Phạm Vệ Phong, quản lý của Gaozhang Capital, một công ty chuyên đầu tư giai đoạn đầu vào các doanh nghiệp mới nhờ đổi mới công nghệ tại Trung Quốc. Từ một người không có một chút tích lũy, một người từng phải trải qua cái gọi là "khủng hoảng tuổi trung niên", tới một nhà quản lý quản lý khối tài sản lên tới hàng chục tỷ Nhân dân tệ, Phạm Vệ Phong đã bứt phá ra sao?
Sau hơn 10 năm làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước, Phạm Vệ Phong gặp phải bộ đôi khủng hoảng: khủng hoảng nghề nghiệp, khủng hoảng tuổi trung niên. Anh nhớ lại: "Cá nhân tôi cảm thấy kế hoạch nghề nghiệp của tôi ngay từ khi bắt đầu đã phạm phải một sai lầm vô cùng lớn, đó là làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước 14 năm liền. Bây giờ nhìn lại tôi thấy mình chỉ cần làm ở đó 2,3 năm là đủ rồi, làm hơn chục năm, rõ ràng là đang lãng phí cuộc sống. Sau hơn 10 năm làm tại đó, tôi phát hiện ra mình không kiếm hay tích lũy được bao nhiêu, còn có hai đứa con nhỏ cần nuôi, khi đó tôi đã nghĩ tương lai sau này biết đi hướng nào."
Năm 2012, Phạm Vệ Phong lập một tài khoản mạng xã hội trên Weibo (một ứng dụng mạng xã hội tương tự như Facebook), chủ yếu dùng để chia sẻ những quan sát của mình về ngành nghề mà anh đang làm. " Ban đầu có rất ít người xem, nhưng sau đó tôi phát hiện ra, có một vài workshop, hội nghị hoặc diễn đàn mời tôi tới làm khách mời diễn giả, có người còn tìm tới muốn hợp tác cùng tôi viết sách. Những việc như vậy khiến tôi nhận ra được hiệu quả cũng như thành tựu thu lại được của việc mà tôi đang làm."
"Một ngày nọ, thư kí của chủ tịch của tập đoàn mẹ của công ty mà tôi đang làm tìm tới tôi và hỏi tôi có muốn đảm nhận công việc trợ lý của anh ấy hay không, họ chuẩn bị thành lập một bộ phận gọi là bộ phận đầu tư đối ngoại, chủ yếu đầu tư vào các cá thể/công ty truyền thông hay các cá thể/công ty khởi nghiệp mới, lúc đó tôi cũng đang ở trong giai đoạn mơ hồ không biết nên làm gì tiếp theo nên đã lập tức đồng ý", Phạm Vệ Phong chia sẻ cơ hội tình cờ thay đổi hoàn toàn cuộc đời của anh.
Tuy nhiên, trong khi điều mà nhiều người khác quan tâm là mức lương hay đãi ngộ thì điều mà anh quan tâm lại là, "tôi đưa ra hai điều kiện với họ, thứ nhất là về chức vụ, tôi muốn chức vụ của tôi là giám đốc đầu tư, thứ hai là tôi muốn báo cáo công việc trực tiếp với chủ tịch."
Sau nhiều năm đi làm, Phạm Vệ Phong rút ra được một điều đó là nỗ lực dựa vào bản thân, nhưng muốn thành công thì phải có cả sự giúp đỡ của người khác, dựa vào cơ hội mà người khác và cả thời đại mang lại cho bạn. Thành công của một người phần lớn đều là nhờ "ngoại lực".
Nhiều người khi bước vào độ tuổi trung niên, từ khoảng 35 tuổi trở đi sẽ cảm thấy sợ hãi hoặc ngại thay đổi công ty hoặc lĩnh vực đang làm, nhưng anh đã làm được. " Phần lớn là vì họ không lựa chọn. Từ năm 2013-2015, có một làn sóng rất lớn gọi là làn sóng "truyền thông mới", nhưng rất nhiều người, ngay cả những người đã và đang làm trong lĩnh vực truyền thông lại lựa chọn nhắm mắt làm ngơ trước làn sóng này. Vì sao? Vì bạn lựa chọn đắm mình vào cuộc sống hiện tại. Bạn còn phải đi làm, còn phải tụ tập bạn bè, còn phải xem phim, còn phải yêu đương, mỗi ngày của bạn đều đầy ắp các hoạt động, bạn không có cách nào tạo ra thời gian rảnh cho mình để làm thêm việc gì khác", anh chia sẻ.
Rất nhiều người đang quan tâm tới cái gọi là "tự do tài chính", tuy nhiên tự do tài chính rất nhiều khi cần bạn phải biết nắm bắt những cơ hội cực kì lớn mà thời đại mang lại cho bạn, "nếu bạn nhìn thấy một cái gì đó mới, một thứ mà trước đó chưa từng có, hãy chú trọng thật nhiều vào nó, làm được điều đó, bạn về cơ bản sẽ không bỏ lỡ những cơ hội lớn. Truyền thông mới, Tiktok, ô tô năng lượng mới, ChatGPT… tất cả đều là 'một thứ mà trước đó chưa từng có', mỗi một xu thế đều là một cơ hội" , chỉ có điều, phần lớn chúng ta chỉ thích làm người tiêu dùng thay vì là người tạo ra một thứ gì đó.
Có những người có thể nhìn thấy trước được thời thế, nhìn thấy trước được cơ hội, vậy liệu năng lực này có phải là thứ có thể rèn luyện? Bàn về vấn đề này, Phạm Vệ Phong nói, "chúng tôi có một nhà đầu tư mà tôi vô cùng khâm phục tài năng của anh ấy, anh ấy có một câu nói mà tôi nghĩ là nó đáng giá ngàn vàng, một câu nói mà bạn có thể tham khảo khi thị trường xuất hiện một thứ gì đó mới, 'khi làm một việc gì đó thì đừng nghĩ việc này có đáng hay không'. Tôi hỏi bạn một câu, nếu ngày mai, 90% xe ô tô trên thị trường là xe điện, vậy chuyện gì sẽ xảy ra? Họ sẽ đưa ra một loạt những suy luận và đầu tư xoay quanh những suy luận này. Họ làm theo tư duy như vậy mà gần như lần nào cũng đều thành công. Trong khi những người khác không dám bắt đầu vì họ chỉ chăm chăm vào những mặt không tốt của những thứ này ở thời điểm hiện tại, chẳng hạn, với tiktok, họ nói mấy video ngắn là vô bổ, tốn thời gian, hời hợt, với xe điện, họ đặt câu hỏi, nhỡ nổ thì sao, vấn đề giám sát, sạc xe như nào… phần lớn chúng ta khi nhìn thấy những thứ mới đều có một tư duy rằng, 'à những thứ này không liên quan tới tôi'."
Khi gió đến, lợn có thể bay lên trời; khi gió không đến, chim ưng cũng chỉ biết nhìn biển mà thở dài. Những người thực sự có thể đạt được mọi thứ đều biết cách thuận theo dòng chảy.
Có câu "bán quạt mùa đông, bán bông mùa hè", mùa đông, thời tiết lạnh giá sẽ không bán được quạt, cũng giống như mùa hè đổ lửa sẽ không có ai mua bông.
Chỉ khi biết tận dụng hoàn cảnh hiện tại, biết thuận theo thời thế, bạn mới có thể đạt được kết quả gấp đôi với một nửa công sức.