Nhạc sĩ Phó Đức Phương trong một lần phỏng vấn - Ảnh: Dạ Thảo
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 tại Hà Nội, năm 18 tuổi ông thi đỗ vào khoa toán Trường đại học Sư phạm. Tuy nhiên, năm 1965, giữa lúc gần tốt nghiệp Đại học sư phạm, Phó Đức Phương xin thôi học với lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn và trở thành nông trường viên thuộc nông trường Cửu Long (tỉnh Hòa Bình). Giữa năm 1966, ông trở về Hà Nội thi vào trường Âm nhạc Việt Nam. Lúc đó, trường sơ tán lên Hà Bắc. Bài "Những cô gái quan họ" ra đời trong thời kỳ Phó Đức Phương chờ đợi bước vào những giờ học đầu tiên.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương là nhạc sĩ luôn tìm tòi, khai thác những tinh hoa trong âm nhạc dân gian của từng vùng, miền để đưa vào tác phẩm. Khán giả yêu thích các tác phẩm của ông thuộc mọi thế hệ, lứa tuổi, mọi tầng lớp vì chúng không chỉ mang giai điệu đẹp, lời ca hay mà còn những ý nghĩa gắn liền với thời cuộc của đất nước, của cuộc sống người dân Việt Nam như: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Không thể và có thể, Một thoáng Tây hồ, Huyền thoại hồ núi Cốc, Chảy đi sông ơi,Về quê, Vũ khúc con cò ....
Hầu hết các ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương rất khó hát và chỉ có ca sĩ thực sự nội lực mới chuyển tải được âm nhạc của ông. Những ca khúc mới nhất của ông còn khó hơn nhiều vì người hát buộc phải hóa thân mình thành những vị thần, những nhân vật trong lịch sử.
Ngoài các sáng tác nổi tiếng, Phó Đức Phương cũng được biết đến là người quyết liệt trong việc bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc cho các nhạc sĩ. Năm 2014, ông từng ra Trung tâm Hội nghị quốc gia và bay từ Hà Nội vào tận Đà Nẵng để đòi đơn vị tổ chức trả tiền bản quyền các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong đêm nhạc Khánh Ly biểu diễn. Đầu năm 2017, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đòi thu phí âm nhạc tivi trong khách sạn ở Đà Nẵng đã gây nên phản ứng dữ dội trong dư luận.
"Trong suốt 18 năm hoạt động trong lĩnh vực quyền tác giả âm nhạc, tôi đã dành hết tâm huyết và trách nhiệm của mình cho việc xây dựng một tổ chức quản lý tập thể hoạt động sao cho có kết quả tốt nhất trong hoàn cảnh thực tế của đất nước cũng như những điều kiện khó khăn cụ thể của trung tâm. Đến nay tôi thấy đã đến lúc phải trở lại với trách nhiệm của một nhạc sĩ trong hoạt động sáng tác của mình và trao lại trách nhiệm cho thế hệ tiếp theo. Bởi đây là một hoạt động còn phải phát triển mãi mãi, song hành với sự phát triển của đất nước, trong khi quỹ thời gian của tôi không còn nhiều", nhạc sĩ Phó Đức Phương từng viết trong thư xin thôi chức Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương phát hiện ung thư tuỵ ở giai đoạn cuối nên sức khỏe suy kiệt rất nhanh. Ông đã nhập viện và nằm điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, tuy vẫn minh mẫn và tỉnh táo nhưng ăn uống khó khăn.
Trong đêm nhạc "Khúc hát phiêu ly" được tổ chức vào giữa tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên khán giả thấy ba người con của nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng xuất hiện trên sân khấu. Người con gái thứ hai, nhà báo Phó Khánh Chi là người viết kịch bản đêm nhạc. Người con gái cả, nghệ sĩ piano Phó Vũ Thư và con trai út, nghệ sĩ Phó Đức Hoàng đã trình diễn song tấu piano tác phẩm Phó Đức Hoàng viết riêng tặng bố. Cuối chương trình thay mặt gia đình, nhà báo Phó Khánh Chi có tâm sự với khán giả: "Bố của tôi là một cái bóng quá lớn, khiến chúng tôi luôn cảm thấy mình nhỏ bé, phải nỗ lực rất nhiều để vượt lên cái bóng của ông... Tôi ước gì bớt đi được tuổi thọ để nhường cho bố. Tại đây tôi sẽ nói điều tôi chưa bao giờ nói với ông: Con yêu bố!".
Ca sĩ Tùng Dương bày tỏ cảm xúc của mình
Nhạc sĩ Phó Đức Phương là nhạc sĩ đầu tiên nổi tiếng và được biết đến trong "bộ tứ sông Hồng" - đây cũng chính là cái tên mà nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thụy Kha đặt. Nhà báo Nguyễn Thụy Kha cho biết “Bộ tứ sông Hồng” ban đầu được đặt là “tứ quái”. “Tôi cảm giác 4 người họ như tứ quái trong một bát quái: Phương – Thủy, Tiến – Thổ, Thụ - Mộc còn Cường, tuy mệnh Mộc đấy nhưng cái chất thì đúng là Hỏa”. Cả 4 nhạc sĩ: Dương Thụ, Trần Tiến, Phó Đức Phương và Nguyễn Cường vẫn được công chúng gọi vui là 'Bộ tứ sông Hồng' đã có những tác phẩm âm nhạc đi vào lòng người và được công chúng mến mộ.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng từng bật mí về lý do ra đời của cái tên "Bộ tứ sông Hồng" là thực ra ban đầu cả 4 ông đều không có ý thức sẽ chơi với nhau, vì không hợp cạ. "Cá tính của chúng tôi mỗi người khác nhau hoàn toàn. Chúng tôi cũng không có ý thức lập một nhóm mà cứ tự nhiên đến với nhau vậy. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, có lần cả 4 chúng tôi cùng ông Thuỵ Kha lên hồ Tây, chỗ Thuỷ Tạ. Ông Thuỵ Kha mới chụp cho 4 người một tấm ảnh và gọi chúng tôi là "tứ quái" - từ đó cái tên "Bộ tứ sông Hồng" ra đời và được công chúng yêu mến".
Bức ảnh chụp 4 nhạc sĩ bên hồ Hoàn Kiếm, cảm hứng để nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đặt tên “Bộ tứ sông Hồng" - Ảnh: Thụy Kha
Chia sẻ cảm xúc của mình, nam ca sĩ Tùng Dương cho biết bản thân anh đã biết nhạc sĩ bị bệnh từ lâu, nhưng việc nhạc sĩ ra đi đột ngột đã để lại niềm tiếc thương cho những người yêu nhạc của ông. Ca sĩ Tùng Dương đã chia sẻ: "Vĩnh biệt chú Phương - cháu sẽ luôn nhớ chú. Người tráng sĩ sông Hồng mạnh mẽ nhất mà cháu từng biết".
Tùng Dương và Thanh Lam cùng biểu diễn ca khúc "Hồ trên núi" do nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác
Tin, ảnh: Dạ Thảo