"Bao giờ lấy chồng? Đã có người yêu chưa?"
"Lớn thế này rồi mà chưa lập gia đình à", "con đã có người yêuchưa", là câu hỏi mà những người độc thân phải nghe đi nghe lại trong dịp Tết, nhất là khi bạn đã khá lớn tuổi nhưng chưa chịu thành gia lập thất.
Vũ Nam Trang Linh - cựu Đại sứ THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam chia sẻ: "Vì năm nay em mới bước chân vào Đại học năm thứ nhất nên chưa nhận được những câu hỏi đó.
Nếu trong tương lai có nhận được câu hỏi đó vào dịp Tết thì chắc câu trả lời của em sẽ giống như ca sĩ Bích Phương đó là "em vẫn chưa muốn lấy chồng, chỉ muốn ở bên mẹ cha"!"
Tiêu Hạ - nhiếp ảnh gia lại dùng cách trả lời nửa đùa nửa thật, rằng: "Mình sẽ chỉ cười và trả lời là "Cuối năm con cưới", nhưng năm nào thì còn chưa biết nên mọi người cứ chuẩn bị tinh thần đi, sắp rồi.
Những câu hỏi quen thuộc này kể cả là ngày bình thường mình cũng bị tra khảo, nên cũng đã sẵn sàng "chuẩn bị tinh thần" cho ngày Tết rồi."
Hoàng Quang Vũ Trường - du học sinh tại Canada lại chọn cách "nói giảm nói tránh": "Dạ con mới gần ổn định để lo cho bản thân, chưa lo cho thêm 1 người nữa được nên không dám tính chuyện hôn nhân."
Bị đòi lì xì, hoặc chê lì xì ít
Lì xì vào ngày Tết đã trở thành thông lệ tốt đẹp của người Việt. Thế nhưng, một số em nhỏ chưa hiểu ý nghĩa tinh thần của tục lệ này, hồn nhiên vòi vĩnh lì xì, hoặc chê bai giá trị của món tiền mừng tuổi, khiến mọi người lúng túng. Trước tình huống này, các bạn trẻ Việt đã hào hứng chia sẻ cách đối đáp vừa chân thành, vừa hài hước.
Trương Phương Nam - du học sinh tại Italia: "Chắc mình sẽ chuẩn bị 1 xấp bao lì xì dán băng keo thật chặt để các bé không thể mở ra coi ngay tại chỗ! Bé nào lỡ chê lì xì ít, mình sẽ nói thật rằng năm nay có dịch bệnh, anh không có việc làm nên không có tiền, khi nào có việc làm xịn thì anh sẽ lì xì bù cho!"
Nguyễn Quỳnh Nhi - sinh viên ĐH Greenwich: "Mình sẽ chủ động lì xì cho các em, các cháu trước để tránh rơi vào tình huống "bị nhắc khéo". Kèm theo đó, mình sẽ gửi những lời chúc chân thành, tốt đẹp để các em hiểu về ý nghĩa thực sự của món lì xì, chứ không nên chú tâm vào giá trị tiền bạc của nó."
Trần Quang Minh - sinh viên ĐH Ngoại thương: "Nếu bị chê lì xì ít, mình sẽ nở một nụ cười nhẹ với các bé, rồi sau đó nhẹ nhàng giải thích ý nghĩa của tục lệ này. Tất cả những phong bao lì xì mà mình chuẩn bị đều màu đỏ, tờ tiền cũng sẽ có màu đỏ để mang ý chúc may mắn đầu năm.
Trong tiếng Anh, "lì xì" là "lucky money", nghĩa là "tiền may mắn" mà. Các bé sẽ học được thêm một từ mới tiếng Anh, và học được cả ý nghĩa thực sự của phong tục này trong ngày Tết cổ truyền."
Vũ Nam Trang Linh: "Từ dịp Tết năm ngoái, khi bản thân em đã có một nguồn thu nhập nhỏ từ việc đi dạy thêm các em nhỏ, em cũng đã chuẩn bị những lì xì mang giá trị tinh thần cho các em nhỏ cùng với bạn bè ở trường lớp.
Em nghĩ năm nay tình hình kinh tế chung đều khó khăn nên các món quà lì xì của em vẫn mang giá trị tinh thần là chủ yếu, chắc sẽ không ai "nỡ" buông lời chê ít đâu."
Vương Thùy Dương - sinh viên ĐH Hà Nội chọn cách... cầu cứu phụ huynh. "Nếu đi chúc Tết mà bị đòi lì xì, mình sẽ "cầu cứu" bố mẹ trước. Còn nếu các em, các cháu chê lì xì ít, mình sẽ nhẹ nhàng bảo: "Quan trọng là tấm lòng" thôi! Dù sao thì sự quý mến, chân thành chúc phúc mới là ý nghĩa thực sự của những phong bao đỏ chói này."
Xử lý khối lượng việc nhà khổng lồ dịp Tết
Năm mới đến ai ai cũng muốn nhà cửa sạch sẽ tinh tươm để đón Tết. Chính vì vậy, những việc nhà như nấu cỗ, rửa bát ngày Tết luôn luôn là nỗi ám ảnh lớn nhất của bất kỳ bạn trẻ nào mỗi khi tết đến, xuân về.
Trong khi mọi người vui vẻ chơi Tết thì các bạn phải lúi húi dọn nhà, lau bàn ghế, rửa vài chục mâm bát hay học ... chặt gà. Đặc biệt, đối với những ai lần đầu ra mắt gia đình người yêu mà trúng phải trường hợp này, chắc chắn sẽ vô cùng lúng túng, khó xử.
Nguyễn Thị Hồng Vân - Hoa khôi ĐH Thương mại: "Mình là một người khá thích nấu ăn. Thường thì em luôn vào bếp hộ mẹ và chị gái chuẩn bị cơm thắp hương, cũng như chuẩn bị những bữa ăn cho tất cả gia đình, nên mình thấy việc nấu ăn hay chuẩn bị cỗ ngày tết là niềm vui đối với cá nhân mình.
Đối với mình, những việc nhà như lau bàn ghế, sắp xếp nhà cửa chắc sẽ không biến thành những "trường hợp khó đỡ", (trừ việc chặt gà thôi!), vì mình rất thích được vào bếp cùng bà và mẹ để có thể được "nâng cao tay nghề".
Ngược lại với vất vả, mình còn thấy rất háo hức với những hoạt động đó, vì đây là cơ hội để cả gia đình cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau. Còn với việc chặt gà, đây là một điều đòi hỏi cả sự khép léo lẫn sức mạnh, nên mình sẽ nhờ mẹ làm giúp, vì mình không muốn phá hỏng bữa cơm đầu năm của gia đình."
Ngô Chúc An - hoa khôi học sinh THPT Trần Phú (Hà Nội): "Mình sẽ rất sẵn lòng làm những công việc dọn dẹp, giúp đỡ gia đình. Dù sao trong những ngày đầu năm, ai cũng nên giữ tâm trạng vui vẻ. Nếu phải nấu một món ăn không phải sở trường, mình sẽ không ngại ngần hỏi luôn người nhà cách làm. Vừa giúp đỡ được bố mẹ, vừa biết nấu thêm được món ăn mới."
Trần Quỳnh - rapper, nhà sản xuất âm nhạc: "Mình thích nấu nướng, dọn dẹp phụ gia đình. Mình nghĩ người trưởng thành nào cũng muốn làm những công việc đấy, không chỉ là việc cần làm, mà còn là những câu chuyện chan chứa tình cảm với người thân trong gia đình.
Bởi vậy, mình sẽ không nề hà bất kì điều gì. Việc nào mình chưa biết làm, hoặc cần giúp đỡ thì cứ thoải mái lên tiếng, chắc chắn sẽ không ai từ chối chung tay với mình trong ngày Tết cả."
Tiêu Hạ: "Đối với mình, những việc nhà như lau bàn ghế, sắp xếp nhà cửa chắc sẽ không biến thành những "trường hợp khó đỡ", (trừ việc chặt gà thôi!), vì mình rất thích được vào bếp cùng bà và mẹ để có thể được "nâng cao tay nghề".
Ngược lại với vất vả, mình còn thấy rất háo hức với những hoạt động đó, vì đây là cơ hội để cả gia đình cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau. Còn với việc chặt gà, đây là một điều đòi hỏi cả sự khép léo lẫn sức mạnh, nên mình sẽ nhờ mẹ làm giúp, vì mình không muốn phá hỏng bữa cơm đầu năm của gia đình."
Bước qua dịp "Valen-Tết"
Năm nay lễ Tình nhân 14/2 rơi vào mồng 3 Tết âm lịch. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời cho những đôi tình nhân ở gần nhau nhưng cũng là nỗi buồn với các cặp đôi xa cách. Chính vì vậy, không ít người lựa chọn về nhà người yêu như một món quà "độc" cho ngày Valentine.
Nguyễn Cẩm Hà - sinh viên ĐH Văn hóa: "Mình ở Hà Nội, còn bạn trai mình ở Hải Phòng, nhưng có lẽ đến mồng 3 là khoảng cách đã được rút ngắn rồi. Chúng mình cũng chưa có kế hoạch gì cả, gặp nhau là tự có kế hoạch thôi. Có thể là một chuyến du lịch đầu năm cùng nhau, cũng có thể chỉ cần đèo nhau đi dạo... Chỉ cần ở bên nhau là hạnh phúc rồi."
Trương Phương Nam: "Quê bạn gái mình ở Huế, mọi năm bạn ấy sẽ đón Tết cùng gia đình. Nhưng vì năm nay, có lẽ mùng 4 là mình sẽ lên đường quay lại Italia để hoàn thành việc học, nên bạn gái mình vào TPHCM trước để được cùng mình đón Tết và kỉ niệm Valentine đầu tiên bên nhau."
Vương Thùy Dương: "Mình và bạn trai thường không hay làm việc theo kế hoạch mà làm theo cảm hứng nên Valentine vẫn chưa có kế hoạch cụ thể gì. Hơn nữa, năm nay Lễ tình yêu rơi vào mùng 3 tết, cả mình và bạn ấy đều không ở Hà Nội mà về quê ngoại. Mình nghĩ Tết là thời gian dành cho gia đình nhiều hơn. Chỉ cần cả hai quan tâm, yêu nhau thật lòng thì ngày nào cũng có thể là 14/2 được."
Vũ Nam Trang Linh: "Hiện tại em không có bạn trai. Em sẽ đi du lịch cùng gia đình thay vì "cô đơn" ra đường đón Valentine! Nhưng nếu có người yêu, và trải qua mùa "Valen-Tết", em mong sẽ có thể tụ họp cả hai gia đình cùng nhau để vừa đón Tết vừa đón Valentine.
Em nghĩ trong cuộc sống, ngoài tình yêu đôi lứa còn có tình cảm gia đình nữa, nên em nghĩ sẽ rất tuyệt nếu được cho đi và cảm nhận cả hai tình cảm thiêng liêng đó. Em mong điều ước ấy sẽ thành sự thật sớm!"
Hoàng Quang Vũ Trường: "Đối với du học sinh như mình, việc đón Tết xa nhà đã là một sự tiếc nuối. Ngày Valentine năm nay, mình và bạn gái vẫn phải đi học, đi làm như thường ngày (theo lịch dương), nên chúng mình sẽ dành thời gian ăn tối, xem Táo quân... cùng nhau.
Nếu một trong hai phải đi làm xa, không ở cạnh nhau trong lễ tình nhân được cũng không sao, mình sẽ gọi điện an ủi bạn ấy. "Khoảng cách không xa nếu ta xem nhau là tất cả!"
Hồng Minh