Câu chuyện khiến nhiều người phải suy ngẫm về cuộc chiến đấu chống Covid-19: Khi đã cận kề cái chết, giàu hay nghèo cũng chẳng còn ý nghĩa

04/04/2020 19:30
Câu chuyện khiến nhiều người phải suy ngẫm về cuộc chiến đấu chống Covid-19: Khi đã cận kề cái chết, giàu hay nghèo cũng chẳng còn ý nghĩa

"Không quan trọng bạn là ai hoặc bạn đến từ đâu - đây không phải là vấn đề của sự giàu có", một bác sĩ làm việc tại phòng cấp cứu ở Trung tâm y tế Cedars-Sinai nói với phóng viên tờ New York Times.

Một bên là bệnh viện nghiên cứu được xếp hạng "hàng đầu" ở Tây Los Angeles, với các tòa nhà được đặt theo tên của Steven Spielberg và Barbra Streisand. Dọc hành lang bệnh viện được trang trí bằng hàng loạt các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ nổi tiếng, bao gồm cả Picasso, Miro và Warhol. Những người nổi tiếng Hollywood và các thành viên hoàng gia sẽ được ưu tiên phục vụ trong những căn phòng xa hoa chẳng khác gì đi nghỉ dưỡng.

Một bên là bệnh viện cộng đồng ở Nam Los Angeles, xung quanh chỉ toàn cửa hàng ăn nhanh, cửa hàng rượu và cả cửa hàng giảm giá. Đây cũng là một bệnh viện có trang thiết bị hiện đại, mặc dù có nguồn lực hạn chế hơn nhiều, và quan trọng là nó phục vụ cộng đồng những người "yếu thế" nhất ở Los Angeles, bao gồm người nghèo, những người không có bảo hiểm, người vô gia cư và những người có bệnh mãn tính.

Câu chuyện khiến nhiều người phải suy ngẫm về công cuộc chiến đấu chống Covid-19 ở 2 bệnh viện đối lập của Mỹ: Khi đã cận kề cái chết, giàu hay nghèo cũng chẳng còn ý nghĩa - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

 

Đại dịch Covid-19 đang làm "phép thử" cả Trung tâm y tế Cedars-Sinai và Bệnh viện cộng đồng Martin Luther King Jr. (MLK) theo những cách chưa từng thấy trước đây.

Ở một cấp độ nào đó, người ta ngày càng lo sợ rằng cuộc khủng hoảng này có thể gây ra sự bất bình đẳng lâu dài trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ, và rồi cuối cùng Covid-19 sẽ trở thành nỗi ám ảnh ở cộng đồng dân cư nghèo nhất của Los Angeles. Tuy nhiên, khoảng cách và sự khác biệt giữa hai bệnh viện đang "mờ dần" nhanh chóng bởi thành phố Los Angeles đã ghi nhận 3.000 trường hợp dương tính với Covid-19 và cả hai bệnh viện này đều đang phải gấp rút chuẩn bị cho những tình huống khó khăn nhất, bao gồm cả trường hợp quá tải bệnh viện.

Ở cả 2 nơi, các bác sĩ đã phải đối mặt với những tình huống khó xử về mặt đạo đức, họ phải thực hiện những ca phẫu thuật cần thiết để "giải tán" bớt bệnh nhân càng sớm càng tốt, để có giường trống chờ sẵn và trong khi báo đài liên tục đưa tin tức ở những nơi khó khăn hơn như New York và Ý, thì những mối lo ngại lại càng gia tăng. Vậy nên, ở một khía cạnh khác tích cực hơn, người ta lại cho rằng con virus cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người trên thế giới thực ra lại là thứ có "quyền năng xoá bỏ mọi sự chênh lệch trong xã hội".

"Không quan trọng bạn là ai hoặc bạn đến từ đâu - đây không phải là vấn đề của sự giàu có", một bác sĩ làm việc tại phòng cấp cứu ở Trung tâm y tế Cedars-Sinai nói với phóng viên tờ New York Times.

Thông thường, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài đến cả 30 cây số như vạch kẻ chia rẽ Cedars-Sinai và MLK. Thế nhưng, trong những ngày này, khẩu hiệu "stay-at-home" khiến thành phố Los Angeles vốn rộng lớn, đông đúc, nhộn nhịp, hào nhoáng bỗng như bị thu nhỏ lại. Sự ồn ào, náo nhiệt đã bị thay thế bằng không khí yên lặng, tĩnh mịch đến kỳ lạ.

Câu chuyện khiến nhiều người phải suy ngẫm về công cuộc chiến đấu chống Covid-19 ở 2 bệnh viện đối lập của Mỹ: Khi đã cận kề cái chết, giàu hay nghèo cũng chẳng còn ý nghĩa - Ảnh 2.

Một nhà hàng ở gần Trung tâm Y tế Cedars-Sinai phía Tây Los Angeles.

 

Khi chứng kiến điều kinh hoàng đang diễn ra ở thành phố New York, các bệnh viện quá tải bệnh nhân và con số tử vong không ngừng gia tăng, các nhân viên chăm sóc sức khỏe ở đây đang chuẩn bị đương đầu với một cuộc tấn công tương tự vào Los Angeles.

Tuần trước, thị trưởng Los Angeles, ông Eric Garcetti phát biểu rằng: "Hôm nay tôi đã được một phóng viên hỏi liệu Los Angeles có phải là New York tiếp theo không và tôi đã đáp lại  rằng chắc chắn rồi, nó giống như cách New York bây giờ là nước Ý tiếp theo, Ý là Iran tiếp theo, và Iran là Trung Quốc tiếp theo, và dù bạn sống ở đâu, bạn rất có thể là người tiếp theo".

Đều phải đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh, quá tải bệnh viện nếu dịch bùng nổ

Tính đến ngày 31/3, Los Angeles đã có 3.011 ca dương tính với SARS-CoV-2 và 54 trường hợp tử vong, nhưng việc xét nghiệm bị hạn chế đến mức các quan chức cho biết họ không biết chính xác có bao nhiêu người thực sự bị nhiễm bệnh, nhưng họ vẫn tin rằng các biện pháp cách ly xã hội có thể đã làm chậm sự lây lan.

Câu chuyện khiến nhiều người phải suy ngẫm về công cuộc chiến đấu chống Covid-19 ở 2 bệnh viện đối lập của Mỹ: Khi đã cận kề cái chết, giàu hay nghèo cũng chẳng còn ý nghĩa - Ảnh 3.

Bệnh viện cộng đồng Martin Luther King Jr. ở Nam Los Angeles.

 

Khi đã có quá nhiều ca dương tính, các quan chức quản lý khẩn cấp của Los Angeles nói rằng họ có kế hoạch đưa tất cả các bệnh nhân đến các bệnh viện chăm sóc cấp tính của thành phố, nghĩa là mọi người dân nhiễm virus đều sẽ được chữa trị, bất kể tầng lớp nào. "Sẽ không có ai nhiễm Covid-19 cần nhập viện mà bị từ chối chỉ vì không có bảo hiểm hoặc không có khả năng chi trả", các quan chức tiểu bang và liên bang đã tuyên bố.

Cedars-Sinai, một bệnh viện nghiên cứu hàng đầu, trong những ngày gần đây đã phát triển bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ở nội bộ và người bệnh có thể nhận được kết quả ngay trong ngày. Còn MLK, với ít trang thiết bị hơn, đã không thể tiến hành làm xét nghiệm nhanh trong bệnh viện và vẫn phải dựa vào các phòng thí nghiệm thương mại.

Là một trong những bệnh viện lớn nhất của thành phố Los Angeles, Trung tâm y tế Cedars-Sinai, với 886 giường, rất có thể sẽ phải "gánh gồng" số lượng lớn bệnh nhân, bao gồm cả những trường hợp nặng.

Số bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc nghi nhiễm tại Cedars-Sinai đã tăng từ con số 50 vào ngày 17/3 lên 115 vào sáng 31/3, theo số liệu do một quan chức bệnh viện (yêu cầu giấu tên) cung cấp. Chính sách của bệnh viện là không tiết lộ những con số đó.

Bệnh viện MLK, có 131 giường, cho đến nay mới chỉ có một số ít ca dương tính với SARS-CoV-2. Nhưng bệnh viện này phải đối mặt với những thách thức của riêng mình.

Cho đến nay, hầu hết các ca dương tính với SARS-CoV-2 ở Los Angeles đều đến từ các cộng đồng người giàu có như Brentwood, Melrose và West Hollywood, gần Cedars-Sinai hơn MLK. Các quan chức y tế công cộng suy đoán rằng vì nhiều người dân ở đó có điều kiện đi du lịch nước ngoài và mang virus về.

Trong khi đó, các bác sĩ tại MLK lo lắng rằng không ai biết virus đã lây lan sâu như thế nào trong cộng đồng của họ. Đó là bởi vì không có nhiều xét nghiệm được thực hiện và họ buộc phải "để dành" những bộ dụng cụ xét nghiệm cho những bệnh nhân ốm yếu nhất và nhân viên chăm sóc sức khỏe. Bởi nhiều người ở Nam Los Angeles bị các bệnh tiềm ẩn như bệnh tiểu đường và bệnh tim, những bệnh nền có thể dẫn đến tử vong cao hơn khi virus tấn công mạnh.

Đều "chạy đua" để huy động trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ và khẩu trang

Bác sĩ Elaine Batchlor, giám đốc điều hành của MLK cho biết: "Câu chuyện lớn hơn là những người trong cộng đồng của chúng tôi ở đây không được chăm sóc y tế thường xuyên. Họ là các nhân viên phục vụ trong các cửa hàng đồ ăn nhanh, là những nhân viên chăm sóc trong trung tâm chăm sóc ban ngày".

Ngay cả khi bệnh nhân nhập viện, việc điều trị khá đơn giản. Một số người cần chất lỏng và oxy hoặc hạ sốt, những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể cần phải được gây tê, thở máy và cho ăn qua ống.

Bác sĩ Peter Chen làm việc tại Cedars-Sinai, cho biết nhóm của ông đã tiến hành các cuộc diễn tập để hoàn thành các nhiệm vụ đó một cách hiệu quả nhất có thể và có thể hỗ trợ cho nhiều bệnh nhân hơn. Ông nói: "Họ có một khó khăn duy nhất, đó là phổi. Chúng tôi phải nỗ lực để duy trì sự sống cho họ, cho đến khi phổi hoạt động bình thường".

Câu chuyện khiến nhiều người phải suy ngẫm về công cuộc chiến đấu chống Covid-19 ở 2 bệnh viện đối lập của Mỹ: Khi đã cận kề cái chết, giàu hay nghèo cũng chẳng còn ý nghĩa - Ảnh 4.

Bác sĩ Peter Chen làm việc tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai.

 

Thách thức chính là các trang thiết bị để điều trị cho bệnh nhân bị nặng. Giống như các bệnh viện trên cả nước, Cedars-Sinai và MLK đang lùng sục khẩu trang, đồ bảo hộ và máy thở.

Cedars-Sinai có một số lợi thế so với MLK bởi bệnh viện này sẽ nhận được một phần lớn hơn nguồn trợ cấp từ chính phủ và 12 bệnh viện khác trong khu vực được chỉ định là trung tâm cứu trợ. Cedars-Sinai cũng đã kêu gọi quyên góp từ các nguồn tư nhân, chẳng hạn như công ty Goldman Sachs gần đây đã đồng ý cung cấp khẩu trang.

Bác sĩ Chen cho biết: "Nỗi sợ lớn nhất của tôi là hết đồ bảo hộ cho các y bác sỹ. Các bác sĩ của chúng tôi đã thề chiến đấu hết mình trong trận chiến này. Chúng tôi vẫn sẽ bước vào phòng bệnh nhân ngay cả khi hết khẩu trang. Nhưng điều gì xảy ra nếu tôi cũng bị nhiễm bệnh. Khi đó tôi không thể chăm sóc cho ít nhất 20 bệnh nhân khác mà đáng lẽ tôi có thể cứu được họ".

Câu chuyện khiến nhiều người phải suy ngẫm về công cuộc chiến đấu chống Covid-19 ở 2 bệnh viện đối lập của Mỹ: Khi đã cận kề cái chết, giàu hay nghèo cũng chẳng còn ý nghĩa - Ảnh 5.

Bác sĩ Oscar Casillas, trưởng khoa cấp cứu của MLK.

 

Tại MLK, các bác sĩ và y tá đang dành thời gian ngoài giờ để gọi quyên góp khẩu trang. Hiện tại, bệnh viện có 16 máy thở, và đã đặt hàng thêm 4 chiếc. Các bác sĩ nói rằng họ có thể có tới 40 máy, nhưng điều quan trọng là liệu có đủ nhân viên biết cách vận hành chúng.

Giống như các bệnh viện trên cả nước Mỹ, Cedars-Sinai và MLK đều đang nỗ lực sắp xếp khu vực để cách ly bệnh nhân không nhiễm virus với những người bị nghi nhiễm và đang cần theo dõi.

Cả hai bệnh viện đều phải dựng lều bạt ngoài trời; và một con tàu bệnh viện với 1.000 giường vừa cập cảng Los Angeles sẽ giúp giải phóng các bệnh viện bằng cách điều trị cho bệnh nhân không nhiễm virus SARS-CoV-2. Và để chuẩn bị cho sự gia tăng số lượng bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, cả hai bệnh viện đang cố hết sức để dọn giường, cho bệnh nhân đã bình phục được xuất viện hoặc trì hoãn các ca phẫu thuật chưa cấp bách.

Bác sĩ Richard V. Riggs, giám đốc của Cedar-Sinai, cho biết, ban đầu, chỉ có các ca phẫu thuật theo yêu cầu của bệnh nhân bị hoãn lại, nhưng vì sự khẩn cấp đã diễn ra, bệnh viện cũng đã bắt đầu hoãn các ca phẫu thuật ung thư mà các bác sĩ ung thư cho biết có thể đợi đến sau tháng 5.

Câu chuyện khiến nhiều người phải suy ngẫm về công cuộc chiến đấu chống Covid-19 ở 2 bệnh viện đối lập của Mỹ: Khi đã cận kề cái chết, giàu hay nghèo cũng chẳng còn ý nghĩa - Ảnh 6.

Nhưng tại MLK, việc dọn giường rất phức tạp, vì nhiều bệnh nhân không có bác sĩ gia đình để được theo dõi chăm sóc. "Ít nhất thì ở Beverly Hills, khi họ cho một bệnh nhân về nhà, sẽ có người đến theo dõi bệnh tình", bác sĩ Batchlor nói. "Còn trong cộng đồng của chúng tôi, điều đó là không thể".

Dù những thách thức của cả 2 bệnh viện là khác nhau, nhưng nỗi hoang mang lo sợ của họ đều như nhau. Mọi người đang cố gắng làm tốt nhất có thể trong một tình huống xấu nhất.

(Nguồn: New York Times) - Nhịp sống Việt


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Chủ nhật, 08/12/2024