Có những lúc bản nhạc đó du dương êm đềm khiến người ta chìm mình say đắm. Cũng có những lúc tiết tấu của nó lên xuống nhanh tới mức từng nốt nhạc như đang gào thét trực trào đầy bão tố. Tuổi teen mỗi người trải qua ắt hẳn ít nhiều cũng trầm bổng như vậy. Bạn sẽ lựa chọn thế nào khi bản nhạc của đời mình rơi vào khúc bi ai? Bạn có trách số phận hay ông trời tại sao bạn phải chịu đựng những điều này không? Bạn của tôi ơi, dù bạn lựa chọn hành động hay suy nghĩ thế nào, xin bạn đừng từ bỏ ánh sáng hy vọng vào những điều tốt đẹp trong mình.
Bạn đừng quên, bạn chính là người nhạc sĩ, và cũng là người nhạc công tấu lên những giai điệu của cuộc đời mình. Giai điệu đó tươi vui hay sâu thảm tùy thuộc vào cách bạn nhìn nhận thế giới này. Nếu bạn đang trong quãng thời gian tươi trẻ nhất của đời người và loay hoay tìm cách vượt ra khỏi cơn bão lòng, cuốn sách Tuổi teen đáng giá bao nhiêu? của bộ ba Jack Canfield, Mark Victor Hanse và Kimberly Kirberger có thể sẽ giúp bạn được ít nhiều.
Cuốn sách gồm những câu truyện ngắn, nhẹ nhàng và sâu lắng, ẩn chứa thông điệp thiết thực sâu sắc, và tôi nghĩ, nó dành cho tất cả mọi người. Xin được trích một số mẩu truyện ngắn trong cuốn sách ý nghĩa này gửi tới bạn đọc, hy vọng các bạn sẽ luôn giữ bên mình ánh sáng ấm áp của hy vọng.
Câu chuyện đầu tiên: Cuộc gặp gỡ tình cờ
Tôi gặp bác William G. Stiles khi đang trên một chuyến tàu đến Chicago. Hôm đó, tôi ngồi một mình ở hàng ghế đầu và suy nghĩ miên man. Chợt có tiếng cười nói vang lên ở phía cuối toa, tôi ngoái nhìn ra phía sau và thấy một người đàn ông đứng tuổi đang chơi đùa với những đứa trẻ. Hình như bác ấy đang kể với những lũ trẻ về chuyến đi của mình. Tụi nhỏ vây quanh bác ấy và háo hức chờ được nghe câu chuyện tiếp theo. Tôi mỉm cười và vô tình chạm ánh mắt với bác. Bác nhìn tôi rồi cũng mỉm cười và hỏi tôi bằng giọng trầm ấm:
- Chào cháu. Cháu xuống đâu thế?
- Cháu xuống Colorado ạ. - Tôi trả lời.
- Ồ! Vậy là bác đi xa hơn cháu đấy! - Bác nói với vẻ ngạc nhiên.
Bác đứng dậy tiến lên phía tôi và xin phép ngồi bên cạnh trò chuyện với tôi một chút. Khi nghe bác ấy giới thiệu, tôi được biết bác tên là William G. Stiles. Khi quan sát và trò chuyện với bác Stiles nhiều hơn, tôi cảm thấy bác giống như một quyển bách khoa toàn thư sống. Bác Stiles sẵn sàng chia sẻ kiến thức của mình với tất cả mọi người. Bác có mái tóc xoăn màu nâu và đội một chiếc mũ thủy thủ màu xanh đã sờn cũ. Trong suốt hành trình của mình, tôi không thấy bác bỏ mũ ra lần nào. Tôi đoán có lẽ chiếc mũ ấy gắn với một kỷ niệm đặc biệt quan trọng với bác.
Bác Stiles luôn ngậm một chiếc tẩu. Những thăng trầm của cuộc đời in hằn trên gương mặt bác tựa như những con sóng xô trên mặt biển. Hành lý của bác Stiles là tất cả những gì bác có thể mang theo. Bác Stiles xách một chiếc túi to, bên trong có nhiều món đồ nhỏ. Đối với người giàu trí tưởng tượng như tôi, chiếc túi của bác như chứa đựng cả một thế giới bí ẩn. Ở thắt lưng, bác Stiles đeo một cái túi nhỏ khác có in chữ “Rossignol” phía trước. Bác nói mình cất những vật dụng thiết yếu trong túi nhỏ đó để có thể nhanh chóng lấy ra sử dụng khi cần.
Bác Stiles kể với tôi về những chuyến đi thú vị của mình và nói rằng chính những chuyến đi đó đã mang lại cho bác vốn sống phong phú. Giờ tôi đã hiểu tại sao bác có kiến thức sâu rộng và đa dạng đến vậy.
Bác Stiles kể:
- Bác lớn lên ở một thị trấn nhỏ ven biển. Khi còn nhỏ, bác luôn tự hỏi liệu có thế giới nào tồn tại bên kia đại dương hay không. Thôi thúc muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi đó khiến bác mơ ước sau này trở thành thủy thủ. Bác mơ mình được căng buồm ra khơi và khám phá những thế giới mới. Thế nhưng không lâu sau, chiến tranh nổ ra và bác phải thực hiện ước mơ của mình theo cách khác. Bác đăng ký vào thủy quân. Những ngày tháng làm thủy thủ hết sức gian khổ. Nhiều đồng đội của bác đã hy sinh. Chiếc mũ này chính là kỷ vật một đồng đội cũ để lại cho bác. Chiếc mũ nhắc bác nhớ đến giá trị của sự sống, cháu ạ.
Bác Stiles ngừng một lúc. Tôi lặng nhìn bác Stiles. Gương mặt bác trở nên đăm chiêu và đôi mắt bác thoáng buồn. Trước đây, tôi chỉ biết đến sự khốc liệt của chiến tranh qua sách vở, tranh ảnh và các bộ phim tài liệu. Nhưng giờ đây, bên cạnh tôi là một nhân chứng lịch sử của chiến tranh. Tôi bỗng thấy mình thật nhỏ bé.
Bác Stiles nói tiếp:
- Rồi chiến tranh kết thúc. Bác tiếp tục cuộc hành trình khám phá những vùng đất mới trên thế giới bằng cách làm hoa tiêu cho những chuyến tàu buôn. Bác thật sự yêu thích công việc này và đã làm được mấy chục năm rồi. Cuộc sống là vậy đấy cháu. Thế ước mơ của cháu là gì?
- Cháu không biết mình có ước mơ gì nữa. - Tôi lí nhí trả lời.
- Ồ, không sao đâu. Cháu còn nhiều thời gian để làm bất cứ điều gì cháu muốn mà - Bác Stiles vỗ vai tôi rồi cười lớn.
Tôi nhìn bác Stiles và biết ơn bác vô cùng. Bác Stiles là người đầu tiên động viên tôi như vậy. Hôm qua, tôi đã thua trong trận chung kết võ thuật toàn trường. Kết quả đó khiến tôi thấy thất vọng về bản thân và nghi ngờ khả năng của mình. Thế nhưng bác Stiles giúp tôi hiểu mình có thể làm được mọi việc miễn là không từ bỏ và luôn nỗ lực hết mình.
Bác Stiles là người thú vị nhất mà tôi từng gặp. Hành trình tôi đến Colorado hôm đó cũng chính là hành trình tôi khám phá sức mạnh của bản thân nhờ lời khuyên của một người thầy đặc biệt là bác Stiles. Dù sau đó không có thời gian gặp lại bác Stiles lần nào nữa, nhưng tôi tin bằng những câu chuyện và vốn sống của mình, bác sẽ tiếp tục giúp đỡ được nhiều người như cách bác đã làm thay đổi cuộc đời tôi theo hướng tốt đẹp hơn.
Câu chuyện thứ hai: Đôi giày màu hồng
Vào một buổi sáng nọ, tôi tình cờ đọc được bài báo viết về Maria, một cô bé bị chiến tranh cướp mất đôi chân. Bài báo kể lại khi đang cùng Maria vận chuyển lương thực ra tiền tuyến, cha của cô bé đã vấp phải một quả mìn. Quả mìn phát nổ, cướp đi sinh mạng của ông lẫn đôi chân của Maria.
Những kí ức tuổi thơ đau buồn lần lượt hiện ra trong đầu tôi. Bức ảnh minh họa và câu chuyện trong bài báo không ngừng ám ảnh tôi. Chiều hôm đó, tôi quyết định viết một lá thư gửi cho Maria. Tôi kể với Maria về cuộc đời tôi, thời thơ ấu của tôi và tai nạn thảm khốc vào năm tôi mười bốn tuổi. Sau tai nạn, tôi bị mất một chân và từ đó tôi phải mang chân giả.
Trong thư gửi Maria, tôi chia sẻ với cô bé suy nghĩ và hành động của tôi chuyển biến như thế nào qua các giai đoạn sau khi tai nạn xảy ra. Từ cảm thấy hụt hẫng, đau khổ và tuyệt vọng, tôi dần lấy lại niềm tin vào cuộc sống, nỗ lực vươn lên tìm kiếm tình yêu và hạnh phúc cho mình. Cuối cùng, tôi ngỏ ý muốn tặng Maria một món quà đặc biệt là một đôi giày mới. Ban đầu, tôi lo lắng Maria sẽ không thích đề nghị này. Thế nhưng khi nhớ đến đôi giày màu hồng tôi nhận được từ một người họ hàng tốt bụng để mừng tôi chiến thắng mặc cảm, tôi tin Maria sẽ hiểu và đón nhận thiện ý của tôi.
Khi gửi thư cho Maria, tôi không hề kỳ vọng sẽ nhận được hồi âm. Thế nhưng chỉ hai ngày sau, tôi nhận được cuộc gọi từ một nhân viên của bệnh viện đang điều trị cho Maria. Cô ấy nói người chăm sóc Maria đã đọc lá thư của tôi cho Maria nghe và cô bé cho biết lá thư của tôi đã khiến cô bé rất xúc động. Tôi thật sự ngạc nhiên và xúc động khi biết được chuyện này.
Cô nhân viên còn kể có một tổ chức từ thiện đã tài trợ toàn bộ chi phí điều trị cho Maria. Cô ấy hỏi tôi có thể nhận lời làm khác mời tham gia buổi trò chuyện thân mật với Maria vào thứ Ba tuần sau do chính tổ chức đó thực hiện hay không. Dĩ nhiên là tôi đồng ý ngay. Trước khi cúp máy, cô nhân viên kể rằng Maria rất mong nhận được đôi giày mới từ tôi.
Ngay hôm sau, tôi cùng con gái đi dạo khắp các cửa hàng để tìm mua một đôi giày màu hồng thật đẹp. Cuối cùng, hai mẹ con tôi tìm được hai đôi giày. Ngoài ra, chúng tôi còn mua thêm kẹp tóc, vớ và một chiếc ví xinh xắn. Sau khi cẩn thận gói những món đồ lại, tôi gửi hộp quà ấy đến Maria và hồi hộp chờ ngày gặp mặt cô bé.
Tôi đáp chuyến bay đến nơi tổ chức buổi gặp mặt sớm hơn một ngày. Vào đêm diễn ra sự kiện, tôi và khách mời cùng rất nhiều phóng viên đứng chờ ở khán phòng để đón chào Maria. Cô bé được đưa vào phòng trên một chiếc xe lăn. Tôi nhìn Maria thật lâu và có cảm giác như thể đang nhìn thấy chính mình năm mười bốn tuổi. Biểu cảm của Maria cho thấy cô bé đang hoảng sợ vì phải đối diện với quá nhiều người xa lạ.
Thật may mắn là buổi trò chuyện sau đó chỉ bao gồm những khách mời quan tâm đến Maria và một vài phóng viên. Bầu không khí ấm cúng và thân hình có vẻ giúp Maria thư giãn hơn. Mẹ và các em gái của Maria cũng có mặt. Maria ngồi bên họ, lần lượt trả lời câu hỏi của mọi người. Khi đang ngồi lặng lẽ quan sát Maria, tôi vô tình nhìn đến đôi chân cô bé và cảm thấy thật ấm lòng: Maria đang mang đôi giày màu hồng mẹ con tôi gửi tặng.
Ban tổ chức thông báo cuộc phẫu thuật của Maria thành công tốt đẹp và cô bé đang tập làm quen với đôi chân giả. Màn hình lớn trên sân khấu bắt đầu chiếu buổi tập vật lý trị liệu đầu tiên của Maria. Cô bé được đưa đến chỗ thanh vịn đặt cạnh tường để tập đi. Tôi có thể cảm nhận được ý chí và nghị lực của Maria qua hình ảnh cô bé mím môi nắm lấy thanh vịn và nhấc người lên.
Tôi rơi nước mắt khi nhìn cô bé khó nhọc cử động đôi chân giả để tiến về phía trước. Gia đình Maria và mọi người có mặt ở khán phòng cũng không thể kìm được cảm xúc. Cuối cùng Maria cũng hoàn tất buổi tập vật lý trị liệu đầu tiên. Tôi thật sự khâm phục Maria vì chỉ trong một tiếng đồng hồ tập luyện, cô bé đã có thể đứng vững mà không cần người đỡ. Trước đây, tôi phải mất rất nhiều thời gian mới làm được việc đó.
Gần cuối buổi trò chuyện, ban tổ chức mời tôi lên sân khấu và giới thiệu tôi là người đã tặng đôi giày màu hồng cho Maria. Cô bé mừng rỡ nhìn tôi. Chúng tôi ôm nhau, xúc động nghẹn ngào.
- Cháu cảm ơn cô rất nhiều! – Maria nói và đưa tay quệt nước mắt.
Đôi mắt Maria lấp lánh những tia hy vọng. Vào phút giây ấy, tôi hiểu rằng dù chiến tranh đã lấy đi một phần cơ thể của Maria nhưng không thể cướp đi ý chí kiên cường của cô bé.
Trích sách bởi: Đặng Trà My - Bookademy