"Tao lạy mày khỉ ơi!"
Núi Két có hình khối tròn, cao 225 mét, dài và rộng hơn 1.100 mét. Núi ở phía đông phường Nhà Bàng, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách trung tâm TP.Long Xuyên khoảng 70km về hướng tây. Núi được bao bọc bởi những ngọn núi khác như núi Dài, Đất, Trà Sư và Bà Đắc.
Vào một ngày đầu tháng 4, vượt qua hàng ngàn nấc thang dựng đứng, quanh co cuối chúng tôi đã đặt chân lên tận đỉnh núi Két với bao sự tò mò, mong muốn khám phá nơi đây.
Tại đây, chúng gặp bà Nguyễn Thị Năm (ngụ phường Nhà Bàng, thị xã Tịnh Biên). Bà Năm cho biết, gia đình bà trồng xoài keo, mãng cầu xiêm cạnh con đường dẫn lên đỉnh núi. Mỗi lần thu hoạch thì gia đình bà phải chở vài chuyến xe máy.
Khi chạm tay vào những trái mãng cầu xiêm đầu tiên, bà Năm giật mình thốt lên “Quái lạ, ai đó đã lấy mất trái mãng cầu xiêm”. Nói xong, bà cười vì phát hiện ra kẻ trộm là những con khỉ tinh khôn.
Bà Năm cho biết dù rất "xót của" nhưng không nhịn được cười vì đàn khỉ đang náo động vườn cây. Một con khỉ chúa đang đu trên một nhánh cây để cảnh giới cho cả đàn. Nhánh cây oằn xuống do sức nặng của con khỉ đầu đàn và sau đó, nó ngã lộn xuống đất nhưng mắt vẫn không rời mục tiêu.
Đàn khỉ xuất hiện đông như trẩy hội. Bà Năm đuổi phía trước thì nó xông vào phía sau. Nhiều trái mãng cầu xiêm chưa kịp bỏ vào giỏ đã bị đàn khỉ cuỗm sạch rồi tháo chạy. Suốt nửa buổi sáng vừa đuổi khỉ vừa hái mãng cầu. Cuối cùng bà Năm nói: “Tao lạy mày khỉ ơi, đừng có tới đây quậy phá tao nữa”.
Bà Năm còn cho biết thêm, đàn khỉ trên núi Két rất tinh khôn, mỗi lần nghe bước chân du khách lên núi, đàn khỉ từ trong rừng lũ lượt kéo ra quấn quýt bên họ. Thậm chí, nhiều con khỉ còn giật trái cây du khách.
Đi tìm “ổ” khỉ tinh
Đường lên núi Két rợp mát bóng cây. Những cây keo lai mọc lên khá đẹp mắt. Trong quá khứ, núi Két hoang dã đầy ắp hoa thơm trái ngọt. Còn giờ đây, chỉ còn sót lại một số cây mà khỉ có thể làm thức ăn như: xoài, mít, mãng cầu, chuối.
Mặc dù lên đỉnh núi từ rất sớm, nhưng muốn tận mắt chứng kến bầy khỉ thì chúng tôi phải chờ đợi hàng giờ liền. Nếu lần đầu tiên đặt chân đến đây không thấy khỉ, mọi người sẽ thấy chán nản, rồi nhanh chân trở về.
Đi qua nhiều con đường vẫn chưa tìm thấy bóng khỉ, ông Lê Công Việt (người dân ngụ trên đỉnh Núi Két) quyết định tiến đến khu vực giếng “tiên” (là một hang sâu, khi trời mưa xuống tích trữ đầy nước. Đây là nơi đàn khỉ thường xuyên tới uống nước –PV). Đứng trên một hòn đá to, ông Việt chỉ vào một cái hang nằm cạnh giếng là nơi trú ngụ của khỉ.
Lấy tay lau mồ hôi trên trán, ông Việt chia sẻ: “Tui biết đàn khỉ này đã hơn chục năm. Thời trước, nếu ai mò tìm đến hang ổ, thì đàn khỉ sẽ xông ra bảo vệ. Tụi nó dọa người, nhảy từ cành này sang cành kia, nghiến răng, hú, lượn trước mặt mình, đánh đu sau lưng, rung cây rào rào. Nếu nó nhận ra người đó là phụ nữ thì thôi rồi, nó dọa dữ hơn để họ phải bỏ chạy”, ông Việt mô tả.
Lúc này, một con khỉ to từ trong hang núi thò đầu ra rồi chậm rãi leo lên vồ đá. Dần dà, bầy khỉ hoang từ trong hang núi, trên cây lộ diện kéo bầy vây quanh mọi người.
Theo ông Việt nhẩm tính, đàn khỉ có khoảng 30 con lớn nhỏ. Môi trường sống trên núi rất thuận lợi nên khỉ sinh sản hàng năm. Trong bầy khỉ này có một con khỉ chúa nặng khoảng 30kg và rất hung tợn. Nếu đàn khỉ bị đe dọa thì con khỉ đầu đàn này sẽ phát động cả bầy ra tấn công.
Khi ông Việt cho khỉ ăn, con khỉ chúa nhiều lần nhào tới định cắn nhưng không thành.
Nhiều du khách vì muốn tận mắt thấy đàn khỉ nên du lịch đến đây, rồi mang bánh, trái cây cho chúng ăn. Sau thời gian ăn no nê, đàn khỉ từ từ rút vào hang.
Gặp người có thể "giao tiếp" với khỉ
Ghé vào một quán nhỏ trên đỉnh núi, chúng tôi gặp một người phụ nữ bán hàng tên Phượng. Chị Phượng cho biết khỉ ở đây nhiều lắm. Bầy khỉ thường xuyên chạm mặt với du khách.
“Nhiều lúc, chúng còn kéo xuống quán của tôi lấy trộm bánh, trái cây. Gần đây, nhiều người xua đuổi quá nên đám khỉ rút vào rừng. Ở ngọn núi này, duy nhất chỉ anh Lê Văn Thiện là người có thể thuần phục được bầy khỉ hoang”, chị Phượng cho biết.
Cùng lúc này, có tiếng ai đó kêu trên chóp núi, một người đàn ông mặc bộ Pijama liền nhảy lên tảng đá lớn rồi khuất dần sau vách núi.
“Đó là anh Thiện, những tảng đá cao như thế đối với anh ta không nhằm nhò gì. Hàng ngày, Thiện còn nhảy từ mỏm đá này sang mỏm đá khác để gặp bầy khỉ”, chị Phượng nói.
Theo chị Phượng, quê của anh Thiện ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Anh Thiện lên ngụ núi Két nhiều năm qua để làm công quả, quét dọn vồ, điện.
Trong những lần dọn dẹp ở các ngôi miếu thờ, anh Thiện bắt gặp bầy khỉ đến ăn trái cây người ta mang đến cúng viếng. Không hề xua đuổi, anh để chúng có thể tự do ăn.
“Hàng ngày, nếu có ai đến cúng bánh, trái cây, Thiện cũng thường dành riêng một phần cho bầy khỉ. Đàn khỉ thân thiện với anh Thiện và thậm chí xem anh như “thủ lĩnh” vậy", chị Phượng nói.
Xế trưa, sau khi cơm nước xong xuôi, anh Thiện đeo chiếc túi vải đi thoăn thoắt đến vách đá thoi loi bên triền núi, rồi nhìn xuống vực sâu. Dưới tán rừng kia, chẳng thấy một bóng khỉ nhưng khi anh Thiện cất tiếng hú thì từ trong rừng có âm thanh khỉ “đối đáp”.
Những tán cây chuyển động xào xào. Từ điện Chư Thần, anh Thiện đi một mạch sang vồ đá dựng cheo leo. Lúc này, bầy khỉ vây quanh anh Thiện để lấy thức ăn. Đàn khỉ trông háo hức, thậm chí, vài con còn có hành động vỗ tay "hoan hô" bắt chước như con người.
Mặc dù vậy, anh Thiện cũng cảnh báo du khách không nên lại gần đàn khỉ vì con khỉ chúa rất hung dữ.
Cũng theo anh Thiện, mỗi khi Rằm lớn, du khách mang trái cây lên núi cúng, bầy khỉ nghe thấy tiếng chân liền lũ lượt kéo về để lấy trộm.
“Tụi khỉ dạn người đến nỗi có thể giật đồ, đùa giỡn với khách hành hương nên du khách cần cẩn thận", anh Thiện nói. Ngoài ra, anh cho biết thêm, nếu có con khỉ nào chết thì anh sẽ mang vào rừng để chôn chúng.
Từ lâu, biệt tài gọi khỉ của anh Thiện được nhiều người biết đến. Nếu đã đặt chân lên đỉnh núi Két, mọi người có thể kiên trì nán lại vài giờ để có thể tận mắt chứng kiến cái tài gọi khỉ về núi của anh Thiện, mới cảm nhận được những điều tuyệt vời của thiên nhiên, sợi dây tình cảm giữa con người và động vật.