Vẫn biết với thời đại công nghệ phát triển liên tục hàng giờ, người ta dễ dàng truy cập mọi thông tin sốt dẻo, nóng hổi chỉ cần một cú click chuột, hay một cái quẹt tay nhẹ trên màn hình smartphone. Vậy nên, dần dà, báo giấy mất luôn vị trí như thời xa xưa. Kéo theo là chuyện những sạp bán báo mất hút trên các ngả đường, con hẻm, góc phố của Sài Gòn này.
Sự phát triển nào cũng đồng nghĩa với thay đổi và thích nghi. Nhưng đâu đó, ở cái đô thành nhộn nhịp bậc nhất nước này, có những người vẫn giữ cho riêng mình thói quen đọc báo giấy, theo ngày, theo tuần và theo tháng.
Người Sài Gòn vốn có tánh cũ, chỉ mua báo ở các sạp ven đường, hay đầu ngõ hẻm, góc phố. Cái tánh bao đời hình thành nết người, thành nếp sống. Bởi nó tiện lợi theo những lần chạy xe tạt ngang con đường, ghé vào sạp báo, đọc vội cái tên báo thân thuộc mà mình yêu thích. Mua bán nhanh chóng rồi lại hối hả hòa vào dòng người đông nghìn nghịt mỗi bận sớm mai.
Hay những cụ ông sáng sáng thong dong tập thể dục, tạt ngang đầu hẻm, góc phố mà chọn lấy tờ báo còn nguyên mùi mực in. Hoặc những sáng cuối tuần, các bà, các chị đon đả đi về sau buổi chợ, luôn kèm theo những tờ tuần san, in màu trên giấy bóng loáng.
Chuyện người Sài Gòn tùm tụm quanh bàn cà phê sáng sớm, mỗi người một tờ báo, rổn rảng tin tức nóng hổi đầu ngày cho nhau, rồi mới bắt đầu một ngày mới bộn bề lo toan cuộc mưu sinh. Hay cánh chị em chuyền tay nhau những cuốn tạp chí, thủ thỉ chuyện nhà cửa, chuyện đàn bà, tâm sự nhỏ to giữ gìn hôn nhân, hay mấy vấn đề làm đẹp, chăm sóc con cái. Tất thảy, dường như đã là một nhịp sống lệ thường, như tới bữa ăn chẳng thể bỏ cữ.
Ngay cả, một người thỉnh thoảng vẫn hay viết lách vài thứ hay ho, khi được báo đăng, có bận tôi phải dáo dác khắp các ngả đường, góc phố, từ Tân Bình về lại quận 3 để tìm tờ báo. Rồi đành tiếc nuối giữa một trưa tháng 4 hanh nồng, đúng chỉ hai sạp báo lề đường, và chỉ bán vài tờ báo giấy thường nhật, ít lắm những cuốn tuần san, hay báo tháng.
Bận đó, ngồi lề đường, uống nước mía, hỏi chuyện chị bán báo. Chị cười nhẹ tênh. Giờ báo giấy bán ít lắm, nên dọc con đường này, ngày trước tới 5 sạp giờ còn mỗi 1 sạp. Bán một phần vì hơn chục năm trời gắn bó, giờ dẹp sạp rồi biết làm chi mà sống. Lại thêm phần vì khách quen, họ mua của mình từ hồi còn độc thân, giờ ghé sạp báo chở thêm đứa con, tíu tít khoe chuyện gia đình, nghe cũng vui lây.
Có những người mãi quay cuồng với chuyện tiền nong, nhọc nhằn cuộc mưu sinh, nên họ dần quên lãng thói quen mua báo giấy. Chỉ tổ tồn thêm mớ tiền và mất thêm thời gian. Nên bỏ luôn cái thói quen xa xưa cũ ríc này.
Những sạp báo mất hút, cuộc sống lại thêm những phận đời trôi nổi chênh vênh giữa Sài thành. Hẳn nhiên họ phải chật vật mà vật lộn với chuyện bắt đầu kiếm sống bằng một nghề mới. Có cô đi bưng bê rửa chén cho mấy tiệm ăn. Có chú sắm chiếc xe cũ kĩ hành nghề xe ôm giữa thời cạnh tranh với nhiều anh Grab công nghệ. Thương nhất là mấy bà lớn tuổi, rong ruổi với xấp vé số, lang thang cùng đường phố Sài Gòn, lùng sục mọi ngõ hẻm, bán kiếm tiền sống qua ngày đoạn tháng. Nghe rưng rức cả một trưa đứng gió oi ả.
Vậy đó, nên cái chuyện sớm sớm nghe tin một tờ báo nào đó không còn ra nữa, hay vài bận chạy ngang góc phố cũ, chẳng thấy sạp báo quen, lại khiến lòng đắn đót.
Nhủ với mình, những sạp báo ấy, những tờ báo giấy, và cả những phận người rồi sẽ về đâu? Câu hỏi trôi tuột, theo những dòng chảy miệt mài của dòng đời.
Trúc Thiên