Trương Vĩnh Ký Kỳ 1: Cái chết của Trương Vĩnh Ký

Trần Nhật Vy20/09/2018 14:45
Trương Vĩnh Ký Kỳ 1: Cái chết của Trương Vĩnh Ký

Nhân 120 năm ngày mất của Trương Vĩnh Ký (1837-1898), xin giới thiệu những đóng góp của ông đối với chữ quốc ngữ, thứ chữ mà chúng ta đang tự hào và là báu vật mà tiền nhân để lại, điều mà người khen lẫn chê ông đều phải thừa nhận.

Trương Vĩnh Ký (1837-1898)

Trương Vĩnh Ký là nhân vật “đặc biệt phức tạp” trong lịch sử văn hóa của Việt Nam. Suốt một trăm năm qua, ông là nhân vật được bàn cãi suốt, người khen, kẻ chê, phe dựng tượng, phe dỡ bỏ. Tuy nhiên, dù khen hay chê, thì cũng đều thừa nhận rằng ông là người có công lớn trong việc cổ võ và phổ biến chữ quốc ngữ thời kỳ còn phôi thai.

Ngày 8-9-1898, báo Nam Kỳ (còn gọi là Nam Kỳ nhựt trình) số 46 đưa tin “Trương Sĩ Tải tiên du”. Bài báo viết:

“Ông Trương Vĩnh Ký tự Sĩ Tải đã tạ thế hồi chiều ngày mồng 1 tháng septembre 1898. Người hiền ngỏ từ trần ai ai cũng đều thương tiếc. Vậy bổn quán báo tin cho chư quí hữu đặng hay. Cổ nhơn điếu nhơn dỉ ngôn. Vậy ta cũng phải cạn chút lòng thành, quê kệch đôi lời đưa người tri kỉ.

Pétrus Trương Vĩnh Ký sinh năm Đinh Dậu Minh Mạng thập bát, nhằm năm 1837 tại phủ Hoằng Trị, xứ Cái Mơn tỉnh Vĩnh Long, hiện giờ thuộc hạt Bến Tre.

Thuở còn xung linh với nhà thầy, rèn chí tu trì phụng sự Thiên Chúa. Sau lên Cao Mên học trường Pinhalu, rồi qua học sách đọc tại cù lao Pinang [Penang]. Từ ấy về sau mở tính càng ngày càng thông đạt xuất chúng. Ấy vậy khi trở về Vĩnh Long đi ngã Cần Vọt, nhơn nhà nước Đại Pháp quan chím [chiếm] Nam Kỳ, quan Nguyên soái thủy Rigault de Genouilly xin đức Giám mục cho làm thông sự . Nhơn đó ra luôn theo việc thế gian.

Làm tôi nhà nước thuở mới khai sáng đã hết lòng cẩn cán, lại có chí trung thành trên quan tin dùng, dưới dân hâm mộ. Mở cuộc giao hòa, mấy phen sứ sự, thìn lối giản tín tu mục đầu sai, thưởng cấp Bội bá, phong vì Đốc học.

Từ ấy nói chuyện việc giáo huấn, chú giải văn thơ, dịch làm tự điển, luật lệ Pháp Âu, quan dân tinh thông là cũng bởi nhờ người từ dị hiểu. Đông Dương chư quốc tự thoại tinh tường, bác sĩ danh nho hoặc cũng đáng cho dự tịch.

Đến sau Việt kinh hữu sự, ra sung cơ mật tham tá, nhờ đức hoàng gia tặng hàm Thị giảng. Khi phải từ hồ mông tứ tiễn hành ân cần ưu ốc. Sắc phong ẩn sĩ, thiệt chẳng phụ danh; ngự bút thi đề vinh qui đà nên toại.

Thương thay người hiền sĩ, kính thay người hiền sĩ! Lúc phân vân đã ra tài kinh tế; hồi thái bình nào quên bạn bút nghiên. Vì nước vì dân cũng nên cho rằng gồm đủ...”

Tờ Cuorrier de Saigon ngày 7-9-1898 mô tả đó là một đám tang “long trọng chưa từng có ở Sài Gòn”. Ngày đem chôn, thì tở Nam Kỳ ngày 8-9 1898 cho biết, đám tang đã được chuyển từ nhà riêng ông ở Chợ Quán đến nhà thờ Đức Bà Sài Gòn với làm lễ với đủ mặt những chức sắc ở Nam Kỳ cả Pháp lẫn Việt rồi sau đó đem về hạ huyệt trước sân nhà.

Khi hạ huyệt, Thống đốc Nam Kỳ thay mặt Toàn quyền Đông Dương đọc điếu văn tiễn biệt. Trần Bá Thọ, Ủy viên Hội đồng quản hạt Nam Kỳ (còng gọi là Hội đồng thuộc địa tư vấn cho Thống đốc) đã đọc điếu văn với những đoạn thống thiết:

“Tôi xin thay mặt cho những kẻ thanh niên trong Lục tỉnh, nói một ít lời mà từ giã ông Đốc học Trương Vĩnh Ký, là đứng [đấng] rất đáng thương tiếc.

...Lãnh chức làm thầy trường Hậu bổ, người đã hiệp lực cùng đấng trí huệ như ông Philastre và ông Luro, ra sức dạy bảo những bực tài nhơn...các đứng ấy lấy làm trọng hậu cùng yêu vì người và chẳng quên ơn người chỉ dẫn.

Nhờ có sách người làm ra, diễn giải truyện tích chữ nho, chữ nôm, cho nên tiếng Annam dấy ra chư quốc, đến cơn hấp hối, trí đà rối loạn, mà người còn mơ tưởng sự sách vở sẽ in ra cho thiên hạ thông dụng, nhứt là bổn tự điển ông Littré...

Ấy là một ông Hiền, nên gương bắt chước chẳng ai quên đặng”.

Từ năm 1864, Trương Vĩnh Ký đã làm Hiệu trưởng trường Bổn Quốc (còn gọi là trường Khải Tường, sau đổi tên thành Chasseloup Laubat, nay là trường Lê Quý Đôn) và đào tạo rất nhiều nhân tài cho Nam Kỳ.

Nhiều lớp học trò của ông sau trở thành thầy giáo, nhà văn, nhà báo nổi tiếng như Trương Minh Ký (chủ bút Gia Định Báo từ 1881 đến 1896, dạy học từ năm 17 tuổi, viết rất nhiều tác phẩm văn học và sách dạy học), Nguyễn Trọng Quản (tác giả cuốn tiểu thuyết Thầy Lazaro Phiền, thầy giáo), Diệp Văn Cương (Chánh tổng tài Gia Định Báo đầu thế kỷ 20, thầy giáo), Nguyễn Khắc Huề (hiệu trưởng trường Bến Tre, viết báo), Nguyễn Dư Hoài (thơ ký tòa án Bến Tre, nhà văn, nhà báo), Trần Đại Học (nhà văn), Trần Ngươn Hanh (thông ngôn, người được cử sang Paris giúp người Pháp hiệu đính Truyện Kiều dịch sang tiếng Pháp, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng), Nguyễn Hữu Nhiêu (thầy giáo, họa sĩ)...

Trong dịp nầy, các học trò ông đã khóc thầy bằng một bài phú:

“Thương thay! Tiếc thay!

Thầy ta là quan lớn: Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký.

Nhớ thầy xưa:

Nên đứng thông minh,

Thiệt trang văn phú.

Sng dường ấy, trọng dường ấy,

Án [áng] công danh trong mắt ngó như không;

Kiêu chẳng hề, lẫn chẳng hề,

Bực tánh hạnh trên đời xem ít có.

Việc chữ nghĩa, nhọc lòng biên đặt,

Lắm thuở công phu;

Dạy học hành ra sức vun trồng,

Nhiều lời khuyên dỗ.

Ôi!!!

Tưởng còn lâu hưởng lộc trời,

Hay đã sớm lìa cõi thụ!

Bướm Trang Sanh một giấc,

Mình cỡi chốn vĩ cơ;

Hạc Đinh Lịnh trăm năm,

Hồn nương nơi vân vụ.

Người tuy mất mà danh chẳng mất,

Tiếng hãy còn đây;

Coi sách thầy mà học ý thầy,

Hình như thầy đó.

Hởi ôi tiếc thay! Hởi ôi thương thay!

Môn sanh: Mai Nham Trương Minh Ký; Tân Long tri huyện Hà Minh Phái; Hà Tiên Thông phán Trần Quang Tâm...

4 septembre 1898. (Báo Nam Kỳ ngày 8-9-1898)

 

Để được học trò khóc như vậy xưa nay không có mấy người!

Cái chết ở tuổi 61 cũng đã làm Trương Vĩnh Ký dở dang nhiều cuốn sách đã viết xong nhưng chưa kịp công bố. Điều đến nay chưa rõ là ông chết vì lý do gì. Vì bịnh phổi (theo ghi nhận của nhiều tài liệu) hay vì lao lực quá độ, hoặc một lý do khác.

Chúng ta cũng biết, trong điều kiện “đèn dầu leo lét, muỗi mòng vo ve” và trong vòng 34 năm, tính từ khi ông xuất bản cuốn sách đầu tiên, cuốn Phép đánh vần Annam (còn gọi là Ngữ pháp Việt Nam yếu lược) cho tới khi mất, ông viết và xuất bản gần 200 cuốn sách; và khoảng 20 cuốn chưa kịp xuất bản. Đây là số sách của một tác giả mà gần 150 năm qua chưa có người cầm viết nào làm được. Với cường độ làm việc như vậy thì việc hao tâm tổn trí là điều dễ hiểu.

Ông mất nhưng khối tài sản tri thức ông để lại cho đời sau thật đáng trân trọng và khâm phục.

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 23/11/2024