Tại sao ông Võ Văn Kiệt nhờ nhà văn Hoàng Lại Giang viết hồi ký?
- Nhà báo Huỳnh Phan: Xin ông cho biết hoàn cảnh nào mà nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại giao cho ông viết hồi ký của ông ấy?
Nhà văn Hoàng Lại Giang: Tôi là người viết tiểu thuyết hiện đại. Khi viết một cuốn tiểu thuyết về bi kịch gia đình của quan chức cao cấp, đem đi in thì Nhà Xuất bản Văn học, nơi tôi làm trước đây, từ chối không dám xin giấy phép, vì đề tài quá nhậy cảm, tôi liền chuyển qua viết tiểu thuyết cận đại.
Tôi viết cuốn Phan Thanh Giản – Nỗi đau trăm năm và Lê Văn Duyệt – Từ nấm mồ oan khuất đến lăng Ông, và dễ dàng được in. Ông Võ Văn Kiệt, sau khi đọc xong cuốn Phan Thanh Giản, và nhất là cuốn Lê Văn Duyệt, đã nhờ ông Trần Bạch Đằng liên hệ với tôi đề nghị được gặp. Ông ấy đến nhà tôi, ngồi đúng vị trí anh đang ngồi đấy, và đề nghị tôi viết hồi ký cho ông.
Tôi lúc đó đang bận viết cuốn Trương Vĩnh Ký – Bi kịch muôn đời, nên từ chối. Ông Kiệt bảo rằng ông chờ đợi được, tôi cứ viết xong cuốn đó rồi hẵng bắt đầu làm việc với ông. Đó vào khoảng năm 2000.
- Câu chuyện viết hồi ký với ông Kiệt, ông làm mất bao nhiêu lâu?
Khoảng 5-6 năm. Đầu tiên là ông Kiệt kể, tôi chép tay, sau đó tôi dùng máy ghi âm, tôi vẫn còn giữ chồng băng cassette đây này. Tôi viết xong, ông Kiệt có sửa một số chi tiết. Tổng cộng ba tập là 1.130 trang.
- Ông đến nhà ông Kiệt, hay ông Kiệt đến đây?
Tôi đến nhà ông Kiệt, ở đường Tú Xương ấy, một tuần ba buổi sáng. Sau khi nói chuyện xong, ông Kiệt luôn mời tôi ở lại ăn cơm, và mời rượu vang. Nhà ông ấy có nhiều rượu vang ngon lắm.
- Chắc trong 5-6 năm ông phải uống hết nửa phòng rượu chứ không chừng (cười)?
(Cũng cười) Tôi không biết nữa, nhưng nhiều lắm. Lần nào ông cũng cho rượu vang mang về nữa.
- Trong quá trình phỏng vấn ông Kiệt, ông có giới thiệu ông đi gặp các nhân chứng liên quan không?
Có. Ông dẫn tôi đi miền Tây, về quê ông ở Vĩnh long. Gặp chừng 10 nhân chứng khắp đất nước. Ông Kiệt đã nhờ GS sử học Phan Huy Lê viết lời giới thiệu khi cuốn sách được phép in và GS Đinh Xuân Lâm viết lời bạt. Tôi và ông Kiệt thống nhất với nhau là sách sẽ in ở NXB Tri thức của Chu Hảo.
Tại sao cuốn hồi ký sau 10 năm vẫn không ra mắt độc giả?
- Tại sao đến bây giờ cuốn hồi ký đó vẫn chưa ra mắt? Trong làng báo có tin đồn rằng chính ông Võ Văn Kiệt không đồng ý in vì e rằng tác giả có hư cấu trong khi viết?
Khi đọc cuốn Trương Vĩnh Ký – Bi kịch muôn đời, ông Kiệt có góp ý với tôi rằng có chỗ không trúng. Tôi nói với ông rằng truyện danh nhân cho phép tác giả hư cấu những chi tiết không ảnh hưởng với bản chất nhân vật... Trong thực tế cả ba cuốn danh nhân của tôi không ai đưa ra chỗ nào là thật, chỗ nào là hư cấu.
Tôi không nghe thông tin rằng ông Kiệt không đồng ý cho in. Bởi khi bộ sách 3 tập hoàn thành, ông đã ra đi. Tôi có mang bản thảo đến nơi ông sống những ngày cuối cùng ở nhà con gái ông là Hiếu Dân, đặt bản thảo lên bàn thờ ông và đốt hương...
Còn chuyện quá trình chạy in ấn, y lời ông Kiệt, tôi đã mang bản thảo đến NXB Tri thức. Nhưng, theo quy định, những cuốn sách viết về lãnh đạo phải đem trình cho Ban Bí thư đọc trước và tôi phải chờ đợi suốt một năm mà không thấy phản hồi gì cả. Bực quá, tôi xin lại bản thảo, và xác định không cần in nữa.
Một hôm có một cháu sinh viên đến chỗ tôi chơi, vô tình cậu ấy hỏi "Ông Võ Văn Kiệt hay thế mà sao chú không viết về ông ấy?”.Tôi mới đưa bản thảo cho cậu ấy đọc, cậu ấy khen hay. Sau đó, cậu ấy nói có quen một ông giáo sư trong Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (mà tôi không tiện nói tên ra) và vị giáo sự này có ý muốn mượn đọc bản thảo hồi ký. Tôi đồng ý, vì chính ông Kiệt đã nói với tôi phải cho vị giáo sư này đọc trước, nhưng trước đó tôi không muốn có ai đọc bản thảo của mình.
Vị giáo sư đó gọi điện cho tôi, nói rằng mới đọc được một nửa bản thảo, nhưng thấy rất hay. Đọc xong bản thảo, ông ấy động viên tôi gửi đi in.
Thế là, năm ngoái, tôi gửi cho Nhà Xuất bản Phương Nam vì chỗ đó có quen biết, trước đó có in sách của tôi. Nhưng bên đó lại thay đổi giám đốc, bản thảo lại bị nằm đó, hàng tháng trời không ai đọc cả. Tôi lại bực mình, đòi lại bản thảo.
Rồi Công ty in sách Thái Hà ngoài Hà Nội biết được, vào đây nằng nặc xin được in cuốn này. Bây giờ bản thảo đang nằm chỗ Thái Hà đấy, họ cũng đọc rất kỹ vì bây giờ ngoài nhà xuất bản, công ty in sách cũng phải chịu trách nhiệm nếu cuốn sách có vấn đề gì.
- Vậy cuốn sách vẫn chưa có giấy phép xuất bản à?
Chưa, nhưng lần này có giấy phép dễ thôi, vì đã được “bật đèn xanh”. Chả là ông GS Đinh Xuân Dũng, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, học sau tôi vài năm ở Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia). Ông ấy gọi điện bảo tôi rằng “cuốn sách in được, tại sao anh không in. Anh muốn in ở nhà xuất bản nào thì bảo tôi”. Thế là bây giờ chỉ chờ Công ty Thái Hà biên tập xong bản thảo là in được thôi, tôi định in ở Nhà XB Văn học.
Xuất phát điểm của 3 tư tưởng lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt
- Ba đặc tính nổi bật nhất của ông Võ Văn Kiệt là bản lĩnh phá rào, tư tưởng hòa giải và khả năng thu hút trí thức xung quanh mình để tận dụng trí tuệ của họ. Trong bản thảo cuốn hồi ký của ông Kiệt, điều đó được thể hiện như thế nào?
Đúng, ba ý lớn này đều nổi bật trong cuốn sách. Nhưng tôi muốn nói cái xuất phát điểm của 3 tư tưởng lớn này của ông Kiệt trước khi ông làm lãnh đạo trong thời bình, từ chủ tịch thành phố đến thủ tướng.
Võ Văn Kiệt đúng là từ đầu trần chân đất mà ra, và mảnh đất Nam kỳ là nơi ông lăn lộn suốt từ năm 16 tuổi. Ông có quan hệ tiếp xúc với tất cả mọi người, thuộc nhiều giới khác nhau, từ anh đầu trần chân đất tới những trí thức bậc cao như Dược sĩ Phạm Thị Yên, một trí thức yêu nước cùng bà Dương Quỳnh Hoa, phụ trách bệnh viện đa khoa ở đặc khu, phu nhân của Trần Bửu Kiếm – Bộ trưởng Phủ Chủ tịch Chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Chính việc ông chơi được với trí thức và trí thức chơi được với ông, đã tạo cho ông một cái đầu, một bộ não sáng tạo và một tầm nhìn xa và rộng mở.
- Và khi tập hợp trí thức, ông không phân biệt đâu là trí thức cách mạng, đâu là trí thức thuộc chính quyền cũ, hay đâu là trí thức người Việt, vì lý do gì đó, đã bỏ nước ra đi.
Ông Kiệt đã suy nghĩ được điều đó, và câu nói nổi tiếng “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu...” xuất phát từ thực tiễn “chính trong thân tộc của tôi, các anh em tôi, các cháu ruột của tôi cũng có số bên này và số bên kia…''.
Còn về bản lĩnh đột phá, tôi xin nhắc lại câu chuyện đường dây 500 kv chạy dọc Bắc Nam. Cái trí tuệ vừa bẩm sinh, vừa được vun đắp bởi mối quan hệ với trí thức, như tôi đã nói ở trên, đã giúp ông nhìn được xa, thấy rằng một đất nước, dài như Việt Nam, lại không có một đường điện xuyên suốt, thật bất cập hết sức. Rất may trong số những người ủng hộ ý tưởng tưởng như ngông cuồng của ông Kiệt lúc đó có TBT Đỗ Mười. Không có sự ủng hộ của TBT Đỗ Mười, ông Kiệt chắc không làm được đường dây 500 kv.
Khi Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải bị bắt trong cái vụ mà người ta nói là xử cơ chế, ông Kiệt vẫn cứ cho làm đến khi hoàn thành. Tôi có gặp ông Vũ Ngọc Hải, hỏi rất cặn kẽ về vụ việc, nhất là khi ông Hải ngồi tù. Ông Hải kể rằng hôm khánh thành đường dây 500 kv, sáng sớm ông Kiệt gọi lính cận vệ bảo lấy cho ông hai chai rượu vang và ít đồ nhắm. Ông mang rượu vào thăm ông Hải trong trại giam.
Thấy Thủ tướng đến bảo thăm phạm nhân Vũ Ngọc Hải, giám thị coi ngục không ai dám cản. Lúc đó, ông Hải đang tập thể dục, ông vội bảo chờ ông một tí để thay quần áo. Gặp ông Hải, ông Kiệt bước tới ôm hôn ông Hải thật chặt, và hào hứng thông báo “hôm nay là ngày vui, tôi báo cho anh biết đường dây 500 kv đã được nối liền.” Ngừng một chút, ông Kiệt nói tiếp “tôi đến thăm anh chúc mừng sự việc này, chai vang này tôi sẽ mở tại đây để chúng ta cùng nâng cốc, còn chai vang kia gửi cho anh em giám thị, họ rất chu đáo”.
- Ông Võ Văn Kiệt có kể cho chú về mối quan hệ với hai nhân vật quyền lực khác là TBT Đỗ Mười và Chủ tịch nước Lê Đức Anh không? Liệu có gì mâu thuẫn giữa họ trong quá trình ra các quyết định, quyết sách hay không?
Trước chiến tranh, thời ở Tây Nam Bộ, ông Kiệt là chính ủy, còn ông Anh làm trưởng quân khu. Hai người rất hòa hợp khi quyết định phá vỡ ngừng bắn. Sau này, khi ở những cương vị cao nhất nước, hai ông cũng không có gì mâu thuẫn khi ra các quyết định quan trọng.
Còn ông Đỗ Mười nói “không có Sáu Dân, tôi không làm”.
- Đầu nhũng năm ‘90 thì ông Kiệt có mời ông Lý Quang Diệu sang Việt Nam, trước định làm cố vấn cho ông, nhưng sau đó khi Bộ Chính trị không đồng ý, đã để ông làm cố vấn cho tổ tư vấn thủ tướng. Ông Kiệt có kể ông Lý Quang Diệu khuyên những gì không?
Tôi chỉ nói một câu thôi: Ông Lý Quang Diệu đã nói với ông Kiệt “kẻ thù của các ông không đâu xa, mà sát cạnh đấy''.
- Xin hỏi ông câu hỏi cuối. Theo ông, ông Võ Văn Kiệt có những đức tính gì giống với Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, và nhất là Lê Văn Duyệt, nhân vật mà nhờ đó ông Kiệt muốn ông viết hồi ký về ông ấy?
Ông Võ Văn Kiệt giống cụ Trương Vĩnh Ký ở tính uyên bác, học một biết mười. Ông giống cụ Phan Thanh Giản ở chỗ biết nhẫn, biết thời thế và chấp nhận thời thế. Ông giống cụ Lê Văn Duyệt ở tính cương trực, cởi mở, lắng nghe và quyết đoán.
Là người đầu tiên trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, cụ Lê Văn Duyệt có công lớn nhất. Triều đình “Sát tả”, thì cụ Lê Văn Duyệt đã mở cửa, cho cha cố thực hành đạo của họ. Triều đình đóng cửa cài then, thì cụ Lê Văn Duyệt đã mở cửa giao thương với bên ngoài với những điều kiện có lợi cho dân, cho nước. Một cái nhìn rất mới mẻ, rất thực tiễn, ngược với sắc chỉ của triều đình.
Tóm lại Võ Văn Kiệt hội tụ những đức tính quý giá của ba người Việt phương Nam mà thời ấy nhà nước Việt Nam cách mạng vẫn chưa chấp nhận.
Khi ba cuốn sách về cụ Lê, cụ Phan, cụ Trương ra đời, đâu phải ai cũng chấp nhận... Không ít tờ báo chính thống đã lên án tôi gay gắt! Chính vào lúc ấy Võ Văn Kiệt đến với tôi. Ông đã đi dự hội thảo về Lê Văn Duyệt, và ra thăm cả lăng Ông.
- Xin cám ơn ông.
Huỳnh Phan (thực hiện)