Phía sau hai kỷ vật lọn tóc và chiếc lược đang được lưu giữ tại nhà Bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc ấy là câu chuyện tình đặc biệt của nữ liệt sĩ thanh niên xung phong và người lính trẻ ở nơi được mệnh danh là "tọa độ chết".
Do nằm ở vị trí có tính chiến lược quan trọng, nơi có quốc lộ 1A và các tuyến đường chiến lược chạy qua, ngay từ đầu, Hà Tĩnh đã là mục tiêu đánh phá trọng tâm của đế quốc Mỹ. Ngoài việc đánh vào các cơ sở kinh tế và quốc phòng, dân cư, chúng tập trung đánh phá hệ thống giao thông vận tải. Trong đó, Ngã ba Đồng Lộc - huyết mạch giao thông độc đạo, quan trọng bị đánh phá ác liệt.
Ngã ba Đồng Lộc thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, có vị trí quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc-Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, là nơi giao điểm của đường 15 và các đường liên tỉnh.
Và chính vị trí chiến lược ấy, Ngã ba Đồng Lộc trở thành nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ý chí, "tinh thần thép" của các lực lượng đảm bảo giao thông trên địa bàn Hà Tĩnh và bom đạn của kẻ thù. Mảnh đất nhỏ bé này đã phải chịu đựng một lượng bom đạn khổng lồ của không quân Mỹ.
Theo các tài liệu ghi lại, trong 7 tháng (từ tháng 4 đến tháng 10/1968), không quân Mỹ đã tập trung mọi phương tiện chiến đấu hiện đại nhất đánh vào khu vực Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, thả gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể đạn rốc-két và đạn 20 mm. Bình quân một tháng, địch đánh phá 28 ngày, ngày cao nhất lên đến 103 lượt máy bay, thả xuống nơi đây trên 800 quả bom. Ước tính, mỗi m2 ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom. Chính vì vậy, Ngã ba Đồng Lộc được mệnh danh như là "tọa độ chết".
Nhưng bên địch quyết phá thì bên ta quyết giữ. Chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực giữ bằng được đường 15A. Trong suốt 300 ngày đêm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, hơn 16.000 người thuộc các lực lượng đã đối mặt, bám trụ chiến đấu kiên cường để nối mạch, thông đường với tiền tuyến.
Cuộc chiến đấu trên mặt trận giao thông vận tải càng ngày càng quyết liệt, Mỹ dùng mọi biện pháp, thủ đoạn, tập trung đánh phá hòng cắt đứt đường vận chuyển tiếp tế từ hậu phương ra tiền tuyến. Nhưng mọi âm mưu và thủ đoạn của địch đều bị thất bại.
Quân và dân ta, với quyết tâm sắt đá "Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm", "đường chưa thông không tiếc xương tiếc máu", "địch phá một ta làm mười"… đã ngày đêm chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh bảo toàn cho những tuyến đường.
Đồng Lộc đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh Nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Có 465 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Thanh niên xung phong, giao thông vận tải, lực lượng dân quân tự vệ, nhân dân Đồng Lộc và đơn vị pháo cao xạ 210 đã anh dũng hy sinh để giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, góp phần quyết định chiến thắng trên chiến trường miền Nam, bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù.
Trong đó có 10 cô gái Thanh niên xung phong, thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 đã anh dũng hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi.
Trong số những kỷ vật lưu giữ tại nhà Bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc có một lọn tóc và chiếc lược ngà. Đó là những kỷ vật gắn liền với câu chuyện tình đặc biệt của nữ liệt sĩ, Thanh niên xung phong Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 và thương binh Nguyễn Đức Hồng.
Cả hai cùng sinh ra và lớn lên ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Họ sống cách nhau chỉ vài dãy nhà. Thương binh Nguyễn Đức Hồng sinh năm 1943, hơn liệt sĩ Võ Thị Tần một tuổi.
Trải qua những năm tháng thơ ấu bên nhau, tình yêu của họ đã nảy nở. Tuy nhiên, thời điểm ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bắt đầu vào giai đoạn ác liệt, chàng thanh niên Nguyễn Đức Hồng đành tạm gác hạnh phúc riêng để lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Trước lúc lên đường nhập ngũ, hai người đã tổ chức lễ đính hôn. Tại buổi lễ ấy, họ đã trao cho nhau lọn tóc và chiếc lược, thay cho lời hẹn ước. Họ hẹn nhau ngày toàn thắng sẽ nên duyên vợ chồng.
Sau lễ đính hôn, tháng 2/1964, chàng trai Nguyễn Đức Hồng mang theo kỷ vật thiêng liêng và lời ước hẹn của mối tình đầu lên đường nhập ngũ. Không lâu sau, chị Võ Thị Tần cũng đã cùng nhiều chị em trong toàn huyện xung phong vào lực lượng Thanh niên xung phong trực tiếp lao động, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Ông Nguyễn Đức Hồng nhập ngũ vào Trung đoàn 270 bảo vệ giới tuyến ở Vĩnh Linh (Quảng Trị). Một thời gian sau, ông lại được điều ra đảo Cồn Cỏ chiến đấu, cũng từ đó hai người hoàn toàn mất liên lạc.
Giữa năm 1968, ông Hồng bị trọng thương trong một trận chiến đấu giữ đảo. Sau một thời gian điều trị vết thương, cuối năm 1968, ông được điều ra Bắc học tập. Tranh thủ thời gian này, ông Hồng xin phép thủ trưởng về quê cưới vợ.
Khi ông Hồng về đến nhà mới hay tin dữ, chị Võ Thị Tần đã hy sinh trong một lần tham gia san lấp hố bom, và thông tuyến cùng tiểu đội tại tuyến lửa Ngã 3 Đồng Lộc vào năm 1968. Cũng năm đó, mẹ chị Tần cũng mất do Mỹ thả bom ngay tại địa phương.
Bom đạn của kẻ thù không thể giết ông tại chiến trường, song lại cướp đi người vợ sắp cưới của ông nơi hậu phương.
"Trong suốt những năm tháng chiến đấu ác liệt với kẻ thù, dù mưa bom bão đạn ông ấy luôn mang theo lọn tóc của người yêu bên mình. Sau này, khi chị Tần đã mất, ông ấy đã đem lọn tóc và chiếc lược, kỷ vật hẹn ước của hai người lên tặng Bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc", bà Võ Thị Minh (vợ ông Hồng) chia sẻ.
Suốt nhiều năm sau kể từ ngày chị Tần mất, chàng trai Nguyễn Đức Hồng vẫn lặng lẽ một mình, ngày ngày qua chăm sóc cụ Cung là cha ruột của chị Tần. Cảm động tấm chân tình đó, cụ Cung nhiều lần bàn ông Hồng đi bước nữa, nhưng lần lữa mãi ông vẫn không chịu.
"Lúc ấy bố chị Tần đưa tôi đến giới thiệu, làm mai cho anh Hồng. Thấu hiểu và đồng cảm cho nhau, nên sau một thời gian chúng tôi đã dành tình yêu cho nhau, rồi nên duyên vợ chồng", bà Võ Thị Minh nhớ lại.
Từ những ngày đầu quen nhau, ông Hồng đã kể cho bà Minh về mối tình của mình với người con gái Thanh niên xung phong Võ Thị Tần. Chẳng những không ghen mà bà Minh lại cảm động trước mối tình thủy chung của chồng. Sau ngày cưới, bà Minh đã rước ảnh chị Tần về thờ trong chính ngôi nhà của mình.
"Thực sự tình yêu của ông ấy và chị Tần rất thiêng liêng. Yêu nhau nhưng đến cái nắm tay cũng thẹn thùng. Chỉ đến lúc sắp phải xa nhau vì chiến tranh thì họ trao cho nhau những kỷ vật thay cho lời hẹn ước. Chiến tranh đã chia cắt họ. Dù không phải là máu mủ, nhưng tôi luôn xem chị Tần là ruột thịt, là một thành viên trong gia đình chúng tôi", bà Minh tâm sự.
Suốt hơn 50 năm qua, cứ đến ngày giỗ nữ liệt sĩ Võ Thị Tần (24/7), ông Nguyễn Đức Hồng cùng người vợ lại sửa soạn tươm tất để lo cho ngày giỗ chu toàn. Vợ chồng bà cũng không quên mang theo những đóa hoa tươi lên dâng trên phần mộ của liệt sĩ Võ Thị Tần và những đồng đội của chị đã hy sinh.
Trong căn gác nhỏ, bức ảnh nữ liệt sĩ Thanh niên xung phong Võ Thị Tần được đặt thờ ở vị trí trang trọng. Sau khi ông Hồng mất (2018), bà Minh lại ân cần, chu đáo lo hương khói cho chồng và nữ liệt sĩ Thanh niên xung phong Võ Thị Tần.
"Khi chồng tôi mất thì lúc đến ngày lễ, hay ngày giỗ của chị Tần tôi cũng cố gắng mua bó hoa tươi để lên Ngã ba Đồng Lộc thắp hương, dâng lên phần mộ của chị. Mỗi lần như vậy, tôi lại thấy nhẹ nhõm trong lòng", bà Minh chia sẻ.
Ông Trần Đình Ước, Trưởng ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết, tại khu nhà Bảo tàng đang trưng bày, lưu giữ hàng trăm kỷ vật của Thanh niên xung phong cả nước qua 2 cuộc kháng chiến. Mỗi hiện vật gắn liền với một câu chuyện thiêng liêng về các cán bộ, chiến sĩ, Thanh niên xung phong... Trong số ấy, hai kỷ vật là lọn tóc và chiếc lược ngà gắn liền với câu chuyện tình đặc biệt của nữ liệt sĩ, Thanh niên xung phong Võ Thị Tần và thương binh Nguyễn Đức Hồng.
"Câu chuyện tình yêu của nữ liệt sĩ Võ Thị Tần và thương binh Nguyễn Đức Hồng làm lay động lòng người. Mỗi năm hàng chục nghìn lượt du khách đã đến với Ngã ba Đồng Lộc để tham quan, viếng thăm các phần mộ để bày tỏ tấm lòng thành trước sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ", ông Trần Đình Ước cho biết.
Nội dung: Xuân Sinh
Thiết kế: Thủy Tiên