'Vị thần kinh doanh' Inamori Kazuo đã làm thế nào để trở thành huyền thoại kinh doanh

11/12/2021 16:00
'Vị thần kinh doanh' Inamori Kazuo đã làm thế nào để trở thành huyền thoại kinh doanh

Kazuo Inamori - nhà sáng lập Kyocera và KDDI là người thế nào mà Jack Ma phải đích thân đến thăm nhà ba lần và Nhậm Chính Phi phải khen ngợi bày tỏ sự ngưỡng mộ không tiếc lời?

Kazuo Inamori được cả thế giới mệnh danh là "Vị thần kinh doanh". Ông bắt đầu khởi nghiệp năm 27 tuổi, dùng hai bàn tay trắng thành lập nên 2 công ty nằm trong danh sách Fortune 500 thế giới: Kyocera và KDDI. Suốt cuộc đời ông kiếm được hơn 10 tỷ NDT, có đến khoảng 14.000 triệu phú là học trò của ông. 65 tuổi về hưu trong vinh quang, trao tất cả cổ phiếu của mình cho nhân viên và xuất gia tu hành. Năm 78 tuổi, để cứu vãn Japan Airlines đang trên bờ vực phá sản, ông lựa chọn quay lại và tạo nên huyền thoại về một năm chuyển lỗ thành lãi đầy ngoạn mục.

Jack Ma đích thân đến thăm nhà ông ba lần và xin ý kiến của ông về chiến thuật trong kinh doanh. Nhậm Chính Phi nói về ông: "Không ai có thể vượt qua được ông ấy, chúng tôi chỉ có thể theo sau ông".

Kazuo Inamori đã làm thế nào để trở thành một huyền thoại kinh doanh được doanh nhân trên toàn thế giới ngưỡng mộ? Rốt cuộc triết lý sống và phương châm kinh doanh nào của ông gây ảnh hưởng đến họ?

Chiến thuật của vị thần kinh doanh Inamori Kazuo buộc Nhậm Chính Phi chỉ có thể theo sau, Jack Ma phải tìm tới xin thỉnh giáo 3 lần - Ảnh 1.

Vào ngày 21 tháng 1 năm 1932, Kazuo Inamori sinh ra tại Yakichicho, thành phố Kagoshima, Nhật Bản. Gia đình ông rất đỗi bình thường: cha ông là người cẩn thận, mẹ ông tính tình vui vẻ, trong nhà còn có một người anh, hai em trai và ba em gái khác.

Thuở nhỏ vì nghịch ngợm mà thành tích học tập của ông không được tốt, nhưng với khả năng lãnh đạo vốn có, Kazuo Inamori thường chia đám trẻ thành hai đội để mô phỏng các trò chơi chiến tranh. Lúc này ông đã hiểu rằng làm việc không thể chỉ dựa vào sức lực, khí thế và sự quyết đoán cũng rất quan trọng.

Khi sắp tốt nghiệp đại học, Inamori phải đối mặt với áp lực việc làm khủng khiếp. Sau khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, số lượng đơn đặt hàng khổng lồ từ Mỹ đã thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản hồi phục mạnh mẽ, nhưng vào năm Inamori tốt nghiệp Triều Tiên đã ngừng chiến, đơn đặt hàng của Mỹ tại Nhật Bản giảm mạnh, tình hình kinh tế Nhật ngày càng khó khăn.

Inamori tìm việc khắp nơi nhưng không có kết quả. Thị trường việc làm Nhật Bản lúc bấy giờ tồn tại tình trạng dùng quan hệ đi cửa sau vô cùng nghiêm trọng, các công ty coi trọng mối quan hệ hơn năng lực. Inamori chân ướt chân ráo bước vào thị trường lao động gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng nỗ lực không phụ lòng người, nhờ sự giới thiệu của một giảng viên đại học, Inamori cuối cùng đã được công ty Matsukaze tuyển dụng.

Sản phẩm của Matsukaze là gốm sứ cách nhiệt, thuộc lĩnh vực hóa vô cơ, khác với chuyên ngành hóa hữu cơ của Inamori. Để bù đắp phần kiến ​​thức còn thiếu, ông chọn theo học giáo sư Shimada Shinji. Tuy nhiên, Matsukaze là một doanh nghiệp gia đình, do mâu thuẫn nội bộ nên công ty rất hiếm khi có ngày yên bình, không những khối lượng công việc khổng lồ mà còn thường xuyên nợ lương nhân viên. Chưa đầy một năm sau, những nhân viên vào công ty cùng thời điểm với Inamori bấy giờ chỉ còn lại mấy người, họ rời công ty để tìm kiếm lối đi tốt hơn. Kazuo Inamori rất buồn khi thấy bạn bè xung quanh lần lượt ra đi, nhưng ông nghĩ, nếu vì bất mãn mà rời công ty thì có lẽ công việc sắp tới có lẽ cũng không được thuận buồm xuôi gió.

"Thay vì tìm kiếm một công việc mình thích, hãy yêu thích công việc của mình. Thay vì theo đuổi những điều viển vông, hãy say mê công việc trước mắt" ——Inamori Kazuo "Cách làm".

Chiến thuật của vị thần kinh doanh Inamori Kazuo buộc Nhậm Chính Phi chỉ có thể theo sau, Jack Ma phải tìm tới xin thỉnh giáo 3 lần - Ảnh 2.

Vì vậy, Kazuo Inamori quyết định sẽ làm việc thật chăm chỉ, hoàn thành tốt công việc, với kinh nghiệm có được, ông sẽ có thể đi đến bất cứ đâu. Kể từ đó, Kazuo Inamori vô cùng nghiêm túc với công việc của mình.

Nhiệm vụ của ông trong công ty là nghiên cứu những vật liệu gốm sứ mới hiện đại nhất. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này ông gần như sống trong văn phòng, dành hết tâm sức cho công việc. Không những thế, để nắm được những thông tin tốt nhất, ông thậm chí đã đặt mua các tạp chí chuyên môn của Mỹ có đăng những luận văn mới nhất về gốm sứ. Vì không hiểu tiếng Anh, sau giờ làm ông chạy đến thư viện mò mẫm dịch từng chữ một.

Sau một loạt các kiểm chứng, Inamori ngày càng tin rằng lập trường và quan điểm của mình là chính xác. Khi mọi thứ đang dần chuyển biến tốt, biến cố lại một lần nữa phát sinh.

Chủ tịch mới được bổ nhiệm của công ty là dân kỹ thuật xuất thân từ ngân hàng, ra quyết định thay thế người trưởng phòng kỹ thuật từng rất tin tưởng Inamori. Trưởng phòng kỹ thuật mới rất hay bắt bẻ ông, thậm chí còn yêu cầu ông dừng mọi nghiên cứu vào thời điểm quan trọng nhất. Vì vô cùng tức giận, Inamori quyết định từ chức. Quyết định này nhận được sự ủng hộ của 6 người cấp dưới và các khách hàng của người trưởng phòng cũ, họ rời khỏi Matsukaze để bắt đầu khởi nghiệp.

"Hãy chuyên tâm cao độ vào một ngành nghề, không chán nản, không lo âu, nỗ lực làm việc, cuộc đời rồi sẽ nở hoa thơm, kết trái ngọt" ——Inamori Kazuo "Cách làm"

Ngày 1 tháng 4 năm 1959, Công ty CP Ceramic Kyoto (sau đổi thành Kyocera) được thành lập. Nhờ sự nỗ lực chung của toàn thể nhân viên, Kyocera đạt được doanh thu 26 triệu yên trong năm đầu tiên, lợi nhuận ròng lên đến 3 triệu yên. Mặc dù lợi nhuận rất khả quan, Inamori vẫn duy trì lối tư duy của người làm kỹ thuật, ông cho rằng mục đích thành lập công ty là để tiếp tục phát triển công nghệ mà ông làm chủ.

Năm 1961, một số nhân viên trẻ tuổi của Kyocera yêu cầu Inamori phải đảm bảo cuộc sống của họ và cho tăng lương định kỳ, nếu không họ sẽ từ chức cùng một lúc. Inamori nhận ra rằng công ty không phải là công cụ để thực hiện ước mơ cá nhân của mình mà là sự đảm bảo cho cuộc sống của nhân viên và gia đình họ, đồng thời, là một thành viên quan trọng của xã hội, doanh nghiệp cần phải có những đóng góp xứng đáng.

Sau khi suy nghĩ kỹ, Inamori thiết lập phương châm kinh doanh của Kyocera: Vì một tương lai hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần cho toàn thể nhân viên, đóng góp vào sự tiến bộ và phát triển của nhân loại.

Chiến thuật của vị thần kinh doanh Inamori Kazuo buộc Nhậm Chính Phi chỉ có thể theo sau, Jack Ma phải tìm tới xin thỉnh giáo 3 lần - Ảnh 3.

Inamori Kazuo tìm được cảm hứng từ câu chuyện phân thân của Tôn Ngộ Không trong tác phẩm Tây Du Ký nổi tiếng của Trung Quốc, ông phân doanh nghiệp đang ngày càng lớn mạnh của mình thành từng tổ chức nhỏ hơn, tự mình hạch toán, quyết định chính sách kinh doanh cho từng tổ chức, hình thành nên một mô hình kinh doanh mới độc đáo. Thông qua hình thức kinh doanh nhóm nhỏ, Kyocera đã vượt qua được một loạt các nút thắt và phát triển nhanh chóng.

Vào những năm 1960, khi nền kinh tế Nhật Bản đang trên đà phát triển, Kyocera nhận được đơn đặt hàng lớn từ IBM: 25 triệu bản mạch. Các yêu cầu của IBM vô cùng khắt khe. Trải qua 7 tháng với vô số đêm không ngủ, khắc phục từ khó khăn này đến khó khăn khác, Kyocera cuối cùng cũng nhận được thông báo đạt chuẩn từ IBM. Tin tức này ngay lập tức được lan truyền rộng rãi giữa các nhà sản xuất điện tử nội địa Nhật Bản, được xưng là "huyền thoại về bản mạch Kyocera".

"Khi những khó khăn khó có thể vượt qua xuất hiện, khi nghĩ rằng mọi việc sắp "không ổn rồi", thực ra đó không phải là dấu chấm hết, mà chính là điểm bắt đầu cho một khởi đầu mới". ——Inamori Kazuo "Cách làm"

Nhờ ngọn gió đông này, Kyocera phát triển với tốc độ thần sầu. Về sau, dưới sự lãnh đạo của Inamori, Kyocera không ngừng kinh doanh đa dạng hóa, tham gia vào các lĩnh vực trang sức, thiết bị y tế, năng lượng mặt trời, dụng cụ cắt, máy in, máy ảnh,… Đồng thời, thành công lọt vào danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới.

Cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, Chính phủ Nhật Bản quyết định đi theo xu hướng quốc tế, mở cửa khu vực quốc doanh. Trong lĩnh vực viễn thông, Nhật Bản trước nay vẫn luôn bị độc quyền bởi NTT, Chính phủ Nhật có ý định phá bỏ hệ thống độc quyền này, nhưng nhất thời không ai dám thách thức địa vị của NTT.

Trước tình hình đó, Kazuo Inamori quyết định ra mặt và đấu tranh để giảm thiểu chi phí liên lạc cho nhân dân Nhật Bản. Dưới hoàn cảnh lúc đó, Kazuo Inamori phải đối mặt với vô số thách thức dường như không thể vượt qua. Theo cách nói của Inamori, đấu với NTT, Kyocera giống như lấy trứng chọi đá.

Ngoài ra, chuyên ngành của Inamori là hóa học, lĩnh vực kinh doanh chính của Kyocera lại là gốm sứ, ông hầu như không có kiến ​​thức gì về công nghệ truyền thông. Gay go hơn, điều kiện tiên quyết để bước vào lĩnh vực truyền thông là bắt buộc phải xây dựng hệ thống đường dây và trạm phát, để đối thủ cạnh tranh đồng ý lắp đặt đường dây ngay trong địa bàn của mình dường như là không thể. Năm 1984, Inamori quyết tâm cùng Sony, Mitsubishi và các công ty khác thành lập xí nghiệp viễn thông thứ hai, đồng thời tự mình đảm nhiệm chức chủ tịch.

Năm 1985, đổi tên công ty thành Công ty viễn thông Daini-Denden (DDI). Khi mới thành lập, vấn đề lớn nhất mà DDI gặp phải là hệ thống dây điện. Do các đối thủ như Viễn thông Nhật Bản, Truyền thông cao tốc Nhật Bản từ chối hỗ trợ DDI, Inamori không thể làm gì hơn. Ngay khi ông cho rằng mọi chuyện sắp phải kết thúc thì chủ tịch của NTT bày tỏ rằng sẽ đồng ý cung cấp cho DDI một đường dây chưa được sử dụng.

"Bạn hãy cứ làm việc chăm chỉ, chăm chỉ cho đến khi thần linh và ông trời không thể không giúp bạn!" ——Inamori Kazuo "Cách sống"

Chiến thuật của vị thần kinh doanh Inamori Kazuo buộc Nhậm Chính Phi chỉ có thể theo sau, Jack Ma phải tìm tới xin thỉnh giáo 3 lần - Ảnh 4.

Sự nhượng bộ của NTT đã giúp DDI hồi sinh. Mặc dù vậy, DDI vẫn đứng cuối trong số các công ty viễn thông mới thành lập về số lượng khách hàng. Thế nhưng Inamori không nản lòng, ông từ chức chủ tịch ở Kyocera để dồn hết tâm sức cho DDI, quyết đấu đến cùng với các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông công cộng. Ông trời không phụ lòng người, sau đó, số lượng người dùng của DDI đạt con số 1,3 triệu người, vượt qua tất cả các công ty viễn thông khác ngoài NTT, giúp công ty đứng vững chân trong ngành.

Sau khi củng cố địa vị của công ty, Inamori không hề ngơi nghỉ mà bắt đầu tìm kiếm cơ hội phát triển lớn mạnh hơn ở thế kỷ 21.

Vào tháng 8 năm 1986, Quốc hội Nhật Bản quyết định sửa đổi luật sóng vô tuyến, nới lỏng các hạn chế trong lĩnh vực thông tin di động. Inamori nhận thức được rằng thế giới sắp sửa bước vào thời đại của điện thoại di động, khi mà ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào, bất cứ người nào đều có thể tự do liên lạc với nhau. Dựa trên tầm nhìn này, Inamori ra quyết định tham gia vào lĩnh vực truyền thông di động.

Kết quả là DDI không chỉ loại bỏ sự phụ thuộc vào NTT mà còn trở thành mối đe dọa đối với hoạt động kinh doanh của công ty này, lọt vào list 500 công ty hàng đầu thế giới.

Từ khi khởi nghiệp vào năm 1959 đến khi bước sang thế kỷ mới, Kazuo Inamori tay không gây dựng cơ nghiệp, thành lập nên hai công ty nằm trong danh sách Fortune 500, là nhân vật có một không hai trong lịch sử kinh doanh thế giới.

Kể từ năm 2006, cuộc khủng hoảng đầu cơ bắt nguồn từ Mỹ gây ra làn sóng tài chính toàn cầu, Japan Airlines - hãng hàng không lớn thứ ba thế giới gặp phải khó khăn, tuyên bố phá sản và tiến hành cơ cấu lại. Trước tình hình gay gắt này, chính phủ Nhật Bản quyết định để đích thân Thủ tướng Yukio Hatoyama sẽ tới thăm và mời ông Kazuo Inamori ra mặt cứu Japan Airlines.

Lúc này Inamori đã đi tu gần 10 năm, ở tuổi 78, ông nhận lời Thủ tướng tiếp quản mớ hỗn độn này với thù lao bằng không, nhanh chóng tiến vào trạng thái công việc.

Cũng giống như khi thành lập DDI, Inamori không biết gì về ngành hàng không. Bất lợi hơn nữa là ông đến Japan Airlines một mình mà không có thành viên nào trong đội nhóm trước đây. Khi đối mặt với bao khó khăn, Inamori không hề từ bỏ. Ông làm việc dựa trên triết lý kinh doanh xây dựng trong nhiều năm qua, cùng với sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của riêng mình. Mỗi ngày ông đều hòa mình vào công việc, tiếp xúc với các nhân viên cấp thấp, thấu hiểu khó khăn và khơi dậy nhiệt huyết của họ.

Sau 424 ngày, lợi nhuận trong 3 quý đầu năm 2010 của Japan Airlines đạt 158,6 tỷ Yên, một lần nữa tạo nên kỳ tích trong lịch sử kinh doanh.

"Kết quả của cuộc sống và công việc = cách suy nghĩ × nhiệt tình × khả năng" ——Inamori Kazuo "Cách thành công"

Chiến thuật của vị thần kinh doanh Inamori Kazuo buộc Nhậm Chính Phi chỉ có thể theo sau, Jack Ma phải tìm tới xin thỉnh giáo 3 lần - Ảnh 5.

Kazuo Inamori tự mình thành lập nên hai công ty nằm trong danh sách Fortune 500, ở tuổi 80 tiếp tục cứu vớt Japan Airlines đang trên bờ vực phá sản. Ông dùng những khái niệm triết học và những kinh nghiệm thành công của mình khiến các doanh nhân trên toàn thế giới phải thán phục, xưng ông làm "Vị thần kinh doanh", tìm đến gặp ông từ mọi miền thế giới để thỉnh giáo ông về đạo quản lý doanh nghiệp.

Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei, đã đến Nhật Bản thăm Kazuo Inamori nhiều lần, ông nói: "Ông ấy là một nhà đổi mới vĩ đại. Không ai có thể vượt qua được ông ấy, chúng tôi chỉ có thể theo sau ông ".

Sau khi Mã Vân thành lập Alibaba, ông đã đến thăm Kazuo Inamori ba lần và thỉnh giáo ông về cách vận hành công ty.

Tôn Chính Nghĩa cũng từng theo học tại Moriyu (nay là lớp học Morikazu) do Kazuo Inamori thành lập, nói: "Nếu không có tư tưởng vĩ đại của ngài Inamori thì sẽ không có tôi ngày hôm nay. Dù có bao nhiêu tiền bạc cũng không thể báo đáp nổi ơn dìu dắt của ngài ấy".

Vào năm 2019, Kazuo Inamori quyết định đóng cửa Morikazu do mình sáng lập. Ông nói: "Tôi không thể đến lớp mãi được. Tôi đã tổng kết trí tuệ cuộc đời và triết lý kinh doanh của mình trong 5 cuốn sách. Bạn chỉ cần đọc kỹ, đồng thời hành động ngay lập tức, bạn sẽ có thể đạt được thành công".

Năm cuốn sách của Kazuo Inamori bao gồm "Cách thành công", "Cách sống", "Cách làm", "Trái tim" và "Lời khuyên của Inamori dành cho người trẻ". Những cuốn sách này là kết tinh của trí tuệ và triết lý quản lý của Inamori, trong đó có chứa 108 câu châm ngôn của ông.

Kazuo Inamori nói: "Khi cách suy nghĩ của bạn thay đổi, mọi thứ khác cũng có thể thay đổi". Hi vọng từ câu chuyện của Kazuo Inamori, bạn có thể rút ra được những bài học bổ ích.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025