Chàng trai Hà Nội sáng tạo cả kho con vật, đồ chơi từ phế liệu. (Thực hiện: Minh Nhân)
Anh Lưu chung Nghĩa, 30 tuổi, Đông Anh, Hà Nội, ngay từ nhỏ đã được ông ngoại hướng dẫn làm đồ chơi từ tre và gỗ mà người ta vẫn hay gọi là đồ chơi của "trẻ con nông thôn". Trưởng thành, anh tự hình thành một kiểu "chơi" riêng, đam mê chế tạo những phế liệu, rác thải sẵn có từ chính gia đình, như vỏ lon, chai nhựa. "Tất cả những gì có thể tận dụng, mình đều sử dụng để biến chúng thành đồ chơi riêng", anh nói
Gia tài của anh Nghĩa gói gọn trong kệ sắt 5 tầng, trưng bày nào châu chấu, chuột, cá,... Hàng chục loại động vật, côn trùng, robot,... đều được tái chế tỉ mẫn thông qua vỏ lon hay chai nhựa
3 nguyên liệu chính mà anh Nghĩa tái chế, gồm vỏ lon, chai nhựa và giấy. Với vỏ lon, anh chủ yếu biến chúng thành những con vật, côn trùng. Để có thể khắc họa 1 cách nổi bật nhất, anh thường quan sát xem chúng có đặc điểm gì nổi bật. Ví dụ như châu chấu, anh để ý bụng và râu là 2 điểm nhấn. Từ đó, anh tập trung khứa chiếc bụng ngấn, cặp râu dài, giúp sản phẩm đập vào mắt người xem ngay từ lần đầu tiên
Một đàn lợn con tung tăng với chiếc mũi "đặc trưng" không thể pha lẫn
Còn đối với nhựa, anh thiên về sáng tạo robot, dựa theo những bộ phim hoạt hình. Trong hình, một chú cừu robot được tái chế từ chai dầu gội đầu, bao thuốc lá và đường ống nhựa. Đặc biệt, chú cừu này có thể chuyển động sau khi được anh lắp đặt khớp chuyển động và động cơ
Đây là 1 chú cá sấu đang bò với tốc độ "ánh sáng", chiếc mồm to cùng những chiếc răng nanh không ngừng đe dọa đối phương. Với nguyên liệu giấy, anh Nghĩa chủ yếu sáng chế ra những con vật chuyển động. Anh đã dành thời gian tìm hiểu và học qua kiến thức về cơ khí nói chung và khớp chuyển động nói riêng. Anh chủ động góp nhặt kiến thức từ khá nhiều nhóm, để tổng hợp và tự hoàn thiện sản phẩm
Nguồn nguyên liệu ngoài rác thải gia đình, anh Nghĩa còn huy động từ một số nhóm về môi trường. Mọi người ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, đã thu gom và gửi về cho anh. "Nói chung mình làm không xuể, vì lượng rác thải quá nhiều", anh nói. Ngày trước, anh có học qua về kim hoàn, nên có thể sử dụng khoan đục hay máy mài một cách khá thành thục. Mỗi thời điểm, anh lại dành tiền để nâng cấp các loại máy móc và đồ chuyên dụng
Thông thường, anh Nghĩa sẽ lên ý tưởng, "phác họa" trong đầu, rồi tìm nguyên liệu thích hợp. Với một sản phẩm đơn giản, anh mất khoảng 15-20 phút. Con robot lâu nhất anh từng làm, anh dành hẳn 2 tuần nghiên cứu và hoàn thiện
Để kết dính, anh Nghĩa sử dụng keo nến, keo 502 hoặc một số loại keo chuyên dụng của Nhật. Đặc biệt, với vật liệu nhựa, anh dùng thêm dây rút, để cố định sản phẩm chắc hơn
Để có một sản phẩm hoàn thiện, anh sẽ dùng giấy ráp xây dựng mài các cạnh của vỏ lon, tránh các em nhỏ, thậm chí cả người lớn mỗi khi cầm nắm đồ chơi bị xây xát hay đứt tay. "Mình đã làm quen vỏ lon 3-4 năm nay , nên chưa hề bị thương khi "chơi" với loại vật liệu này", anh cho biết. Một trong những khó khăn, anh nói rằng khi sử dụng các loại keo kết dính, hóa chất dễ bay hơi vào mắt khiến giảm thị lực. Nếu bị bắn vào mắt, có thể phải đi viện
Kết thúc một ngày làm việc, về nhà, khoảng 21h tối, anh bắt đầu ngồi vào bàn sáng chế đồ chơi, đến 12h đêm là anh nghỉ. Nhưng cũng có những ngày, do "ham", không để ý giờ giấc, anh thức đến 1-2h sáng hôm sau là chuyện bình thường.
Anh Nghĩa còn chia sẻ những clip tái chế do chính anh quay và edit lên mạng xã hội, mong muốn các em nhỏ có thể tiếp xúc nhiều hơn với các loại sản phẩm được sáng tạo từ rác thải. "Nếu mình định hình ngay cho trẻ em từ nhỏ về ý thức tận dụng và tái chế, sẽ giúp các em sáng tạo và bảo vệ môi trường hơn", anh nói. Đợt vừa rồi, một số phụ huynh của các em học sinh Tiểu học, quan tâm đến các sản phẩm của anh Nghĩa, mong muốn anh mở một lớp học hướng dẫn. Nhưng vì không có thời gian, anh tạm thời từ chối.
Chỉ mất 10-15 phút, anh đã cho ra đời một chú chuột vô cùng đáng yêu. Anh nhận xét, ở Việt Nam hiện nay, những năm gần đây bắt đầu manh nha làn sóng tái chế, nhưng chưa thực sự quy mô. Anh hy vọng những hoạt động tái chế sẽ được mở rộng thật lớn, kết nối nhiều người và mang lại những bài học ý nghĩa
Qua các nhóm môi trường trên Facebook, anh Nghĩa nhận được nhiều kiến thức và góc nhìn về tái chế. Mỗi người - một sở thích riêng, có người tái chế vỏ hộp sữa, quần jean hay chai nhựa. Họ biết cách tận dụng những phế liệu xung quanh và gần gũi, cho chúng một vòng đời mới vô cùng hiệu quả. Từ đó, họ kết nối, chia sẻ và bù đắp kiến thức với nhau, tạo nên 1 cộng đồng phong phú. "Mình mong muốn mọi người quan tâm nhiều hơn đến vấn đề môi trường, bớt xả rác và cùng sáng tạo đồ chơi, đồ tái chế"
Trí thức trẻ