Lần đầu khi tôi sang Singapore, vừa ra trước sân bay, hấp tấp định kéo hành lý băng qua đường tới chỗ xe ô tô đậu chờ bên kia. Thấy tôi có ý định sang đường, một chiếc xe buýt lớn vừa trờ tới, đã dừng lại. Tài xế trên xe cười vui, ra dấu tôi cứ việc băng qua. Vừa qua trước đầu xe anh ấy, dĩ nhiên tôi gật đầu cảm ơn. Có người đi chung đoàn, nói rằng hơi lạ, bên này xe lớn người ta dừng hẳn nhường đường cho người đi bộ, thay vì người đi bộ phải tìm cách né, băng qua như ở xứ nhà. Anh hướng dẫn viên du lịch đi cùng, đáp gọn: “Chuyện bình thường”.
Nhưng chuyện bình thường ở quốc gia không xa chúng ta, lại là chuyện rôm rả ở nước nhà. Mới đây, trên mạng xã hội đăng đoạn clip ghi lại cảnh một học sinh tiểu học đang đi bộ băng qua đường Cách Mạng Tháng 8, P.An Hòa, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Khi đi được nửa đường thì cậu bé dừng lại chờ ô tô đi qua. Tuy nhiên, tài xế ô tô đã dừng lại nhường đường cho cậu bé.
Sau khi được nhường đường, cậu bé vội khoanh tay, cúi đầu để tỏ lòng biết ơn bác tài xế trước khi bước tiếp. Cậu học trò lễ phép đó là Lê Thanh Huy, học sinh lớp 4.5 Trường tiểu học Cái Khế 2, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Và báo chí, mạng xã hội… lập tức vào cuộc, đưa cậu bé “lên mây xanh” chỉ vì hành động hết sức bình thường ở xã hội văn minh. Có lẽ cậu bé chỉ hành động theo những gì cha mẹ, thầy cô dạy, không ngờ mình chỉ nhờ ngoan ngoãn, biết vâng lời mà trở nên nổi tiếng.
Cậu bé đáng khen vì rất ngoan ngoãn, đó là điều phải công nhận. Người tài xế ô tô cũng thể hiện đúng trách nhiệm của mình, đáng nể. Nhưng đó không phải là điều gì quá đặc biệt để ngạc nhiên, thán phục và ca tụng hết mức.
“Té ra mầm xanh xứ mình vẫn còn nhiều, gia đình vẫn giáo dục con cháu cẩn thận. Có nhiều cô cậu bé vẫn thực sự lễ độ, khiêm kính, nền nếp. Thương em học sinh, con ai khéo đẻ vì giờ sách giáo khoa dạy các em lấy thân mình lấp lỗ châu mai, hoặc anh hùng… chứ nào có dạy cúi đầu chào hay biết nói câu xin lỗi”, một tài khoản Facebook bình luận.
Tôi nhớ những quyển sách vỡ lòng trước đây đã đăng hình ảnh kèm những câu dạy bảo về những hành động đơn giản như vậy. Ví như nhận quà phải biết cảm ơn, được nhường đường cũng phải cảm ơn, đi đường gặp xe tang phải dở nón mũ cúi đầu… Nói chung, đó là những điều đứa trẻ phải nằm lòng. Không có gì mà ầm ĩ.
Cũng như chuyện nhặt của rơi phải tìm người mất trả lại, hoặc nộp cho nhà chức việc. Hay chuyện công an bắt trộm cướp, càng nhanh càng tốt, nếu phá án chậm phải bị kỷ luật. Đó là chuyện bình thường và đúng trách nhiệm. Nhưng giờ, nhiều địa phương thỉnh thoảng lại khen thưởng cho những chuyện bình thường như vậy.
Có lẽ, khi xã hội dần quen với việc không cần xếp hàng mua vé xem phim, chờ rút tiền ATM; liên tục ngắt hoa ở lễ hội, tranh giành nhau xin lễ ở chùa; tranh giành đường và thản nhiên lấn làn; con cái chửi mắng, thậm chí hành hung cha mẹ… thì những điều bình thường lại hóa bất thường.
Ai đã biến những điều bình thường trước đây trở thành “xa xỉ”? Chúng ta - những người lớn, có lẽ đã liên tục làm những điều bất thường trong cuộc sống hối hả mưu sinh, như quên dần tiếng cảm ơn, quên dần quyền lợi người khác, làm gì cũng phải có tiền mới làm… đã khiến con trẻ dần xem đó là những điều bình thường? Tất nhiên, trách nhiệm không nhỏ cũng thuộc về ngành giáo dục, khi trẻ còn nhỏ phần lớn thời gian trong ngày ở lớp, và phụ huynh giao phó việc dạy dỗ con cho thầy cô.
Không cần đi đâu xa, cứ sang Thái Lan. Kẹt xe, từng đoàn xe kiên nhẫn nhích từng chút một, không một tiếng còi xe, ít khi chen lấn tạt đầu để giành đường, đi trước. Đó chỉ là chuyện bình thường, nhưng khó xảy ra ở Việt Nam.