Chiều 16/1, Lễ hội Tết Việt tại TPHCM chính thức khai mạc tại Nhà văn hóa Thanh niên. Đường mai và phố ông đồ chính thức mở cửa đón khách với không gian được trang trí bởi nhiều gian hàng, tiểu cảnh đặc trưng của vùng Nam bộ.
Theo ban tổ chức, khuôn viên của Lễ hội Tết Việt được trang trí bởi 120 gốc mai vàng, phân bố dọc đường Phạm Ngọc Thạch và sân 4A (Nhà văn hóa Thanh niên).
Ngoài các không gian đường mai được bố trí như mọi năm, năm nay tại gốc mai lớn, có thêm hệ thống sân khấu nhỏ để du khách đến đây theo nhóm có thể dễ sắp xếp vị trí đứng chụp ảnh.
Ông Nguyễn Hồng Phúc - Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM cho biết, mỗi năm NVH sẽ cố gắng tạo ra một không gian mới mẻ hơn nhưng vẫn giữ một giá trị cốt lõi là tái hiện lại các làng nghề, tái hiện lại các cảnh đẹp của các vùng quê Nam Bộ.
"Vẫn là làng nghề, vẫn là đường mai, phố ông đồ, nhưng ban tổ chức sẽ phát triển nó tốt hơn, mới mẻ hơn, nhiều sắc thái hơn. Năm nay mời nhiều nghệ nhân tham gia vào các hoạt động làng nghề như nặn tò he, nghệ nhân làm bánh lá dừa, hoa xếp giấy, lồng đèn, ngoài ra còn một số gian hàng bán ẩm thực, đồ uống, khu trưng bày áo dài, bán đồ lưu niệm...", ông Nguyễn Hồng Phúc chia sẻ.
Nhóm bạn trẻ hào hứng, diện cho mình những bộ trang phục lộng lẫy, đậm sắc Xuân để xuống đường hoa mai vui chơi, chụp ảnh và check-in.
Ngoài phố ông đồ, 120 gốc mai chính là điểm nhấn thu hút nhiều người tới chụp hình, check-in nhất trong không gian Lễ hội Tết Việt.
Các tiểu cảnh phố đèn lồng được nhiều bạn trẻ yêu thích, tìm tới chụp hình. Hàng trăm chiếc đèn lồng màu đỏ, đủ kích cỡ được ban tổ chức đặt làm và mang từ phố cổ Hội An, treo trên những khung tre ở lễ hội.
Không chỉ giới trẻ, người lớn tuổi, trẻ em cũng được các gia đình cho diện áo dài xuống phố vui chơi, chụp ảnh ở phố ông đồ, đường hoa mai.
Một gian hàng bày bán các mô hình linh vật hổ được cắt, xếp bằng giấy đẹp mắt ngay bên trong không gian của Lễ hội Tết Việt.
Chị Ngọc Trinh, nhân viên gian hàng từ các mô hình giấy cho biết, những sản phẩm này được các nghệ nhân làm hoàn toàn thủ công bằng tay. Có giá bán từ 60.000 đồng đến 900.000 đồng/sản phẩm, tùy vào từng mô hình.
"Các loại mô hình này được làm hoàn toàn bằng giấy, cắt dán tay, đặc biệt năm nay linh vật là hổ nên chúng tôi ưu tiên làm nhiều mô hình hổ, ngoài ra còn một số mô hình như ông địa, thần tài,... cũng được bày bán dịp này", chị Ngọc Trinh nói.
Gian hàng áo dài đủ loại màu sắc, mẫu mã, được bày bán và cho khách tham quan thuê để chụp ảnh.
Tò he, một trong những nét văn hóa dân gian đặc trưng của Việt Nam được các nghệ nhân nặn và trưng bày tại không gian lễ hội.
Lễ hội cũng có một không gian ẩm thực ngày Tết riêng, những loại thức uống hợp với người trẻ nhưng lại được thưởng thức bên những ụ rơm, chõng tre, bàn tre... được ban tổ chức sắp xếp trong không gian lễ hội.
"Hiện dịch bệnh đã ổn hơn, hy vọng năm nay công việc buôn bán sẽ thuận lợi, có nhiều du khách tới tham quan hơn. Năm nay cũng muốn đổi mới nên chúng tôi đã chuẩn bị mới nhiều loại thức uống nhằm thu hút thêm khách hàng", anh Cao Bá Lâm - nhân viên một gian hàng thức uống tại đây cho hay.
Các hoạt động sẽ kéo dài trong 15 ngày từ 19h tối 16/1 tới 12h ngày 29 Tết (tức 31/1/2022). Phục vụ người dân từ 7h sáng tới 22h tối, ngoài ra, chương trình vẫn duy trì các không gian vui chơi, chụp hình cho đến hết mùng 5 Tết.