Phỏng vấn chính là một quá trình tự thể hiện, phô bày rất nhiều khía cạnh về năng lực, tinh thần, ý chí và tố chất của một cá nhân mà đôi khi bản thân họ cũng không thể nhận ra. Đôi khi, dù trong bụng chứa trăm ngàn quyển sách, nhưng đứng trước mặt người phỏng vấn, chúng ta lại không thể hiện được thì còn có nghĩa lý gì? Cho nên, rèn luyện cách thể hiện bản thân cũng quan trọng không kém việc tích lũy tri thức.
Đó cũng là lý do mà ngày nay, trước mỗi buổi phỏng vấn tìm việc, các ứng viên đều có sự chuẩn bị cặn kẽ cả về kỹ năng, kiến thức lẫn năng lực phản ứng trong một vài tình huống. Điển hình nhất là thu thập các câu hỏi phỏng vấn thường gặp để rèn luyện cách trả lời. Chẳng hạn như:
“Giới thiệu về bản thân bạn?”
“Mô tả một chút về cách làm việc của bạn?”
“Tại sao bạn chọn công ty chúng tôi? Vì sao bạn muốn ứng tuyển vị trí này?”
“Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?”
“Nếu được tuyển dụng bạn sẽ làm gì?”
“Điểm mạnh điểm yếu của bản thân là gì?”
Trên đây là một số ví dụ về những câu hỏi phỏng vấn thường gặp, được tích lũy bởi vô số người có kinh nghiệm. Thông qua đó, người ta cũng dần tổng kết được những đáp án hoàn hảo, cách trả lời thông minh, dễ tạo thiện cảm với người phỏng vấn nhất.
Vì thế, quá trình tuyển dụng này cũng đang dần đánh mất bản chất của nó. Những câu trả lời rập khuôn, được chuẩn bị sẵn và học thuộc lòng sẽ khiến người phỏng vấn khó có thể nắm được các kỹ năng và tư duy chân thực nhất của ứng viên.
Do đó, xu hướng phỏng vấn hiện nay đang dần có sự chuyển dịch. Thay vì chỉ chuẩn bị một số câu hỏi cố định, các đơn vị tuyển dụng còn không ngừng đưa ra một vài tình huống để kiểm tra sự linh hoạt, năng lực ứng biến, xử lý những vấn đề bất ngờ của mỗi một ứng viên.
Thông qua phản ứng và cách trả lời của từng cá nhân khác nhau, doanh nghiệp mới có thể xác định được một số tố chất cần thiết mà ứng viên thể hiện, từ đó tìm được người thích hợp nhất cho vị trí tuyển dụng. Tình huống này xuất hiện rất phổ biến tại các tập đoàn lớn, ví dụ như Google, Microsoft, Dell, Amazon, MasterCard…
Theo báo Huffington Post, Glassdoor, trang web chuyên khảo sát và đánh giá môi trường làm việc các công ty lớn trên thế giới, mới đây đã điểm qua những câu hỏi phỏng vấn “lạ đời” nhất mà các công ty lớn của Mỹ đã đưa ra trong năm qua và tổng kết rằng:
“Khi một công ty cỡ bự như Google công bố một đợt tuyển dụng mới, rất nhiều người lại nộp hồ sơ mong tìm được một công việc thú vị với mức lương hậu hĩnh. Số hồ sơ nhận được thường lớn gấp hàng trăm thậm chí hàng nghìn lần số vị trí cần tuyển. Bởi vậy, để tìm ra những ứng viên thực sự xứng đáng, các nhà tuyển dụng này đã nghĩ ra những câu hỏi phỏng vấn có một không hai.”
Forrester Research, hãng nghiên cứu về thị trường công nghệ, đã từng đưa ra câu hỏi phỏng vấn như thế này: “Nếu bạn muốn loại bỏ một tiểu bang của Mỹ, thì đó sẽ là bang nào và vì sao?”.
Google thì lại quan tâm đến vấn đề: “Có bao nhiêu con bò cái ở Canada?”.
Trong khi đó, hãng hàng không JetBlue thì ưa thích các phép toán về khoảng cách: “Bạn cần bao nhiêu 1/4 giờ (15 phút) để lên tới đỉnh của tòa nhà Empire State?”.
Hãng thương mại điện tử hàng đầu thế giới là Amazon thì thiết lập tình huống giả định: “Jeff Bezos (CEO của Amazon.com) bước vào văn phòng của bạn và nói bạn có thể có 1 triệu USD để thực hiện ý tưởng kinh doanh tốt nhất của mình. Ý tưởng đó là gì?”.
Tuy không “xoắn não” như những vấn đề trên đây, nhưng câu hỏi hóc búa trong buổi phỏng vấn cho doanh nghiệp nước ngoài sau đây cũng từng gây náo động trong cộng đồng tuyển dụng:
“Ai có thể cho tôi biết, tiền có màu sắc hay không? Nếu có thì màu chính xác của tiền là gì?”
Khi câu hỏi mới được đưa ra, rất nhiều ứng viên đều sửng sốt, bối rối đến nỗi không thể đưa ra bất cứ đáp án nào. Đúng là tờ tiền nào cũng có màu, nhưng đều sở hữu màu khác nhau. Vậy làm sao xác định được màu chính xác của đồng tiền cơ chứ?
Lúc đó, một thanh niên đã mạnh dạn đứng ra, trình bày ý kiến của mình đầu tiên. Anh cho rằng:
“Đúng là đồng tiền có đủ loại màu sắc, nhưng màu sắc của nó không được quyết định bằng mệnh giá, mà phụ thuộc vào tâm tình của người sử dụng. Nếu đó là tiền lương được chi trả đúng hạn, chúng ta vui vẻ khi nhận lấy, vậy đồng tiền này mang màu sắc ưa thích của chúng ta. Ngược lại, khi đồng tiền liên quan tới những rắc rối, xui xẻo, thì nó sẽ trở thành màu sắc mà chúng ta chán ghét.”
Cách tiếp cận này càng khiến những ứng viên khác bối rối. Chỉ có một người khác cẩn thận suy nghĩ rồi bình tĩnh đứng ra trả lời tiếp theo:
“Với tôi, tiền chỉ là một phương tiện để trao đổi. Nếu không được đưa vào quá trình in ấn, nó chỉ đơn giản là một giao dịch chuyển khoản, không có bất cứ màu sắc gì. Đến khi đồng tiền được đưa vào trao đổi, nó mới mang màu sắc của chính vật dụng được trao đổi đó. Chẳng hạn, nếu tôi dùng tiền để mua một chiếc áo sơ mi trắng tặng anh, vậy đồng tiền tôi bỏ ra sẽ mang màu trắng. Tương tự như vậy, màu sắc của tiền phụ thuộc vào chính vật dụng quy đổi ngang hàng của nó.”
Điều ngạc nhiên là, sau khi nghe 2 câu trả lời này, nhà tuyển dụng đã đồng ý để cả hai ứng viên thông qua. Khi được hỏi lý do, họ cho rằng, những câu hỏi phỏng vấn dù kỳ lạ đến đâu thì điều mà người phỏng vấn muốn cũng chỉ đơn giản là có được câu trả lời.
Đáp án đó có chính xác hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, mà ở doanh nghiệp này, điều đó không quan trọng bằng sự tự tin, dũng cảm mà 2 ứng viên đã đứng ra thể hiện, trong khi những người còn lại chỉ ngồi yên tỏ thái độ hoang mang, ấp úng.
Có thể thấy rằng, thông qua buổi phỏng vấn này, tố chất mà đơn vị tuyển dụng tìm kiếm ở các ứng viên chính là khả năng linh hoạt khi xử lý tình huống bất ngờ và một thái độ tự tin, dũng cảm, dám thể hiện chính mình. Đáp ứng được 2 điều đó, đương nhiên bạn sẽ được lựa chọn.
Trí thức trẻ