Ngay sau thành công vang dội của La La Land, bộ đôi đạo diễn Damien Chazelle và nam diễn viên Ryan Gosling đã bắt tay vào thực hiện First Man. Dựa trên cuốn sách First Man: The Life of Neil A. Armstrong của sử gia James R. Hansen, bộ phim này kể về chuyến du hành lên Mặt Trăng của phi hành gia Neil Armstrong (Gosling đóng) vào năm 1969. Claire Foy - ngôi sao của loạt phim The Crown - thủ vai vợ đầu của Armstrong là Janet Shearon.
Tháng 8 năm nay, First Man đã có buổi công chiếu tại LHP Venice và nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Thậm chí, nó còn được đánh giá là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất cho giải Oscar 2019. Các chuyên gia trên trang Rotten Tomatoes chấm tận “88% độ tươi”. Trong khi đó, Metacritic cho 84/100 đồng nghĩa với nhận xét “cực kỳ tuyệt vời”.
Mặc dù vậy, trang CinemaScore lấy ý kiến từ khán giả thì đưa ra một số điểm thấp bất ngờ: “B+”. Từ trước đến nay, bất kỳ bộ phim nào sở hữu khung điểm này cũng đều bị xem là không hay hoặc chỉ dừng ở mức trung bình. Điều này trái ngược hoàn toàn với ý kiến từ giới phê bình nghệ thuật. Và nhận định của khán giả sau đó đã phản ánh rõ lên kết quả phòng vé của First Man.
Với kinh phí sản xuất lên đến 70 triệu USD cùng sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng, First Man được dự đoán sẽ mang về 25 triệu USD trong tuần đầu công chiếu nhưng con số trong thực tế lại thấp hơn rất nhiều: 16,5 triệu USD.
Đứng ở vị trí thứ 3 tại phòng vé, First Man đã nhường hai vị trí đầu bảng cho Venom (35,7 triệu USD) và A Star Is Born (25 triệu USD) vốn đang được chiếu tới tuần thứ 2.
Có rất nhiều lý do để giải thích cho sự việc lần này.
Đầu tiên, hãng Universal - đơn vị sản xuất First Man - đã đúng khi xem nhẹ hai bộ phim khác ra mắt cùng thời gian là Goosebumps 2: Haunted Halloween và Bad Times at the El Royale, nhưng lại không đánh giá đúng về Venom và A Star Is Born.
Thứ hai, Universal đã quá tự tin với lời khen từ giới phê bình và tên tuổi của đạo diễn Damien Chazelle mà không đưa ra những chiến dịch PR mạnh tay hơn.
Thứ ba, đối tượng chính của First Man là nam giới nhưng lượng khán giả này (bất kể độ tuổi) đang say mê Venom. Song song đó, các khán giả yêu thích dòng phim nghệ thuật phù hợp với những lễ trao giải hàn lâm thì đang bận thưởng thức A Star Is Born. Cụ thể, 76% khán giả đến xem First Man là trên 25 tuổi. Con số này gần giống với A Star Is Born (74%), thậm chí Lady Gaga còn có sức hút nhiều hơn đối với phụ nữ.
Ê kíp làm phim tại LHP Venice
"Đối tượng khán giả cốt lõi của chúng tôi là nam giới trưởng thành. Họ không thường chạy ra ngoài ngay vào cuối tuần để xem phim. Chính vì thế, đây là một cuộc chiến dài hơi và chúng tôi đã chuẩn bị cho điều đó”, Jim Orr - Chủ tịch phát hành phim của Universal tại Mỹ cho biết.
Jim Orr đang ám chỉ đến những trường hợp hi hữu như Argo (2012) của đạo diễn Ben Affleck và Bridge of Spies (2015) của đạo diễn Steven Spielberg. Cả hai bộ phim này đều dựa trên câu chuyện có thật và đã có tuần đầu ra mắt không mấy ấn tượng nhưng khi rời rạp lại thành công về mặt doanh số.
Tạo hình quái vật Venom trong phim Venom
Điều thú vị nhất là dù cùng được chiếu tại rạp nhưng Venom và First Man lại sở hữu hai số phận hoàn toàn khác nhau. Câu chuyện về con quái vật ngoài hành tinh của hãng Sony đã bị mạt sát thê thảm bởi các chuyên gia về điện ảnh nhưng khán giả lại đổ xô đi xem. Tính đến hiện tại, Venom đã thu về 378 triệu USD tiền vé trên toàn cầu (so với kinh phí 116 triệu USD).
Mai Thảo