Mới đây, giải thưởng văn chương của Viện hàn lâm Thụy Điển mới đã xướng tên của Maryse Condé – một nhà văn nữ đến từ vùng đảo Guadeloupe thuộc Pháp – sau một quá trình lựa chọn kéo dài hơn 3 tháng.
Sinh năm 1937, Condé sáng tác bằng tiếng Pháp. Các tác phẩm của bà tập trung khai thác những vấn đề chủng tộc, giới tính và văn hóa tại nhiều khu vực và địa danh lịch sử. Ngoài ra, tiểu thuyết của bà còn khắc họa chân thật mối quan hệ giữa các dân tộc châu Phi và cộng đồng người Do Thái, đặc biệt là vùng Caribê.
Trong số gần 20 tiểu thuyết của Condé, Segu (1984-1985) là nổi tiếng nhất. Lấy bối cảnh châu Phi cuối thế kỷ 18, nội dung của Segu dựa trên nhiều dữ kiện lịch sử có thật kể về vương quốc Segu và cuộc chiến đẫm máu của người dân nơi đây chống lại nạn thực dân đến từ phương Tây cũng như sự thâm nhập của những tôn giáo khác.
“Không thể thưởng thức các tác phẩm của Condé mà không để lại trong tâm trí nhiều thứ cảm xúc khác nhau. Bạn sẽ có hiểu biết sâu sắc và hăng hái hơn về trái tim con người trong tất cả những bí ẩn, mâu thuẫn và điều diệu kỳ của nó”, tạp chí New York Times viết về cuốn tiểu thuyết I, Tituba của Condé.
Maryse Condé hiện là giáo sư chuyên ngành văn học Pháp tại đại học Colombia và sở hữu khá nhiều giải thưởng danh giá từ khắp nơi trên thế giới.
Xuất hiện trong đoạn clip được phát tại buổi công bố diễn ra ở Thụy Điển, Condé cho biết: “Tôi thuộc về một vùng đảo nhỏ chưa bao giờ được xuất hiện trên truyền thông quốc tế. Guadeloupe chỉ được nhắc đến khi có bão nhưng tôi tin rằng chúng tôi có một nền văn hóa tuyệt vời với nhiều nguồn cảm hứng khác nhau: châu Âu, châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc. Chiến thắng giải thưởng này đồng nghĩa với tiếng nói của chúng tôi, của Guadeloupe đã bắt đầu được lắng nghe”.
Đầu năm nay, do vụ bê bối lạm dụng tình dục liên quan đến chồng của một thành viên Viện hàn lâm Thụy Điển đã khiến việc trao giải Novel Văn học 2018 bị tạm hoãn. Theo đó, hai giải Nobel Văn học sẽ được trao cùng lúc vào cuối năm sau.
Hồi tháng 7, một nhóm khoảng 100 người gồm các nhà phê bình văn học, thủ thư, nghệ sĩ, phóng viên Thụy Điển đã thành lập một Viện hàn lâm mới (The New Academy) cùng một giải thưởng văn học thay thế cho giải Nobel Văn học 2018. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận và sẽ tự động giải tán sau khi lễ trao giải chính thức diễn ra vào 9.12.
Phương thức lựa chọn ứng cử viên và người chiến thắng của Viện hàn lâm mới khác biệt hoàn toàn so với phương thức truyền thống vốn khép kín của Viện hàn lâm Thụy Điển.
Đầu tiên, một danh sách gồm 47 cái tên do các thủ thư Thụy Điển đưa ra sẽ được bầu chọn công khai bởi 32.000 độc giả từ khắp nơi trên thế giới. Ngày 14.8, Viện hàn lâm mới rút con số này xuống còn 4 bao gồm Haruki Murakami (Nhật), Kim Thúy (người Canada gốc Việt), Maryse Condé (Pháp) và Neil Gaiman (Mỹ). Kết quả cuối cùng do một hội đồng đứng đầu bởi nhà báo Ann Palsson quyết định.
Tuy nhiên, Murakami sau đó đã tuyên bố rút lui khỏi giải với lý do là “tập trung vào công việc viết lách, tránh xa sự chú ý từ giới truyền thông”. Điều thú vị là ông lại là người duy nhất trong số 4 nhà văn kể trên thường xuyên xuất hiện trên đường đua tới giải Nobel Văn học.
Niel Gaiman thậm chí còn bị nhiều chuyên gia nhận xét là sẽ chẳng bao giờ được nhắc tới tại Viện hàn lâm Thụy Điển do các sáng tác của ông hầu hết là hư cấu và viễn tưởng.
"Giải thưởng này đối với tôi rất quý giá bởi vì nó xuất phát từ sự đánh giá của độc giả", Kim Thúy cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào hôm thứ Ba, "Nó không do một tổ chức nào đó lựa chọn. Đó là sự phản hồi từ chính người dân”. Bên cạnh đó, cô nghi ngờ rằng bản thân sẽ chẳng bao giờ chiến thắng giải Nobel Văn học.
J.K Rowling
Giải thưởng văn học của Viện hàn lâm mới đã ghi nhận nhiều nhà văn ở các thể loại phổ biến nhất hiện nay như J.K Rowling – người đã lọt vào danh sách ban đầu. Neil Gaiman cho biết: “Rowling ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người hơn bất kỳ ai khác từng chiến thắng giải Nobel Văn học trong 2 thập kỷ trở lại đây”.
Mặc dù vậy, nó cũng bị chỉ trích là thiếu sự nghiêm túc. “Điều duy nhất thực sự tồi tệ hơn Viện hàn lâm cũ là Viện hàn lâm mới bao gồm 117 người nổi tiếng trên mạng xã hội Instagram với nhiều kết nối mơ hồ đến thế giới văn hóa”, một nhà báo Thụy Điển viết.
Trả lời phỏng vấn tờ New York Times hồi tháng 7, nhà báo Alexandra Pascalidou - người sáng lập giải thưởng nói rằng cô không hy vọng thay thế giải Nobel mà chỉ mong nó có thể thay đổi để phù hợp với thế giới hiện đại và minh bạch hơn.
Mai Thảo