Yoshiro Mori, người đứng đầu ban tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020, đã xin lỗi vì đã đưa ra những nhận xét phân biệt giới tính về những phụ nữ “nói nhiều” trong các tổ chức thể thao. Tuy nhiên ông sẽ không từ chức.
Ông Mori, một cựu thủ tướng Nhật Bản với tai tiếng về những nhận xét thiếu tôn trọng người khác, đã nói trong cuộc họp của Ủy ban Olympic Nhật Bản (JOC) vào tuần này rằng các cuộc họp có quá nhiều phụ nữ có xu hướng “liên miên” vì họ nói quá nhiều.
Nhắc đến thời gian làm Chủ tịch Liên đoàn Bóng bầu dục Nhật Bản, ông Mori nói: “Phụ nữ có tinh thần ganh đua mãnh liệt. Nếu một người giơ tay phát biểu, tất cả những phụ nữ khác cũng cảm thấy cần phải nói. Rốt cuộc ai cũng lên tiếng phát biểu”.
Ông nói thêm: “Nếu tôi nói gì thêm, báo chí sẽ viết rằng tôi đã nói xấu, nhưng tôi có nghe ai đó nói rằng nếu chúng ta muốn tăng số lượng thành viên hội đồng quản trị là nữ, chúng ta phải điều chỉnh thời gian phát biểu ở một mức độ nào đó, nếu không thì sẽ không bao giờ có thể hoàn thành. Tôi sẽ không nói ai đã phát biểu điều đó”.
"Chúng tôi có khoảng bảy phụ nữ trong ban tổ chức nhưng mọi người đều hiểu vị trí của mình".
Trong một cuộc họp báo được sắp xếp vội vàng vào ngày 4.2, ông Mori đã “vô cùng hối hận” và thừa nhận rằng những bình luận của mình là “không phù hợp” và đi ngược lại tinh thần Olympic.
Nhưng ông nói thêm: “Tôi không nghĩ đến việc từ chức. Tôi đã làm việc chăm chỉ và cống hiến hết mình để giúp đỡ [Thế vận hội Tokyo] trong vòng bảy năm. Tôi sẽ không từ chức”.
Khi được hỏi tại sao ông ấy lại khẳng định rằng phụ nữ nói quá nhiều trong các cuộc họp ủy ban, ông ấy trả lời: “Tôi ít khi nói chuyện với phụ nữ những ngày gần đây, vì vậy tôi không biết”.
Giới truyền thông Nhật Bản có mặt tại cuộc họp trực tuyến của JOC cho biết một số người tham dự đã cười, nhưng bình luận của ông đã bị các nữ chính trị gia và quản trị viên thể thao lên án.
“Những bình luận của ông ấy đi ngược lại với tinh thần Thế vận hội, đó là tố cáo sự phân biệt đối xử và kêu gọi tình hữu nghị, đoàn kết và công bằng”, Renho, một nghị sĩ đối lập nổi tiếng, đã viết trong một bài tweet.
Kaori Yamaguchi, giám đốc JOC, người đã vận động để nâng cao số lượng phụ nữ trong cơ quan quản lý thể thao Nhật Bản, cáo buộc ông Mori, 83 tuổi, đã phá hoại thông điệp của Thế vận hội Tokyo.
Kaori nói với hãng tin Kyodo: “Bình đẳng giới và sự cân nhắc dành cho người khuyết tật phải là lẽ đương nhiên đối với Thế vận hội Tokyo. Thật tồi tệ khi thấy chủ tịch ban tổ chức đưa ra nhận xét như vậy”.
"Mori, xin chức từ chức", đang thịnh hành trên Twitter ở Nhật Bản vào ngày 4.2. Trong khi đó Noriko Mizoguchi, cựu huy chương bạc judo, đã tweet bản quy tắc đạo đức của Ủy ban Olympic quốc tế và nói rằng mọi hình thức quấy rối đều nên bị từ chối.
Ông Mori trước đây đã xin lỗi vì nhận xét "bất cẩn" trong một cuộc phỏng vấn với Mainichi Shimbun, nhưng khẳng định ông không có ý định hạ thấp phụ nữ. Ông nói rằng ông đã bị vợ, con gái và cháu gái của mình "mắng mỏ".
“Vợ tôi đã giận tôi tối hôm qua”, ông nói với tờ báo. “Bà ấy nói, 'Ông lại nói những điều ngu xuẩn rồi. Ông trở thành kẻ thù của phụ nữ còn tôi mới là người phải chịu đựng' ".
Tổ chức JOC đang cố gắng cải thiện tỷ lệ đại diện của nữ giới bằng cách tăng gấp đôi tỷ lệ phụ nữ trong ban giám đốc gồm 25 thành viên lên 40%.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, Katsunobu Kato, nói với các phóng viên rằng ông không biết chi tiết về bình luận của Mori nhưng cho biết chính phủ ủng hộ bình đẳng giới và vấn đề nên có thêm nhiều phụ nữ trong vai trò lãnh đạo trong thể thao.
Nhật Bản liên tục đạt thành tích kém trong các so sánh bình đẳng giới, xếp thứ 121/153 quốc gia trong báo cáo khoảng cách giới tính toàn cầu năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Thống đốc Tokyo, Yuriko Koike, cho biết "là chuyện đương nhiên" rằng phụ nữ cần được cân nhắc trong quá trình ra quyết định. Koike, nữ thống đốc đầu tiên của thành phố Tokyo, nói rằng việc nói nhiều là do tính cách chứ không phải giới tính.
Ông Mori trước đây đã bị chỉ trích với việc nhấn mạnh rằng Thế vận hội Tokyo, một giải đấu có tương lai mịt mờ do COVID-19, sẽ diễn ra "bất chấp" đại dịch có diễn biến như thế nào vào thời điểm Thế vận hội khai mạc ngày 23 tháng 7.
Để đáp trả, diễn viên hài Atsushi Tamura, người sẽ chạy trong cuộc rước đuốc Olympic, dự kiến bắt đầu vào cuối tháng 3, cho biết anh sẽ không tham gia nữa.
Đây không phải là lần đầu tiên Yoshiro Mori, một chính trị gia bảo thủ thân cận với Shinzo Abe - thủ tướng Nhật Bản khi Tokyo giành quyền đăng cai Olympic vào năm 2013 - đưa ra những nhận xét gây tranh cãi về thể thao.
Vào năm 2016, ông ấy nói với các vận động viên Nhật Bản sắp thi đấu tại Thế vận hội Rio rằng trừ khi họ hát Kimigayo, quốc ca Nhật Bản, bằng một giọng lớn, họ nên tự coi mình là không phù hợp để đại diện cho đất nước Nhật Bản, sau khi họ đã trình diễn bài hát một cách mờ nhạt.
Trong Thế vận hội mùa đông 2014 ở Sochi, ông Mori đã chỉ trích vận động viên trượt băng nghệ thuật nổi tiếng Mao Asada sau khi cô ấy không thực hiện được cú nhảy Axel trong chương trình ngắn của mình. “Cô gái này, lúc nào cũng thất bại vào những thời điểm quan trọng”, ông ấy nói.
Ông cũng đặt câu hỏi về khả năng của Chris và Cathy Reed, hai người sinh ra ở Mỹ nhưng đã đại diện cho Nhật Bản trong cuộc thi khiêu vũ trên băng ở Sochi. “Họ sống ở Mỹ”, ông ấy nói. "Mặc dù họ không đủ tốt để gia nhập đội Olympic Mỹ, chúng tôi đưa những công dân nhập tịch này vào đội của mình".