01. Cốc nước trên sa mạc
Trong sa mạc có 2 cốc nước, 1 ly nước tiểu của ngựa, 1 ly nước tiểu của người, bạn sẽ chọn cái nào để uống khi sắp chết khát? Đó là câu hỏi phỏng vấn đánh trượt rất nhiều những ứng viên kiêu ngạo, vội vàng và thiếu cẩn trọng.
Chuyện kể rằng, sau khi hỏi các vấn đề về chuyên môn và kỹ năng, một quản lý bất ngờ đưa ra một câu hỏi tình huống cho tất cả người đến tuyển dụng: "Nếu bây giờ trong sa mạc có 2 cốc nước, một ly đựng nước tiểu của ngựa và một ly đựng nước tiểu của người. Bạn sẽ chọn uống cái nào trong điều kiện mình sắp chết khát?".
Một ứng viên khá bỡ ngỡ khi bắt gặp câu hỏi này, anh ta lúng túng đáp: "Tôi cảm thấy câu hỏi này không phù hợp với buổi phỏng vấn hôm nay. Nó cũng không có bất cứ liên quan gì tới vị trí mà chúng tôi đang ứng tuyển. Vì thế, tôi rất khó có thể đưa ra câu trả lời cho trường hợp này, cả hai đáp án đều chẳng ra sao cả".
Một ứng viên có vẻ dày dạn kinh nghiệm trả lời rằng: "Trong điều kiện sa mạc thiếu thốn nước uống, phải đối mặt với cái chết, tôi nghĩ mình có thể chấp nhận việc sử dụng nước tiểu của ngựa để vượt qua cơn khát. Dù gì thì còn sống mới còn hi vọng, tôi nhất định sẽ vượt qua một chút chướng ngại tâm lý để sống sót".
Chỉ đến ứng viên cuối cùng, sau khi suy nghĩ thấu đáo, người này mới hít một hơi thật sâu và trả lời với nụ cười tự tin: "Vì tất cả có 2 cốc nước, một ly đựng nước tiểu của ngựa và một ly đựng nước tiểu của người, vậy tổng cộng là 4 sự lựa chọn. Tất nhiên, tôi sẽ chọn 2 cốc nước để uống rồi".
Quả thật, trong câu hỏi tình huống này có một kẽ hở mà nhà tuyển dụng đã cố tình đưa ra để xem có ứng viên nào nắm bắt được hay không.
Nếu như câu hỏi được diễn đạt thành "có 2 ly nước, trong đó một ly đựng nước tiểu ngựa, một ly còn lại đựng nước tiểu người" thì rõ ràng, chỉ có 2 ly nước xuất hiện trong đề bài. Nhưng với cách thay đổi câu từ như vậy, bên cạnh "2 cốc nước" có thêm "1 ly nước tiểu của ngựa" và "1 ly nước tiểu của người", vậy là có thể xuất hiện tới 4 sự lựa chọn cho ứng viên.
Có thể thấy rằng, mỗi một công ty không chỉ thuê năng lực bề ngoài của nhân viên, họ còn muốn khai thác cả tiềm lực trí tuệ bên trong. Một tư duy mềm dẻo, linh hoạt với sức sáng tạo tuyệt vời là những điều không thể thiếu để phát triển nên những thành tựu trong tương lai.
Khác với người suy nghĩ phân tích, thường được dẫn dắt bởi logic và hệ quả, người có suy nghĩ linh hoạt rất mạnh trong những tình huống họ phải bứt phá giới hạn và thử những điều mới.
02. Trứng sao chọi với đá?
Ở một tình huống khác, trong đợt tuyển dụng của doanh nghiệp, người phỏng vấn đã yêu cầu các ứng viên trả lời một tình huống như sau: “Một người cầm trứng chọi đá xong, phát hiện ra trứng không hề vỡ. Bạn có thể giải thích tại sao hay không?".
Ban đầu, khi câu hỏi xuất hiện, mọi người đều cho rằng đây là trò đùa của vị quản lý nhân sự. Nhưng đặt mình trong bầu không khí nghiêm túc của buổi phỏng vấn, tất cả ứng viên đều không dám nói gì mà im lặng "vắt óc suy nghĩ".
Thời gian dần trôi qua, rất nhiều người từ bỏ vì cho rằng đây là mệnh đề bất khả thi. Có người nói: "Không thể nào có chuyện như vậy được, quả trứng nào đập đá mà không vỡ?".
Đồng thời, cũng có những người thực sự chăm chú suy nghĩ và phát hiện ra một số "điểm mù" của câu hỏi, rồi tư duy theo hướng đó để tìm ra những câu trả lời linh hoạt hơn.
Chẳng hạn, một ứng viên đã cho rằng: "Có khả năng nào câu hỏi được đặt ra trong tình trạng quả trứng vẫn đang được ném ra, vì nó ở trên không trung nên còn chưa va chạm với tảng đá và bị vỡ?".
Nhà tuyển dụng lắc đầu khi nghe thấy điều đó.
Một người khác cho rằng: "Chắc chắn là do chất liệu quả trứng rồi. Có lẽ đây là quả trứng bằng vàng hoặc bằng bạc, vậy thì nó sẽ không bị vỡ khi va chạm với đá".
Người phỏng vấn mỉm cười và nhận xét câu trả lời này khá tốt.
Sau đó, một ứng viên đã đứng dậy và đưa ra đáp án hoàn toàn khác biệt: "Cũng có một cách khác để hiểu tình huống này như là, người đó cầm trứng bằng tay trái, nhưng chọi đá bằng tay phải. Vậy thì đương nhiên trứng và đá sẽ không đụng nhau. Cuối cùng, quả trứng sẽ không bị vỡ".
Người phỏng vấn nghe vậy thì khá ngạc nhiên. Họ không nghĩ sẽ có người tách vấn đề "cầm trứng" và "chọi đá" ra làm hai, mà không coi đó là một hành động như vậy.
Sau một lúc thảo luận, đơn vị tuyển dụng cho rằng, họ đã lựa chọn được 2 ứng viên ưng ý, chính là người đã đưa ra 2 câu trả lời cuối cùng.
Có thể thấy rằng, dù gặp vấn đề khó khăn đến mấy, chỉ cần cố gắng thay đổi góc độ tư duy, chúng cũng có thể đơn giản hóa rất nhiều. Vì vậy, chúng ta phải học cách phá vỡ suy nghĩ vốn có và thoát khỏi những hạn chế của bản thân. Sau đó, tầm nhìn thoáng đãng hơn sẽ khiến chúng ta nhìn mọi chuyện lạc quan và dễ dàng hơn rất nhiều.
Điều quan trọng để làm được điều đó là thay đổi tư duy.
Nếu lúc nào, bạn cũng bắt đầu tư duy tiêu cực theo hướng "Tôi không thể…" hay tư duy ngại khó với suy nghĩ: "Hay là ngày mai mình sẽ làm việc này...", điều đó sẽ chỉ khiến bạn ngày càng thụt lùi trên con đường phát triển bản thân.
Phải biết rằng, tất cả những người thành công đều bắt đầu với khao khát và niềm tin họ có thể làm được. Mọi quá trình đều cần có một khởi đầu chắc chắn và mạnh mẽ, thành công cũng vậy. Chúng ta cần tiệm tiến từng bước cùng với niềm tin vào kế hoạch mà mình đã đề ra.
Nếu bạn tin tưởng vào chính mình, bạn sẽ có thể làm mọi thứ, từ giảm cân, tới dậy sớm, phát triển và thăng tiến hay thoải mái và tự do. Tất cả đều bắt đầu từ sự thay đổi trong tư duy.
03. Chia cam sao cho đúng?
Trong buổi phỏng vấn nọ, rất nhiều ứng viên đã gặp khó khăn khi đứng trước câu hỏi mở do nhà tuyển dụng đưa ra: "Nếu chúng tôi cho các bạn mỗi người 5 quả cam, làm thế nào để chia số cam đó cho 6 người một cách hợp lý, khiến tất cả 6 người đều vừa lòng?".
Sau quá trình sàng lọc bước đầu, các ứng viên từ 30 người tham gia chỉ còn lại khoảng 5 người sót lại. Hơn một giờ đánh giá chuyên môn sâu khiến ai cũng cảm thấy áp lực chưa từng thấy. Những ứng viên còn sót có năng lực tương đương, nếu chỉ dùng câu hỏi thông thường thì rất khó có thể quyết định được. Vào thời điểm đó, nhà tuyển dụng đã bất ngờ đưa ra một câu hỏi mở như trên.
Ứng viên đầu tiên sau khi suy nghĩ rất kỹ thì quyết định trả lời: Muốn lấy 5 quả cam nguyên vẹn mà chia cho 6 người là một chuyện phiền phức. Do đó, nếu có thể thì trường hợp này chúng ta nên dùng các loại trái cây khác để thay thế. Nếu không, tôi sẽ sử dụng máy ép trái cây để ép hết 5 quả cam. Số nước được chia ra thành 6 ly thì mới bằng nhau được.
Sau khi nghe câu trả lời này, người phỏng vấn không mấy hài lòng và hỏi tiếp: "Vậy nếu trong 6 người, có người không thích uống nước ép thì sao?"
Sau đó, họ ra hiệu cho người thứ hai tiếp tục trả lời.
Anh Trịnh là người phỏng vấn thứ hai lại đưa ra một trả lời khác: "Tôi sẽ cắt 5 quả cam thành 30 miếng tất cả, tức là mỗi quả 6 miếng. Như vậy, mỗi người có thể nhận được 5 miếng cam đều như nhau".
Người phỏng vấn lại hỏi: "Vậy bạn có đảm bảo tất cả các miếng cam mà mình cắt ra đều đặn tăm tắp y như nhau hay không?"
Sau đó, họ tiếp tục ra hiệu đến lượt những ứng viên khác.
Đến cuối cùng, một ứng viên là sinh viên mới tốt nghiệp đáp: "Nếu là tôi, tôi chỉ cần gọt vỏ tất cả các quả cam, tách ra từng múi và xếp hết vào đĩa. Ai ăn nhiều thì lấy nhiều, ai ăn ít thì lấy ít, ai muốn ăn luôn hay mang đi ép cũng tùy ý họ. Đó là biện pháp nhanh nhất mà vừa lòng được tất cả mọi người vì họ sẽ tự mình làm chủ tất cả".
Ảnh minh hoạ.
Sau khi nghe câu trả lời đó, vị quản lý nhân sự khẽ cười. Mọi ứng viên suy ngẫm một chút cũng hiểu ra sự khôn ngoan ẩn giấu trong phương pháp đó. Vì mỗi người sẽ tự quyết định số lượng và cách thức sử dụng theo đúng ý mình, họ sẽ dễ dàng cảm thấy hài lòng hơn. Chưa kể, dù có điều gì không như ý, nguyên nhân cũng bắt nguồn từ họ chứ không còn là do quyết định chia cam của anh ta nữa.
Có thể thấy rằng, một câu hỏi phỏng vấn thông thường cũng gắn liền với lối suy nghĩ của một người, thể hiện được đặc điểm tư duy của họ. Sau tất cả, phỏng vấn công việc là một kỹ năng. Muốn có được kỹ năng này, bạn phải không ngừng rèn luyện để đưa ra tư duy bậc cao có thể giải quyết được nhiều vấn đề trong các trường hợp bất ngờ không thể lường trước được một cách khôn ngoan.
Vì thế, nếu gặp những câu hỏi mở của nhà tuyển dụng, ngoài việc bình tĩnh suy nghĩ, vận dụng tư duy, còn cần cả tới EQ để xử lý tình huống. Có như vậy, bạn mới may mắn lọt vào 1% được nhà tuyển dụng để ý tới.
Nhịp sống kinh tế