Thích Ca Mâu Ni, Jesus, Pythagoras, Rumi,... đều là những bậc vĩ nhân và là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm văn học. Những câu chuyện mà Osho viết về những bậc vĩ nhân không chỉ đơn thuần là những câu chuyện kể lại - chúng giống như một chuỗi phóng sự sau khi tác giả gặp gỡ những nhân vật này vậy. Qua những dòng văn của nhà huyền môn Ấn Độ, chúng ta có cái nhìn sâu hơn về cuộc đời của những con người được cả thế giới tôn vinh này. Với những độc giả đam mê nghiên cứu về lịch sử, đây hẳn là một nguồn tư liệu hữu ích bởi cuốn sách cung cấp cả những câu chuyện lý thú chưa từng được đề cập trong giáo trình.
1. Vài nét về tác giả Osho:
Osho (1931 – 1990) tên thật là Chandra Mohan Jain, còn được gọi là Acharya Rajneesh từ những năm 1960 trở đi, sau đó ông tự gọi mình là Bhagwan Shree Rajneesh trong thập niên 1970 và 1980, rồi cuối cùng lấy tên Osho năm 1989. Ông là một nhà huyền môn, bậc thầy tâm linh người Ấn Độ, và lãnh đạo của phong trào Rajneesh. Trong suốt cuộc đời của mình, ông được xem như là một vị thầy huyền bí, guru và bậc thầy tâm linh. Trong những năm 1960, ông đã đi khắp Ấn Độ như một diễn giả công cộng và là nhà phê bình thẳng thắn đối với chủ nghĩa xã hội, Mahatma Gandhi, và đạo Hindu chính thống. Những thuyết giảng có tính tổng hợp và điều hòa các tôn giáo khác nhau của Osho nhấn mạnh tới tầm quan trọng của thiền, việc tự nhận biết, tình yêu, sự sáng tạo và hài hước - những phẩm chất được Osho xem như bị kìm nén do sự tuân thủ các hệ thống niềm tin cứng nhắc, truyền thống tôn giáo và xã hội hóa.
2. Những nhà tu hành:
Đức Phật không tuân theo một hệ tư tưởng nào, bởi ngài hiểu mọi hệ tư tưởng đều thuộc về tâm trí. Ngài cũng không tin vào lý tưởng, bởi đã có biết bao nhiêu cuộc xung đột tàn khốc xảy ra trên thế giới chỉ vì mâu thuẫn lý tưởng. Lý tưởng thôi thúc con người phải theo đuổi một hình mẫu nào đó. Osho nói rằng khi một người nhận rằng họ thuộc Kỳ Na giáo, Ấn giáo hay Hồi giáo, họ sẽ phải thực hiện những việc nằm trong khuôn khổ của tôn giáo họ đi theo. Họ thậm chí sẽ phải thay đổi một số thói quen vốn có của mình theo quy định của những tôn giáo đó. Nhưng theo Đức Phật, người chỉ biết bắt chước và làm theo lời người khác thì sẽ mãi chìm trong u minh, chẳng bao giờ tìm thấy tự do trong tâm hồn. Chính Đức Phật đã tìm thấy tự do trong tâm hồn khi rời bỏ cung điện vàng son để đi tìm con đường giác ngộ. Nếu ngài luôn làm theo ý nguyện của cha ngài, sống trong những cung điện nguy nga, giữa những khu vườn mãi xanh tốt và những con người mãi trẻ đẹp, ngài sẽ cảm thấy nhàm chán và bức bối. Chỉ khi nhìn thấy những mặt tối tăm của cuộc sống, con người mới biết trân trọng hạnh phúc và hiểu mình sẽ đi trên con đường nào. Đức Phật đã chọn con đường giải thoát - ngài được là chính mình, thoát khỏi mọi kỳ vọng và quy tắc mà mọi người trông đợi ở một vị Thái tử. Được là chính mình, tâm hồn con người thoát khỏi mọi sự giả dối và ưu phiền. Trước khi về nơi cửu tuyền, di ngôn của Đức Phật cũng là lời nhắc nhở các tín đồ sống thật với chính mình:
Hãy là ánh sáng soi rọi chính mình. Đừng làm theo người khác, đừng bắt chước người khác, bởi vì làm theo, bắt chước sẽ chỉ tạo ra những điều ngu ngốc. Bạn được sinh ra với khả năng hiểu biết vô bờ. Bạn được sinh ra với ánh sáng bên trong. Hãy lắng nghe tiếng nói nhỏ bé, tĩnh lặng bên trong, và nó sẽ dẫn đường cho bạn. Không ai có thể dẫn dắt bạn, không ai có thể trở thành hình mẫu cho cuộc sống của bạn, bởi vì bạn là duy nhất. Trước đây, không có ai giống hệt bạn và sau này cũng thế. Đây chính là ánh hào quang của bạn, là sự vĩ đại của bạn, rằng bạn hoàn toàn không thể thay thế, rằng bạn là chính bạn, không là ai khác.
Bồ Đề Đạt Ma là người có công đưa Phật giáo du nhập vào Trung Hoa. Hoàng đế Lương Vũ Đế - một người tôn sùng đạo Phật - đã đón tiếp Bồ Đề Đạt Ma rất nồng nhiệt. Thế nhưng, Hoàng đế lúc đó chưa phải là một người giác ngộ, bởi ngài xây chùa chiền và chăm lo cho các nhà sư với mong đợi Đức Phật sẽ ban thưởng cho ngài. Khi Bồ Đề Đạt Ma xuất hiện, vị Hoàng đế sợ hãi khi nhìn vào gương mặt dữ dằn của ông - dù ông là người nổi tiếng là người dịu dàng từ bi. Câu trả lời thẳng thắn, không chút vòng vo của vị thiền sư Tây Trúc khiến Hoàng đế kinh ngạc. Bồ Đề Đạt Ma giải thích rằng thờ Phật để mưu cầu danh lợi là đang làm trái với đạo lý nhà Phật. Con người đến với Phật là để tìm sự thanh tịnh trong tâm hồn và để chia sẻ niềm vui với người xung quanh mình. Niềm hạnh phúc đến từ hai việc đó đã là phần thưởng lớn nhất dành cho các Phật tử. Lương Vũ Đế đã hiểu ra rằng ngài chưa thực sự thanh thản trong tâm hồn và đang đi sai hướng. May mắn thay, Bồ Đề Đạt Ma đã xuất hiện để dẫn ngài đến con đường giác ngộ.
Trừ khi bệ hạ lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình, bằng không chẳng ai có thể giúp được bệ hạ, dù là Đức Phật hay người thường. Bệ hạ chưa nghe được tiếng nói nội tâm của mình. Nếu nghe, hẳn bệ hạ đã không hỏi một câu ngu ngốc như vậy. Không có phần thưởng trên con đường của Phật Thích Ca Mâu Ni bởi vì niềm khao khát được đền đáp đó bắt nguồn từ một tâm trí tham lam. Toàn bộ lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni là vô sở cầu và nếu thực hiện tất cả những nghĩa cử được cho là cao đẹp này, xây đền chùa, chăm lo cho hàng ngàn tu sĩ, với một tâm trí sở cầu, bệ hạ đang đi về hướng địa ngục. Nếu bệ hạ làm điều này xuất phát từ niềm vui, chia sẻ niềm vui của mình với mọi người, và không mảy may nghĩ đến việc được đền đáp, hành động đó tự nó đã là phần thưởng. Bằng không, bệ hạ đã bỏ lỡ toàn bộ ý nghĩa của nó.
Trong tác phẩm, Osho đã đưa ra một câu hỏi đã được hỏi đi hỏi lại cả nghìn năm: Jesus Christ là ai? Mỗi người một cách trả lời khác nhau. Các tín đồ của ngài thì cho rằng ngài là con của Chúa, là Đấng Cứu thế, là thánh thần. Trong khi đó, những người không phải tín đồ Cơ đốc lại hoài nghi về sự thần thánh của ngài. Có người nói rằng ngài chỉ là một người trần mắt thịt, chẳng có gì về ngài là thần thánh cả. Thậm chí có người còn nghi ngờ về sự tồn tại của ngài. Osho cho rằng tốt nhất không nên tìm câu trả lời cho câu hỏi này, vì những câu trả lời không thể đảm bảo tính chắc chắn. Ông còn cho rằng, với những câu hỏi quan trọng như vậy thì người đặt câu hỏi nên tự suy ngẫm và tìm câu trả lời cho chính mình.
Jesus Christ là ai - là thánh thần hay con người? Tôi nói rằng tất cả các câu hỏi đều sai và cả câu trả lời cũng sai nốt. Vì sao ư? Bởi vì câu hỏi hoặc đến từ kiến thức Do Thái, hoặc từ kiến thức Hồi giáo, hoặc từ kiến thức Hindu. Và câu trả lời đến từ kiến thức Cơ Đốc giáo, mà kiến thức thì không thể trả lời được. Kiến thức thậm chí không thể hỏi. Kiến thức là thứ bất lực. Những câu hỏi có tầm quan trọng như thế chỉ có thể bắt nguồn tự sự trong sáng, không phải từ kiến thức. Cần phải hiểu được điểm khác biệt đó. Khi hỏi một câu hỏi bắt nguồn từ kiến thức, bạn không thật sự hỏi, bởi vì bạn đã biết.
Chiyono được hậu thế biết đến là thiền ni đầu tiên của Thiền Tông Nhật Bản và là đệ nhất mỹ nữ thời Kamakura. Tuy nhiên, quá trình giác ngộ của bà khó khăn hơn ai hết. Khi bà đến các chùa xin xuất gia, các vị trụ trì đều từ chối vì lo sợ sắc đẹp của bà sẽ khiến nam nhân trong chùa lơ là việc tu hành. Đến khi bà hủy hoại nhan sắc của mình, Đại giác Thiền sư mới đồng ý để bà xuống tóc. Vào đến cửa Phật, Chiyono đã mất rất nhiều năm nhưng vẫn chưa thể giác ngộ. Sư phụ của bà khiển trách rằng đó là do bà chưa dứt khỏi những điều hữu cầu trong quá khứ - còn hữu cầu thì còn trần tục. Chiyono không phải một người dễ nản lòng - bà rất kiên cường và sống khổ hạnh như lời Phật dạy. Tuy nhiên, theo Osho, Chiyono đã không nhận ra rằng bà càng tìm kiếm thì giác ngộ càng đến muộn. Giác ngộ không phải muốn tìm là có được, phải nhờ thiền định và thanh lọc tâm hồn thì mới mong giác ngộ được. Mãi đến một đêm, khi làm đổ thùng nước và nhìn ánh trăng phản chiếu lên mặt nước, ni sư mới giác ngộ. Bà đã dành cả tuổi thanh xuân đằng đẵng của mình để theo đuổi sự giác ngộ, thế mà sự giác ngộ lại đến khi bà ít mong đợi nhất.
Giác ngộ xuất hiện theo cách riêng. Bạn không thể ra lệnh cho nó, bạn không thể yêu cầu nó xảy ra. Tuy nhiên, bạn có thể nỗ lực thật nhiều để được giác ngộ, nhưng dù cho bạn có làm bất kỳ điều gì thì đó cũng không phải là lý do để giác ngộ xuất hiện. Bất cứ điều gì bạn làm sẽ không đem lại cho bạn sự giác ngộ, nhưng đó là bước chuẩn bị để bạn có đủ khả năng đón nhận. Giác ngộ đến mà không hẹn trước. Mọi điều bạn làm chỉ đơn giản giúp bạn chuẩn bị để đón nhận, để nhìn thấy, để nhận ra khi giác ngộ xuất hiện.
3. Những vị triết gia:
Socrates đã bị xử tử trên chính quê hương Hy Lạp của mình. Nếu người Hy Lạp chịu gác lại mọi định kiến mà lắng nghe Socrates, đất nước của họ sẽ trở thành cường quốc trên lĩnh vực tri thức. Nhưng không, họ không hiểu những giá trị khoa học mà Socrates đã tìm hiểu được. Socrates đã hy sinh bản thân mình trên con đường tìm kiếm khoa học. Ông không yêu cầu mọi người tin tưởng điều gì tuyệt đối, bởi chỉ nên tin tưởng khi có bằng chứng xác thực. Ngay cả khi chấp nhận một điều như một chân lý, nên chấp nhận nó như một giả định. Khi thời thế thay đổi, suy nghĩ cũng sẽ thay đổi và những lập luận mới sẽ xuất hiện. Socrates biết điều đó, vì vậy ông không tạo ra một môn phái, tôn giáo hay lý thuyết nào – ông chỉ chấp nhận thế giới này như nó vốn có. Osho – và những người ngưỡng mộ – đều yêu mến Socrates bởi tính khiêm nhường của ông.
Khi còn trẻ, ta nghĩ rằng mình biết hết mọi thứ; khi trưởng thành hơn một chút, ta cũng nhận thức rằng có quá nhiều điều mình không biết. Khi già hơn chút nữa, ta trở nên bối rối bởi vì ta từng biết nhiều khi còn trẻ, và giờ ta biết ngày càng ít. Và cuối cùng, trước khi chết, ông ấy nói: “Ta chẳng biết gì”.
Heraclitus được những người cùng thời nhận xét là một người kỳ lạ, bởi suy nghĩ và cá tính của ông là độc nhất vô nhị. Khi nói chuyện, ông thích làm cho đối phương khó hiểu bằng những câu chuyện ngược đời, đầy nghịch lý. Trong khi triết gia Aristotle luôn né tránh những nghịch lý bằng những lý thuyết rõ ràng, rành mạch thì Heraclitus lại mở cánh cửa của cuộc đời đầy nghịch lý ra trước mắt mọi người. Điều đó khiến ông trở thành một người quái đản và lập dị dưới con mắt giản đơn của người đời. Quê hương Hy Lạp dường như chưa bao giờ hiểu được tường tận về con người này. Osho nhận xét nếu như Heraclitus chào đời ở phương Đông thay vì phương Tây, có thể ông sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn. Ở phương Đông không thiếu những học giả có cá tính nghịch lý như ông: Đức Phật, Lão Tử và những người hiểu biết không phải lúc nào cũng được người đời thấu hiểu. Thế nhưng, những lý thuyết họ đưa ra được hưởng ứng và họ được tôn sùng.
Không chỉ dòng sông thay đổi, bạn cũng đã thay đổi. Đây là thông điệp sâu sắc nhất của Heraclitus: mọi thứ đều trôi theo dòng và thay đổi; mọi thứ đều di chuyển, không có gì đứng im. Và khoảnh khắc bạn neo bám, bạn sẽ bỏ lỡ thực tại, Sự neo bám của bạn trở thành vấn đề, bởi vì thực tại thay đổi, còn bạn lại neo bám.
Trang Tử được Osho nhận xét là “một hiện tượng hiếm có”, còn hiếm gặp hơn cả Đức Phật hay Jesus. Trang Tử coi trọng tự nhiên – cái gì không diễn ra theo tự nhiên thì không nên giữ lại. Với ông, Đạo là “tự nhiên tối thượng và không có gì cao hơn”. Ông không kiếm tìm hay sáng tạo những điều cao siêu, bởi chỉ cần mọi thứ diễn ra theo quá trình tự nhiên thì con người sẽ tự khắc nhận ra được điều họ muốn tìm kiếm. Ngoài ra, Trang Tử còn được biết đến bởi những điều kỳ lạ mà ông nói. Những điều ông nói tưởng chừng vô lý và điên rồ, nhưng thực tế lại hợp lý đến bất ngờ! Chuyện kể rằng khi vợ Trang Tử mất, Hoàng đế đã rất tức giận khi đến viếng vợ nhà hiền triết: Trong nhà thì đang có tang, thế mà Trang Tử lại ngồi dưới gốc cây và hát rất vui vẻ. Ông thậm chí còn hỏi ngược lại Hoàng đế “Vì sao thần phải khóc?” – đây không phải điều mà mọi người sẽ nói trong đám tang. Ông giải thích với Hoàng đế rằng đây là cách ông thể hiện tình yêu với người vợ đã ra đi của mình. Cái chết sẽ đến với tất cả mọi người – đây là lẽ tự nhiên không thể chối cãi. Cái chết chính là đỉnh cao của cuộc sống, bởi cuộc sống là hành trình mỗi người phải trải qua trước khi cái chết gõ cửa. Trang Tử hát trước cái chết nghĩa là ông chấp nhận sự ra đi của vợ ông và trân trọng cuộc sống hai người đã có bên nhau. Một người khi yên nghỉ thì nên được yên nghỉ trong sự giao hòa của âm nhạc và tình yêu – đó là điều mà Trang Tử đã tin.
Sự sống và cái chết không phải là hai khía cạnh tách rời. Chúng là một. Khoảnh khắc đứa trẻ chào đời, cái chết cũng được sinh ra với nó. Khi người ta trưởng thành, cái chết cũng đến gần hơn, và dù được biết đến với tên gọi nào thì cái chết cũng là đỉnh cao của cái gọi là sự sống. Vậy thì tại sao thần không ca hát? Hơn nữa, người phụ nữ tội nghiệp ấy đã sống với thần rất nhiều năm, sao thần không thể hát một vài lời để tỏ lòng biết ơn khi người đó ra đi? Cô ấy phải yên nghỉ trong sự giao hòa giữa âm nhạc và tình yêu. Sao thần lại phải than khóc?
Lão Tử luôn phản ánh thế giới xung quanh ông, không thêm cũng chẳng bớt điều gì. Nếu thế giới tồn tại những điều phi lý, thiếu logic, hẳn ông cũng sẽ trình bày những điều phi lý và thiếu logic. Ông chấp nhận mọi điều đang diễn ra trong cuộc sống - nói cách khác là chấp nhận tự nhiên. Có lẽ do vậy mà mọi người rất khó thấy được sự duy linh của Lão Tử - ông quá bình thường khi đứng trong đám đông. Những nhà hiền triết khác được biết đến bởi quá trình tu luyện gian khổ cũng như khí chất hơn người, nhưng Lão Tử thì lại tự nhiên nhất có thể.
Nếu con người bất tử thì khi đó mới phát sinh câu hỏi về đạo đức. Nếu không có bất kỳ tính cách nào, khi đó ông mới nghĩ về tính cách. Người có tính cách sẽ tuyệt đối không nghĩ về sự tồn tại của những thứ như tính cách. Một người đạo đức không biết về ý nghĩa của từ “đạo đức”. Do đó, đừng ngốc như vậy! Và đừng tìm cách trau dồi bản thân. Hãy sống tự nhiên.
4. Những nhà khoa học:
Pythagoras thường được biết đến với tư cách là một nhà toán học, nhưng ít ai nhắc đến ông với tư cách là nhà triết học. Ông đã chu du đến Ai Cập, Ấn Độ, Tây Tạng và cả Trung Hoa. Ông say mê nghiên cứu những tinh hoa nhân loại đã đúc kết về thế giới nội tâm của con người - nói cách khác là triết học cổ xưa. Chính bởi vì say mê nghiên cứu nên Pythagoras mới chấp nhận mọi thử thách trên chuyến hành trình của mình. Khi còn ở quê hương, ông vốn là một trong những học giả được tôn sùng. Thế nhưng khi trở về sau chuyến du hành tới phương Đông, người Hy Lạp lại nhìn ông bằng ánh mắt nghi ngờ. Đó là lẽ tự nhiên, bởi Pythagoras đã làm được điều mà từ trước đến nay chưa học giả phương Tây nào đạt được - lĩnh hội văn hóa phương Đông. Họ không hiểu rằng ông chính là người bắc cầu nối giữa triết học phương Đông và phương Tây. Họ cũng không hiểu những nghiên cứu của ông giá trị đến nhường nào với nhân loại.
Người ta gây khó dễ cho Pythagoras từ nơi này đến nơi khác. Ông ấy gần như không thể truyền dạy tất cả những gì mình đã thu thập được. Ông ấy sở hữu một kho báu đồ sộ, trên thực tế là chưa từng có ai sở hữu một kho báu như của Pythagoras. Nhưng đây chính là sự ngu ngốc của loài người, và nó vẫn luôn như thế. Người đàn ông này đã làm điều gì đó gần như không thể: ông ấy đã bắc cầu giữa phương Đông và phương Tây. Ông ấy chính là chiếc cầu nối đầu tiên. Ông ấy đã tìm hiểu về tâm trí phương Đông sâu sắc như tâm trí phương Tây.
5. Những nghệ sĩ:
Meera vốn xuất thân trong một gia đình hoàng tộc ở Ấn Độ vào thế kỷ 16. Bà không chỉ được biết đến với tư cách là một thi sĩ, nhạc sĩ và vũ công xuất sắc mà còn được biết đến với tư cách là người yêu thần Krishna cuồng nhiệt. Năm bà lên bốn, khi một đạo sư đến hành lễ ở nhà bà, cô bé Meera đã trúng tiếng sét ái tình với bức tượng thần Krishna mà đạo sư mang theo. Kể từ thời khắc đó, bà đã coi Krishna chính là người chồng duy nhất của mình. Bà yêu và tôn sùng hóa thân thứ bảy của thần Vishnu một cách điên cuồng và vô điều kiện. Từng lời bà nói, từng lời bà cầu nguyện, từng bài thơ bà sáng tác đều chan chứa tình yêu vô bờ bến cho ý trung nhân biết tên mà chẳng rõ mặt. Đó không chỉ là tình yêu mà còn là đức tin mãnh liệt của bà. Không người đàn ông nào thay thế được Krishna trong trái tim bà.
Tôi nghĩ ngoài Krishna ra thì không còn người đàn ông nào tồn tại. Ông cũng là đàn ông chứ? Ta hiểu rằng Krishna là người đàn ông duy nhất và phần còn lại của thế giới là những người ngài ấy yêu thương, rằng tất cả đều đang ăn mừng với ngài ấy. Vậy còn ông, ông cũng là đàn ông chứ? Ta không nghĩ rằng có đến hai người. Vậy là ông đang cạnh tranh với ngài ấy sao?Jalaluddin Rumi là một nhà thơ sâu sắc với cách dùng từ phức tạp và đa nghĩa. Độc giả phải đọc lại nhiều lần để nắm rõ nội dung của những câu từ được sử dụng trong thơ Rumi. Một trong những câu nói nổi tiếng của Rumi phải kể đến câu: “Chúng ta là tấm gương và cũng là khuôn mặt phản chiếu trong đó”. Ông cho rằng sự hiện hữu của vạn vật chẳng qua chỉ là sự tái hiện đã được sắp xếp của thế giới. Giả sử như con người sống giữa các sự vật tự nhiên như cây cỏ, chim muông,... Con người và tự nhiên tác động qua lại với nhau - giống như đang soi mình trong gương. Ảnh cần người mà người cũng cần ảnh - có như thế thì cả hai mới có thể cùng tồn tại được.
Rumi đúng khi cho rằng: ”Chúng ta là tấm gương và cũng là khuôn mặt phản chiếu trong đó”. Chúng ta là người quan sát và là người được quan sát. Không có gì cách biệt giữa chúng ta và sự hiện hữu. Chúng ta là một phần của cái tổng thể, giống như hai tay là một phần của sự thống nhất hữu cơ. Tôi có thể khiến chúng đánh nhau. Tôi có thể khiến chúng thân thiện với nhau, yêu thương và nồng ấm với nhau. Tôi có thể dùng tay này đánh tay kia và làm tổn thương tay kia.
Ngoài khả năng thơ ca, Hakim Sanai còn được hậu thế nhắc tới với tài mưu lược hơn người. Ông đã từng trở thành cố vấn của Quốc vương Bahramshah nước Ghazna trong hành trình chinh phạt Ấn Độ. Thế nhưng, sau khi gặp gỡ học giả Lai-Khur, ông đã nhận ra cả mình và Quốc vương đều đã bị mờ mắt bởi cuộc chinh phạt đẫm máu này. Hakim Sanai không thể bước chung trên một con đường với Quốc vương: Quốc vương thì tham vọng và muốn chinh phạt thế giới, trong khi Sanai thì khiêm nhường và giản dị. Sanai đã được giác ngộ. Ông chia tay Quốc vương và lên đường đến Mecca - trung tâm của Hồi giáo - nhằm tìm kiếm chân lý cho riêng mình. Không ai có thể giữ ông lại, bởi lẽ ông đã được tự do .
Ông ấy rời khỏi vua Bahramshah và lên đường hành hương đến Mecca. Vua Bahramshah chưa sẵn sàng để cho ông ấy ra đi và tìm mọi cách ngăn cản: nhà vua thậm chí còn muốn gả em gái mình và trao nửa vương quốc cho Hakim Sanai. Nhưng giờ đây, tất cả đều vô nghĩa. Hakim Sanai chỉ cười nói: “Thần không còn là kẻ mua lòa. Tạ ơn bệ hạ nhưng thần đã xong. Người điên này đã kết thúc thần chỉ bằng một cú đánh, một cú đánh duy nhất”. Và ông ấy lên đường hành hương đến Mecca. Vì sao ư? Về sau, khi được hỏi, ông ấy đáp: “Chỉ để lĩnh hội, chỉ để tiêu hóa những gì người điên kia đã trao cho tôi quá đột ngột. Nó thật quá sức! Nó quá choáng ngợp! Ta cảm thấy choáng váng; nó cần phải được tiêu hóa. Ông ấy đã trao cho ta nhiều hơn mức mà ta xứng đáng có được”.
Kabir là một nhà thơ tài năng sống ở Ấn Độ vào thế kỷ 15. Ông không chỉ nổi tiếng với những vần thơ mê hoặc người đọc mà còn nổi tiếng về đời sống giản dị. Tuy tuổi đã cao - đến mức các môn sinh muốn chăm sóc ông - nhưng ông vẫn chăm chỉ ngày ngày dệt vải. Ông là một người quá đỗi bình thường, không khát khao danh vọng hay tiền tài. Người ta có thể dễ dàng trông thấy những nhân vật đình đám trong xã hội, nhưng những người bình thường thì khó có thể được nhận ra. Kabir hay tự nhận mình là kẻ ngu dốt. Nói đúng hơn, tâm hồn ông luôn trong sáng như một đứa trẻ, và đó chính là suối nguồn bất tận cho những bài thơ của ông.
Ta nên tiếp tục công việc mà Thượng đế muốn ta làm. Ta không muốn trở thành ai khác. Hãy để ta làm những gì ta đang làm, những gì Thượng đế muốn ta làm. Nếu Thượng đế muốn ta là người dệt vải, đó là lý do vì sao ta là người dệt vải. Ta được sinh ra là người dệt vải và sẽ chết như một người dệt vải.
6. Lời kết:
Trò chuyện với vĩ nhân đã tập hợp những câu chuyện đầy ý nghĩa trong cuộc đời của những bậc hiền nhân được cả thế giới kính phục. Dẫu là một cuốn sách mang tính triết lý nhưng tác phẩm không hề khô khan, trái lại còn mang đến sự hứng khởi và tò mò cho người đọc. Từng câu chuyện, kèm theo những câu nói bất hủ, tất cả đều khiến độc giả như được trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy những bậc vĩ nhân thay vì chỉ đọc về họ qua những con chữ. Chúng ta như được bước vào thế giới tâm tưởng của những người được lưu danh và cảm nhận hơi thở của thời đại mà họ đang sống. Bầu không khí đặc biệt này chính là món quà độc đáo mà Osho mang lại cho độc giả.
Review bởi: Thanh An Nguyễn - Hình ảnh: Cẩm Vân Nguyễn