Hu Siqin, 33 tuổi, từng có một công việc với mức lương hậu hĩnh, nên một tương lai xán lạn tại Thượng Hải không phải điều gì quá tầm với của cô.
Dù vậy, đến một ngày, cô gái trẻ này cảm thấy dường như dưới ánh đèn phố thị cô không cảm nhận được một điều đó là cảm giác "yên bình".
Chính vì thế, Hu quyết định từ bỏ tất cả để đi tìm cho mình một chốn thanh bình ở một vùng quê nhỏ. Lối sống này hiện cũng đang trở thành một phong trào với giới trẻ Trung Quốc. Nhiều người trẻ chọn từ bỏ cuộc sống tại thành thị và trở về nông thôn, tận hưởng niềm vui giản dị của một cuộc sống yên bình.
"Có nhiều người trẻ như tôi không cảm thấy vật chất là niềm kích thích, và sâu thẳm trong tim chúng tôi cảm thấy không thực sự thoải mái. Vì vậy, chúng tôi đã nghĩ 'vậy mục đích sống thật sự của mình là gì? Mình đang sống vì điều gì?", Hu nói.
Xét về nhiều mặt, phong trào này của giới trẻ Trung Quốc được coi như trở về với "cội nguồn". Trước thế kỷ 20, Trung Quốc từng là một quốc gia nông nghiệp trong hàng nghìn năm.
Trong những thập kỷ gần đây, chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích đô thị hóa và di cư đến các thành phố đang phát triển để giúp hàng triệu người dân ở nông thôn thoát nghèo và xây dựng một nền kinh tế hiện đại hơn.
Tuy nhiên, khi sự thịnh vượng của quốc gia này đã đạt đỉnh, suy nghĩ của một nhóm người lại dần thay đổi.
Hàng triệu người trẻ Trung Quốc đang dần bị mất động lực bởi những công việc làm thêm nhiều giờ đầy căng thẳng áp lực, mức lương thấp, chi phí sinh hoạt cao, tắc nghẽn giao thông và áp lực phải đạt được thành công từ phía gia đình.
Từng làm trong lĩnh vực marketing và chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp Pháp nổi tiếng như L'Oreal hay hãng thể thao Decathlon, Hu nói rằng công việc này khiến cô cảm thấy "hạnh phúc ở ngoài mặt, nhưng thực lòng cảm thấy trống rỗng".
Giờ đây, khi rời bỏ chốn phố thị xô bồ, cô gái trẻ chọn công việc trồng trọt rau củ hữu cơ như khoai lang, đỗ,… trên mảnh đất cô thuê cùng với những người bạn "cùng chung chí hướng" tại Sùng Minh, vùng ngoại ô Thượng Hải.
Bước khỏi vùng an toàn
Theo một cuộc khảo sát của Bắc Kinh, khoảng 20 triệu người trẻ đã hưởng ứng phong trào "nông dân mới". Thậm chí, một vài trong số họ có hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội khi chia sẻ về cuộc sống bình dị này.
Đối với những "nông dân mới" như Liang Funa, 34 tuổi, đây quả là một cuộc sống lành mạnh, bình yên và ổn định. Nó khác so với cuộc sống khắc nghiệt, lịch làm việc dày đặc và cuộc sống không lành mạnh khi Liang còn là giám đốc một công ty tại Thượng Hải.
"Thế hệ chúng tôi đang chịu áp lực rất lớn, và những ai đang sống tại thành phố là những người không có nhiều lựa chọn", anh Liang chia sẻ.
"Mọi người xung quanh liên tục bàn tán về việc mua nhà, mua xe hơi hay kết hôn, như thể đó là thước đo duy nhất cho sự thành công vậy", anh Liang nhấn mạnh.
Ba năm trước, Liang chuyển đến Sùng Minh. Trong suốt khoảng thời gian đó, anh đã nhanh chóng học cách trồng trọt và chăn nuôi từ những người hàng xóm hay học hỏi trên mạng. Bên cạnh đó, anh Liang cũng nhận một công việc trên mạng để kiếm thêm thu nhập.
Tuy vậy, cuộc sống của Liang giờ đây hầu như không có áp lực gì, và Liang cũng đã nhận ra được anh chẳng cần nhiều đồ dùng hay đồ ăn như xưa nữa. Ăn những loại rau quả do chính tay mình trồng nên, Liang cảm thấy khỏe mạnh hơn và những lần hẹn khám bệnh cũng dần ít đi.
Dù cảm thấy hạnh phúc, việc thuyết phục phụ huynh để chấp nhận lựa chọn của chính mình lại là một vấn đề khác đối với Hu. Bố mẹ Hu cho rằng cô đang "đi lùi" so với thời đại. Tuy nhiên, Hu không hề quan tâm và cảm thấy thoải mái khi sống tại vùng quê gần ngoại ô Thượng Hải.
"Tôi đã bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình, đến những nơi xa lạ và bấp bênh nhưng dần nó lại trở nên rất đỗi quan trọng", Hu tâm sự.
Thanh Lương
Theo South China Morning Post