nhà vào những ngày không đi ra ngoài.
Cùng với những lời động viên người già, nữ sinh Okishio gửi kèm trong thư cánh hoa anh đào ép vì mùa xuân này mọi người không thể ra ngoài thưởng thức hoa anh đào nở.
Ông Shoji Yamamoto, 85 tuổi, sống một mình ở Suita, cho biết: “Tôi chưa từng nhận được thư tay của con gái hoặc cháu”. Ông thường giáo tiếp với họ qua ứng dụng nhắn tin. “Những lời lẽ ấm áp trong thư của các cháu sinh viên khiến tôi cảm thấy như mình đang được chăm sóc”, ông cảm động chia sẻ.
Ông Yamamoto cũng cho biết ông cũng viết thư phản hồi tới các sinh viên và hy vọng mời họ một ngày nào đó đến dự tiệc do câu lạc bộ người cao tuổi của ông tổ chức.
Xuân Vũ
Theo Japan Times