Akagi là công ty sản xuất kem của Nhật Bản từng nổi tiếng với một video đăng tải trên YouTube năm 2016. Đây tuy không phải video quảng cáo sản phẩm của công ty nhưng đã thu hút đông đảo sự chú ý và giúp công ty được biết đến nhiều hơn.
Video có sự góp mặt của khoảng 100 người, bao gồm Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành và nhân viên làm việc tại trụ sở nhà máy ở thành phố Fukaya. Trong video, họ cúi gập người xin lỗi khách hàng vì tăng giá sản phẩm thêm 10 yên (tương đương 2.000 đồng). Trước đó, công ty đã giữ nguyên mức giá cũ trong suốt 25 năm.
Video xin lỗi của công ty Akagi đã trở nên viral trên mạng xã hội (Ảnh: Internet).
Cuối video là dòng chữ có nội dung: "Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ trong 25 năm nhưng đến nay buộc phải tăng giá. Giá của một cây kem Garigari-kun vị soda sẽ tăng từ 60 yên lên 70 yên".
Dòng kem Garigari-kun được giới thiệu lần đầu năm 1981 với giá 50 yên. Đến năm 1991, công ty quyết định tăng giá lên 60 yên và giữ nguyên mức này trong suốt 25 năm. Quyết định điều chỉnh giá được công ty đưa ra vào cuối tháng 3/2016. Kèm theo đó là video xin lỗi. Chỉ sau 3 ngày đăng trên YouTube, video xin lỗi của tập thể công ty Akagi đã hút khoảng 600.000 lượt xem và hàng trăm bình luận.
Sau khi video gốc trở nên viral, nó đã được đăng tải lại trên Weibo, nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Người dùng Weibo đã thể hiện sự ngưỡng mộ đối với công ty kem Nhật Bản vì hành động này.
"Tăng giá là chuyện bình thường, thế mà họ vẫn xin lỗi dù mức tăng không đáng kể. Đừng lo lắng nhé, chúng tôi vẫn sẽ mua sản phẩm của các bạn ngay cả khi giá của nó là 100 yên đi chăng nữa", một người bình luận.
Một người khác viết: "Tôi chưa ăn thử kem của họ bao giờ nhưng sau video này sẽ đi mua về thử ngay. Lời xin lỗi của họ thể hiện sự tôn trọng đối với khách hàng. Hãy ủng hộ công ty Nhật Bản này".
"Tôi thấy họ làm marketing tốt đấy chứ. Dù tăng giá nhưng họ vẫn được tiếng thơm, khách hàng không giận mà còn ra sức ủng hộ. Không những vậy, nhờ video xin lỗi, họ còn thu hút được thêm khách hàng. Quả là cao tay!", một người nhận xét.
Ở Nhật, lời xin lỗi được người dân sử dụng khá thường xuyên, thậm chí có thể được thay cho một lời cảm ơn. Đối với người Nhật, đây là hành động thể hiện sự lịch sự, lễ nghĩa tối thiểu trong văn hóa giao tiếp. Việc xin lỗi chưa hẳn là nhận sai mà đôi khi còn thể hiện thái độ cầu tiến và có ý thức trách nhiệm.
Việc công ty Akagi xin lỗi làm nhiều người nhớ đến lời xin lỗi của McDonald’s Nhật Bản năm 2014. Trong buổi họp báo được phát sóng trên cả nước, CEO McDonald’s Nhật Bản khi đó là bà Sarah Casanova đã xin lỗi khách hàng vì phát hiện khoảng 1/5 nguyên liệu dùng để chế biến sản phẩm Chicken McNuggets của họ được nhập từ nhà cung cấp Husi Thượng Hải. Chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa công ty này sau khi phát hiện ra nhân viên sử dụng thịt gà hết hạn và thịt dưới sàn nhà để trà trộn.
Bà Sarah cho biết McDonald’s Nhật Bản đã ngừng hoàn toàn hợp tác với Husi Thượng Hải cũng như sử dụng nguồn cung thịt gà từ hai nhà cung cấp ở Thái Lan. Bê bối thịt bẩn này đã khiến doanh số của McDonald’s liên tục giảm. Sau đó, để trấn an khách hàng, McDonald’s Nhật Bản đã công khai thông tin về nguồn nguyên liệu và hứa sẽ không để xảy ra sự cố đáng tiếc như vậy nữa.
Tuy nhiên, một điều mà một số người xem chú ý là lời xin lỗi của bà Sarah. Ánh mắt kiên quyết của bà khi xin lỗi (dấu hiệu của sự chân thành ở phương Tây) dường như lại có tác dụng ngược lại với một số người Nhật, khiến họ không cảm nhận được sự hối hận hay chân thành.
Nguồn: JP Times
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị