Vừa hái mớ rau muống non ngoài ruộng, anh Phạm Văn Hinh, 50 tuổi, trú tại thôn Chế Chì, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên vừa khoe "nhà có thằng con trai lớn học giỏi lắm, đứa con gái không bằng anh trai, nhưng cũng khá". Anh cười hề hề, vô tư và hồn nhiên rồi vào bếp, bắc nồi nước luộc rau.
Đến 12h trưa, khi nắng lên cao, vợ và 2 con về nhà. Bữa cơm gia đình vỏn vẹn đĩa rau, bát nước chan cùng vài miếng giò rim.
Bữa cơm trưa đạm bạc của gia đình anh Hinh chị Quy
Anh Hinh sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, nhưng mỗi anh mắc chứng tâm thần phân liệt. Anh từng một đời vợ, nhưng chưa kịp có con thì vợ đã bỏ đi. Qua mai mối, anh gặp chị Hoàng Thị Quy, 44 tuổi.
Hoàn cảnh chị Quy cũng không khấm khá gì. Bố mất sớm, một mình mẹ nuôi lớn 5 người con. Lên lớp 3 - 4, chị đột nhiên giật đùng đùng rồi bất tỉnh nhân sự mấy lần, khi đi khám mới phát hiện mắc chứng động kinh, liên tục uống thuốc, kiêng khem đủ thứ. Hết lớp 7, chị phải nghỉ học vì bệnh tật thường xuyên tái phát.
Mấy năm trước, khi đạp xe ở ngã tư phố Giác, thị trấn Vương, huyện Tiên Lữ, bệnh tình tái phát khiến chị ngã lăn xuống đường, gãy hết phần răng cửa. Hoặc có lúc đang đi trên đường, chị bất ngờ ngã nhào xuống ao, may mắn được vớt kịp nên thoát chết. Từ đó, hễ đi đâu xa chị đều có người đi cùng.
Mặc cảm, không muốn trở thành gánh nặng cho người khác, chị Quy quyết không lấy chồng, chỉ ở nhà phụ mẹ làm ruộng. Đến năm 28 tuổi, người thân động viên chị "lấy chồng để sinh lấy đứa con, sau này về già còn có người đỡ đần".
Căn nhà cấp 4 của gia đình anh Hinh, bên trong không có đồ vật gì đáng giá
Anh Hinh gặp gỡ chị Quy, nhận xét "vợ" tương lai "bình thường, không xinh", nhưng "người ta đồng ý lấy mình thì lấy thôi". Còn chị Quy biết rằng, dù đối phương có bệnh, nhưng hiền lành và cục mịch, 2 người lấy nhau về may ra quãng thời gian về sau còn dựa vào nhau mà sống.
Năm 2002, sang nhà gái hỏi cưới, người ta bảo ngồi đâu thì anh Hinh ngồi đó, hỏi thì chẳng đáp, cứ cười hề hề. Hôn lễ được tổ chức nhanh chóng vì sợ... cô dâu đột nhiên lăn đùng. Chú rể mặc bộ đồ mua chịu, cả 2 nên vợ nên chồng mà không có tấm ảnh cưới nào.
Được gia đình bên ngoại giúp đỡ, anh Hinh chị Quy mua được mảnh đất nông nghiệp ở rìa thôn làng Chế Chì. Người cho chịu công, người đồng ý khất nợ tiền vật liệu, căn nhà cấp 4 rộng chừng 40m2 được dựng lên, đơn sơ và không có tài sản gì quý giá.
Cả 2 bám vào sào ruộng, cũng đủ gạo ăn qua ngày, nhưng trong nhà, tiền luôn thiếu. Anh Hinh ngờ nghệch, bảo gì làm nấy, một mình chị Quy lăn lộn đủ nghề, từ trồng cần nước đem ra chợ lớn bán buôn từ 3 - 4 giờ sáng, đến làm mành, chọc tâm sen, phụ vữa. Mỗi năm cần được giá, nhưng năm nay thất thu, 2.000 - 3.000 đồng/mớ cũng chẳng ai mua. Thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng, chị Quy nói rằng "cũng vừa đủ sống".
"Công việc vất vả, đôi lúc chồng bướng, tôi lại khóc thầm trong đêm", chị kể. Nhưng khóc xong thì thôi, hôm sau, chị lại "lao vào đời và kiếm cơm".
Anh Hinh thương vợ, sau cũng dần hiểu chuyện, được vợ chỉ dạy tận tay. Hồi đầu, anh nhổ mạ, nhổ cả cỏ. Chị Quy dạy anh cách phân biệt mạ với cỏ lồng vực, khi cấy phải dúi mạ ra sao, đứng tát nước sao cho đúng.
Người thường mỗi ngày cuốc được 5 miếng ruộng thì anh Hinh chỉ được 1.
Người thường mỗi ngày nhổ được 100 bó mạ thì anh Hinh chỉ được 30.
Người thường mỗi ngày gặt được cả sào thì anh Hinh chỉ được 2 miếng.
"Nhưng còn hơn anh chẳng giúp được gì", chị Quy nói. Có đợt, mãi 8 - 9 giờ tối anh Hinh vẫn chưa đi ruộng về, vợ hốt hoảng đi tìm, mới thấy anh vẫn lần sờ dưới ruộng vì không thể phân biệt "sớm tối". Từ đó chị dạy chồng "hễ thấy người ta về thì mình về, trời tối là lên bờ".
Tuy ngờ nghệch nhưng anh Hinh thương vợ thương con, dần hiểu chuyện và chăm lo cho gia đình. Giờ cơm trưa, anh ra đồng hái mớ rau muống non
Người đàn ông lúc nào cũng cười hề hề, vui vẻ và hòa đồng với mọi người. Nếu chị Quy là lao động chính, thì anh Hinh ở nhà chăm lo cơm nước, nhà cửa
Với anh Hinh, người ngoài nói chưa chắc anh đã nghe, nhưng vợ bảo thì lại răm rắp. Việc nhà với anh cũng bắt đầu từ con số không. Nấu cơm, vợ bày anh cách đo mực nước bằng đốt ngón tay. Bữa thì nhão nhoét, bữa sượng sống, nhưng dần, anh cũng trở nên "lão luyện".
Nhờ có vợ, anh "Hinh tồ" ngày nào đã mau miệng và hiểu chuyện hơn, đến giờ về nhà lo cơm nước, biết ký tên theo cách vợ dạy dù không biết chữ. Anh chỉ chưa thể đếm quá 10 con số và không biết tiêu tiền.
Lấy nhau một thời gian nhưng chưa có con, người làng đồn đoán "thằng Hinh tồ chắc không sinh con được đâu". Một năm rưỡi sau khi về chung nhà, chị Quy vui sướng và hạnh phúc khi biết mình mang thai con trai đầu lòng. Anh Hinh vẫn vậy, ậm ừ không rõ là vui hay buồn. 9 tháng thai kỳ, chị Quy chỉ ở trong nhà, có gì ăn nấy, không dám hoạt động mạnh vì sợ tái phát bệnh, có khi mất cả mẹ lẫn con.
Năm 2004, ngày con chào đời, chị Quy đặt tên là Phạm Văn Thông. Thấy con ngoan hiền, ít quấy khóc, chị sợ con bị di truyền bệnh của bố mẹ. May sao, bắt đầu đi học, thầy cô giáo khen con trai thông minh, tiếp thu tốt, chị mới yên lòng. 5 năm sau, vợ chồng hạnh phúc đón người con thứ 2, bé gái có tên Phạm Thị Thương.
Nói về cuộc hôn nhân ngót nghét cũng đã 19 năm, chị Quy biết rằng năm xưa vẫn chấp nhận lấy chồng dù không biết tình yêu là gì. Nhưng bù lại, anh Hinh hiền lành, chưa bao giờ đánh đập, chửi bới vợ con. Hồi sinh con có mắm, có muối nấu bột, vậy mà các con vẫn khôn lớn, khỏe mạnh.
Gần 12h trưa, chị Quy mới đi làm về, tranh thủ ăn cơm, nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục đi chợ chiều
Bữa cơm gia đình vỏn vẹn đĩa rau, bát nước chan cùng vài miếng giò rim
Cả gia đình bên mâm cơm tuy đạm bạc nhưng ngập tràn hạnh phúc
Từ bé, em Phạm Văn Thông đã có thành tích nổi bật về môn Toán. Nhà nghèo, em chưa từng xin mẹ đi học thêm. Năm lớp 7, Thông đạt giải 3 học sinh giỏi cấp huyện môn Toán. Đến lớp 9, tiếp tục đạt giải khuyến khích. Đặc biệt, trong kỳ thi vào lớp 10 trường THPT chuyên Hưng Yên, Thông xuất sắc đỗ vào lớp chuyên Toán, đứng thứ 4 toàn trường.
Nhà cách trường hơn 10 km, thời gian đầu Thông xin mẹ đạp xe đi học. Nhưng nghĩ đường xa, con vất vả, họ hàng giúp đỡ chị Quy mua cho Thông chiếc xe đạp điện. Nhà xa, lắm hôm học ca chiều, Thông lại xách theo cặp lồng cơm ăn trưa, tối lại về.
2 anh em học giỏi, ngoan ngoãn và yêu thương bố mẹ
Tháng 8/2020, Thông vinh dự là 1 trong 8 học sinh chuyên Toán của tỉnh Hưng Yên, tham gia Đội tuyển dự thi học sinh giỏi Quốc gia. Dù không đạt giải, nhưng em không nản chí, tập trung ôn luyện cho lần thử sức vào năm sau.
Ngày nhận thư chúc mừng của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên khi con trai được chọn vào đội tuyển HSG Quốc gia môn Toán, chị Quy mừng khóc, còn anh Hinh vẫn "thờ ơ" vì không biết đó là gì.
Tin tức "thằng Thông được vào đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia lan ra khắp làng", ai nấy gặp chị Quy cũng đều chúc mừng, tán dương khiến chị đầy tự hào. Chị mong ước con trai có thể thi đỗ Đại học, theo đuổi nghề yêu thích để thoát khỏi lũy tre làng - điều mà trước giờ vợ chồng chị chưa dám nghĩ tới.
Có lẽ thứ tài sản quý giá nhất trong nhà chính là những tấm giấy khen của em Thông
Chị Quy hạnh phúc khi con trai là thành viên đội tuyển dự thi HSG Quốc gia môn Toán của tỉnh Hưng Yên
Hễ ai hỏi ước mơ của bản thân, Thông đều nói là "làm bác sĩ". Em muốn chăm sóc sức khoẻ cho bố mẹ và em gái. Nam sinh đặt mục tiêu thi đỗ Học viện Quân Y để có thể giảm tải gánh nặng học phí.
Không chỉ Thông, em gái Thương cũng học giỏi và ngoan ngoãn. Sau giờ học, 2 anh em giúp bố mẹ quán xuyến việc nhà, như cho gà ăn, ra ao rửa rau, làm mành, chọc tâm sen... 2 đứa cũng thường xuyên canh chừng, đề phòng mẹ ngã, lại lên cơn động kinh. Từ bé đến lớn, cả hai anh em chưa từng đòi hỏi bố mẹ phải mua đồ đạc hay sắm quần áo mới.
Thông nói chưa từng xấu hổ về bố mẹ, dù mẹ bị động kinh, còn bố tâm thần luôn trong tình trạng ngờ nghệch. "Em thương bố mẹ lắm, sau này khi lớn lên em sẽ chăm sóc bố mẹ. Có bố mẹ mới có em của ngày hôm nay. Em tự hào về gia đình mình", Thông nói.
Thông ước mơ làm bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cho bố mẹ và em gái
Trưa hè oi ả bên bữa cơm trưa đạm bạc, cả gia đình hạnh phúc chuyện trò với nhau. Xong bữa, chị Quy tranh thủ chợp mắt, chiều lại đi chợ. Anh Hinh thấy khách đến chơi, miệng cười mãi không ngớt. Còn cái Thương vội chạy ra sau chuồng cho gà ăn, anh trai tranh thủ rửa chén bát.
Cuộc đời đã gắn kết 2 con người tuy không hoàn hảo, nhưng đã cho họ một gia đình vô cùng trọn vẹn và hạnh phúc. Như chị Quy nói, dù không biết tình yêu là gì, nhưng 19 năm qua, anh chị đối đãi với nhau bằng thứ tình cảm chân thành và sâu đậm nhất. Cái kết đẹp của chuyện tình, chính là những đứa con ngoan ngoãn và học giỏi.
Doanh nghiệp & Tiếp thị