Cạnh tranh với chính mình không phải là việc ép bản thân trở nên hoàn hảo hay chạy đua không ngừng nghỉ. Thực tế, đó là sự cam kết tự cải thiện mỗi ngày. Thay vì nhìn ra bên ngoài và so đo với thành công của người khác, bạn chỉ cần nhìn lại bản thân ngày hôm qua, tuần trước hay năm trước để đánh giá sự tiến bộ. Điều này không chỉ giúp bạn tập trung vào hành trình của mình mà còn giải phóng khỏi áp lực phải đáp ứng kỳ vọng từ xã hội.
Như Giáo sư Adam Grant đã chia sẻ trong cuốn sách “Biến tiềm năng thành tài năng”: “Kỳ vọng có xu hướng tăng lên theo thành tựu. Bạn càng thể hiện tốt thì càng đòi hỏi nhiều hơn ở bản thân và ít chú ý đến những tiến bộ nhỏ. Việc đánh giá đúng quá trình tiến bộ phụ thuộc vào việc nhớ ra con người trong quá khứ của bạn sẽ nhìn nhận những thành tựu hiện tại của bạn như thế nào. Nếu cách đây năm năm bạn có thể biết những gì bây giờ mình đạt được, bạn sẽ tự hào đến mức nào?”
Điểm hạn chế của việc cạnh tranh với người khác là bạn có thể thắng mà không hẳn vì bản thân đã tiến bộ. Đối thủ của bạn có thể đã trải qua một ngày tồi tệ, hoặc bạn được hưởng lợi từ một chút may mắn. Còn khi cạnh tranh với chính mình, bạn phải học cách chấp nhận rằng sự phát triển không phải là một cuộc đua tốc độ, mà là một hành trình dài hơi. Khi tập trung vào chính mình, bạn không còn bị ám ảnh bởi việc phải đạt được thành tích ngay lập tức. Thay vào đó, bạn tận hưởng từng bước nhỏ trong quá trình, cảm nhận niềm vui từ những nỗ lực dù là nhỏ nhất và không ngừng tiến bộ theo cách riêng.
Một điều quan trọng khi cạnh tranh với bản thân là đặt ra những mục tiêu vừa sức, thực tế và rõ ràng. Những mục tiêu quá cao dễ khiến bạn nản lòng, trong khi những mục tiêu quá dễ lại không tạo ra đủ động lực để phấn đấu. Bằng cách chia nhỏ các mục tiêu lớn thành những nhiệm vụ nhỏ hơn, bạn không chỉ dễ dàng quản lý mà còn thấy rõ tiến trình của mình.
Tuy nhiên, cạnh tranh với chính mình không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có những ngày bạn không đạt được hiệu suất như mong đợi, và điều đó hoàn toàn bình thường. Quan trọng là bạn học cách tha thứ cho bản thân, nhìn nhận thất bại như một cơ hội để học hỏi thay vì tự trách móc. Chính những bài học từ thất bại mới là nền tảng vững chắc để bạn tiến xa hơn.
Như Adam Grant đã nhấn mạnh: “Bạn không hướng tới sự hoàn hảo – bạn đang hướng sự hoàn thiện. Cách duy nhất để chiến thắng là phát triển”.
Và cách phát triển nhanh nhất là không ngừng vượt qua giới hạn cũ của bản thân. Khi bạn cạnh tranh với chính mình, bạn khám phá ra tiềm năng thật sự của bản thân, từ đó khai phá và mở rộng nó. Đây không chỉ là cách giúp bạn tiến bộ vượt bậc, mà còn là cách sống ý nghĩa hơn. Bởi lẽ, hành trình vượt qua chính mình không chỉ là một cuộc đua, mà còn là sự thấu hiểu, yêu thương và tôn trọng chính bản thân mình.