Hành động của ông chủ khách sạn
Có một ông chủ khách sạn nọ khi vô tình đẩy cửa bước vào phòng riêng (phục vụ khách muốn có không gian riêng tư) của khách sạn mình thì chợt thấy những nhân viên của mình đang túm tụm lại cùng nhau ăn số thức ăn thừa trên bàn của khách để lại.
Nhân viên thấy ông chủ mình đột nhiên tiến vào phòng thì nhất loạt dừng đũa, ai nấy đều xấu hổ, ngại ngùng. Lúc này, ông chủ bỗng đi đến bàn cầm lấy một đôi đũa rồi hô hào mọi người cùng ăn với mình. Tất cả kinh ngạc đến ngớ người, vô cùng cảm động trước trí tuệ và sự khôn khéo của ông chủ.
Chỉ một hành động nhỏ của ông đã khéo léo xua đi nỗi xấu hổ của những nhân viên ấy, đồng thời còn giữ cho họ thể diện và lòng tự tôn. Có người sẽ tán dương ông chủ này là người có chỉ số cảm xúc cao, mà những người thông minh trong cảm xúc thường là những người lương thiện thực sự.
Hộp cơm nhân ái
Cũng từng có một đoạn phim ngắn thế này:
Nhân vật chính là một cậu bé gầy yếu. Cậu không muốn bạn học phát hiện gia cảnh nghèo khó của mình nên mỗi ngày đều mang theo hộp cơm rỗng đến trường. Cứ hễ đến giờ tan học, cậu luôn là người đầu tiên bước ra khỏi lớp. Ngoài mặt thì ra vẻ là mình đi vệ sinh nhưng thực chất là cậu muốn uống vài ngụm nước để lót dạ chống đói.
Ảnh minh họa.
Rồi đến một hôm, như thường lệ, ngay khi vừa tan học, cậu liền chạy đến phòng vệ sinh. Sắc mặt cậu tái nhợt xanh xao, bụng còn liên tục phát ra tiếng kêu ùng ục, nhưng cậu vẫn cố chịu đựng mở vòi nước, vội vàng uống vài ngụm nước lót dạ.
Về đến lớp học, thấy cảnh bạn học vui vẻ nói cười ăn cơm, cậu thấy vô cùng tủi thân.
Lúc này, bụng lại phát ra những âm thanh phản kháng, cậu thở dài một hơi. Đang lúc nhìn hộp cơm đến thất thần, cậu bỗng thấy vài thứ "bất thường" trong đó. Hiếu kỳ mở hộp cơm của mình ra, cậu mới phát hiện, hộp cơm vốn trống rỗng của mình lúc này đã đầy thức ăn.
Bạn học xung quanh, có người mỉm cười nhìn cậu đầy thiện ý, có người thì xem như chưa có chuyện gì xảy ra, tiếp tục ăn phần cơm ngon lành.
Thì ra, những người bạn ấy đã đã sớm biết bí mật về hộp cơm rỗng của cậu. Họ nhân lúc cậu đến phòng vệ sinh đã bàn bạc thống nhất với nhau, sẽ lấy một phần thức ăn của mình chia vào hộp cơm rỗng của cậu.
Có bạn góp bánh mì kẹp, có bạn cho cậu hoa quả, có bạn lại cho cậu cà rốt... Cứ thế hộp cơm trống của cậu chẳng mấy chốc đã đầy ắp.
Đến khi cậu quay lại, họ lại ngầm hiểu ý nhau quay về chỗ ngồi của mình. Vì không muốn cậu ngại ngùng, không ai chủ động nhắc đến sự việc ấy.
Ảnh minh họa.
Hành động tuy lặng lẽ, không ồn ào nhưng lại là sự quan tâm ấm áp nhất. Lương thiện có sức mạnh lan tỏa khiến những ai nhìn thấy, nghe thấy, đọc thấy đều xúc động, trầm trồ, ngưỡng mộ.
Và phụ đề cuối phim cũng mang thông điệp đầy ý nghĩa: Cách để giúp đỡ người khác bao giờ cũng đều đơn giản, dễ dàng hơn bạn tưởng tượng rất nhiều.
Các bạn nhỏ này đã dùng chính sự lương thiện thuần khiết nhất của mình để bảo vệ lòng tự tôn yếu ớt của bạn mình, như vậy vừa giúp cậu bé giải quyết được khó khăn trước mắt, vừa giúp cậu giữ lại tôn nghiêm cho mình.
Lời bình
Lương thiện là một loại tu dưỡng nội tâm và là một loại năng lượng thuần khiết, tích cực của đời người. Đồng thời, lương thiện cũng thể hiện lòng tôn trọng và sự quan tâm yêu thương của ta với người khác thông qua những hành động nhỏ bé trong đời sống thường ngày.
Có một câu nói rất hay thế này: Sự lương thiện thực sự, đó là làm việc thiện không cần diễu võ dương oai, tích đức không cần người khác thấy, có lòng tốt thì nước chảy trong vắt. Đó là sự bao dung cùng tấm lòng quảng đại, không làm chuyện mờ ám sau lưng người khác.
Trước đây, có một bức ảnh trong tác phẩm "Nắm tay" từng gây xôn xao dư luận.
Trên bức ảnh, có hai cô bé đứng trước tấm bảng đen có ghi dòng chữ "chung tay giúp đỡ nhau học tập".
Cô bé nhận được sự giúp đỡ thì cúi đầu nhìn mặt đất, còn cô bé đi quyên tặng kia thì ngẩng đầu nhìn lên.
Dù hai đứa trẻ nắm tay nhau nhưng nhìn kỹ sẽ thấy, cô bé bên trái chỉ đang miễn cưỡng chìa ra một ngón tay để bạn nắm. Dưới ống kính của người thợ ảnh, trên mặt cô bé được trợ giúp bên trái ấy lộ ra đầy vẻ lúng túng, khó xử.
Lương thiện thực sự, đó là phải biết đặt bản thân ngang hàng với người được hỗ trợ để giúp đỡ, chứ không phải dùng thái độ đứng trên cao "ban phát ân huệ" cho người cần trợ giúp.
Thế nên mới nói, lòng lương thiện thực sự, ấy là vừa có thể trợ giúp người khác, lại vừa giữ thể diện và lòng tự tôn cho người ấy.
Pháp luật & Bạn đọc