Xương thủy tinh và hành trình giấc mơ làm bác sĩ

28/09/2019 15:18
Xương thủy tinh và hành trình giấc mơ làm bác sĩ

Mỗi sáng, Lê Thị Xuân Quyên - cô bé có đôi mắt u buồn như chực khóc, cuộc sống chỉ xoay quanh chỗ nằm, trở mình cũng gãy xương, chỗ này bó bột chưa lành lại gãy chỗ khác ngày xưa - tự tin chống nạng bước đến chiếc xe 3 bánh đến giảng đường.

Cô gái tuổi 20 giờ đã biết cười, ánh mắt và nụ cười luôn chứa đựng sự quyết tâm.

Được đi lại, được chạy xe máy, được đến trường… là những hoạt động bình thường của hàng triệu triệu người. Nhưng để được sống bình thường như vậy, Xuân Quyên đã phải đi một chặng đường dài với sự hỗ trợ và tình yêu thương của rất nhiều người…

 

Xương thủy tinh và hành trình giấc mơ làm bác sĩ - Ảnh 1.

10 năm trước, khi về công tác tại xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre, mỗi sáng tôi đều thấy hình ảnh một bà cụ đẩy xe đạp đưa một cô bé đến trường. Chiếc xe cũ đến mức không chạy được mà chỉ có thể dẫn bộ. Và bà cụ đẩy chỉ dám đẩy xe nhẹ nhàng, chậm rãi nhất có thể.

Người bà ấy tên Huỳnh Thị Kim Loan và cháu bé là Lê Thị Xuân Quyên, khi ấy đã 10 tuổi. Hai bà cháu đi lại hàng ngày, hàng ngày chậm rãi thế bởi cô bé ngồi trên xe có thể bị gãy xương bất cứ lúc nào.

Xương thủy tinh và hành trình giấc mơ làm bác sĩ - Ảnh 2.

Xuân Quyên sau một lần bị gãy xương phải bó nẹp (ảnh chụp năm 2011) - Ảnh: TÂM LỤA

Căn bệnh quái ác luôn đeo bám và kìm hãm mọi mơ ước của Quyên: nằm trở mình cũng gãy xương, trời mưa to giật mình cũng gãy xương, đi tắm cũng gãy xương…

Lớn lên, trong khi các bạn đồng trang lứa đến trường hết, Xuân Quyên vẫn phải nằm một chỗ. Cô bé thường thắc mắc: "Sao con không được đi học?".

Cha mắc bệnh tâm thần, mẹ cũng bị hạn chế khả năng vận động nên Quyên đã khẩn thiết xin bà nội đăng ký cho mình được đi học. Bà Loan đi xin nhưng không trường nào dám nhận do Quyên cứ gãy xương suốt, đi học có chuyện gì không biết ai sẽ lo…

Thấy cháu khóc lóc, năn nỉ quá, bà Loan phải nhờ chính quyền địa phương lên Phòng giáo dục - đào tạo huyện Châu Thành xin. Gia đình cũng phải ký cam kết: "Quyên đi học có vấn đề gì về sức khỏe thì gia đình phải chịu hoàn toàn trách nhiệm".

Vậy là năm 8 tuổi, Xuân Quyên bắt đầu được đi học lớp 1.

Và dưới mái nhà nền đất, vách ván ghép, lợp lá dừa… cô bé xương thủy tinh có niềm say mê mới: được học chữ, được đánh vần, đọc sách… Như để bù lại cho những khiếm khuyết của bản thân, Quyên có niềm yêu thích đặc biệt với việc học và luôn dẫn đầu lớp về kết quả học tập.

Hằng ngày, sau khi bế cháu vào lớp học, bà Loan lại trở về nhà đi làm thuê hoặc quanh quẩn với việc chăm sóc vườn dừa. Canh giờ cháu ra chơi, bà Loan lại trở vào lớp bế cháu đi vệ sinh cá nhân rồi về nhà, rồi lại canh giờ đi đón cháu...

Ngày ấy, Quyên luôn mơ ước có chiếc xe đạp mới để bà đi lại cho đỡ vất vả. Còn bà, không dám nói ra nhưng chỉ mong cháu có được chiếc xe lăn.

Xương thủy tinh và hành trình giấc mơ làm bác sĩ - Ảnh 3.

 

Xương thủy tinh và hành trình giấc mơ làm bác sĩ - Ảnh 4.

Ngày 19-5-2010, câu chuyện của cô bé xương thủy tinh Lê Thị Xuân Quyên được đăng trên báo Tuổi Trẻ. Cảm phục nghị lực của cô bé, nhiều tấm lòng hảo tâm đã tìm về tận Bến Tre động viên, giúp đỡ gia đình. Người tặng xe lăn, người cho xe đạp, người giúp số tiền nhỏ...

Trong số những tấm lòng ấy có ông Tôn Thất Hưng (giám đốc Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà). Ngày 31-5-2010, ông Hưng về Bến Tre đón mẹ con Quyên lên TP.HCM để tạo điều kiện cho bé được đi học và chữa bệnh.

Bệnh xương thủy tinh là gì? Tại sao không có phác đồ điều trị? Chẳng lẽ suốt đời các bé lại nằm một chỗ với nỗi lo nơm nớp "có thể bị gãy xương bất cứ lúc nào"?... Những câu hỏi ấy luôn xoáy sâu trong tâm trí của ông Hưng.

Mất nhiều đêm trăn trở, đọc tài liệu, ông nhận ra bệnh xương thủy tinh do thiếu collagen. Mà trong xương cá sấu có rất nhiều collagen.

Ông Hưng và các chuyên gia, bác sĩ tại Viện Y dược học dân tộc TP. HCM đã nghiên cứu, sáng chế ra loại thuốc hỗ trợ phát triển xương cho các bé từ xương cá sấu. Việc uống thuốc kết hợp với phương pháp ăn uống, luyện tập thể thao và mổ ghép xương, tình trạng của Quyên được cải thiện đến nỗi nhiều người bất ngờ.

Từ một người không dám vận động, thậm chí không dám trở người, Quyên được các bác sĩ hướng dẫn tập vật lý trị liệu, tập lết rồi tập bò, tập bơi lội, tập yoga... Từ một cô bé luôn u buồn, luôn mặc cảm và sợ tiếp xúc với mọi người, Quyên đã mở lòng với những người xung quanh.

Ông Hưng đón thêm nhiều bé xương thủy tinh trên khắp mọi miền đất nước về chăm sóc, hỗ trợ chỗ ăn ở, chữa bệnh miễn phí và đặt tên cho trung tâm (đặt tại đường Nguyễn Thị Sáu, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM) là "Kim cương tươi đẹp".

"Kim cương thô, cứng một khi được mài dũa sẽ sáng lấp lánh, tươi đẹp và quý báu vô cùng" - ông Hưng lý giải về cái tên trung tâm. Cái tên ấy cũng là điều ông luôn muốn nhắn nhủ tới Xuân Quyên và các bé.

Xương thủy tinh và hành trình giấc mơ làm bác sĩ - Ảnh 5.

Xương thủy tinh và hành trình giấc mơ làm bác sĩ - Ảnh 6.

Xương thủy tinh và hành trình giấc mơ làm bác sĩ - Ảnh 7.

Tập luyện, gãy xương rồi bó bột. Hết lần này đến lần khác mổ ghép cho thẳng xương rồi đợi lành lặn để tập đi… Có đau không?

"Đau chứ! Đã có lúc đau đớn đến mức muốn buông xuôi tất cả, nhưng tôi không cho phép mình như thế" - Xuân Quyên kể lại.

10 năm qua, sau nhiều lần được mổ ghép xương, Quyên và một số bé đã đứng dậy tập đi được bằng nạng. Những đôi chân chằng chịt vết thẹo sau mổ đã bước được những bước đi đầu tiên.

Từ khi mới được ông Hưng đón lên Sài Gòn, Quyên đã nói: "Con ước mơ được làm bác sĩ để chữa bệnh cho những bạn có hoàn cảnh như con". Tưởng đó chỉ là sở thích nhất thời của trẻ con, thế nhưng 10 năm qua, Quyên luôn kiên định với ước mơ của mình.

Sau rất nhiều trăn trở suy tính, Quyên chọn không nộp hồ sơ xét tuyển đại học mà nộp vào ngành Dược Trường cao đẳng Kinh tế - công nghệ TP.HCM. Lý do trường chỉ cách trung tâm Kim cương tươi đẹp 5km, rất tiện cho việc ăn ở và đi lại với một người có hoàn cảnh như Quyên.

Xương thủy tinh và hành trình giấc mơ làm bác sĩ - Ảnh 8.

"Quyên nói với tôi tính học ra trường rồi xin làm những việc liên quan đến thuốc cho bác Hưng. Sau đó vừa làm vừa học liên thông lên đại học. Tính Quyên khép kín và ít nói. Đã nói ra điều gì con sẽ làm cho bằng được. Còn nếu không làm được con sẽ không bao giờ nói" - chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (47 tuổi) mẹ Xuân Quyên, kể lại.

10 năm qua chị Trúc ở lại trung tâm cùng con. Chị được trả lương để chăm sóc các bé xương thủy tinh trong trung tâm. Ngày Quyên báo đậu cao đẳng, chị Trúc vay mượn thêm để mua cho Quyên chiếc xe máy 3 bánh làm phương tiện đi học.

Con lái xe chưa vững nên sáng nào chị Trúc cũng cùng con đi xe đến trường rồi đón ngược xe buýt về trung tâm. Quyên được hỗ trợ chi phí ăn ở và khám chữa bệnh, còn học phí và chi tiêu cá nhân chị Trúc phải làm việc để kiếm tiền lo cho con.

Lao động chân tay vất vả nhưng chị luôn nói mình "may mắn khi được làm việc để lo cho con ăn học".

 

Xương thủy tinh và hành trình giấc mơ làm bác sĩ - Ảnh 10.

Bước chân vào giảng đường, cô bé xương thủy tinh đã dần chạm tay tới ước mơ của mình. Còn ông Tôn Thất Hưng vẫn luôn trăn trở với câu hỏi: "Làm thế nào để có thêm nhiều bé xương thủy tinh được đi học, được chữa bệnh và được thực hiện ước mơ như Xuân Quyên".

Cũng vì trăn trở ấy ông đã thành lập thêm một trung tâm ở tỉnh Hà Nam để nhận các bé xương thủy tinh vào chăm sóc và khám chữa bệnh miễn phí. Tháng 10 sắp tới, trung tâm bắt đầu nhận các bé xương thủy tinh ở khu vực phía Bắc.

10 năm qua, có lúc công việc kinh doanh rơi vào khó khăn, lỗ nhiều hơn lãi nhưng điều khiến ông Hưng suy nghĩ nhiều nhất là làm sao để việc học tập và chữa trị cho các bé không bị gián đoạn. Khi khó khăn vơi đi, ông lại cười nhẹ nhàng bảo "vì ông đã cho đi nên được nhận lại".

Xương thủy tinh và hành trình giấc mơ làm bác sĩ - Ảnh 11.

Xuân Quyên được bác sĩ Trần Văn Năm, nguyên phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc, khám tổng quát (ngày 28-6-2010) - Ảnh: TÂM LỤA

Cũng như ông, bác sĩ Lương Đình Lâm (nguyên trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy), người mổ chính khoảng 400 ca miễn phí cho các bé, luôn nói rằng ông mới là người "nhận được niềm vui khi thấy sức khỏe các bé xương thủy tinh tiến bộ từng ngày".

Nẹp xương cho các bé như Xuân Quyên giá thị trường khoảng 10-20 triệu đồng/cái. Đắt như vậy tiền đâu mà mua? Chính vì vậy, bác sĩ Lâm đã mua dụng cụ rồi tự mày mò tự sáng chế ra dụng cụ nẹp xương để các bé sử dụng mà không phải tốn quá nhiều tiền.

Vì những ân tình ấy mà cô bé xương thủy tinh Lê Thị Xuân Quyên luôn tâm niệm: "Tôi sẽ cố gắng học để trở thành bác sĩ, để đem kiến thức của mình chữa bệnh cho các bạn xương thủy tinh.

Và đó cũng là cách để tôi báo đáp lại tấm lòng của những người tốt với tôi vô điều kiện như bác Tôn Thất Hưng, bác sĩ Lương Đình Lâm, bác sĩ Trần Văn Năm… ".

Xương thủy tinh và hành trình giấc mơ làm bác sĩ - Ảnh 12.

Xương thủy tinh và hành trình giấc mơ làm bác sĩ - Ảnh 13.

 TÂM LỤA

 TÂM LỤA - QUANG ĐỊNH

 Kiều Nhi

 Bảo SuZu


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 23/11/2024