Hạ Du: Đừng quên diện trang phục truyền thống, gợi nhớ Tết xưa
Hạ Du (sinh viên năm 3, khoa Truyền thông Đa phương tiện, ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên) chia sẻ rằng, không phải Tết hiện đại "nhạt" mà vì mọi người đã lãng quên đi một phần hương vị của Tết xưa.
"Người lớn khi nhắc đến Tết thường hay than, sao năm trôi qua nhanh, rồi bao nhiêu khoản tiền phải lo, rồi loay hoay tất bật… Nhưng nếu bỏ qua những điều đó, diện trang phục truyền thống, gợi nhớ không khí Tết xưa cũng là một ý tưởng hay để Tết thêm ý nghĩa. Bạn cũng có thể chụp những bộ ảnh để lưu giữ lại khoảnh khắc đáng nhớ bên người thân, bạn bè.
Dù cuộc sống hiện đại phát triển nhưng hãy giữ được những nét truyền thống tốt đẹp (tất nhiên là cũng cần có sự đổi mới phù hợp, chừng mực) thì tự khắc mọi người sẽ dễ dàng cảm nhận được niềm vui khi Tết đến Xuân sang", Du chia sẻ.
Nguyễn Ngọc Phương Hà: Làm bao lì xì handmade tặng người thân
Nguyễn Ngọc Phương Hà - nữ sinh ĐH Nha Trang đẹp tựa diễn viên Hoa ngữ thì luôn giữ được tâm trạng hào hứng mỗi dịp Tết đến chứ không hề cảm thấy Tết "nhạt" như một số bạn trẻ "than vãn".
Phương Hà cho biết: "Năm nay mình tự làm bao lì xì handmade tặng cho người thân kèm vào đó là những lời chúc năm mới ý nghĩa. Chắc mọi người sẽ thích nó lắm vì mình làm bằng cả tấm lòng mà.
Mình cũng quyết tâm sẽ theo mẹ học gói bánh chưng, bánh tét cho nhà. Bản thân mình là người khá vụng trong việc bếp núc nhưng mình sẽ cố gắng. Đó đều là những việc giúp mọi người gắn kết bên nhau hơn. Mình thích canh nồi bánh chưng, vừa canh vừa nướng khoai bên bếp củi, ấm cúng vô cùng luôn".
Huỳnh Như: Đặt chiếc điện thoại xuống, cùng sum vầy bên nhau
Còn với Huỳnh Như (hot girl Bến Tre nổi tiếng từ chương trình "Bạn muốn hẹn hò) thì bộc bạch rằng, Tết vẫn luôn là dịp để cùng ngồi lại bên nhau, tổng kết một năm đã qua, có thêm nhiều dự định cho năm mới.
Huỳnh Như nói: "Tết là khi mọi người sum vầy để chia sẻ, kết nối chứ không phải mỗi người một chiếc điện thoại để lướt web, để xem Facebook… Đặt chiếc điện thoại xuống, cùng sum vầy bên nhau mới cảm nhận được sự vui vầy của ngày Tết.
Cả năm ai cũng tất bật, bận rộn với công việc, với guồng quay cuộc sống mệt mỏi.
Tết đến, gạt bỏ hết nỗi lo, cảm nhận được hơi ấm tình thân, bản thân mỗi người lại có thêm những động lực để cố gắng nhiều hơn cho những mục tiêu trong chặng đường mới. Nhất là với các bạn trẻ, hãy dành thời gian cho gia đình nhiều hơn".
Phạm Hiếu Trung: Tết là khi ta học cách bày tỏ tình cảm nhiều hơn
Phạm Hiếu Trung (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thì cho rằng: "Cả năm chúng ta đi làm, đi học xa nhà, không có nhiều thời gian ở gần bên để bày tỏ tình cảm với người thân. Thì Tết là lúc ta học cách bày tỏ tình cảm, thể hiện cảm xúc. Tết "nhạt" hay không suy cho cùng cũng là do lòng người mà thôi. Đừng than "nhạt" khi chính bạn đang không mặn mà với nó.
Hơn thế nữa, vào dịp năm mới, chúng ta cũng có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người. Vậy thì tại sao không xem đây là dịp để học hỏi những kỹ năng mới, hoàn thiện bản thân không ngừng. Ngoài ra, hãy sắp xếp những công việc còn dang dở, đón năm mới với tâm trạng vui tươi thì Tết không hề "nhạt" như bạn nghĩ đâu".
Nguyễn Việt Mỹ: Biến lời chúc Tết thành hành động cụ thể
Nguyễn Việt Mỹ - chàng trai Đà Nẵng nổi tiếng trên mạng xã hội với tài vẽ tranh chân dung độc đáo cũng bày tỏ ý kiến của mình về các giải pháp để Tết "bớt nhạt".
Theo đó: "Mình nghĩ năm nào các bạn cũng sao chép những lời chúc rồi gửi đi cho nhiều người. Hành động đó khiến các bạn không thể hiểu hết ý nghĩa của những lời chúc đầu năm. Có lẽ vì thế mà dần dần Tết cũng trở nên nhạt nhòa hơn.
Thay vì chúc những lời kiểu bay bổng quá thì hãy chúc nhau bằng tất cả sự chân thành nhất. Và từ những lời chúc đó thì có thể biến thành hành động cụ thể để mỗi năm qua đi có nhiều dấu ấn đáng nhớ".
Nguyễn Hoàng Giang: Tết chẳng "nhạt" nếu bản thân mỗi người biết cách trân quý hiện tại
Còn với Nguyễn Hoàng Giang (sinh năm 2002, Vũng Tàu) thì thẳng thắn cho rằng: "Tết chẳng "nhạt" nếu bản thân mỗi người biết cách trân quý hiện tại. Những phong tục truyền thống như gói bánh chưng, bữa cơm đoàn viên, lì xì đầu năm chính là lúc để chúng ta cùng quây quần lại bên nhau.
Mình thích cảm giác trở về nhà, cùng người thân đón năm mới, vì dù đi đến đâu thì cũng chỉ có gia đình là nơi yêu thương ta vô điều kiện mà thôi".
Cũng trong quan điểm của Hoàng Giang, các hoạt động gia đình dịp Tết cũng sẽ giúp các thành viên có sự kết nối, đoàn kết hơn. Đừng nhìn Tết với ánh mắt hời hợt, mọi thứ sẽ trở nên ấm áp hơn rất nhiều.
Tuệ Nhi